Trong bối cảnh cuộc chiến về nguồn gốc đại dịch Covid-19 giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn chưa đi đến hồi kết, các chuyên gia cho rằng, giải pháp tốt nhất là “ngồi chung một thuyền”.
Cả Mỹ và Trung Quốc vẫn đang tranh cãi trong chiến dịch điều tra nguồn gốc của Covid-19, vốn được xác định lần đầu tiên xuất hiện ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào năm 2019.
Cuộc đổ lỗi không hồi kết
Bắc Kinh cho đến nay bác bỏ cáo buộc rằng virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Bắc Kinh đã gọi giả thuyết này là một cuộc tấn công chính trị đồng thời cáo buộc ngược lại chính Mỹ là nguồn cơn gây đại dịch kinh hoàng này.
Vừa qua, New Observer, một ấn phẩm do nhà nước Trung Quốc quản lý, nêu trong báo cáo hồi giữa tuần rằng vào tháng 11/2019, một lô hàng tôm hùm đông lạnh từ bang Maine, Mỹ đã được chuyển đến thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, “và không lâu sau đó thì một số người làm việc ở chợ hải sản Hoa Nam đã bị ốm nặng do căn bệnh phổi kỳ lạ”.
Bài báo cho rằng chuyến hàng từ Maine chính là “hộp Pandora” làm lây lan virus corona mới (SARS-Cov-2), khiến dịch Covid-19 bùng lên tại Trung Quốc, mà Vũ Hán chính là điểm nóng đầu tiên. Đến cuối tháng 1/2020, thành phố này đã phải ban hành lệnh phong tỏa, kéo dài trong 76 ngày.
Trong tháng này, giáo sư Jeffrey Sachs, người đứng đầu Ủy ban về Covid-19 của The Lancet đã giải tán một trong những đội đặc nhiệm thuộc Ủy ban Lancet được thành lập để điều tra nguồn gốc của Covid-19. Giáo sư Sachs cho biết, nguyên nhân đi đến quyết định này là do lo ngại xung đột lợi ích.
Một số thành viên trong nhóm có mối quan hệ với EcoHealth Alliance, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ bị nhiều cá nhân trong giới khoa học và chính giới Mỹ nghi ngờ khi dùng nguồn quỹ tại Mỹ để hợp tác nghiên cứu về virus corona với Viện Virus học Vũ Hán. Chủ tịch của EcoHealth Alliance, Peter Daszak, trước đây là lãnh đạo của lực lượng đặc nhiệm, mặc dù ông đã từ chức vào tháng 6.
“Tôi không muốn một ủy ban điều tra liên quan quá rõ ràng vào một trong những vấn đề chính trong việc tìm kiếm nguồn gốc virus. Tôi muốn tránh bất kỳ sự thiên vị nào có thể xuất hiện”, giáo sư Sachs tuyên bố.
Ông cho biết không ai trong số các thành viên của lực lượng đặc nhiệm này sẽ tham gia khâu thu thập và đánh giá dữ liệu trong báo cáo cuối cùng của ủy ban đề cập đến nguồn gốc của Covid-19.
“Ban Thư ký Lancet sẽ soạn thảo phần này của báo cáo, tiếp cận rộng rãi với các chuyên gia hàng đầu về các vấn đề liên quan”, ông nói và nhấn mạnh, báo cáo sẽ thảo luận về các mối quan tâm về an toàn sinh học.
Biện pháp duy nhất
“Cả hai quốc gia nên bắt tay cùng nhau để thiết lập các tiêu chuẩn an toàn mới cho các phòng thí nghiệm nghiên cứu virus”, ông Sachs nhấn mạnh. Theo ông, Washington không nên chỉ đổ lỗi cho Bắc Kinh và nên thực hiện cách tiếp cận “hợp tác” để điều tra nguồn gốc đại dịch đang tàn phá thế giới hiện nay.
Để chống lại đại dịch Covid-19 đang hoành hành hiện nay và ngăn chặn các đợt bùng phát trong tương lai, ông cho rằng, Mỹ và Trung Quốc cần gạt bỏ những khác biệt và làm việc cùng nhau để thiết lập các tiêu chuẩn an toàn mới cho các phòng thí nghiệm nghiên cứu virus.
Bình luận của ông được đưa ra trong bối cảnh cả Bắc Kinh và Washington trong tháng này đều đưa ra các tuyên bố về sự cần thiết phải giám sát chặt chẽ hơn các phòng thí nghiệm xử lý các mầm bệnh nguy hiểm.
Rõ ràng, những chiến lược trên của Bắc Kinh và Washington cho thấy cả hai nước cùng đi chung trên con đường chống lại các mối đe dọa do dịch bệnh gây ra trong tương lai.
“Mỹ đang tài trợ cho nghiên cứu chung giữa Mỹ và Trung Quốc về virus giống SARS, và vì vậy không nên đổ lỗi hay chỉ trích Trung Quốc mà nên tiếp cận cuộc điều tra theo phương thức hợp tác và với tinh thần trách nhiệm chung trong việc xem xét cẩn trọng các bằng chứng”, ông viết trong một email trả lời câu hỏi về vấn đề này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 29/9 nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh sinh học đối với an ninh quốc gia. Phát biểu tại phiên họp hàng tháng của Bộ Chính trị, ông Tập cho biết cần tăng cường giám sát các phòng thí nghiệm nghiên cứu về các mầm bệnh nguy hiểm nhằm đảm bảo an ninh sinh học.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh, an ninh sinh học là một phần quan trọng của an ninh quốc gia và là lực lượng ảnh hưởng hoặc thậm chí định hình lại thế giới. “An ninh sinh học là một phần quan trọng của nền an ninh chung của đất nước và nó cũng là lực lượng quan trọng mang tầm ảnh hưởng và thậm chí là định hình lại thế giới”, ông Tập nói.
Vào ngày 3/9, Nhà Trắng đã công bố chiến lược để chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với các đại dịch và các mối đe dọa sinh học trong tương lai. Nó bao gồm xây dựng một “kho vũ khí” vắc xin và cải thiện hệ thống giám sát dịch bệnh, cũng như ngăn ngừa các sự cố tai nạn trong phòng thí nghiệm.