Bí Thư Tỉnh Ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho rằng công luận phản ứng “không đúng với bản chất” về vụ đàn chó 15 con và một con mèo bị tiêu hủy tại xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời.
“Dù anh em có xử lý nóng vội thì mục đích chỉ muốn bảo vệ người dân. Tôi yêu cầu chủ tịch huyện Trần Văn Thời xem anh em xử lý như vậy là đúng hay sai, rồi tỉnh xử sự đúng mực”, ông Hải nói.
“Nhiều người nói Cà Mau thế này, thế kia nhưng sự thật không phải vậy. Tỉnh đang lo cho hàng chục ngàn người về quê được ăn uống, cách ly bảo đảm an toàn, trong khi hệ thống y tế của Cà Mau còn yếu”, ông Hải nói thêm với báo Zing.
Trước đó nói với báo đài, ông Trần Tấn Công, chủ tịch huyện Trần Văn Thời, bào chữa: “Động cơ của anh em là phục vụ cho công tác phòng, chống dịch nhưng làm hơi gấp. Qua xét nghiệm, những con chó này dương tính với một loại virus“(?).
Liên quan đến sự việc, nói với báo Zing tối ngày 11 háng Mười, ông Công xác nhận bà Đỗ Kim Chi, trưởng trạm y tế xã Khánh Hưng, bị áp lực lớn sau vụ tiêu hủy đàn chó, mèo và đã xin nghỉ việc.
“Mấy hôm nay, chị trưởng trạm y tế xã Khánh Hưng huyết áp có lúc lên 200. Nhiều người nhắn tin đe dọa nên chị ấy bị áp lực. Huyện đã cử cán bộ đến gặp chị này để động viên”, ông Công cho biết.
Hôm 10 tháng Mười, mạng xã hội xôn xao trước tin đàn chó do vợ chồng ông Phạm Minh Hùng, ở Long An, mang về Cà Mau bằng xe gắn máy đã bị giới hữu trách “tiêu hủy vì sợ lây dịch bệnh”, khiến cho công luận trong nước phẫn nộ, báo đài ngoại quốc loan tin.
Bình luận về sự kiện này, cựu nhà báo Mai Bá Kiếm viết trên trang cá nhân: “Mấy hôm trước, có một Facebooker minh họa clip anh chị Hùng chở 15 con bằng câu: ‘Ở Việt Nam chỉ có chó là không bị bỏ lại phía sau’. Tôi thán phục hàm ý của câu này, ai ngờ 15 con về tới nhà an toàn lại bị xử trảm vô cớ vì ‘dương tính với một loại virus’“.
“Nhớ lại chuyện hủy diệt gia cầm bị nhiễm H5N1 và heo bị nhiễm virus ‘heo tai xanh’ đến giờ tôi vẫn còn rùng mình. Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn chống dịch cực đoan như Bộ Y Tế hiện nay: Nếu có một gia cầm dương tính với H5N1 là chấm compa tại trại đó quay bán kính 1.5 cây số để tiêu hủy hết các trại gà (chưa nhiễm) nằm trong vòng tròn đó”.
“Tôi chứng kiến thú y thuê xe đào hố, ném hàng ngàn con gà xuống hố đổ xăng thiêu sống, tiếng gà kêu và chủ trại khóc dậy trời xanh! Tôi chứng kiến cảnh thiêu sống ‘heo tai xanh’ tại huyện Tân Phú, Đồng Nai (bắt các xe chở heo bị nhiễm từ Lâm Đồng về), heo chạy lên miệng hố như ngọn đuốc sống. Tôi không dám nhìn và năn nỉ đội trưởng thú y chích điện cho nó chết rồi hãy đốt”.
Trong khi đó, ông Hoàng Hải Vân, cựu tổng thư ký báo Thanh Niên, cho rằng: “Chẳng có bằng chứng khoa học hay thực tế nào cho thấy chó, mèo lây cái thứ ‘đại dịch’ này cho người cả”.
“Đối với đông đảo người dân, chó không phải là gia súc. Chó là bạn của con người. Yêu thương những con vật đồng nghĩa với yêu thương tất cả đồng bào, đồng loại mình. Còn tàn bạo đối với những con vật vô tội đang là bạn với con người, ‘lực lượng hữu trách’ kia không thể tin, không thể nhờ cậy được, vì cái ác đối với những con chó vô tội dẫn đến cái ác đối với con người không hề có khoảng cách”.
Còn bà Bạch Mai, cựu nhà báo Phụ Nữ TP.HCM, thảng thốt: “15 chú chó dễ thương, không chê chủ nghèo khó, đã cùng chủ vượt qua chặng đường rất dài để về quê. Và, cuối cùng người ta trấn nước chúng, đập đầu chúng cho chết! Ai đủ ác đức để làm chuyện cướp đi mạng sống của những sinh linh tội nghiệp đó? Sao lại có thể? Đầu óc con người không thể nghĩ ra cách nào để 15 chú chó được sống hay sao, trời?”
“Rất không muốn đọc nữa, không muốn biết tận cùng cách giải quyết bọn không tim, không óc nữa vì đã thấy những dấu hiệu lươn lẹo trong cách giải thích của chính quyền…” nhà thơ Khánh Chi bày tỏ trên trang cá nhân.