Nợ nần không thể lấp đầy cũng giống như việc điều khiển một chiếc xe ngựa vậy, một khi bạn mất kiểm soát thì rất khó để trở lại đúng đường.
22 tuổi, mới đi làm được 4 tháng, lương thử việc 5 triệu, nợ 20 triệu;
27 tuổi, vay thấu chi, nợ 30 triệu;
Nợ 100 triệu, bị trầm cảm, có người phải nuôi, làm sao để thoát khỏi đáy vực này bây giờ;
Khởi nghiệp thất bại, mắc nợ hơn 200 triệu đồng, phải đi làm shipper để trả nợ dần…
Chẳng biết từ bao giờ, nợ nần đã trở thành gánh nặng không thể cáng đáng nổi trong cuộc sống của khá nhiều người trẻ.
01
Người trẻ mang nợ ngày càng nhiều
Nhiều người gọi Gen Y và cả Gen Z hiện tại bằng tên gọi “thế hệ nợ nần”. Lý do họ nợ nần thì có rất nhiều: vì tâm lý “lấy ngắn cắn dài”, vì nuông chiều bản thân, vì suy nghĩ “khổ mãi rồi sướng một lần không được à”, vì chạy theo sở thích của bản thân và đương nhiên, cũng có những trường hợp nợ nần vì công việc kinh doanh gặp khó khăn hay vì đầu tư cho tương lai.
Có một điều thú vị là những người nợ nhiều nhất lại thường có một đặc điểm chung đó là đều sở hữu trình độ cao và khả năng kiếm tiền cũng thuộc dạng top. Tuy nhiên, những người trẻ lương cao, trình độ cao này nợ nhiều không có nghĩa họ là lực lượng bị khủng hoảng nợ nần nghiêm trọng nhất, bởi ít nhất họ vẫn có khả năng trả nợ nhất định, họ có niềm tin vào tương lai hơn và có xu hướng tiêu dùng tích cực.
Suy cho cùng, nợ nần không phải là cội rễ của mọi điều xấu xa. Biết lợi dụng việc mượn nợ cho phép một số người kéo dài được thời gian cố gắng, một số thì thoát khỏi khó khăn và một số khác thậm chí còn kiếm được nhiều hơn. Đương nhiên, tiền đề quan trọng là mọi thứ phải xoay quanh 2 chữ “hợp lý”.
Vấn đề của những người trẻ càng kiếm tiền càng nghèo là vì họ lâm vào những khoản nợ phi lý khiến tình hình trở nên mất kiểm soát và cuộc sống của họ cũng vì thế mà dần rơi vào vực thẳm.
02
Tuổi còn trẻ, tại sao lại rơi vào cảnh nợ nần ngập đầu?
Không giống như lứa trung niên đã thành gia lập nghiệp, phần lớn đều gom góp để có nhà riêng rồi, những khoản tiền cũng góp phần tác động đến tỷ lệ nợ nần của những người trẻ tuổi. Áp lực trả nợ thậm chí còn làm người ta luống cuống hơn tiếng chuông đồng hồ báo thức, nhưng vừa mới bước chân vào xã hội, hầu hết người trẻ vẫn chưa có tiền hoặc chưa đủ điều kiện mua nhà.
Theo đó, tiền họ vay được phần lớn dùng để tiêu dùng. Chi tiêu trả góp và thẻ tín dụng là hai sản phẩm tín dụng được giới trẻ sử dụng phổ biến nhất. So với việc mua sắm bằng thẻ tín dụng thì việc mua sắm trả góp không đa dạng bằng song nó thắng thế ở độ tiện lợi không yêu cầu phí thường niên, điều kiện đăng ký đơn giản và tỷ lệ thâm nhập trong giới trẻ cũng cao hơn đáng kể.
Đối với phần đông người trẻ, mục đích tiêu dùng chính của họ khi sử dụng các sản phẩm tín dụng thường là đáp ứng các chi phí sinh hoạt cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống, nghỉ ngơi, giải trí…
Vào siêu thị mua gói snack, lướt qua quầy hoa quả tiện tay xách túi táo rồi lại không thể không vào gian hàng mua thêm bộ quần áo hay đôi giày… Tất cả đều dùng thẻ tín dụng hoặc tài khoản vay thấu chi để thanh toán, cảm giác rất thích, tiêu như không tiêu. Cứ thế, mọi thứ vượt ra khỏi tầm kiểm soát từ bao giờ không hay.
Đã từng có vô số những ví dụ tương tự như thế. Tất cả chỉ vì ban đầu, họ không cưỡng lại được việc chi tiền cho một sản phẩm nào đó họ thích và rồi họ tính toán sai số tiền phải bỏ ra, cứ thế con đường càng đi càng lệch, càng tiêu càng nhiều:
Thu nhập năm kia của tôi là 150 triệu/ năm. Những khoản vay nợ cho phép tôi sở hữu những sản phẩm vốn không tương xứng với thu nhập của tôi như các sản phẩm chăm sóc da đắt đỏ, quần áo hiệu, iPhone, iPad đời mới nhất. Qua đến năm sau, tôi đã mang số nợ tương đương thu nhập năm của mình, chất lượng cuộc sống suy giảm nghiêm trọng trong khi tôi không có nguồn thu nhập bổ sung nào.
Nữ (28 tuổi)
Cũng có người tự nhận mình là mẫu con trai galant khi yêu, mỗi tháng chi mấy chục triệu tình phí là điều bình thường. Kết quả là nợ càng ngày càng nhiều, vay chỗ này đắp chỗ kia cũng không thể chống đỡ được nữa, cuối cùng người đó chỉ biết khóc và thú nhận với gia đình.
Tôi vay tiền bên này để trả nợ cho bên khác, việc đó kéo dài hơn 2 năm… Mỗi lần đi chơi với người yêu, tiền ăn uống, tiền mua sắm, tất cả các loại tiền đều là tôi trả. Lúc đầu vẫn ổn nhưng càng về sau cô ấy càng đòi hỏi nhiều hơn, và tôi thì không thể nào đáp ứng nổi những yêu cầu của cô ấy nữa khi mà hàng tháng tôi đều phải trả nợ mấy chục triệu, cũng vì cô ấy.
Nam (26 tuổi)
Ngoài tình phí hay các khoản chi dành cho xã giao, việc chăm sóc sức khỏe hay sắc đẹp cũng có thể khiến người ta rơi vào hố sâu nợ nần không đáy.
Ngày trước còn trẻ người non dạ, tôi bị một tổ chức phẫu thuật thẩm mỹ “tẩy não” và vay liền lúc 200 triệu để phẫu thuật trong 1 lần. Lúc đầu công việc còn ổn, tôi vẫn có khả năng trả nợ mỗi tháng một chút nhưng rồi dịch bệnh xuất hiện, tôi thất nghiệp. Giờ tôi không còn khả năng trả nợ, ngày nào bố mẹ tôi cũng nhận được điện thoại và tin nhắn của công ty cho vay.
Nữ (29 tuổi)
Thoạt nhìn, nếu như có thể kiểm soát được sở thích tiêu tiền của mình là bạn đã có thể ngồi xuống thư giãn? Nhưng, ngày mai và những điều bất trắc, bạn không bao giờ biết được cái nào sẽ đến trước.
Tôi quen một người bạn, mẹ anh ấy đột ngột đổ bệnh năm 2019. Vốn là một người trẻ điển hình lương tháng nào tiêu hết tháng đó nhưng nay vì lo cho mẹ, anh ấy đã vay nợ gần 1 tỷ đồng.
Một số người bạn khác của tôi thì có tham vọng đầu tư vào các hợp đồng tương lai nhưng liên tục thua lỗ khiến khoản nợ lên đến con số “trên trời” mà chính họ cũng không biết ngày nào mới trả được. Một số thì chán nản chuyện này chuyện kia nên lên mạng tìm người tâm sự, không ngờ gặp đúng kẻ lừa đảo chuyên nghiệp, kết quả rước nợ vào người.
03
Nợ mất kiểm soát đáng sợ như thế nào?
Lý do cho các khoản nợ là khác nhau, nhưng hậu quả của các khoản nợ thường chỉ có hai: hoặc trả lại tiền hoặc là bị nó phá hủy. Số tiền nợ ban đầu có thể chỉ là một cái hố nhỏ nhưng một khi mất kiểm soát, bạn sẽ buộc phải lấy cái này bù cho cái kia, kết quả trở thành nợ nần chồng chất.
Ngày quá hạn càng ngày càng tăng thêm, con số nợ càng ngày càng lớn cũng đồng nghĩa với việc áp lực tâm lý càng ngày càng nặng nề. Đó là lý do mà những tâm sự của các con nợ trên MXH thường dính liền với các từ thể hiện cảm xúc tiêu cực như “lo lắng”, “áp lực”, “sợ hãi”, “khủng hoảng” hay “tuyệt vọng”.
Nợ nần không thể lấp đầy cũng giống như việc điều khiển một chiếc xe ngựa vậy, một khi bạn mất kiểm soát thì rất khó để trở lại đúng đường.
Các nền tảng cho vay trực tuyến có nhiều phương thức thu tiền khác nhau và các cuộc điện thoại liên tục thường là bước đầu tiên. Trước khi trả tiền, nhiều công ty đòi nợ thuê sẽ bắt đầu “nổ sổ địa chỉ”, tìm điện thoại lãnh đạo, người thân, bạn bè, đồng nghiệp của con nợ để thúc giục con nợ trả tiền, thậm chí đòi nợ bằng biện pháp vũ lực thô bạo.
Về phần thẻ tín dụng, nếu quá hạn bạn chưa trả nợ thì sẽ để lại hồ sơ tín dụng xấu. Hồ sơ này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình vay mượn của bạn trong tương lai, dù ở bất kì lĩnh vực nào.
Và cần hiểu rằng, không có khả năng trả nợ không chỉ ảnh hưởng đến một người, mà còn kéo cả gia đình họ vào hố sâu không đáy của nợ nần và nhấn chìm lẫn nhau.
04
Làm thế nào để “vào bờ” giữa vòng xoáy nợ nần?
Với những người mang nợ, việc trả hết nợ giống như việc vào bờ thành công giữa muôn trùng sóng gió vậy. Để vào bờ thì có rất nhiều cách, bao gồm tìm một công việc ổn định hơn, thú nhận với bố mẹ, vợ/ chồng, nâng cao thu nhập, phân loại lãi suất các khoản nợ để ưu tiên trả khoản nào trước, khoản nào sau.
“Cố gắng” và “nỗ lực” là những từ phổ biến nhất người ta có thể dành cho nhau, nhằm động viên tất cả làm việc chăm chỉ, tăng thu nhập và sớm ngày thoát nợ. Trong các tiểu thuyết võ hiệp, khi những anh hùng rơi xuống vực thẳm thường sẽ nhận được sự giúp đỡ của các cao nhân và cuối cùng họ luyện được một bộ võ công cao cường nào đó uy chấn thiên hạ. Các con nợ thì không may mắn vậy, tuy nhiên xung quanh họ vẫn có bạn bè, người thân và những người đồng cảm, có thể cho họ lời khuyên bất cứ lúc nào, miễn là chính họ không bỏ cuộc trước.
Người trẻ càng kiếm tiền càng nghèo không đáng sợ, đáng sợ là bạn chấp nhận cảnh nghèo đó và không hề có ý định tìm kiếm cơ hội cải thiện tình hình. Sự khác nhau giữa một người trẻ thành công và một người trẻ thất bại âu cũng chỉ là một bên sau vấp ngã thì rút kinh nghiệm và bước tiếp còn một bên thì chấp nhận ở dưới đáy vực mãi mãi cho đến khi những con sóng cuốn trôi họ hoàn toàn.