Tin tức Đa Chiều
Thế Giới Tiêu Điểm

Chiến lược cảng biển của Trung Quốc khiến Mỹ “ngồi trên đống lửa”: Mạng lưới trải rộng hơn 60 quốc gia

Trong những năm gần đây, Mỹ đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc tiếp quản các cảng biển quan trọng trên Biển Địa Trung Hải.

Đầu tháng 8/2021, một nhân viên của cảng Ninh Ba, Trung Quốc bị phát hiện nhiễm virus Covid-19, nhà chức trách đã từng đình chỉ hoạt động vận hành của cảng này, dẫn đến sự chấn động trong ngành vận tải biển toàn cầu. Sự cố này làm nổi bật sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu và tầm quan trọng của các cảng trong nền kinh tế thế giới ngày nay.

80% thương mại toàn cầu được hoàn thành bằng đường biển và các cảng là đầu mối của giao thông vận tải đường biển. Trung Quốc không chỉ có 7 trong số 10 cảng hàng đầu thế giới tại chính lãnh thổ của họ, Bắc Kinh còn thông qua các doanh nghiệp nhà nước tiến hành đầu tư xây dựng các cảng, hỗ trợ xây dựng hoặc cho thuê ở ít nhất 60 quốc gia.

Nắm các tuyến yết hầu hàng hải

Hải cảng Pireas ở Hy Lạp nằm trong vùng Biển Aegea được mệnh danh là “ngã tư trên biển”, tỏa ra lục địa Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi, theo tiếng Hy Lạp nó có nghĩa là “nơi canh giữ tuyến đường qua lại”. Công ty vận tải biển lớn nhất Trung Quốc China Ocean Transportation Co.,Ltd. (COSCO) đã mua lại quyền quản lý của cảng này vào năm 2016.

Cuối tháng 8/2021, một tòa án Hy Lạp đã chấp thuận việc bán thêm nhiều cổ phần của bến cảng được xem là cánh cửa lớn phía nam châu Âu này cho COSCO. tăng vốn chủ sở hữu của COSCO tại trung tâm Địa Trung Hải quan trọng này từ 51% hiện tại lên 67%.

Một dự án khác được triển khai gần đây của COSCO là Cảng Hamburg, Đức. Các cuộc đàm phán để COSCO mua cổ phần tại cảng lớn nhất ở Đức có thể sẽ sớm được hoàn tất.

Cảng Hamburg, nằm giữa Biển Bắc và Biển Baltic, là một trong những trung tâm ngoại thương quan trọng nhất trên thế giới và là cảng đường sắt lớn nhất ở châu Âu. Trang web chính thức của bến cảng cũng bao gồm phiên bản tiếng Trung, cho biết “cảng đường sắt lớn nhất ở châu Âu đóng một vai trò quan trọng trên Con đường Tơ lụa mới kết nối đến Trung Quốc”.

Angela Titzrath, Giám đốc điều hành của công ty Cổ phần Hậu cần và Cảng Hamburg (HHLA), tiết lộ trong một sự kiện công khai vào trung tuần tháng 8: “Các cuộc đàm phán đang diễn ra tốt đẹp. Tôi nghĩ sẽ sớm có kết quả.”

Có một số lượng lớn các cảng quốc tế mà Trung Quốc đầu tư tại nước ngoài, nhưng không có nền tảng chính thức nào công bố danh sách dự án tổng thể. Theo một bài báo trên trang web chính thức của China Merchants Group, một trong những công ty kinh doanh cảng lớn nhất Trung Quốc cho biết, năm 2000, các cảng ở nước ngoài do các công ty Trung Quốc vận hành chưa đến 10 cảng.

Tuy nhiên, theo thống kê từ các học giả Trung Quốc, tính đến năm 2019, Trung Quốc đã có hơn 101 dự án ở nước ngoài dưới hình thức mua lại, đầu tư, hỗ trợ xây dựng và cho thuê được hoàn thành.

Báo cáo nghiên cứu mang tên “Phân tích dữ liệu về các dự án cảng được Trung Quốc xây dựng ở nước ngoài” qua đó cho biết sức mạnh cảng của Trung Quốc đã “phát triển nhanh chóng” trong hai thập kỷ qua, và các dự án mua lại, đầu tư, xây dựng, hỗ trợ xây dựng và cho thuê của Trung Quốc đã lan rộng khắp sáu châu lục trên thế giới.

Liam Fox, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Thương mại Quốc tế của Vương quốc Anh và Robert Mcfarlane, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ, gần đây là đồng tác giả của một bài báo cho biết, “Ngày nay, Trung Quốc có 96 cảng trên toàn thế giới, trong đó Một số nằm ở các địa điểm then chốt của thương mại hàng hải – và những nơi này cũng bao gồm cả thương mại năng lượng – cho phép Bắc Kinh giành ưu thế chiến lược mà không cần phải sử dụng một binh một tốt, một tàu chiến, cũng có thể dành chiến thắng dễ như trở bàn tay.”

Theo thông tin trên trang web chính thức của COSCO, tính đến tháng 6 năm nay, tập đoàn này đã khai thác và quản lý 357 bến tàu tại 36 cảng trên thế giới, trong đó có 210 bến tàu container. Danh mục phân bố tổ hợp bến tàu bao gồm Đông Nam Á, Trung Đông, châu Âu, châu Nam Mỹ và Địa Trung Hải.

Ngoài ra, China Merchants Group, một nhà đầu tư, vận hành và khai thác phát triển cảng lớn khác ở Trung Quốc, đã hoàn thành việc chuyển giao cổ phần 08 bến tàu chất lượng cao ở châu Âu, Trung Đông và Caribe chỉ trong năm ngoái, mở rộng bố cục triển khai cảng toàn cầu của tập đoàn này sang 27 quốc gia, 68 cảng khẩu.

Thông tin từ trang web chính thức của các công ty cảng Trung Quốc và các thông tin chính thức của phương tiện truyền thông và các kênh công khai khác cho thấy các hoạt động đầu tư như mua lại, xây dựng hoặc cho thuê các bến cảng của Trung Quốc được trải rộng trên ít nhất 63 quốc gia.

Các nhà quan sát chỉ ra rằng cảng biển không chỉ là nơi cập bến của tàu bè, mà còn liên quan trực tiếp đến quyền xuất nhập khẩu, đi lại thương mại của một quốc gia, và một loạt các chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng và kinh tế như đóng tàu, vận tải đường bộ và lưới điện.

Craig Singleton, nhà nghiên cứu tại Quỹ bảo vệ các nền dân chủ (FDD), một tổ chức tư vấn ở Washington, cho rằng, cốt lõi trong chiến lược toàn cầu của Trung Quốc là thiết lập các cảng ở các quốc gia có ý nghĩa địa chiến lược quan trọng, bao gồm các quốc gia có tuyến đường hàng hải trọng yếu đóng vai trò yết hầu trên biển.

VOA dẫn lời Singleton cho biết: “Những kết nối cảng này cho phép Bắc Kinh không chỉ có thể gây ảnh hưởng chính trị ở quốc gia có bến cảng mà hơn nữa, trong nhiều trường hợp, nó còn có thể gây ảnh hưởng chính trị ở các nước láng giềng.”

Khi nước Mỹ bắt đầu trỗi dậy vào nửa sau thế kỷ 19, nhà lý thuyết quân sự nổi tiếng Alfred Thayer Mahan đã đưa ra “lý thuyết sức mạnh biển”, lý thuyết này giải thích một cách có hệ thống về tầm quan trọng của việc kiểm soát đại dương và nhấn mạnh rằng cảng biển là một trong ba trụ cột quyền lực trên biển được cho là có tác động sâu sắc đến cuộc đấu tranh giành quyền bá chủ toàn cầu giữa các cường quốc.

Giáo sư James R. Holmes, một chuyên gia chiến lược và chính sách tại Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ (NWC), trong một cuộc phỏng vấn với VOA cho biết: “Có thể nói chắc chắn, ông ấy (Mahan) hiện nay nổi tiếng ở Trung Quốc hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Trung Quốc là quốc gia có sự tin tưởng nhất với Mahan hiện nay trên toàn cầu”.

Các báo cáo công khai của các quan chức Trung Quốc trong những năm gần đây cho thấy kể từ năm 2013, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gần như mỗi năm đều phải đến thăm một cảng, bao gồm chuyến thăm khảo sát cảng Chu Sơn, Ninh Ba vào tháng 3 năm ngoái, khi dịch bệnh vẫn còn nghiêm trọng và chuyến thăm tới cảng Pireas, Hy Lạp vào năm 2019.

Ấn phẩm tạp chí Cầu Thị của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tiết lộ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từng “đề cập đến dự án Cảng Pireas nhiều lần và rất quan tâm đến tiến độ của dự án này.”

Trong một bài viết giải thích tại sao ông Tập lại coi trọng cảng biển, Cầu Thị giải thích “Cảng biển luôn có sức nặng lớn trong lòng Chủ tịch Tập Cận Bình”.

Năm 2013, lần đầu tiên Trung Quốc vượt Mỹ trở thành quốc gia lớn nhất về thương mại hàng hóa, Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên đề xuất khái niệm chiến lược về “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” trong chuyến thăm các nước thành viên ASEAN cùng năm – theo đó cảng của các nước trên các châu lục khác nhau được kết nối với nhau bằng cách tăng cường xây dựng cảng của các nước dọc theo tuyến đường.

Cảng Gwadar ở Pakistan giáp biển Ả Rập, gần eo biển Hormuz, và được coi là điểm gặp gỡ của Con đường tơ lụa trên biển – đất liền của Trung Quốc. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, dưới sự thúc đẩy của cá nhân ông Tập Cận Bình, Cảng Gwadar đã được đưa vào danh sách dự án hàng đầu trong quá trình hợp tác “Vành đai và Con đường” giữa Trung Quốc-Pakistan vào tháng 02/2014.

Một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ từng chỉ ra rằng Cảng Gwadar ở Pakistan có thể trở thành một phần trong mạng lưới các căn cứ của Hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, hoặc một mắt xích quan trọng trong “Chuỗi Ngọc trai” để Hải quân Trung Quốc xây dựng các căn cứ neo đậu ở nước ngoài.

Vì các cảng thương mại được coi là có tính quan trọng lưỡng dụng của quân sự và dân sự, nên chúng có thể được nâng cấp để phục vụ cho các mục đích quân sự.

Căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc được thành lập tại cảng Djibouti bảo vệ lối vào Biển Đỏ và kênh đào Suez.

Hãng tin AP dẫn lời Đại tướng Stephan Townsend, Tư lệnh Bộ chỉ huy châu Phi của Mỹ, hồi tháng 5/2021 nhận định rằng, Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng một cảng hải quân lớn ở bờ biển phía tây của châu Phi, có thể triển khai làm nơi cập bến cho tàu ngầm hoặc tàu sân bay, và đã tiến hành tiếp xúc, liên hệ với một số quốc gia địa phương.

Chuyên gia quân sự Singleton nhận định, sự bành trướng của Trung Quốc cuối cùng có thể mang lại cho nước này khả năng hạn chế các hoạt động của Hải quân Mỹ trong vùng biển gần các cảng do Trung Quốc kiểm soát. Ông nói: “Nó cũng mang lại cho Trung Quốc khả năng tác động đến phản ứng của Hải quân Mỹ đối với các cuộc khủng hoảng trên thế giới”.

Tập đoàn Cảng Quốc tế Thượng Hải (SIPG) của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ bắt đầu vận hành hoạt động cảng biển lớn nhất của Israel – Cảng Haifa vào tháng 9, với thời hạn thuê lên tới 25 năm.

Trong những năm gần đây, Washington đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về việc Bắc Kinh tiếp quản các cảng quan trọng trên Biển Địa Trung Hải, nơi Hạm đội 6 của Mỹ thường xuyên ghé thăm, đồng thời cảnh báo rằng điều này có thể gây tổn hại đến mối quan hệ an ninh giữa Mỹ và Israel.

Trang tin Axios đưa tin, Giám đốc Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William J. Burns đã nêu lại vấn đề này với Thủ tướng Israel Naftali Bennett trong chuyến thăm Israel mới đây.

VOA dẫn lời, cựu trưởng phòng tình báo của Văn phòng Thủ tướng Israel kiêm sĩ quan hải quân Eyal Pinko nhận định, cảng biển có thể dễ dàng được sử dụng để thu thập thông tin tình báo hải quân: “Bạn có thể theo dõi hành động và thông tin liên lạc của tàu, một khi bạn sở hữu và vận hành địa bàn cảng, những điều này đều rất dễ thực hiện. Bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn. Bạn là người làm chủ ở đó”.

Related posts

Bà Pelosi bênh vực Thống đốc New York Cuomo

Tin Tức Đa Chiều

Căng thẳng Anh – Trung tiếp diễn khi Bắc Kinh không công nhận BNO

Tin Tức Đa Chiều

Quân đội Myanmar giết hại ít nhất 25 người trong cuộc đột kích vào thị trấn

Leave a Comment