Tin tức Đa Chiều
Việt Nam

Tin trong nước sáng 20/5: 175 ca COVID-19 trong 24 giờ; Bắc Giang đính chính thông tin ‘công nhân Hosiden đều nhiễm bệnh’

VnExpress – Bộ Y tế sáng 20/5 ghi nhận 30 ca dương tính COVID-19 đều ở khu cách ly hoặc phong tỏa, chủ yếu tại Bắc Giang và Bắc Ninh, trong đó Ninh Bình lần đầu ghi nhận ca nhiễm.

Các ca mới được ghi nhận từ số 4691-4720, tại Lạng Sơn một, Ninh Bình 2, Thanh Hóa một, Bắc Ninh 8, Hải Dương 5, Bắc Giang 13. Như vậy đến nay 29 tỉnh thành đã xuất hiện dịch, nâng tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 1.678. Bắc Giang và Bắc Ninh tiếp tục là điểm nóng.

Số ca nhiễm mới đưa tổng ca Covid-19 ở Bắc Giang lên 618, Bắc Ninh 361, Lạng Sơn 22, Hải Dương 20, Thanh Hóa 2, Ninh Bình 2.

Ca 4691 ghi nhận tại tỉnh Lạng Sơn, là công nhân Khu công nghiệp Quang Châu, đã được cách ly từ trước, kết quả xét nghiệm ngày 19/5 dương tính với nCoV.

Ca 4692-4693 ghi nhận tại tỉnh Ninh Bình là F1 liên quan đến ổ dịch cũ, đã được cách ly từ trước, kết quả xét nghiệm ngày 19/5 dương tính với COVID-19.

Ca 4694 ghi nhận tại tỉnh Thanh Hóa là công nhân Khu công nghiệp Quang Châu, đã được cách ly từ trước, kết quả xét nghiệm ngày 19/5 dương tính với COVID-19.

Ca 4695-4702 ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh là các F1 trong khu phong tỏa, đã được cách ly từ trước, kết quả xét nghiệm ngày 19/5 dương tính với COVID-19.

Ca 4703-4707 ghi nhận tại tỉnh Hải Dương trong khu phong tỏa, đang được điều tra dịch tễ bổ sung, kết quả xét nghiệm ngày 19/5 dương tính với COVID-19.

Ca 4708-4720 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang là các F1 liên quan Khu công nghiệp Quang Châu đã được cách ly, phong tỏa, kết quả xét nghiệm ngày 17-18/5 dương tính với COVID-19.

Kể từ đầu dịch, Việt Nam có tổng cộng 3.247 ca ghi nhận trong nước và 1.473 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 1.678 ca.

Thêm 175 ca trong 24 giờ

Tổng số ca Covid-19 ghi nhận trong 24 giờ tính đến tối ngày 19/5 là 175 ca.

Riêng chiều 19/5, Bộ Y tế ghi nhận 109 ca trong nước gồm Bắc Giang 78, Bắc Ninh 21, Điện Biên 6, Đà Nẵng 2, TP.HCM và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều đều một.

Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 1648, tại 28 tỉnh thành. Cụ thể, Bắc Giang 605, Bắc Ninh 353, địa bàn Hà Nội 257 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 89 ca, 29 ca ở Bệnh viện K), Đà Nẵng 146, Vĩnh Phúc 88, Điện Biên 38, Hà Nam 34, Hưng Yên 30, Lạng Sơn 21, và các tỉnh khác.

Bắc Giang đính chính thông tin ‘công nhân Hosiden đều nhiễm bệnh’

Zing – Tối 19/5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang có văn bản đính chính công văn số 1263 của tỉnh về việc rà soát, xét nghiệm cho công nhân, lao động của Công ty TNHH Hosiden Việt Nam.

Theo ghi nhận của Zing, trước đó, công văn này được Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang ký và ban hành sáng 19/5, trong đó, nhận định các mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 của công nhân, người lao động trong Công ty TNHH Hosiden (KCN Quang Châu, huyện Việt Yên) có tỷ lệ dương tính rất cao.

Nội dung công văn 1263 nêu: “Các địa phương cách ly riêng biệt, nghiêm ngặt đối với công nhân, người lao động tại Công ty Hosiden, vì khả năng họ đều đã nhiễm bệnh”.

