Tin tức Đa Chiều
Thế Giới Tiêu Điểm

Sự lợi hại của hai gọng kìm Quad và AUKUS trong kiềm chế Trung Quốc trên biển

Hai gọng kìm Quad và AUKUS có thực sự lợi hại trong kiềm chế Trung Quốc trên biển? Cho dù không chính thức công khai mục tiêu chính nhưng cả AUKUS và Quad đều liên hệ gắn bó với nhau và cùng nhắm tới kiềm chế sự trỗi dậy và các tham vọng của Trung Quốc trên biển. Hai khối này như 2 gọng kìm kết hợp sức mạnh quân sự và sức mạnh kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương.

Ngay sau khi thành lập một liên minh chiến lược (AUKUS) bao gồm Australia, Anh, và Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên tại Nhà Trắng với 3 vị thủ tướng: Scott Morrison (Australia), Suga Yoshihide (Nhật Bản), và Narendra Modi (Ấn Độ) – đây là các đồng minh của Mỹ trong nhóm Bộ Tứ (Đối thoại An ninh Bốn Bên Quad).

Tại cuộc họp trên, ông Biden khẳng định Quad hoàn toàn khác với AUKUS. Theo các thông cáo chính thức thì cuộc họp thượng đỉnh của Quad tại Nhà Trắng chủ yếu là về chuyện vaccine Covid-19, chất bán dẫn, và thúc đẩy “nhận thức về lĩnh vực hàng hải”.

Đã lộ rõ ý đồ

Tuy AUKUS và Quad đều không chính thức xác định Trung Quốc là đối thủ, ai cũng ngầm hiểu rằng hai liên minh này nhắm tới Bắc Kinh và có mối liên hệ qua lại với nhau.

Thực tế, một tuyên bố chung sau cuộc gặp Quad nói trên đã công khai nói về các vấn đề an ninh. Tuyên bố này khẳng định rằng các thành viên của Quad ủng hộ “chế độ pháp quyền, tự do hàng hải, và sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia”.

Thư ký báo chí đối ngoại Yoshida Tomiyuki của Nhật Bản thậm chí nói với các phóng viên tại thượng đỉnh Quad rằng “Thủ tướng Suga hoan nghênh sáng kiến thiết lập đối tác an ninh của 3 nước AUKUS… – điều này đóng vai trò quan trọng đối với hòa bình và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Đàii BBC cho hay, Yoshida cũng đã “bày tỏ quan ngại trong các cuộc thảo luận về thái độ cứng rắn của Trung Quốc trên các vùng biển, vấn đề Hong Kong, và hành động của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan”.

Như vậy điều mà ít người dám nói ra một cách công khai thì phía Nhật Bản đã nói thẳng ra.

Phía Trung Quốc thì thừa hiểu chuyện gì đang xảy ra. Một ngày trước khi diễn ra thượng đỉnh Quad, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói với báo giới tại thủ đô Bắc Kinh như sau: “Trung Quốc luôn tin rằng bất cứ cơ chế hợp tác khu vực nào cũng không nên nhắm tới một bên thứ ba hoặc có hại cho lợi ích của bên thứ ba. Tìm kiếm các bè đảng riêng cùng chống lại một nước thứ 3 là đi ngược lại xu hướng của thời đại và khát vọng của các nước trong khu vực. Cơ chế đó sