Theo như lời của người phát ngôn Không quân Trung Quốc Shen Jinke tuyên bố lực lượng nước này “đã có bước đi mang tính lịch sử vào ngưỡng cửa không quân chiến lược” tại cuộc họp báo của Triển lãm Hàng không Trung Quốc hôm 31/8 tại thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, sau khi quân đội Trung Quốc (PLA) tuyên bố đã sở hữu lực lượng không quân chiến lược sau nhiều năm phát triển, song nhiều chuyên gia không đồng tình với đánh giá này.
Không quân Trung Quốc nói trở thành lực lượng chiến lược
Đại tá Shen nói Trung Quốc đang sở hữu ngày càng nhiều chiến đấu cơ J-20 và Y-20, các tên lửa đất đối không mới sản xuất trong nước, khả năng cảnh báo chiến lược, không kích, phòng không chống tên lửa, đối đầu về thông tin, tác chiến đường không, chuyển giao chiến lược,… không ngừng được nâng cao, “thực thi một cách hiệu quả sứ mệnh và nhiệm vụ trong thời đại mới”.
Ông Shen cho hay Không quân Trung Quốc sẽ đưa ra trưng bày các “thành tựu về thúc đẩy chuyển đổi chiến lược, hướng đến đẳng cấp hàng đầu thế giới”. Quân đội Trung Quốc được cho là sẽ vén màn thế hệ oanh tạc cơ tàng hình mới có khả năng “thay đổi cuộc chơi”, như Xian H-20, tại cuộc triển lãm.
Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), đánh giá của ông Shen Jinke là dấu hiệu cho thấy sự tự đánh giá của Không quân Trung Quốc. Vào 6 năm trước, lực lượng này chỉ mô tả là “trở nên mang tính chiến lược hơn”. Tuy nhiên, khái niệm “chiến lược” đòi hỏi đáp ứng rất nhiều yêu cầu.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã phát triển các loại máy bay quân sự hiện đại, như máy bay ném bom H-6. Hồi tháng 7, nước này cho biết nó đã thử nghiệm một tàu vũ trụ thí nghiệm, đặt nền tảng cho sự phát triển của máy bay không gian siêu thanh có thể tái sử dụng.
Từng bị coi là một lực lượng lạc hậu, được trang bị những chiếc máy bay lỗi thời do các phi công được đào tạo thiếu bài bản, Không quân Trung Quốc đã trải qua quá trình hiện đại hóa đáng kể.
Báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2020 cho rằng Trung Quốc có khoảng 2.000 máy bay chiến đấu và không quân nước này “đang nhanh chóng bắt kịp các lực lượng không quân phương Tây ở một loạt các khả năng và năng lực”.
Chuyên gia Trung Quốc cho rằng quân đội còn thiếu sót
Ridzwan Rahmat, nhà phân tích quốc phòng của ấn phẩm quân sự Janes, đánh giá Trung Quốc còn thiếu những khả năng cốt lõi so với các cường quốc, bao gồm đối thủ hàng đầu hiện nay là Mỹ.
“Trở thành sức mạnh trên không chiến lược cho phép một nước đạt được những kết quả chính trị cụ thể thông qua việc triển khai máy bay của mình,” ông nói. “Để đạt được kết quả như thế, không quân phải có khả năng tiến hành toàn bộ các hoạt động trong chiến tranh hiện đại, bao gồm cả hoạt động của nhóm tấn công tàu sân bay.”
“Đây là khu vực mà Trung Quốc còn thiếu sót. Đơn giản là Trung Quốc không có khả năng tổ chức tấn công dựa trên mẫu hạm, dù họ có sự hiện diện của hai tàu sân bay trong hạm đội,” Rahmat bình luận, bổ sung rằng đối với các nước nhỏ hơn – ví dụ như những láng giềng khu vực Biển Đông – thì lực lượng của Trung Quốc có thể được coi là “chiến lược”.
Chuyên gia quân sự người Trung Quốc Zhou Chenming, nhà nghiên cứu thuộc Viện khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, nhận định không lực của Trung Quốc không thực sự mang tính chiến lược bởi còn thiếu các vận tải cơ và oanh tạc cơ cần thiết trong các chiến dịch tấn công tầm xa.
“Mỹ có máy bay ném bom chiến lược cận âm đường dài B-52 để tấn công các mục tiêu ở những nơi xa, còn Nga có máy bay ném bom chiến lược Tu-95, và máy bay ném bom chiến lược siêu thanh Tu-160,” Zhou nói. “So với họ, Trung Quốc thiếu khả năng tấn công tầm xa – điều cản trở mục tiêu hướng đến lực lượng chiến lược của không quân.”
“Trung Quốc cũng không có vận tải cơ đủ khả năng vận chuyển vòng quanh thế giới, trong khi Mỹ có nhiều loại máy bay vận tải khác nhau, chẳng hạn như C-17 và C-130. ”
Ông Zhou gọi những điểm trên là hai chỉ dấu cốt lõi xác định một lực lượng không quân chiến lược.
Nhà bình luận quân sự Trung Quốc Song Zhongping đồng quan điểm với Zhou Chenming. Ông Song nói Không quân Trung Quốc có khả năng tác chiến tầm gần hơn là tầm xa.
“Định vị của quân đội Trung Quốc chủ yếu vẫn là phòng ngự,” ông nhận xét. “Ngay cả với các máy bay mới được biên chế hàng năm, Bắc Kinh cũng chỉ dùng để bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và các lợi ích.”