Tin tức Đa Chiều
Việt Nam

Tình hình nóng dịch Covid-19 sáng 3/9/2021

Dịch Covid-19 ngày 3/9 tại Việt Nam: Sáng 3/9, TP Hà Nội có thêm 13 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 6 ca tại ổ dịch Thanh Xuân Trung.

Tin tức Covid-19 mới nhất hôm nay 3/9

CDC Hà Nội cho biết, sáng 3/9, TP Hà Nội có thêm 13 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 1 ca cộng đồng là người làm nghề bán hàng online ở quận Tây Hồ, 6 ca là các trường hợp F1 tại ổ dịch Thanh Xuân Trung đã được cách ly.

Sáng nay, Hà Nội thêm 13 ca nhiễm mới

Các ca mắc mới được phân bố theo quận/huyện: Thanh Xuân (6 ca), Đống Đa (3 ca), Đông Anh (2 ca), Tây Hồ (1 ca), Nam Từ Liêm (1 ca). Trong đó có 1 ca phát hiện dương tính khi sàng lọc ho sốt cộng đồng.

Qua sàng sàng lọc ho sốt cộng đồng đã phát hiện 1 bệnh nhân N.T.T.M, nữ, sinh năm 1990, ở Yên Phụ, Tây Hồ. Bệnh nhân làm nghề bán hàng online, ngày 28/8 xuất hiện sốt, ho, đau họng, ngày 1/9 khai báo với TYT được lấy mẫu ho sốt cộng đồng và có kết quả dương tính ngày 2/9 (CDC Hà Nội).

Chùm F1 của các trường hợp ho sốt cộng đồng (12 ca):

1 bệnh nhân nam, sinh năm 1996, ở Thị trấn Đông Anh, Đông Anh. Bệnh nhân là F1, được đi cách ly từ ngày 17/8. Trong quá trình cách ly, bệnh nhân có sốt, đau rát họng, mệt mỏi được chuyển BVĐK Đông Anh và được lấy mẫu ngày 1/9 cho kết quả xét nghiệm dương tính (BV Đức Giang thực hiện).

Bệnh nhân nữ Đ.T.X, sinh năm 1949, ở Nguyên Khê, Đông Anh. Bệnh nhân là F1, ngày 29/8 được lấy mẫu (kết quả âm tính) và chuyển cách ly tập trung. Ngày 3/9 bệnh nhân được lấy mẫu và có kết quả dương tính (BV Vinmec thực hiện).

Bệnh nhân C.Đ.K, nam, sinh năm 2010, ở Đại Mỗ, Nam Từ Liêm. Bệnh nhân là F1, ngày 2/9 được lấy mẫu và có kết quả dương tính (CDC Hà Nội).

Bệnh nhân V.V.T, nam, sinh năm 1963, ở Thổ Quan, Đống Đa. Bệnh nhân sống trong khu vực phong tỏa từ ngày 18/8. Ngày 31/8 xuất hiện sốt, đau rát họng, ngày 2/9 được lấy mẫu và có kết quả dương tính (CDC Hà Nội).

4 bệnh nhân ở Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân. Họ là F1, được lấy mẫu và đưa đi cách ly tập trung tại BV Than Khoáng sản-Thanh Xuân từ ngày 24-31/8. Ngày 2/9, các bệnh nhân có triệu chứng sốt, nhức đầu, mệt mỏi được lấy mẫu và có kết quả xét nghiệm dương tính (CDC Hà Nội).

2 bệnh nhân cũng ở Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, là F1, được chuyển cách ly ngày 1/9. Ngày 2/9, hai bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).

2 bệnh nhân ở Văn Miếu, quận Đống Đa, là F1, được chuyển cách ly ngày 25/8 (được lấy mẫu 2 lần kết quả âm tính). Ngày 1/9, họ được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính (BV Đức Giang thực hiện).

Trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), TP Hà Nội có 3.379 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.554 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.825 ca.

Thủ tướng yêu cầu cấp cơ sở phải kiện toàn ngay BCĐ, Sở chỉ huy phòng, chống dịch

Thủ tướng yêu cầu, những nơi chưa kiện toàn thì phải kiện toàn ngay Ban chỉ đạo, Sở chỉ huy phòng chống dịch, đồng thời ban hành quy chế làm việc.

Chiều 2/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đột xuất kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 qua hệ thống trực tuyến vừa được thiết lập tại 5 xã, phường, thị trấn thuộc TP. HCM, tỉnh Long An, Tiền Giang. Đây là một số trong những xã, phường, thị trấn có diễn biến phức tạp về dịch COVID-19.

Tại buổi kiểm tra trực tuyến, Thủ tướng đã đặt câu hỏi với lãnh đạo các xã, phường, thị trấn này về nội dung cơ bản trong các Công điện 1099 ngày 22/8, Công điện 1102 ngày 23/8 của Thủ tướng Chính phủ; công tác triển khai thực tế các Công điện này trên địa bàn; những nhiệm vụ các xã, phường, thị trấn phải thực hiện khi lấy xã, phường, thị trấn làm pháo đài, người dân là chiến sĩ trong phòng chống dịch.

Kết quả kiểm tra cho thấy các xã, phường đã làm được một số việc cơ bản. Tuy nhiên, một số nơi chưa nắm chắc quan điểm chỉ đạo và cách làm trong việc lấy xã, phường, thị trấn làm pháo đài; người dân là chiến sĩ; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân, cho nên quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy tổ chức thực hiện còn những hạn chế, bất cập và có địa bàn hiệu quả chống dịch chưa cao. Có nơi chưa kiện toàn ban chỉ đạo, sở chỉ huy phòng chống dịch và chưa ban hành quy chế làm việc. Một số nơi không có người trực, như Phường 10, Quận 4, TP. HCM không có người trực chỉ huy, Thủ tướng gọi không được.

Ngay lập tức, Thủ tướng chỉ đạo các xã phường, thị trấn phải tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa một số nhiệm vụ như: Phải thực hiện thật nghiêm ngặt các quy định giãn cách, cách ly, ai ở đâu thì ở đấy; bảo đảm an sinh xã hội, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn thiếu mặc.

Bảo đảm người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở, cụ thể là khi người dân có nhu cầu, người dân gọi thì phải đáp ứng ngay; tổ chức xét ngiệm thần tốc, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế để nhanh chóng phát hiện F0; tăng cường các trạm xá lưu động để thu dung, phân loại, chăm sóc, điều trị F0 phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế ngay tại xã, phường, thị trấn; tổ chức tiêm vaccine khoa học, an toàn, hiệu quả, bảo đảm phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chăm sóc, điều trị F0 kịp thời ngay tại xã phường, thị trấn để người bệnh không chuyển nặng, góp phần giảm các ca tử vong trên địa bàn.

Phải đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, an dân tại địa bàn phường, xã, thị trấn; phải tuyên truyền, vận động, kêu gọi nhân dân phòng chống dịch để Dân biết – Dân hiểu – Dân tin – Dân theo – Dân làm; lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch; những nơi chưa kiện toàn thì phải kiện toàn ngay Ban chỉ đạo, Sở chỉ huy phòng chống dịch, đồng thời ban hành quy chế làm việc.

Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm về công tác và hiệu quả phòng chống dịch, thường xuyên báo cáo cấp có thẩm quyền về những vấn đề phát sinh để kịp thời tháo gỡ và thực hiện có hiệu quả các Công điện của Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, từ phòng làm việc, ông có thể sẽ kiểm tra đột xuất hay thường xuyên các xã, phường, thị trấn bất cứ lúc nào, đồng thời có điều kiện lắng nghe trực tiếp kiến nghị, đề xuất từ cơ sở gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Qua kiểm tra, đại diện xã, phường, thị trấn đều cam kết sẽ nỗ lực cao hơn nữa, chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế, bất cập theo chỉ đạo của Thủ tướng, quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi và chiến thắng đại dịch.

Ghi nhận 109 ca nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện Tâm thần T.Ư2

Trong số 975 ca nhiễm COVID-19 mới ghi nhận trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, 109 ca được ghi nhận ghi nhận tại BV Tâm thần T.Ư2; 3 ca tại khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Ngày 3/9, thông tin từ Trung tâm điều hành phòng, chống COVID -19 tỉnh Đồng Nai cho biết đã ghi nhận thêm 975 ca dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 toàn tỉnh lên 26.417 ca. Trong đó, có hơn 11.458 ca đã được điều trị khỏi.

Trong số 975 ca bệnh mới ghi nhận trên địa bàn tỉnh có 2 ca phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, 734 ca trong khu cách ly và 239 ca trong khu phong tỏa. Trong đó: ghi nhận 109 ca tại BV Tâm thần T.Ư2 (1 nhân viên và 108 bệnh nhân); 3 ca tại Khoa Ung bướu – Y học hạt nhân Bệnh viện đa khoa Đồng Nai; 2 ca từ F1 thành F0 tại 2 nhà máy 3 tại chỗ. Hiện còn 1.102 trường hợp test nhanh, PCR mẫu gộp dương tính đang chờ kết quả khẳng định bằng phương pháp Realtime RT-PCR, bao gồm.

Theo Sở Y tế Đồng Nai, các địa phương vẫn ghi nhận số ca nhiễm cao là TP Biên Hòa (373 ca), huyện Nhơn Trạch (268 ca), huyện Vĩnh Cửu (157 ca). Trong đó, tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca mắc tại các khu nhà trọ mật độ đông đúc trong khu phong tỏa ở Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu. Theo đó, Sở Y tế kiến nghị cần thực hiện giãn cách người dân sinh sống tại các khu nhà trọ mật độ đông trong khu vực phong tỏa huyện Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, chuyển vào các khu cách ly tập trung để theo dõi. Tăng cường vệ sinh, khử khuẩn, xét nghiệm tầm soát đối với các khu nhà trọ đông người. Cá địa phương tiếp tục thực hiện việc bảo vệ các vùng xanh bằng việc phát hiện sớm, quản lý và cách ly người về từ các địa phương có dịch, tiếp tục thực hiện triệt để việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Đề nghị ưu tiên đặc biệt cho vận chuyển oxy y tế

Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đặc biệt vùng có dịch bùng phát, cho phép tài xế, nhân viên vận chuyển oxy y tế được ra vào, đi qua những cung đường cấm 24/24h.

Các tài xế, nhân viên vận chuyển oxy y tế phải đảm bảo đầy đủ biện pháp an toàn phòng chống dịch, theo công văn Bộ Y tế gửi các địa phương ngày 1/9.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương điều chỉnh thời hạn yêu cầu kết quả đối với giấy xét nghiệm nCoV cho lái xe, nhân viên tham gia vận chuyển, lắp đặt trang thiết bị y tế và oxy y tế. “Tránh các quy định chồng chéo, gây chậm trễ, đứt gãy nguồn cung ứng vật tư, thiết bị y tế, đặc biệt là oxy y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19”, theo Bộ Y tế.

Động thái này được Bộ Y tế đưa ra trước bối cảnh “thường xuyên nhận phản ánh về việc các xe vận chuyển trang thiết bị y tế và đặc biệt là oxy y tế không được lưu thông để kịp thời cung ứng cho các bệnh viện, cơ sở y tế tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19”.

Theo Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhu cầu về thiết bị, vật tư, oxy y tế để phục vụ điều trị người bệnh cũng tăng cao. Việc cung ứng đầy đủ, kịp thời oxy y tế có vai trò quan trọng trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, giúp giảm tình trạng bệnh và hạn chế tử vong.

Kinh nghiệm chống dịch tại một số tỉnh bùng phát mạnh thời gian qua cho thấy các yếu tố quyết định trong điều trị bệnh nhân Covid-19 là oxy y tế, thuốc và trang thiết bị y tế. Cuối tháng 8, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh lập Bộ phận điều phối oxy y tế.

Hôm 21/8, Bộ Y tế đã làm việc trực tuyến với 26 doanh nghiệp sản xuất, cung ứng oxy y tế trong cả nước. Hiện, công suất cung ứng trung bình mỗi ngày của các doanh nghiệp khoảng gần 1.200 tấn oxy lỏng, có thể nâng lên thêm 50-100% khi cần.

Bộ Y tế yêu cầu “tuyệt đối không được để đứt gãy nguồn cung oxy y tế”.

Hà Nội sẽ giãn cách xã hội cao hơn mức Chỉ thị 16 tại “vùng đỏ” sau ngày 6/9

Sau ngày 6/9, Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội mức cao hơn Chỉ thị 16 tại “vùng đỏ” và điều chỉnh các biện pháp cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15 với “vùng cam” và “vùng xanh”.

Đầu tháng 9/2021, Thành ủy Hà Nội đã ra Thông báo số 480-TB/TU về Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy đối với tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy biểu quyết 100% thống nhất chủ trương đối với phương án phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3 của TP Hà Nội (theo đề xuất của UBND TP Hà Nội). Sau đợt giãn cách thứ ba (ngày 6/9), Hà Nội sẽ thiết lập ba vùng, chia theo mức độ nguy cơ và đặc điểm địa lý – dân cư – sinh hoạt – sản xuất.

Ba vùng gồm: Nội đô (khu vực mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ), phía Bắc sông Hồng (tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp) và vùng phía Tây, phía Nam (tập trung các khu vực sản xuất nông nghiệp).

Trên cơ sở phân vùng, “vùng đỏ” có nguy cơ rất cao sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao hơn Chỉ thị 16 với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”, dập dịch triệt để.

Tại các khu vực nguy cơ cao “vùng cam” và nguy cơ thấp hơn “vùng xanh”, TP Hà Nội điều chỉnh biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15 để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ các khu vực “vùng đỏ”. Những việc này cần bảo đảm khoa học, kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.

Thường vụ Thành ủy Hà Nội giao cho UBND TP xây dựng phương án tổ chức thực hiện phân vùng đảm bảo kỹ lưỡng, chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, khoa học, hiệu quả theo cơ chế vận hành, liên kết, phối hợp với các vùng, đảm bảo đáp ứng đầy đủ hàng hóa, lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế… cho nhân dân.

Đáng chú ý, Thường vụ Thành ủy Hà Nội đồng ý cho lãnh đạo các địa phương căn cứ vào tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn sẽ được phép quyết định áp dụng các biện pháp chống dịch ở mức cao hơn và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo TP Hà Nội.

Cả nước có 486.727 ca nhiễm, 256.550 người khỏi bệnh, 12.138 trường hợp tử vong

Ngày 2/9, thêm 13.197 ca dương tính

Trong ngày 2/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 13.197 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; gồm 11 ca nhập cảnh và 13.186 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 7.255 ca trong cộng đồng.

Các địa phương tiếp tục có số ca mắc cao vẫn là: TP Hồ Chí Minh (5.963 ca), Bình Dương (4.504 ca), Đồng Nai (803 ca), Long An (583 ca), Tiền Giang (290 ca), Kiên Giang (122 ca), Đồng Tháp (102 ca).

Ngoài ra, Bình Phước (70 ca), Nghệ An (66 ca), Tây Ninh (62 ca), Khánh Hòa (58 ca), Bà Rịa – Vũng Tàu (57 ca), Quảng Bình (56 ca), An Giang (51 ca), Thanh Hóa (50 ca), Hà Nội (48 ca), Đà Nẵng (42 ca), Cần Thơ (42 ca), Bình Thuận (34 ca), Đắk Lắk (34 ca), Thừa Thiên Huế (25 ca), Bình Định (20 ca), Quảng Ngãi (19 ca), Sóc Trăng (13 ca), Cà Mau (11 ca), Bạc Liêu (8 ca), Bến Tre (8 ca), Trà Vinh (7 ca), Lạng Sơn (6 ca), Phú Yên (6 ca), Vĩnh Long (5 ca), Quảng Nam (4 ca), Đắk Nông (4 ca), Bắc Ninh (3 ca), Bắc Giang (3 ca), Ninh Thuận (2 ca), Nam Định (2 ca), Hậu Giang (2 ca), Thái Bình (1 ca).

Như vậy trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.757 ca. Tại TP Hồ Chí Minh tăng 595 ca, Bình Dương tăng 1.064 ca, Đồng Nai tăng 44 ca, Long An giảm 11 ca, Tiền Giang tăng 96 ca.

Diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam

Kể từ khi dịch xuất hiện đến nay, Việt Nam có 486.727 ca nhiễm, đứng thứ 55/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.951 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 482.497 ca, trong đó có 256.550 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 10 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc.

Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam.

Có 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP Hồ Chí Minh (232.585 ca), Bình Dương (122.732 ca), Đồng Nai (25.328 ca), Long An (23.221 ca), Tiền Giang (10.136 ca).

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 2/9 là 10.602 ca. Đến nay, tổng số ca được điều trị khỏi là 259.324 ca.

Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.443 ca.

Thông tin về 271 ca tử vong trong ngày 2/9

Bộ Y tế đính chính thông tin ca tử vong tại Lào Cai ngày 1/9. Cụ thể, do nhầm lẫn trong quá trình nhập dữ liệu của Bệnh viện dã chiến Phú Thọ (Bệnh nhân quê ở Lào Cai và tử vong do tai nạn giao thông tại Phú Thọ) nên Tiểu ban Điều trị đính chính Lào Cai không có ca tử vong vào ngày 1/9/2021.

Trong ngày 2/9, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 271 ca tử vong tại: TP. Hồ Chí Minh (197 ca), Bình Dương (34 ca), Đồng Nai (8 ca), Tiền Giang (7 ca), Đồng Tháp (6 ca), Đà Nẵng (4 ca), Trà Vinh (3 ca), Nghệ An (2 ca), Hà Nội (1 ca), An Giang (1 ca), Bà Rịa – Vũng Tàu (1 ca), Bến Tre (1 ca), Bình Định (1 ca), Bình Thuận (1 ca), Đắk Lắk (1 ca), Khánh Hòa (1 ca), Kiên Giang (1 ca), Thừa Thiên Huế (1 ca).

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 12.138 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).

Tình hình tiêm chủng vaccine và xét nghiệm

Trong ngày 1/9, cả nước có 302.074 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 20.542.325 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 17.660.772 liều, tiêm mũi 2 là 2.881.553 liều.

Bộ Y tế vừa ban hành Công điện số 1305/CĐ-BYT ngày 2/9/2021 gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19. Tăng cường triển khai các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19; yêu cầu triển khai nghiêm, triệt để các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19, nhất là trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, hạn chế tối đa nảy sinh các nguy cơ dịch bệnh lây lan, bùng phát.

Bộ Y tế đã giao Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức khẩn trương triển khai kế hoạch thành lập Trung tâm hồi sức tích cực quốc gia đặt tại cơ sở 2 trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Tại TP. Hồ Chí Minh, đã tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh cho tất cả người dân ở khu vực “vùng đỏ” và “vùng cam”. Khu vực “vùng xanh” và “vùng vàng” sẽ làm xét nghiệm RT-PCR với mẫu gộp 5 cho “vùng vàng” và mẫu gộp 10 cho “vùng xanh”. Tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho đội ngũ shipper miễn phí từ 5h – 6h tại địa phương.

Bệnh viện quân y lớn nhất TP.HCM tăng lên 500 giường điều trị F0

Đây là lần thứ ba trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện Quân y 175 được điều chỉnh quy mô kể từ khi bắt đầu hoạt động vào ngày 18/7.

Chiều 2/9, Bệnh viện Quân y 175 nhận quyết định của Bộ Quốc phòng về việc thành lập Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng và vừa với quy mô 500 giường.

Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, đánh giá việc nâng cấp trung tâm điều trị Covid-19 của Bệnh viện Quân y 175 là quyết định rất đúng đắn của Bộ Quốc phòng. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, góp phần giảm các ca tử vong.

Ông đánh giá với quy mô 500 giường bệnh, thời gian tới, đơn vị này sẽ là thành trì vững chắc trong việc tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và vừa tại TP.HCM. Tùy tình hình thực tế, Bộ Quốc phòng có thể xem xét quyết định mở rộng quy mô cao hơn.

Thượng tá Bùi Đức Thành, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175, cho biết qua hơn một tháng hoạt động, trung tâm đã điều trị 844 bệnh nhân, trong đó có 174 F0 giảm độ nặng. Số bệnh nhân xuất viện là 342.

Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 đi vào hoạt động từ ngày 18/7 với công suất 200 giường ban đầu. Ngày 11/8, Bộ Quốc phòng trao quyết định mở rộng quy mô của trung tâm này lên 350 giường, kíp nhân lực từ 100 người lên 200 người. Hiện nay, trung tâm tăng lên 500 giường.

Tướng Ngô Minh Tiến cũng giao Bệnh viện Quân y 175 tiếp tục rà soát nhân lực, trang thiết bị, nhất là hệ thống máy thở chất lượng cao, máy lọc máu liên tục, ECMO. Song song đó, đơn vị cần tiếp tục củng cố các quy trình, chi viện tuyến dưới và chăm lo tốt cho cán bộ, nhân viên tham gia điều trị Covid-19.

Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, thành phố có 41.040 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, trong đó có 2.749 ca nặng được thở máy và 19 trường hợp can thiệp ECMO.

Bình Dương: Vận hành thêm bệnh viện dã chiến 2.000 giường

Ngày 2/9, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cùng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Bàu Bàng đã công bố đưa vào vận hành thêm bệnh viện dã chiến quy mô 2.000 giường đáp ứng thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 ngay tại địa phương.

Khu điều trị dã chiến đặt tại xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng có diện tích trên 14.000 m2. Chỉ sau thời gian ngắn, đơn vị đã triển khai thành bệnh viện với quy mô 2.000 giường đáp ứng nhu cầu thu dung điều trị cho người dân mắc COVID-19 tại huyện Bàu Bàng. Dự kiến bệnh viện này còn sẵn sàng “chia lửa” cho các “vùng đỏ” khác trong địa bàn tỉnh.

Related posts

Bà Hằng tiếp tục hứa tung hồ sơ nóng, tổ chức giả Phật Giáo ăn tiền từ thiện

Tin Tức Đa Chiều

11 nhóm người Việt nào sẽ được tiêm vắc xin COVID-19 miễn phí

Tin Tức Đa Chiều

Tên lửa hiện đại “Made in Vietnam” bứt tốc thần kỳ đột phá lớn

Science

Leave a Comment