Chức danh mới này sẽ có hiệu lực vào tháng 4 tới, với nhiệm vụ chuyên xử lý các vấn đề hàng hải ở Biển Hoa Đông, bao gồm Đài Loan và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo hôm 17/12.
“Đây là một bước tiến lớn”, nghị sĩ Masahisa Sato nói sau khi tiết lộ kế hoạch này.
Quyết định của Nhật Bản được đưa ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Đài Bắc và Bắc Kinh, và Tokyo đang chủ trương hợp tác chặt chẽ hơn về các vấn đề an ninh, đối ngoại và kinh tế với chính quyền đảo Đài Loan, ông Sato nhận định.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, nhà ngoại giao cấp cao đảm nhận vị trí này sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình ở eo biển Đài Loan và tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi giữa các quan chức cấp cao của Đài Loan với các đối tác châu Âu và Mỹ. Ngoài ra, nhà ngoại giao cấp cao mới cũng sẽ giải quyết cả những vấn đề liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung – Nhật đang tranh chấp.
Tokyo không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan dù vẫn duy trì quan hệ phi chính phủ và các hoạt động khác với chính quyền của hòn đảo. Vì vậy, quyết định trên của Nhật Bản được xem là khác thường. Đặc biệt nó diễn ra vào thời điểm Bắc Kinh và Tokyo ngày càng tranh cãi gay gắt trong những tháng gần đây về vấn đề Đài Loan, nhất là trước những bình luận cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rằng Nhật Bản và Mỹ sẽ “không thể đứng nhìn” nếu Đài Loan bị tấn công.
Trung Quốc sau đó đã ngay lập tức đe dọa sẽ xem xét lại quan hệ song phương với Nhật Bản và đã triệu tập khẩn đại sứ Nhật Bản Hideo Tarumi để “giao thiệp nghiêm khắc” về những tuyên bố của ông Abe.
Theo giới quan sát, động thái trên chắc chắn sẽ càng khiến căng thẳng Nhật -Trung gia tăng. “Việc bổ nhiệm một chức danh như vậy sẽ càng làm xấu đi mối quan hệ Trung – Nhật, đặc biệt là sau bình luận gần đây của… ông Shinzo Abe”, giáo sư Lian Degui, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, nhận định.
Về việc Bắc Kinh sẽ phản ứng như thế nào trước động thái này, giáo sư Lian cho biết vẫn còn quá sớm để dự đoán.