Tin tức Đa Chiều
Thế Giới Tiêu Điểm

“Vươn vòi” tới tận sân sau của Mỹ: Trung Quốc nắm giữ những cám dỗ khó cưỡng với nhiều quốc gia

Trung Quốc đang thúc đẩy lợi ích của mình trong khu vực vốn được coi là “sân sau” của Mỹ và mở rộng tầm ảnh hưởng tại vùng này.

Một trong những báo cáo toàn diện nhất về chủ đề này đã được viết bởi R. Evan Ellis, giáo sư về Mỹ Latinh Học tại Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Đại học Chiến tranh Lục quân Mỹ (U.S. Army War College).

Theo ông, Covid-19 đã kéo lùi kinh tế ở một số quốc gia trong khu vực. Vì vậy, giờ đây có nhiều khả năng họ sẽ đồng ý với một số dự án của Trung Quốc mà trước đây họ đã từ chối.

Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Mỹ Latinh

Theo thống kê, một số quốc gia Mỹ Latinh ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 ở mức cao đáng kinh ngạc. Quốc gia có tỷ lệ tử vong hàng ngày do Covid-19 cao nhất thế giới hiện nay là Paraguay, với số ca tử vong trên đầu người cao gấp 19 lần so với Mỹ. Với 50 triệu dân, Colombia ghi nhận khoảng 4.200 ca tử vong do dịch bệnh trong tuần qua, nhiều hơn khoảng 50% so với toàn bộ châu Phi. Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO), chỉ gần 1/10 người ở Mỹ Latin đã được chủng ngừa.

Các nước Mỹ Latinh đã tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. BRI tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài. Hiện sáng kiến này đã thu hút sự tham gia của hơn 70 quốc gia trên thế giới.

David Dollar, một thành viên cấp cao tại Viện Brookings có trụ sở tại Washington, Mỹ, cho biết BRI đang gây tranh cãi ở phương Tây do thiếu sự minh bạch. Chính điều này đã gây khó khăn cho việc tiếp cận thông tin đáng tin cậy về tài chính của sáng kiến cũng như về các dự án cụ thể và các điều khoản của chúng.

Theo Hội đồng Đại Tây Dương (​Atlantic Council) có trụ sở tại Washington, Mỹ, Panama là quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên chính thức chấp thuận BRI vào tháng 11/2017, chỉ 5 tháng sau khi Panama quay lưng với Đài Loan và chuyển sang thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Trong 2 năm tới, 18 trong số 33 quốc gia trong khu vực sẽ tham gia BRI.

Argentina, Brazil, Colombia và Mexico – bốn nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, chiếm gần 70% GDP – đã theo sát sáng kiến này, nhưng vẫn chưa ký kết gì ở thời điểm hiện tại. Dự kiến, họ sẽ tham gia BRI trong tương lai gần.

Đối với nhiều chính phủ và công ty Mỹ Latinh, BRI mang lại cơ hội mở rộng khả năng tiếp cận với Trung Quốc, một thị trường xuất khẩu ngày càng phát triển và một nguồn tài chính dồi dào từ bên ngoài.

Canh bạc ít rủi ro?

Trong 20 năm qua, thương mại song phương đã tăng 25 lần, từ 12 tỷ USD năm 1999 lên 306 tỷ USD năm 2018, đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ Latinh, sau Mỹ.

Từ năm 2005, Bắc Kinh đã cho các nước Mỹ Latinh vay hơn 141 tỷ USD. Chỉ trong vài năm, các khoản vay từ các ngân hàng Trung Quốc đã vượt quá tổng số các cam kết cho vay của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ và Ngân hàng Phát triển Mỹ Latinh.

Trung Quốc cũng đang trở thành nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng quan trọng đối với khu vực, đặc biệt là thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A).

Nhưng BRI vẫn chưa thúc đẩy sự gia tăng rõ rệt của các hoạt động thương mại của Trung Quốc ở Mỹ Latinh.

Trung Quốc ít tích cực hơn trong việc thúc đẩy BRI ở Tây Bán cầu so với ở các khu vực khác. Sáu hành lang kinh tế BRI xuyên Á-Âu vẫn được ưu tiên hàng đầu trên toàn cầu.

Có những lo ngại rằng BRI có thể gây ra các cuộc đối đầu với Mỹ, đồng minh lâu đời và đối tác thương mại quan trọng nhất của Mỹ Latinh. Mỹ cũng là nước đã liên tục cảnh báo về “chính sách ngoại giao bẫy nợ” của BRI.

Những lợi ích tức thì liên quan đến BRI vẫn chưa được nhìn thấy. Tuy nhiên, hầu hết các nước Mỹ Latinh và Caribe có xu hướng phản ứng một cách trung lập hoặc ủng hộ sáng kiến này.

Về mặt rủi ro, nhiều người cho rằng chỉ riêng khoản cho vay của Trung Quốc là không đủ để gây ra các vấn đề nợ hệ thống ở hầu hết các nền kinh tế Mỹ Latinh. Do đó, đối với họ, BRI dường như là một canh bạc ít rủi ro cho tăng trưởng kinh tế cao hơn và hợp tác quốc tế nhiều hơn.

Âm thầm củng cố quan hệ với Uruguay?

Ở Mỹ Latinh, Trung Quốc dường như có mối quan hệ tích cực và mang tính xây dựng nhất với Uruguay, một trong những quốc gia nhỏ nhất trong khu vực.

Mối quan hệ Trung Quốc – Uruguay được định hình bởi hai nhân vật chủ chốt: Đại sứ Trung Quốc tại Uruguay, Wang Gang và Đại sứ Uruguay tại Trung Quốc, Juan Fernando Lugris Rodríguez.

Theo giáo sư Ellis, các nhà quan sát nhìn chung coi Wang là nhân vật có tác phong làm việc ít gây ồn ào và chú trọng vào hiệu quả. Vị đại sứ này đã âm thầm làm việc với các tổ chức của Uruguay, tạo điều kiện cho Trung Quốc hỗ trợ Uruguay một cách đáng kể trong đại dịch Covid-19. Ông rất nhạy cảm với sự ngờ vực mà nhiều người ở Uruguay dành cho Trung Quốc.

Các thương vụ vũ khí với Venezuela

Trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng đã thực hiện các thương vụ vũ khí với nhiều quốc gia Caribe và Mỹ Latinh. Các loại vũ khí được bán bao gồm pháo tự hành, xe bọc thép, bệ phóng tên lửa, trực thăng và máy bay chiến đấu.

Theo cuốn sách “Mỹ Latinh và Những gã khổng lồ châu Á” của giáo sư Ellis xuất bản năm 2016 về mối quan hệ đang phát triển của Mỹ Latinh với Trung Quốc và Ấn Độ, Venezuela là quốc gia đầu tiên trong khu vực mua các hệ thống quân sự tinh vi của Trung Quốc năm 2005.

Chỉ vài năm sau, Trung Quốc bắt đầu bán vũ khí cho Bolivia, quốc gia trước đó đã được Trung Quốc tặng súng trường và vũ khí phòng không. Bắc Kinh cũng cung cấp vũ khí cho Ecuador. Những bước đi này nằm trong một chính sách được cho là nhằm hỗ trợ Venezuela và các chế độ xã hội chủ nghĩa hoặc dân túy cánh tả. Họ đã tập hợp lại với nhau, thành lập một liên minh chống Mỹ, gọi là “Liên minh Bolivar cho các dân tộc châu Mỹ” (ALBA).

Trong những năm gần đây, doanh số bán vũ khí của Trung Quốc không chỉ nằm ở 3 quốc gia này mà còn mở rộng ra khắp khu vực.

Vài thập kỷ trước, Mỹ là nhà cung cấp vũ khí chính cho các chế độ quân sự ở Mỹ Latinh. Thì nay, Trung Quốc chiếm được lợi thế nhờ việc bán vũ khí với giá thấp và ít ràng buộc.

Mỹ còn có luật cấm bán vũ khí cho một số quốc gia Mỹ Latinh, trong đó có Venezuela.

Về việc bán vũ khí cho Venezuela, giáo sư Ellis cho biết: “Trong hai năm qua, Trung Quốc đã thành công trong việc thay thế người Nga, trở thành nhà cung cấp vũ khí chính của Caracas.”

Trước đó, ông cũng từng lưu ý:”Và Trung Quốc đã đánh bật được các đối thủ cạnh tranh đến từ Nga ở Peru và những nơi khác.”

Theo một bài viết của Allan Nixon đăng trên tờ The Diplomat năm 2016, các thương vụ vũ khí cần được nhìn nhận trong bối cảnh mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là đạt được vị thế và ảnh hưởng với tư cách một cường quốc.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc thường xuyên triển khai lực lượng quân sự tới khu vực Nam Mỹ để tiến hành các cuộc tập trận và thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo.

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vẫn chưa thiết lập các liên minh hoặc đặt nền móng cho các thỏa thuận ở bán cầu này. Tuy nhiên, sách trắng năm 2015 về chiến lược quốc phòng Trung Quốc liệt kê việc bảo vệ các lợi ích thương mại toàn cầu là một sứ mệnh quan trọng của PLA.

Chi phối khả năng kết nối của Mỹ Latinh?

Hiện nay, Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng thông qua các khoản đầu tư vào ngành điện lực ở Mỹ Latinh. Đây là chủ đề được giáo sư Ellis đề cập và được xuất bản gần đây trong Bản tóm tắt về Trung Quốc trên trang web của Quỹ Jamestown có trụ sở tại Washington, Mỹ.

Theo một bài viết gần đây của giáo sư Ellis, các công ty Trung Quốc đã tham gia sản xuất, truyền tải và phân phối điện trên toàn khu vực, mở rộng vị thế của mình trong các hoạt động quyết định “khả năng kết nối” của các nền kinh tế Mỹ Latinh. Ngoài ra, Bắc Kinh còn mở rộng sang xây dựng và vận hành cảng, đường bộ, đường sắt, viễn thông, thương mại điện tử và các cơ sở hạ tầng khác.

Một tuyến đường sắt xuyên lục địa do Trung Quốc hậu thuẫn nhằm kết nối Brazil, trên Bờ Đại Tây Dương, với Peru trên Bờ Thái Bình Dương, đã vấp phải chỉ trích vì dự án này đã không tính đến các quan ngại về môi trường. Tuyến đường sắt dự kiến sẽ đi qua các hệ sinh thái nhạy cảm trong khu vực Amazon.

Ngoài ra, dự án xây dựng tuyến đường cao tốc xuyên lục địa qua Brazil cũng gặp rắc rối do chất lượng xây dựng kém. Theo The World Mind, trang web của Đại học American (American University) chuyên nghiên cứu mối quan hệ với Mỹ Latinh, dự án đường cao tốc được khởi công năm 2006 nhưng không bao giờ được hoàn thành vì các hợp phần của nó không có cấu trúc phù hợp. Một số đoạn đường vẫn bị hư hỏng hoặc trong điều kiện tồi tệ đến mức xe cộ không thể chạy qua được.

Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu năm 2015 do Viện Quản trị Kinh tế Toàn cầu thuộc Đại học Boston điều phối, các hoạt động của Trung Quốc trong các lĩnh vực nông nghiệp ở Mỹ Latinh đã gây ra áp lực nặng nề đối với nguồn cung nước và gia tăng nạn phá rừng và phát thải khí nhà kính. Một số dự án, chẳng hạn như các dự án thủy điện, cũng vấp phải sự phản đối của các nhóm bản địa ở một số nước Mỹ Latinh.

Tin nóng:

Phát hiện 20 hài cốt trên thuyền ở lãnh hải của Anh

Related posts

TT Joe Biden đưa ra ‘quy tắc’ mới: “Tiêm vắc-xin hoặc đeo khẩu trang cho đến khi tiêm”

Khi đang ngồi trên máy bay khiến dân tình thốt lên: Rốt cuộc là thứ gì vậy?

Tin Tức Đa Chiều

4 người thiệt mạng trong cuộc biểu tình ở Washington

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment