Tin tức Đa Chiều
Góc Nhìn

Liên tiếp những vụ tự tử vì tình: Nỗi đau sẽ lớn khi thế giới của ta quá nhỏ

Chỉ một tháng, trong nước đã có hơn ba vụ tự tử vì tình được đưa lên các trang báo mạng. Con số thật sự có thể còn nhiều hơn. Và điều đau lòng hơn cả là nạn nhân đều là những người còn quá trẻ.

Những người trẻ đã quyết định ở lại mãi tuổi 20 của mình, chỉ vì bị phụ bạc, bị ngăn cấm, bế tắc khi không thể đến được với người mình yêu. Các bạn đã dừng lại quá sớm để có thể biết rằng con đường đời sau này vẫn còn những điều tuyệt vời hơn đang chờ.

Và biết đâu, người xứng đáng hơn mà số phận dành cho bạn ở đoạn đường sau, sẽ vì bạn rời đi quá sớm mà phải lẻ bóng một mình.

Hỏi thế gian tình ái là chi?

Trong dòng chảy không ngừng của nhân loại có biết bao đổ vỡ phơi bày, để con người nhận thức được tình cũng chỉ là một cảm xúc ta chẳng thể nắm giữ. Nhưng biết bao người vì chữ tình mà đau thương bi lụy. Cũng lại biết bao người làm nên những áng văn, vần thơ tuyệt tác vì miêu tả được vẻ đẹp của tình.

Tình yêu đẹp vì nó khiến người ta trở nên hoàn thiện hơn khi muốn nắm giữ trái tim người khác. Nhưng cũng bởi ta đã cho và hy sinh nên ta muốn được nhận lại. Thế nên tình yêu chẳng phải là ích kỷ hay sao, lại còn là thứ tình cảm dựa trên điều kiện. Vậy điều kiện chẳng còn, ta chẳng nhận lại đủ thì ta oán hận, bất mãn sao?

Nếu mặt trời cũng lại đòi hỏi muôn loài phải đáp lại ân tình thì mới chiếu sáng, gió đòi hỏi hoa phải hữu tình thì mới thổi phấn đi, mai vì tuyết bớt lạnh thì mới tinh khôi trắng muốt… thế thì thế gian chắc đã chẳng phong lưu được như bây giờ, muôn loài cũng phải chật vật để sinh tồn chứ chẳng thể tính đến chuyện yêu thương, hy sinh cho nhau được nữa.

Yêu có điều kiện thì cũng chẳng phải là cao quý, đậm sâu, chỉ là cho đi và đòi hỏi nhận về, cũng là thứ tình nhỏ bé, vụn vặt, sao ta có thể chết vì nó?

Tình yêu nào cũng vậy, thiếp yêu chàng hay mẹ yêu con, nếu là cái tình của con người thì đều nên xuất phát từ lòng Nhân, bởi “Nhân không gì khác hơn là lòng yêu người” – (Khổng Tử). Lòng Nhân thuận theo Đạo của Đất Trời, hòa tan được mọi ích kỷ nhỏ bé.

Chẳng phải vậy mà Khổng Tử đã dạy, hành Nhân là “khắc kỷ phục lễ”, nghĩa là chế ngự được cái tư dục, mong muốn, dục vọng dựa trên những quan niệm của cá nhân, để thuận theo lễ tiết. Không để cái dục vọng ấy chi phối, gây rối loạn cuộc sống của mình và của người khác.

Khi con người ta còn vì bản thân, còn tìm và sống cho những tư dục của mình thì người ta chẳng những không thể ra khỏi thế giới nhỏ bé của họ để hướng tới người khác, mà chính bản thân họ cũng trở nên băng hoại. Lúc đó, đừng nói tới yêu thương người khác, bởi đó chỉ là cảm giác gần giống với yêu mà thôi, bản chất là sự chiếm đoạt tình cảm một cách ích kỷ.

Thế nên trong tình yêu đôi lứa, ta bớt mong muốn được nhận lại đi, tâm trạng tự nhiên sẽ không nảy sinh bất mãn khi chẳng nhận lại được nhiều. Mọi đau khổ, sầu não đều từ việc mong có được quá nhiều mà thành. Đều từ việc cố định trong tư tưởng rằng người kia cũng phải đối lại với mình như mình đối với họ. Đau khổ, oán hờn đều chẳng phải là yêu, yêu thật sự là sẵn sàng chấp nhận mọi quyết định của người khác nếu điều đó là tốt cho họ.

Yêu người chính là “trung thứ” như Khổng Tử răn dạy. “Trung” là làm hết sức mình, tận cái tình mình dành cho người. “Thứ” là đặt mình vào vị trí người khác để biết điều gì họ thật sự muốn, cũng lại suy từ lòng mình ra để biết cái mình không muốn thì không làm cho người.

Yêu người đến được mức đó, thì sao có thể hận người, hận tình. Yêu được đến mức đó thì người mình yêu thương sẽ không phải là cả thế giới đối với mình. Khi thế giới của bạn rộng rãi, thoáng đạt không giới hạn ở một ái nhân, thì sự ra đi của ai đó sẽ không làm thế giới của bạn sụp đổ.

Ngược lại, khi bạn coi ai đó là thế giới của mình, thì khi cái tình dành cho họ tan vỡ, chẳng phải bạn sẽ thấy cả thế giới trước mắt như sụp đổ rồi sao.

Sao biết được mất mát này không phải là chuyện tốt?

Khi tình yêu của bạn quảng đại, bạn không dễ gục ngã và sẽ luôn nhìn thấy những ngã rẽ cũng sáng láng, huy hoàng khác của cuộc đời.

Xưa Tái Ông mất ngựa, mọi người đều tới an ủi, ông chẳng khóc than, kể lể, mà lại nói rằng: “Sao có thể biết đây không phải là chuyện tốt chứ?”. Quả thật, vài tháng sau ngựa của ông quay về kéo theo một bầy ngựa tốt. Mọi người lại tới chúc mừng, ông lại bảo: “Sao có thể biết đây không phải chuyện xấu chứ?”.

Sau chuyện này, con trai ông rất hay cưỡi ngựa nên chẳng may ngã gãy chân. Mọi người thấy thương cho anh, Tái Ông lại nói: “Sao có thể biết đây không phải là chuyện tốt chứ?”. Một năm sau, người Hồ xâm lược, anh con trai vì bị gãy chân mà không phải đi lính. Bởi vậy mới nói, chuyện tốt xấu chẳng ai có thể khẳng định trước được.

Sự thay đổi của thời cuộc lúc vơi lúc đầy. Cuộc đời ai cũng có lúc được lúc mất. Đứng trước được mất có thể bình tĩnh tự tại, nhìn ra xa để thấy chuyện lúc này thật nhỏ bé, cũng chẳng ổn định, sẽ tới lúc phải xoay vần ngược lại thôi. Giữ được sự tĩnh tại, vững chãi như núi ấy, cũng lại bắt nguồn từ lòng Nhân bao dung chấp nhận được mọi biến cố.

Bởi “bậc quân tử không bao giờ lìa bỏ điều nhân, dẫu chỉ trong một bữa ăn. Người quân tử không bao giờ ở sai điều nhân, dẫu trong lúc vội vàng, khi ngả nghiêng cũng vẫn theo điều nhân” (Luận ngữ, Lý nhân).

Khi bị phản bội đến đau điếng, khi thất vọng đến cùng cực, khi bị cản trở đến phẫn uất… nếu giữ được cái tình không điều kiện, vẫn yêu người, yêu đời không oán than, thì sẽ chẳng bao giờ nghĩ tới việc làm bất Nhân là tự tước đi cái mạng của mình.

Bất Nhân vì chỉ nghĩ đến giải thoát bản thân, bất chấp trách nhiệm với cha mẹ, với Thiên Địa đã cho ta sinh mệnh. Bất Nhân vì chỉ nghĩ tới sẽ trừng phạt người còn ở lại bằng cái chết vô ích của mình. Cuối cùng vì yêu mà trở thành kẻ chà đạp lên tình yêu trong sáng nhất của loài người – lòng Nhân.

Xin mượn ý của Mạnh Tử về làm người tử tế giống như bắn cung để nói lời cuối. Làm người đem lòng đi yêu người cũng giống như việc bắn cung tên vậy, muốn bắn trước tiên phải đứng cho ngay ngắn, vươn thẳng hiên ngang. Khi bắn mà tên không trúng thì chỉ có thể xem lại mình đã sai kỹ thuật ở đâu, phán đoán hướng gió thế nào, chứ nào có thể lại đổ cho cái đích có chân biết chạy.

Lại càng chẳng thể tức giận đập phá cái bia, bẻ gãy cái cung hay ngớ ngẩn hơn là tự dùng tên mà đâm lại chính mình.

Hãy nhớ rằng, không ai là tất cả thế giới của ai khác. Và khi thế giới của bạn càng rộng mở thì sự đổ vỡ sẽ càng trở nên nhỏ bé.

https://www.dkn.tv/

Related posts

Nhiều người khỏi dịch COVID-19 tham gia tình nguyện chống dịch vì không còn gì để ăn

Tin Tức Đa Chiều

Báo Pháp: Bánh mì Việt Nam vừa rẻ vừa ngon – “Kỳ phùng địch thủ” của burger Mỹ?

Tin Tức Đa Chiều

Phát hiện Trung Quốc thử nghiệm thiết bị phát hiện sóng nội gây nguy hiểm cho tàu ngầm ở Biển Đông

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment