4 tàu chiến Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ ngoài khơi Alaska. Cụ thể, cuối tháng 8 vừa qua có một nhóm tàu tác chiến của hải quân Trung Quốc đã tiến vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) trên vùng biển quốc tế ngoài khơi Alaska.
Chỉ huy tàu khu trục Bertholf, ông Tim Brown, có giao thiệp với một tàu trong nhóm 4 tàu chiến Trung Quốc. Ảnh: USCG
Lực lượng tuần duyên Mỹ mới đây đã cho công bố chùm ảnh về ghi lại cảnh tàu khu trục Bertholf lớp Legend bám sát một nhóm 4 tàu chiến Trung Quốc đang tiến vào EEZ của Mỹ quanh chuỗi đảo Aleutian ngoài khơi Alaska. Ảnh được chụp trong ngày 29 và 30/8, nhưng mới được trang mạng của Cơ quan Dịch vụ điều phối thông tin hình ảnh quốc phòng (DVIDS) công bố hôm 12/9.
DVIDS ở thời điểm hiện tại đã xóa trùm ảnh này trên website mà không nêu lý do. Nhưng chú thích ảnh trước đó đã ghi rõ “ảnh được chụp trên vùng biển nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Mỹ ở ngoài khơi chuỗi đảo Aleutian”. Hiện chưa rõ 4 tàu chiến này của Trung Quốc còn hiện diện tại khu vực trên hay không.
Chưa có thông tin về số hiệu của 4 tàu chiến Trung Quốc này. Nhưng theo DVIDS trong số này có một tàu khu trục tên lửa, một tàu tuần dương tên lửa, một tàu do thám và một tàu hỗ trợ.
Giới quan sát độc lập trước đó cũng từng lưu ý đến việc giới chức Nhật Bản cho biết họ phát hiện 4 tàu chiến Trung Quốc di chuyển từ phía đông sang phía tây qua eo biển Soya hôm 24/8, trùng hướng đi tới vùng biển Alaska. Trong số này có một tàu khu trục Type 055 (Mỹ định danh là Type 052D) thuộc diện lớn nhất thế giới, tàu tiếp vận Type 903 và một tàu do thám tình báo có số hiệu 799.
Thông tin này trùng khớp gần như tuyệt đối với mô tả của Tuần duyên Mỹ về nhóm 4 tàu chiến đi qua chuỗi đảo Aleutian. Nó cũng cho thấy đây là một nhóm tàu tác chiến đa nhiệm, hỏa lực mạnh. Khu trục hạm Type 055 được coi là tàu tấn công mặt nước uy lực nhất của hải quân Trung Quốc, có thể huy động 100 bệ phóng thẳng đứng cùng lúc khi cần, với nhiều loại tên đất đối không, tên lửa tấn công mặt đất, tên lửa chống hạm.
Chưa rõ mức độ can thiệp của lực lượng tuần duyên Mỹ trong vụ này. Nhưng hình ảnh cho thấy chỉ huy trưởng tàu khu trục Bertholf, ông Tim Brown, đã có giao thiệp với một tàu trong nhóm 4 tàu chiến Trung Quốc. Thông tin của DVIDS cũng cho biết tàu Bertholf và khu trục hạm Kimball lớp Legend đã “trao đổi trực tiếp, an toàn và chuyên nghiệp với nhóm tàu chiến Trung Quốc, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế”.
Trong một diễn biến khác, tàu khu trục USS Benfold lớp Arleigh Burke của Mỹ ngày 8/9 đã thực hiện hành trình tuần tra hàng hải, đi xuyên qua vùng biển 12 hải lý quanh bãi Vành Khăn trên quần đảo Trường Sa thuộc của Việt Nam (bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép), nhằm “khẳng định quyền tự do hàng hải”.
Trung Quốc chưa chính thức lên tiếng về vụ việc này. Nhưng tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 14/9 cho đăng tải bài viết về đội tàu chiến Trung Quốc nếu hiện diện ở ngoài khơi Alaska. Dẫn lời một số học giả Trung Quốc, bài báo cho rằng sự hiện diện của tàu chiến Trung Quốc (như phía Mỹ nói) cho thấy sức mạnh viễn dương của hải quân Trung Quốc. Cũng có thể xem đây là cách Bắc Kinh đáp trả những hành động “gây hấn” của Mỹ khi thường xuyên phái tàu chiến qua lại trên các vùng thuộc cửa ngõ Trung Quốc dưới danh nghĩa tuần tra hàng hải.
Đây không phải là lần đầu tiên tàu chiến Trung Quốc xuất hiện trên vùng biển Alaska. Một nhóm 5 tàu chiến Trung Quốc cũng đã từng đi xuyên qua chuỗi đảo Aleutian hồi tháng 9/2015, với cách hành xử được Lầu Năm góc cho là “phù hợp với luật quốc tế”. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng lần đầu tiên xác nhận các tàu hải quân đã đi qua biển Bering để diễn tập sau cuộc tập trận chung với Nga hồi cuối tháng 8, nhưng cho rằng hoạt động thường kỳ không nhằm vào bất cứ nước cụ thể nào.