Tin tức Đa Chiều
Thế Giới

Trung Quốc mang đội tầu sân bay khống chế Biển Đông, VN phải làm sao?

Theo như giới chuyên gia nhận định những hoạt động thao dượt để nâng cao khả năng tác chiến như “phản ánh sự tự tin của Trung Quốc về lực lượng tầu sân bay”, sau khi cả hai tầu sân bay hiện có của Trung Quốc đang thao dượt để nâng cao khả năng tác chiến: Tầu Liêu Ninh (Liaoning) tổ chức huấn luyện ở Thái Bình Dương, còn Tầu Sơn Đông (Shandong) diễn tập sát thực tế chiến đấu ở Biển Đông, nhưng địa điểm cụ không được nêu rõ.

Từ ngày 13/12, nhóm tầu Liêu Ninh, thuộc Chiến Khu Đông Bộ, với năm chiến hạm hộ tống (một khu trục hạm Type 055, một khu trục hạm Type 052D, hai khinh hạm Type 054A và một tàu tiếp liệu Type 901) tiến hành huấn luyện thông thường ở ngoài khơi Thái Bình Dương với các bài tập chiến đấu cơ cất cánh và hạ cánh từ tầu sân bay.

Đối với ông Song Zhongping, một cựu sĩ quan huấn luyện Trung Quốc, trả lời báo mạng South China Morning Post ngày 22/12, đợt thao dượt này cho thấy tầu Liêu Ninh “đã đạt được hiệu quả chiến đấu với nhiều loại máy bay hơn ở trên tàu” (tầu Liêu Ninh có thể chở 24 chiến đấu cơ J-15, cùng với nhiều loại máy bay trực thăng như Z-9, máy bay cảnh báo sớm Z-18), “hoàn chỉnh được hệ thống chiến đấu theo đội hình” sẵn sàng cho “các hoạt động độc lập trên không và trên biển ở những vùng biển xa”.

Gần như cùng lúc, nhóm tầu Sơn Đông, rời cảng Tam Á, cực nam đảo Hải Nam, diễn tập sát thực tế chiến đấu ở Biển Đông, trong đó có những bài tập chiến đấu cơ cất và hạ cánh từ tầu sân bay, kiểm soát thiệt hại và tìm kiếm cứu nạn hàng hải, theo trang Global Times ngày 19/12. Giới phân tích nhận định những hoạt động hỗn hợp này cho thấy năng lực chiến đấu của quân đội Trung Quốc đã gia tăng.

Trung Quốc ngày càng tự tin phô trương sức mạnh hải quân

Còn đối với nhà nghiên cứu Ian Storey, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, trả lời trang Benarnews ngày 20/12, “việc cả hai tầu sân bay gần như cùng lúc hoạt động ngoài khơi cùng với đội tầu hộ tống cho thấy Hải Quân của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân (APL) ngày càng tự tin trong việc sử dụng lực lượng phục vụ cho những lợi ích chiến lược của Trung Quốc”.

Không chỉ dừng ở hoạt động riêng lẻ của từng nhóm tầu sân bay, báo chí chính thức của Trung Quốc đã nêu lên khả năng hai tầu sân bay “có thể thao dượt chung” trong thời gian tới ở Biển Đông. Đây sẽ là dịp để Trung Quốc phô trương sức mạnh hải quân và hăm dọa các nước trong vùng, bởi vì vẫn theo nhà nghiên cứu Ivan Storey, “các tầu sân bay rất phức tạp, tốn kém, nên rất ít được hải quân các nước khai thác. Nhưng sở hữu tầu sân bay cho phép những nước đó phô trường sức mạnh ra khắp thế giới mà không chiến hạm nào có thể làm được. Tầu sân bay là biểu tượng cuối cùng cho vị thế cường quốc”.
Sẽ còn đóng những tầu sân bay lớn hơn

Một điểm quan trọng khác cần nhấn mạnh là Trung Quốc đã làm chủ công nghệ đóng tầu sân bay. Liêu Ninh, tầu sân bay đầu tiên (type 001), được tân trang từ một sân bay đóng dở cho Hải Quân Liên Xô và mua lại từ Ukraina năm 1998, được đưa vào hoạt động năm 2012. Bảy năm sau, tháng 12/2019, Trung Quốc hạ thủy tầu sân bay thứ hai (type 002), được đặt tên Sơn Đông, hoàn toàn được sản xuất trong nước.

Nhưng chưa dừng ở đó, tầu sân bay thứ ba có thể “sẽ đi vào hoạt động từ đây đến năm 2024”, sau đó sẽ còn nhiều tầu sân bay khác. Trong báo cáo về quân đội Trung Quốc được công bố tháng 11/2021, bộ Quốc Phòng Mỹ nhấn mạnh tầu sân bay thứ hai do Trung Quốc sản xuất sẽ còn lớn hơn tầu Sơn Đông và sẽ được trang bị thêm hệ thống phóng máy bay. Vẫn theo báo cáo của Mỹ, “thiết kế này sẽ cho phép tầu sân bay mang thêm nhiều chiến đấu cơ, máy bay cảnh báo sớm, cũng như thực hiện hoạt động bay nhanh hơn, do đó sẽ mở rộng phạm vi hoạt động và hiệu quả của chiến đấu cơ trên tầu sân bay”.

Trung Quốc hiện có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới với 355 tầu chiến các loại, nhưng hiện chỉ có hai tầu sân bay, trong khi Hoa Kỳ có 11 tầu. Việc Trung Quốc đẩy mạnh đội tầu sân bay đang kéo theo một cuộc chạy đua vũ trang trong vùng. Nhật Bản cải tiến tầu chở trực thăng Izumo thành tầu sân bay. Đầu tháng 11/2021, Hàn Quốc công bố thiết kế 3D tầu sân bay hạng nhẹ dự kiến sẽ được đóng vào năm 2033. Tại Đông Nam Á, Singapore cũng có tham vọng sở hữu tầu sân bay.

Related posts

Nhà Trắng xác nhận ông Obama thường xuyên nói chuyện với ông Biden

Covid-19 trở thành đại dịch chết chóc nhất lịch sử nước Mỹ, vượt thảm họa cúm Tây Ban Nha năm 1918

Tin Tức Đa Chiều

Ngoại trưởng Philippines xin lỗi vì dòng tweet văng tục với Trung Quốc

Leave a Comment