Trong văn bản đính chính tối cùng ngày, UB tỉnh Bắc Giang bãi bỏ nội dung “vì khả năng họ đều đã nhiễm bệnh” nêu trên.

Đồng thời, đoạn đầu công văn được chỉnh sửa thành: “Hiện, các mẫu bệnh phẩm xét nghiệm do CDC Bắc Giang thực hiện với công nhân, người lao động tại Công ty TNHH Hosiden Việt Nam ở KCN Quang Châu, huyện Việt Yên, có tỷ lệ dương tính với COVID-19 khá cao, đặc biệt ở xưởng 4”.

Tỉnh Bắc Giang cho biết lý do đưa ra thông tin trước đó là “sơ suất trong quá trình soạn thảo văn bản”.

Tối 19/5, tỉnh Bắc Giang ghi nhận thêm 78 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh của địa phương này lên 605 trường hợp. Các ca bệnh mới tiếp tục được ghi nhận ở 4 khu công nghiệp Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám, Nội Hoàng – Song Khê.

Giãn cách xã hội toàn thành phố Bắc Giang

VnExpress – Từ chiều 19/5, tỉnh Bắc Giang cách ly xã hội với một số địa điểm thuộc TP. Bắc Giang (hơn 200.000 dân), gồm: Một phần thôn Yên Khê, Song Khê 1, Liêm Xuyên, xã Song Khê; một phần tổ dân số Dân chủ, Lê Lợi, Nghĩa Long, phường Lê Lợi.

Thực hiện giãn cách xã hội, TP. Bắc Giang sẽ dừng hội họp, sự kiện tập trung hơn 20 người một phòng; không tụ tập quá 10 người nơi công cộng; giữ khoảng cách tối thiểu 2 m; dừng triệt để nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí nơi công cộng. Dịch vụ không thiết yếu tạm đóng cửa. Người dân được khuyến cáo hạn chế di chuyển từ nơi này đến nơi khác.

Bắc Giang đang là địa phương ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất cả nước, với 527 ca, tính đến chiều nay. Ba ổ dịch chính là xã Phương Sơn (huyện Lục Nam); Công ty Shin Young, khu công nghiệp Vân Trung; Công ty Hosiden Việt Nam, khu công nghiệp Quang Châu (huyện Việt Yên).

Bắc Ninh dừng vận tải hành khách

VnExpress – Từ 0h ngày 20/5, xe buýt, xe khách du lịch, taxi sẽ tạm dừng hoạt động ở Bắc Ninh nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan COVID-19.

Ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bắc Ninh, cho biết các tuyến buýt và xe tuyến cố định có lộ trình đi qua Bắc Ninh không được dừng đón, trả khách.

Tỉnh cũng dừng hoạt động các bến xe khách, bến khách ngang sông, trạm dừng nghỉ trên địa bàn; không tiếp nhận lưu trú với các xe chở hàng hóa, xe container và xe chở khách đường dài.

Nhà chức trách sẽ lập chốt kiểm soát cấp tỉnh ở cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh lân cận. “Do lực lượng không đủ nên bên trong nội tỉnh, các huyện, thành phố sẽ giao cho lực lượng của địa phương kiểm soát”, ông Hiếu nói thêm.

Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, tỉnh Bắc Ninh cho phép các xe chở công nhân, chuyên gia, xe chở hàng hóa, công nhân đi xe riêng có biển hiệu hoặc đeo thẻ qua chốt kiểm soát, nhất là ở ba địa phương đang cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 là TP Bắc Ninh, huyện Thuận Thanh và Yên Phong.

Các xe chở hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp, xe chở thiết bị, linh kiện, nguyên liệu phục vụ sản xuất ở các khu công nghiệp của Bắc Giang cũng được tạo điều kiện qua chốt kiểm soát với điều kiện: Chỉ có một người trên xe, không có biểu hiện ho, sốt, có kết quả xét nghiệm âm tính trong ba ngày, cam kết sau khi giao hàng phải rời khỏi tỉnh.

Đến tối 19/5, Bắc Ninh ghi nhận 353 ca COVID-19 trên tổng số 1.648 ca trong cộng đồng tính từ ngày 27/4.

Quân đội triển khai xong 2 bệnh viện dã chiến ở Bắc Ninh và Bắc Giang

Nld – Ngày 19/5, Đoàn công tác của Tổng Cục Hậu cần Bộ Quốc Phòng đã làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang về việc triển khai Bệnh viện dã chiến, truyền nhiễm số 2 tại Bắc Giang để điều trị bệnh nhân Covid-19.

Theo đó, Bệnh viện Dã chiến, truyền nhiễm số 2 được Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc Phòng lựa chọn đặt tại Trung Đoàn 831, thôn Ba Làng, xã Quế Nham, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Bệnh viện do Bệnh viện Quân y 103 của Học viện Quân y chủ trì, sử dụng lực lượng, trong đó có nhân lực và vật tư từ Bệnh viện Quân y 103 và Bệnh viện y học Phòng không – Không quân, Quân chủng Phòng không – Không quân và Viện Y học cổ truyền Quân đội và các lực lượng phối hợp thuộc Quân đoàn 2, tổ xét nghiệm Học viện Quân y.

Ngoài ra, Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 1 do Bệnh viện Quân y 354 (Tổng cục Hậu cần) chủ trì với sự tham gia về lực lượng, trang thiết bị của các Bệnh viện Quân y 354, 105, 103, Trường Sỹ quan Chính trị và phối thuộc Tổ Xét nghiệm của Học viện Quân y đang triển khai tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Ninh.

Mỗi bệnh viện dã chiến được tổ chức thành 4 cơ quan và 10 khoa với biên chế gần 120 người và 300 giường bệnh (sẵn sàng nâng hệ số sử dụng lên 500 giường).

Theo thông tin từ Tổng cục Hậu cần, 2 bệnh viện được lập ra nhằm kịp thời thu dung cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19 cho 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, góp phần nhanh chóng khống chế, không để dịch lây lan rộng.

Từ chiều 19-5, 2 bệnh viện trên bắt đầu tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 đến khi sức khỏe ổn định (không còn khả năng lây nhiễm) hoặc đến khi khỏi bệnh cho tất cả các bệnh nhân được thu dung; tổ chức bàn giao những người này cho địa phương để tiếp tục cách ly, theo dõi đủ thời gian theo quy định.

Hai bệnh viện có nhiệm vụ chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, bệnh án, phương tiện và người hậu tống để chuyển những trường hợp vượt khả năng cứu chữa về tuyến sau.

Ninh Bình phát hiện 2 trường hợp dương tính COVID-19

Nld – Có 2 trường hợp tại tỉnh Ninh Bình vừa được ghi nhận dương tính với COVID-19, cả 2 người này đều là người nhà chăm bệnh nhân tại Bệnh viện K cơ sở 3 và đã được cách ly tập trung trước đó.

Chiều tối ngày 19-5, ông Vũ Mạnh Dương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Bình, đã tổ chức cuộc họp thông tin chính thức về 2 trường hợp dương tính với COVID-19. Đây là 2 trường hợp đầu tiên được ghi nhận tại Ninh Bình trong đợt dịch lần thứ 4 này.

Theo Sở Y tế tỉnh Ninh Bình, vào khoảng 14 giờ ngày 18/5, Khu cách ly y tế – Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình tiếp nhận 9 trường hợp, là bệnh nhân và người thăm nuôi có tiền sử đi/đến/ở và điều trị tại Bệnh viện K cơ sở 3; được chuyển từ khu cách ly tập trung tại Trường Cao đẳng công nghệ cao Hà Nội (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) về để tiếp tục cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19.

Sau khi tiếp nhận, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình đã cách ly 9 người tại 2 phòng và lấy mẫu cho 4 người có nguy cơ cao và 1 người có triệu chứng sốt để làm xét nghiệm Realtimes RT-PCR. Đến 1 giờ ngày 19/5, kết quả xét nghiệm cho thấy, có 2 mẫu dương tính với COVID-19.

Ông Vũ Mạnh Dương, Giám đốc Sở Y tế, cho biết 2 ca mắc COVID-19 là những trường hợp có liên quan đến Bệnh viện K cơ sở 3 và trước đó đã được cách ly giám sát y tế cùng với các trường hợp có tiếp xúc gần nên không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng, vì vậy việc khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình vẫn diễn ra bình thường.

TP.HCM: Chỉ chuyển bệnh về tuyến dưới khi xét nghiệm âm tính

Tuoitre – Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi đến các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM, đề nghị các bệnh viện tuyến cuối chỉ chuyển bệnh nhân về tuyến dưới hoặc chuyển các bệnh viện khác khám chữa bệnh theo chuyên khoa khi có kết quả âm tính với COVID-19.

Trong trường hợp bệnh viện tiếp nhận người bệnh cấp cứu từ tuyến dưới chuyển lên, không yêu cầu kết quả xét nghiệm COVID-19, khẩn trương chuyển người bệnh vào buồng cấp cứu sàng lọc để thực hiện hồi sức cấp cứu, đồng thời sàng lọc kỹ các yếu tố nguy cơ liên quan đến COVID-19.

Nếu không phải trường hợp cấp cứu, bệnh viện phải khai thác kỹ yếu tố dịch tễ, nếu nghi ngờ hoặc có yếu tố dịch tễ, cần lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.

Các bệnh viện tuyến dưới hạn chế chuyển lên tuyến trên, chỉ chuyển lên tuyến trên hoặc chuyển tuyến điều trị chuyên khoa các trường hợp có diễn biến nặng, bệnh phức tạp vượt quá khả năng chuyên.

Trước khi chuyển phải khai thác kỹ yếu tố dịch tễ, thông báo và thống nhất với bệnh viện dự kiến tiếp nhận. Trong trường hợp nghi ngờ, phải cách ly ngay tại bệnh viện tuyến dưới, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, và chỉ chuyển tuyến khi kết quả xét nghiệm âm tính.

Nguy cơ tử vong ở người trẻ mắc COVID-19

Zing – Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, dù tỷ lệ thấp hơn, những người trẻ, sức khỏe tốt vẫn có nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận 37 trường hợp tử vong do mắc Covid-19 sau hơn một năm chiến đấu với đại dịch này. Đa số bệnh nhân COVID-19 tử vong đều lớn tuổi và có nhiều bệnh lý nền. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc những người trẻ tuổi, khỏe mạnh có thể an toàn khi nhiễm COVID-19.

ột thống kê trên 64.781 bệnh nhân mắc Covid-19 diễn biến nặng tại Mỹ năm 2020 cho thấy tỷ lệ tử vong chung ở nhóm này là 20,3%. Nguy cơ tử vong ở người trên 80 tuổi mắc Covid-19 cao hơn nhóm bệnh nhân 18-34 tuổi. Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân tiểu đường cũng cao hơn người khỏe mạnh.

“Hiểu đơn giản, nếu 100 bệnh nhân COVID-19 diễn biến nặng trẻ, khỏe có khoảng 20 người tử vong, cùng số lượng này nhưng với những người trên 80 tuổi, số ca tử vong sẽ là 66. Cùng lứa tuổi, nếu nhóm khỏe mạnh tử vong 20 người, nhóm bệnh nhân COVID-19 mắc thêm tiểu đường sẽ có 32 trường hợp qua đời”, bác sĩ Cấp giải thích.

Dù tỷ lệ thấp hơn, vị chuyên gia này khẳng định bất cứ ai ở độ tuổi nào đều có khả năng diễn biến nặng và dẫn đến tử vong.

Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhận định chúng ta đang đối mặt với làn sóng dịch thứ 4 với quy mô và tính chất phức tạp cao hơn trước. Nguyên nhân là dịch Covid-19 đang bùng phát cả trong bệnh viện – nơi nhiều bệnh nhân có bệnh lý nền – cũng như cộng đồng, khu công nghiệp lớn.

Sau khi ghi nhận 2 ca tử vong do Covid-19 mới đây, Việt Nam còn rất nhiều bệnh nhân có diễn biến nặng. Trong khi đó, đặc điểm diễn biến bệnh do biến chủng mới vẫn cần nghiên cứu thêm.

Tuy nhiên, để hạn chế tỷ lệ tử vong, bác sĩ Cấp cho rằng chúng ta không nên chỉ lưu tâm đến nhóm bệnh nhân cao tuổi, nhiều bệnh nền. Thay vào đó, những người trẻ, khỏe cũng cần được đảm bảo điều trị tốt.

“Để làm được điều này, ngành y tế Việt Nam phải nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị ở tất cả tuyến, ưu tiên nguồn lực, đảm bảo cung cấp đầy đủ thuốc, vật tư hóa chất và trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh. Hơn hết, mọi người dân đều phải thực hiện tốt biện pháp phòng bệnh như thông điệp 5K, tuân thủ chỉ định cách ly, giãn cách khi được yêu cầu, từ đó tránh tình trạng số người mắc Covid-19 vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống điều trị”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo.

Giá vàng hôm nay 20/5 đột ngột dậy sóng

Người lao Động – Giá vàng hôm nay biến động dữ dội khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể giảm dần mức độ hỗ trợ nền kinh tế, tiền ảo Bitcoin tiếp tục sụp đổ, cổ phiếu bị bán tháo.

Khoảng 6 giờ ngày 20/5 (theo giờ Việt Nam), giá vàng hôm nay của thế giới giao dịch tại 1.870 USD/ounce, ngang bằng với mức giá cùng thời điểm hôm trước.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch này, giá vàng thế giới có lúc tăng giảm hàng chục USD làm giới đầu tư hết sức bất ngờ.

Diễn biến của thị trường cho thấy giá vàng hôm nay có khi tăng mạnh trong bối cảnh giới đầu tư tiếp tục bán tháo tiền ảo Bitcoin. Theo đó, giá trị đồng tiền này giảm mạnh gần 9.500 USD/Bitcoin, từ 43.500 USD xuống còn 34.000 USD/Bitcion. Nhiều người đã tập trung vốn vào kim loại quý, tạo động lực cho giá vàng đi lên

Trong khi đó, lo ngại lạm phát tăng cao tại các quốc gia có nền kinh tế lớn tiếp tục đè nặng tâm lý nhà đầu tư chứng khoán. Từ đó, họ chưa dừng lại việc bán cổ phiếu khiến thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu, Nhật Bản chìm trong sắc “đỏ”. Một số nhà đầu tư đã tăng nhu cầu trú ẩn vốn vào thị trường vàng. Giá vàng đột ngột dậy sóng 40 USD/ounce.

Thế nhưng, khoảng 1 giờ ngày 20/5 theo giờ Việt Nam, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo tới đây Fed có thể giảm dần mức độ thu mua các loại tài sản có giá nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh. Lập tức, dòng tiền chảy vào thị trường vàng bị khựng lại.

Nhiều người chuyên lướt sóng vàng đã tranh thủ bán ra chốt lời khi giá vàng thế giới đứng ở mức 1.890 USD/ounce. Số khác thì chớp thời cơ bán khống chờ giá váng đi xuống sẽ mua vào thu về lợi nhuận. Theo đó, giá vàng hôm nay giảm mạnh 20 USD/ounce, từ 1.890 USD/ounce xuống còn 1.860 USD/ounce.

Ở mức giá này, những người đã bán khống bắt đầu mua vào. Giá vàng vì thế bật tăng trở lại. Đến 6 giờ ngày 20-5, giá vàng hôm nay giao dịch tại 1.870 USD/ounce.

Trước đó, do giá vàng thế giới từ 9 giờ đến 17 giờ ngày 19/5 đi xuống nên trong khoảng thời gian này giá vàng SJC tại Việt Nam giảm 160.000 đồng/lượng, chốt cuối ngày 56,27 triệu đồng/lượng. Theo đó, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 4,3 triệu đồng/lượng.

Related posts

Thủ tướng yêu cầu xử nghiêm việc trục lợi quyên góp, ủng hộ phòng chống dịch

Tin Tức Đa Chiều

VN thêm 2 ca mới; Ấn Độ 580 trường hợp phản ứng thuốc, 2 người tử vong sau khi tiêm vắc xin Covid-19

Tin Tức Đa Chiều

Tình hình nóng dịch Covid-19 sáng 31/8/ 2021

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment