Tin tức Đa Chiều
Thế Giới

Nợ quốc gia Hoa Kỳ: Tảng đá chắn ngang kế hoạch kinh tế ‘Đại nhảy vọt’ của TT Biden

Nhà kinh tế học và tác giả cuốn “Cạm bẫy của Trung Quốc” He Qinglian (Hà Thanh Liên) đã có bài bình luận về các chính sách về kinh tế của tân tổng thống Joe Biden và so sánh với cuộc cải cách kinh tế tai tiếng “Đại nhảy vọt” của Mao Trạch Đông ở Trung Quốc những năm 1950, dẫn đến khoảng 40 triệu người chết đói. Dưới đây là tóm tắt bài phân tích của bà.

Trong 40 năm sự nghiệp chính trị của mình, ông Joe Biden có vẻ là một người đàn ông lịch thiệp. Tuy nhiên, trong vòng ba tháng đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông đã đề ra một kế hoạch tốn kém và mang tính cách mạng.

Ông ban hành gần 60 lệnh hành pháp để hiện thực hóa nhiều “giấc mơ” mà đảng Dân chủ đã ấp ủ từ lâu, như đa dạng [hóa] giới tính, hợp pháp hóa cần sa, chương trình năng lượng xanh, mở cửa biên giới cho người nhập cư bất hợp pháp và bồi thường cho người Mỹ da đen. Ngoài ra, ông còn đưa ra ba các kế hoạch kích thích kinh tế khổng lồ với tổng trị giá hơn 6 nghìn tỷ đô-la.

Trở lại cuối những năm 1950, Mao Trạch Đông đã khởi xướng chiến dịch “Đại nhảy vọt” ở Trung Quốc, ra lệnh cho cả nước tiến tới xã hội cộng sản hiện đại. Theo tác giả, chính quyền Biden hiện đã chứng minh một bước tiến tương tự, và thậm chí gói kích thích kinh tế trị giá 767 tỷ đô-la của Trung Quốc năm 2009 cũng sẽ trở nên nhạt nhòa khi so sánh với kế hoạch của ông Biden.

Xây dựng cơ sở hạ tầng và định hình lại nền kinh tế

Biden đã quảng cáo kế hoạch kích thích [kinh tế] của mình là “khoản đầu tư có một không hai ở Mỹ” bao gồm ba dự án.

Đầu tiên là Kế hoạch Giải cứu Người Mỹ trị giá 1,9 nghìn tỷ đô-la, phần lớn số tiền sẽ được chuyển đến các bang do Đảng Dân chủ kiểm soát.

Thứ hai là Kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 2,3 nghìn tỷ đô-la trong 8 năm tới, tập trung vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng cũ như đường bộ, đường sắt, đường cao tốc, cầu cảng, đồng thời bổ sung thiết bị mạng.

Thứ ba là khoản đầu tư trị giá 174 tỷ USD vào thị trường xe điện.

Ngoài ra, ông Biden sẽ đưa ra một đề xuất kinh tế bổ sung vào tháng 4, nhằm bổ sung thêm 2 nghìn tỷ đô-la cho các gói kích thích kinh tế này.

Vậy, tiền sẽ đến từ đâu? Theo bà Thanh Liên, cách tiếp cận của ông Biden rất đơn giản: Tăng thuế doanh nghiệp để tài trợ cho các khoản chi tiêu do chính phủ đề xuất.

Giống như các chính phủ cánh tả trên khắp thế giới, Đảng Dân chủ nắm quyền tự do tiêu tiền và phân chia miếng bánh [về lợi ích], nhưng họ hiếm khi nghĩ về nguồn tiền sẽ đến từ đâu. Tác giả lập luận, chính quyền sẽ lấy tiền từ ba nguồn sau: tăng thuế, in tiền và gánh nợ.

Cộng đồng doanh nghiệp tức giận vì tăng thuế

Theo nhiều báo cáo trên các phương tiện truyền thông, ông Biden đã đề xuất tăng thuế suất doanh nghiệp từ 21% lên 28% trong thời hạn 15 năm. Ngoài ra, ông cũng kết thúc các lỗ hổng [luật pháp] trong việc tránh thuế đa quốc gia bằng cách tăng mức thuế tối thiểu toàn cầu.

Các đảng viên Đảng Dân chủ cấp tiến rất vui mừng với kế hoạch này của ông Biden. Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez ca ngợi kế hoạch kích thích kinh tế của Biden là một khởi đầu tốt, đồng thời nói thêm rằng “chúng ta cần phải đi xa hơn nữa”.

Tuy nhiên, phe Cộng hòa lại không hài lòng. Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell và những người khác đã bày tỏ sự phản đối [với kế hoạch tăng thuế của ông Biden]. Các công ty đa quốc gia đã hoàn toàn ủng hộ chiến dịch tranh cử tổng thống của Biden, bao gồm Phòng Thương mại Hoa Kỳ hiện đang sẵn sàng ra mắt vận động hành lang mạnh mẽ nhằm chống lại dự luật về thuế của ông Biden.

Tờ Washington Post vốn luôn ủng hộ ông Biden và Đảng Dân chủ, đã xuất bản một bài báo vào ngày 1/4 với tiêu đề “Đảng Dân chủ, Đảng Cộng hòa và các doanh nghiệp chống lại các đợt tăng thuế do ông Biden đề xuất”.

Một bài báo xuất bản ngày 31/3 trên Bloomberg cũng liệt kê nhiều tiếng nói phản đối đề xuất tăng thuế của ông Biden.

In tiền và phát hành trái phiếu

Do đại dịch COVID-19, năm 2020, nhiều quốc gia trên thế giới đã phải in tiền và vay mượn để có thể vượt qua thời kỳ khó khăn. Tại Hoa Kỳ, Cục Dự trữ Liên bang đã in 3 nghìn tỷ đô-la. Theo dữ liệu do Cục Dự trữ Liên bang công bố, mức tăng tiền tệ ở Mỹ năm 2020 là khoảng 11 nghìn tỷ đô-la. Trong đó, số tiền mới in chiếm 34% tổng số tiền của Hoa Kỳ.

Hiện tại, Tổng thống Biden muốn khởi động một kế hoạch kích thích kinh tế lớn hơn bất kỳ kế hoạch nào trong lịch sử Hoa Kỳ. Nó sẽ yêu cầu tổng cộng 6,2 nghìn tỷ đô-la (cộng ba chương trình: 1,9 nghìn tỷ đô-la + 2,3 nghìn tỷ đô-la + 2 nghìn tỷ đô-la).

Theo tác giả, bởi vì chính phủ Mỹ phải dựa vào việc in và vay tiền, nên đồng đô-la Mỹ chắc chắn sẽ mất giá. Và bởi việc in tiền chắc chắn có rủi ro nên chính phủ Mỹ phải nghĩ đến việc phát hành trái phiếu kho bạc.

Theo định nghĩa, nợ quốc gia là khoản nợ do Bộ Tài chính Hoa Kỳ thay mặt chính phủ liên bang phát hành. Nó được chia thành hai loại: trái phiếu do nội bộ chính phủ nắm giữ và trái phiếu do công chúng nắm giữ.

Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Hoa Kỳ, các chính phủ nước ngoài nắm giữ khoảng 1/3 số nợ công của Mỹ, phần còn lại thuộc sở hữu của các ngân hàng và nhà đầu tư Hoa Kỳ, Cục Dự trữ Liên bang, chính quyền tiểu bang và địa phương, quỹ tương hỗ, quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm, và trái phiếu tiết kiệm.

Trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ trở nên kém hấp dẫn hơn

Tính đến ngày 1/3, nợ quốc gia của Hoa Kỳ đã vượt quá 28 nghìn tỷ USD, cao hơn khoảng 30% so với GDP của nước này. Trung bình, khoản nợ của mỗi gia đình Mỹ là khoảng 280.000 USD và bình quân đầu người là khoảng 85.000 USD.

Đồng hồ Nợ Quốc gia trên Đại lộ Sixth ở Manhattan, New York, cung cấp thông tin cập nhật theo thời gian thực về quy mô tổng số nợ quốc gia của Hoa Kỳ. Theo dõi chiếc đồng hồ này, người dân địa phương cũng có thể dễ dàng biết được tình hình.

Một số chuyên gia ước tính rằng sau nhiệm kỳ 4 năm của Biden, nợ quốc gia sẽ tăng thêm ít nhất 7 nghìn tỷ USD, vượt quá khoản nợ 5 nghìn tỷ USD mà chính quyền Obama “để lại”.

Tác giả nhận định, độ hấp dẫn của việc sở hữu trái phiếu Hoa Kỳ đã giảm sút. Theo một báo cáo do Bộ Tài chính Hoa Kỳ công bố vào ngày 16/2, trong 33 tháng qua, hoạt động bán ròng nợ Hoa Kỳ của các ngân hàng trung ương nước ngoài trong 25 tháng và mức bán tháo đạt xấp xỉ 1 nghìn tỷ USD – đây là con số [thấp] kỷ lục. Đồng thời, 29 chính phủ nước ngoài sở hữu nợ quốc gia của Hoa Kỳ, bao gồm Nhật Bản, Đức, Ấn Độ, Nga, Anh, Pháp và Canada, đã giảm mức nắm giữ [trái phiếu Hoa Kỳ] ở các mức độ khác nhau.

Để giải quyết những vấn đề này, Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết vào ngày 23/2 rằng mặc dù thị trường trái phiếu kỳ hạn 100 năm là “rất nhỏ”, nhưng đó vẫn là điều mà Bộ Ngân khố “có thể xem xét”. Bà thậm chí còn đề xuất rằng nên thay thế các số liệu truyền thống để đánh giá mức nợ, như tỷ lệ nợ trên GDP, bằng “số liệu quan trọng hơn” như tiền lãi trả cho nợ liên bang tính theo tỷ trọng GDP.

Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Hoa Kỳ luôn là tham chiếu định giá cho các loại tài sản rủi ro toàn cầu. Ngay cả những người tin rằng rủi ro toàn cầu hóa là rất thấp cũng coi lợi tức kho bạc cao là nguy cơ lớn nhất trong toàn cầu hóa.

Thật không may, trong những tháng gần đây, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Hoa Kỳ tiếp tục tăng – tương đương với việc Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất – và đạt mức cao nhất là 1,7% vào cuối tháng Ba. Trong khi đó, mức giới hạn do hầu hết các nhà thẩm định tài sản Hoa Kỳ đặt ra là 1,5%.

Trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ đã bước vào chu kỳ nội bộ

Dữ liệu cho thấy trái phiếu Mỹ hiện kém hấp dẫn hơn đối với người mua nước ngoài.

Tổng số nợ hiện tại trên bảng cân đối kế toán của Cục Dự trữ Liên bang là 7,34 nghìn tỷ USD; nhưng tính đến ngày 16/12/2020, tỷ lệ nắm giữ nợ của Cục Dự trữ Liên bang đối với Mỹ (ngoại trừ trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán thế chấp MBS) là 4,66 nghìn tỷ USD. Điều này nghĩa là Cục Dự trữ Liên bang nắm giữ nhiều trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ hơn tổng lượng nắm giữ của các chính phủ nước ngoài. Tác giả cho rằng, các kho bạc Hoa Kỳ đã bước vào chế độ “lưu thông nội bộ và nợ nội bộ”. Nói cách khác, Hoa Kỳ đang đánh mất người mua nước ngoài đối với trái phiếu kho bạc.

Trong quá khứ, việc mua trái phiếu Hoa Kỳ trên toàn cầu đã từng chiếm ưu thế, điều này giúp giảm bớt áp lực lạm phát ở Hoa Kỳ. Sự gia tăng lưu hành nội bộ trái phiếu kho bạc Mỹ chắc chắn sẽ khiến người ta đặt câu hỏi rằng, liệu tình trạng thị trường tài chính Mỹ có phải đang dần suy yếu, và quyền bá chủ của đồng đô-la có thể tồn tại được bao lâu?

Khi phát động “Đại nhảy vọt”, Mao Trạch Đông đã đề cao tinh thần “người có gan lớn bao nhiêu, đất có sản lượng bấy nhiêu”.

Bà Thanh Liên nhận định rằng, Đảng Dân chủ cấp tiến cũng có tinh thần táo bạo này. Họ không ngần ngại chi nhiều tiền hơn, như thể một khi Quốc hội thông qua dự luật, tiền sẽ đến ngay [lập tức].

Đối với kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 6,2 nghìn tỷ đô la của ông Biden, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và những người khác đang tập trung vào các thủ tục, cố gắng tìm cách phân chia dự án lớn thành các dự án nhỏ hơn và thành các giai đoạn để tạo điều kiện cho giải ngân. Nhưng họ chưa nghĩ đến những khó khăn mà Bộ trưởng Ngân khố Yellen sẽ gặp phải khi huy động nguồn tiền.

Dưới áp lực nợ ngày càng tăng, sẽ là thách thức đối với Hoa Kỳ trong việc lôi kéo người nước ngoài mua trái phiếu kho bạc của Mỹ. Nếu người mua nước ngoài không tái gia nhập thị trường trên quy mô lớn, đảng Dân chủ sẽ phải đối phó với nạn lạm phát và sự mất giá của đồng nội tệ Mỹ.

Tóm lại, mục tiêu của ông Biden rất tham vọng, và mong muốn chi tiền của những người theo Đảng Dân chủ cấp tiến thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Nhưng họ đã hoàn toàn sai lầm khi cho rằng Đảng Cộng hòa đang cản đường ông Biden hiện thực hóa giấc mơ “có một không hai” của ông.

Trên thực tế, rào cản cho “giấc mơ” của ông Biden không phải là đảng Cộng hòa cũng như giới doanh nhân từng ủng hộ ông mà nay phản đối việc tăng thuế. Tảng đá chắn đường ông và đảng Dân chủ chính là món nợ quốc gia chưa từng có. Tác giả nhận định, kế hoạch kích thích kinh tế khổng lồ của ông chắc chắn là một canh bạc [trong tình hình hiện nay của Hoa Kỳ].

Bà Hà Thanh Liên là một tác giả và nhà kinh tế học nổi tiếng của Trung Quốc hiện đang làm việc tại Hoa Kỳ. Bà là tác giả cuốn “Cạm bẫy của Trung Quốc”, liên quan đến tham nhũng trong cải cách kinh tế Trung Quốc những năm 1990 và “Sương mù kiểm duyệt: Kiểm soát truyền thông ở Trung Quốc”, đề cập đến việc Đảng Cộng sản Trung Quốc thao túng và hạn chế báo chí. Bà thường xuyên viết về các vấn đề kinh tế và xã hội đương đại của Trung Quốc.

Related posts

“Vươn vòi” tới tận sân sau của Mỹ: Trung Quốc nắm giữ những cám dỗ khó cưỡng với nhiều quốc gia

Tin Tức Đa Chiều

Trung Quốc đang tìm cách lấp khoảng trống ở Afghanistan

Cuba: Căng thẳng bao trùm, ít nhất 100 người biểu tình, nhà hoạt động, nhà báo bị bắt giữ

Leave a Comment