Dự thảo Nghị định Xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục mới đây đã có thêm các quy định về phạt tiền đối với cả giáo viên và học sinh khi có vi phạm về xúc phạm nhân phẩm, danh dự, thân thể đối phương…
Chưa nói về việc cần làm rõ các khái niệm thế nào là xúc phạm, mức độ tổn thương, cũng chưa nói về số tiền phạt có hợp lý hay không, cơ quan có thẩm quyền nào phạt… chỉ nói riêng về việc phải dùng tới xử phạt hành chính trong nhà trường, thì đó đã là một sự thất bại của ngành giáo dục ngay từ bước đầu tiên dạy trẻ làm người.
Bởi mục đích của giáo dục là gì? Trước hết là để dạy con người ta thành người tử tế. Vậy mà trong quá trình dạy dỗ đó, phát sinh mâu thuẫn đến mức thầy phải bạo lực với trò, trò chửi bới lại thầy, thì chẳng phải là mọi lễ nghĩa đều trở thành giáo điều, vô nghĩa.
Thầy phải ra thầy
Trong tác phẩm Cổ học tinh hoa có đoạn viết rằng:
“Công Minh Tuyên đến học thầy Tăng Tử, ở nhà thầy ba năm mà ít mấy khi đọc sách.
Thầy Tăng Tử hỏi: ‘Ngươi đến đây đã ba năm nhưng ta ít khi thấy người đọc sách và bàn thảo văn chương như các anh em là tại sao?’. Công Minh Tuyên đáp: ‘Thưa thầy, con vẫn chăm học ở thầy. Thầy lúc nào cũng hiếu thuận với song thân. Thầy ứng tiếp bạn bè cung kính ung dung, rất có lễ độ, kẻ dở người hay ai đều bị thuyết phục. Ở triều đình đối với kẻ dưới bề trên đều nghiêm nghị như nhau, trong lòng nhân từ, không có ý hại ai. Đây là ba điều con mãi đang học nhưng chưa làm tốt được…’”.
Câu chuyện có ý nói rằng, đi học trước tiên là học làm người và người thầy không chỉ là dạy kiến thức, mà còn là tấm gương về nhân cách, đạo đức để học trò noi theo. Thầy có ra thầy thì trò mới ra trò. Xưa nay, dù người trò có ngỗ ngược, bất trị đến đâu thì vẫn luôn kiêng dè phần nào trước người thầy có tấm lòng chân thành và đạo đức cao thượng.
Sách dạy học cho trẻ nhỏ thủa xưa cũng dạy:
“Dưỡng bất giáo, phụ chi quá
Giáo bất nghiêm, sư chi đoạ
Tử bất học, Phi sở nghi
Ấu bất học, Lão hà vi?”…
Nghĩa là nuôi mà không dạy là lỗi của cha, dạy mà không nghiêm là tội của thầy. Con trẻ không học thì không biết lễ nghi, lúc nhỏ không học khi già biết làm gì?
Thế nên trách nhiệm đối với việc có nên người hay không của một con người trước hết là ở bậc cha mẹ rồi đến người thầy. Chỉ khi hai vị đó đã làm hết sức rồi thì bước tiếp theo mới là phụ thuộc vào đứa trẻ có tự nhận thức được việc học hành của mình hay không. Vậy là thầy phải nghiêm trước rồi mới tới trò cần phải lễ sau. Cái nghiêm ở đây không chỉ là nghiêm khắc mà còn là nghiêm chỉnh, thầy phải có phong thái, nhân cách, hành xử cho phải đạo, cho ra dáng người thầy.
Thầy trước hết phải là bậc thượng thiện
Ở trên giảng đường, người thầy chỉ tập trung dạy kiến thức, không coi trọng hình ảnh của mình sẽ ảnh hưởng tới thái độ đối với việc học của học trò ra sao, khiến học trò cảm thấy bị áp lực, bị coi thường, mất niềm tin, chênh vênh và muốn chứng tỏ cái tôi một cách bất cần, thì phản ứng tiêu cực là điều dễ hiểu.
Người thầy phải rộng rãi, khoáng đạt như trời biển thì mới thu nạp, dung hoà, chấp nhận được mọi cái tôi khác biệt của học trò. Muốn thế thì chỉ có thể đặt mình xuống thấp, dùng cái từ bi, cao cả để đối đãi với học trò. Nhất quyết không phải là hạ mình, đánh mất cái uy nghiêm của người thầy, mà là “quý dĩ tiện vi bổn, cao dĩ hạ vi cơ” (quý lấy tiện làm gốc, cao lấy thấp làm nền).
Làm người thầy, mang cái đức của mình truyền lại cho thế hệ mai sau, để cho học trò thấy hình ảnh cụ thể về con người tử tế trong tương lai của mình nên là như thế nào. Thế thì trước tiên người thầy phải trở thành bậc “thượng thiện”, mà “thượng thiện nhược thuỷ, thuỷ thiện lợi vạn vật nhi bất tranh” (bậc thượng thiện giống như nước, nước thì hay làm lợi cho vạn vật mà không tranh). Người thầy mà còn tranh hơn thua với trò, áp đặt, cưỡng chế bằng bạo lực mà thiếu đi tấm lòng chân thành, đặt mình vào vị trí người trò mà suy nghĩ thì sao có thể có được sự ngưỡng mộ, nể vì của người trò.
Thế thì chẳng phải việc phát sinh mâu thuẫn tới mức thù hận phải xúc phạm thân thể và nhân phẩm của nhau là một sự thất bại của người thầy, một sự thất bại của ngành giáo dục rồi sao?
Khi Lễ và Đức không đủ mới phải dùng tới Hình
Thiết nghĩ, hình phạt chỉ có thể mang tính trừng phạt và một chút răn đe đối với những cái sai phạm đã xảy ra. Điều duy nhất có thể trị được cái tâm bất chính, nổi loạn thì chỉ có thể ở việc dạy lễ nghĩa, đạo đức. Thay vì đưa ra các chế tài xử phạt hành chính, sao chúng ta không cùng đề cao và chú trọng việc dạy con trẻ thành người tử tế từ những bậc học thấp nhất. Muốn thế phải có một lớp những người thầy cho ra thầy, người thầy tử tế trước khi làm người thầy giỏi chuyên môn. Và để có những người thầy, có những giáo trình dạy dỗ trẻ nhỏ những điều tử tế nhỏ nhất, vẫn phải là nhiệm vụ của ngành giáo dục và chính các bậc làm cha làm mẹ.
Ngày nay chẳng riêng ngành giáo dục có nhiều bê bối, đạo đức xã hội xuống dốc thể hiện ở mọi lĩnh vực, ngành nghề. Nói riêng cái trách nhiệm của ai thì người ta đều tặc lưỡi cho qua vì nghĩ không phải mình hoặc có mình thì làm nên được sự thay đổi gì to tát đâu. Nhưng nếu không tu từ cái tâm và thân mình trước tiên thì đòi hỏi thay đổi sẽ tự ở đâu mà tới đây?
Người xưa đã đúc kết được rằng muốn thiên hạ chính thì trước hết phải có cái gốc từ chính tâm của ta, rồi cuối cùng sức mạnh lan truyền sẽ càng xa:
“Cái gốc của việc lập đức là trước hết phải chính tâm. Tâm chính là thân chính, thân chính là người tả hữu cũng chính, người tả hữu chính thì triều đình chính, triều đình chính thì nước nhà mới chính, nước nhà chính thì thiên hạ chính. Do đó, thiên hạ bất chính thì phải bắt đầu từ việc trị nước, nước bất chính thì phải trị triều đình, triều đình bất chính thì phải chỉnh đốn văn võ bá quan, quan lại tả hữu bất chính thì phải bắt đầu từ việc tăng cường tư thân tu dưỡng, tự thân bất chính thì phải bắt đầu từ tu tâm. Sự tu càng gần thì sức mạnh lan truyền càng xa. Đại Vũ, Thành Thang thường xuyên cúi mình tự trách, nên hai nhà Hạ Thương nhanh chóng thịnh vượng, sinh khí bừng bừng. Đó chính là nhờ chính tâm” – (Trường Đoản Kinh).
https://www.dkn.tv/