Vision Times đưa tin, một báo cáo mới của công ty tình báo mạng Cyfirma tiết lộ rằng tin tặc được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn đã tấn công mạng của các nhà sản xuất vắc-xin Ấn Độ, Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII).
Nhóm tin tặc Trung Quốc thực hiện cuộc tấn công này có tên APT10. Nhóm này được cho là đang đặc biệt nhắm vào SII, nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới.
Ấn Độ sản xuất hơn 60% lượng vắc-xin của thế giới. SII hiện đang sản xuất vắc-xin Oxford-AstraZeneca COVID-19 và dự kiến bắt đầu sản xuất hàng loạt vắc-xin Novavax.
Mặc dù không rõ thông tin cụ thể về loại vắc-xin Covid mà tin tặc Trung Quốc đã tiếp cận được, ông Kumar Ritesh thay mặt Cyfirma nói với Reuters rằng “Động cơ thực sự ở đây thật ra là khai thác tài sản trí tuệ và giành lợi thế cạnh tranh của các công ty dược phẩm của Ấn Độ”.
Bắc Kinh đã bác bỏ hanh vi tấn công mạng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Cyfirma đưa ra các cáo buộc dựa trên “suy đoán vô căn cứ” và sự thật bị bóp méo hơn là bằng chứng. Bộ này nói rằng Cyfirma có ‘động cơ thầm kín’ trong việc xuất bản báo cáo.
Không phải lần đầu tiên
Đây không phải là lần đầu tiên tin tặc Trung Quốc bị bắt quả tang khi đang cố gắng đánh cắp nghiên cứu về virus corona từ các quốc gia khác. Vào tháng 7/2020, tin tặc từ Trung Quốc đã cố gắng đánh cắp dữ liệu từ Moderna Inc, công ty có vắc-xin COVID-19 hiện đang được phân phối tại Hoa Kỳ.
Vào tháng 9, tin tặc Trung Quốc bị phát hiện đã đánh cắp dữ liệu nghiên cứu vắc-xin từ các phòng thí nghiệm của Tây Ban Nha. Và vào tháng 5/2020, FBI và CISA đã tiết lộ trong một tuyên bố rằng tin tặc Trung Quốc do nhà nước hậu thuẫn được cho là đã tấn công các cơ sở nghiên cứu và bệnh viện của Mỹ để đánh cắp các phát hiện liên quan đến việc phát triển vắc-xin Covid.
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Gary Peters đã kêu gọi hành động mạnh mẽ chống lại hành vi chống lưng cho tin tặc của chính phủ Trung Quốc. Ông đề nghị thừa nhận rằng chính phủ Trung Quốc gây nguy hiểm đến tính mạng người Mỹ bằng cách đe dọa các bệnh viện Hoa Kỳ trong một số trường hợp nhất định. Ông nói Bộ Quốc phòng Mỹ nên đánh giá thiệt hại của những hành động này.
Về vụ vi phạm vào thời điểm đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố, “Hành vi của CHND Trung Hoa trong không gian mạng là sự mở rộng của các hành động phản tác dụng trong suốt đại dịch COVID-19”.
Các hành vi tấn công mạng để đánh cắp bí mật công nghệ vắc xin của tin tắc Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh niềm tin vào vắc-xin do Trung Quốc sản xuất ở mức thấp với hiệu quả thực nghiệm chỉ ở mức khoảng 50%.
Làm loãng chính sách ngoại giao vắc xin của Bắc Kinh
Trong khi đó, vắc-xin Covaxin do Bharat Biotech của Ấn Độ sản xuất có tỷ lệ hiệu quả là 81% theo dữ liệu từ giai đoạn thứ ba của thử nghiệm lâm sàng.
Các thử nghiệm trong ba giai đoạn của Covaxin đã có sự tham gia của khoảng 27.000 người. Covaxin là một loại vắc-xin bất hoạt được tạo thành từ các virus corona đã chết. Khi tiêm vắc-xin vào cơ thể, các virus corona đã chết sẽ kích hoạt các tế bào miễn dịch sản xuất kháng thể để chống lại COVID-19.
Covaxin được phân phối thành hai liều, liều thứ hai được tiêm sau liều đầu tiên bốn tuần. Theo Bharat Biotech, khoảng 20 triệu liều đã được sản xuất. Đến cuối năm, công ty đặt mục tiêu sản xuất 700 triệu liều vắc-xin.
Hơn 40 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến Covaxin. New Delhi đã làm loãng chính sách ngoại giao vắc-xin của Trung Quốc bằng cách bán hoặc tặng vắc-xin cho các nước láng giềng của Ấn Độ.
Bharat Biotech hiện đã ký một thỏa thuận với Brazil để cung cấp 20 triệu liều Covaxin. Tại Hoa Kỳ, họ đã ký một thỏa thuận với Ocugen Inc. để đồng phát triển vắc-xin cho mục đích sử dụng trong nước.
Vắc xin của Ấn Độ được ưa chuộng ở Myanmar, nơi mà món quà là 1,5 triệu liều Oxford-AstraZeneca Covishield của SII đã đến trước khi có vắc-xin do Trung Quốc sản xuất. Tương tự, nửa triệu liều vắc-xin của Ấn Độ đã đến Afghanistan. Ấn Độ đã phê duyệt lô hàng đến Campuchia và có kế hoạch cung cấp vắc-xin cho Mông Cổ và các quốc đảo Thái Bình Dương.
Ấn Độ đã cung cấp 15,6 triệu liều vắc-xin cho 17 quốc gia khác. Theo Reuters, việc làm này của Ấn Độ đã nhận được sự khen ngợi từ các nước láng giềng và giảm bớt sự thao túng của Trung Quốc đối với khu vực. Chính phủ Ấn Độ có kế hoạch tiêm vắc-xin cho 300 triệu công dân của mình vào tháng 8.
https://www.dkn.tv/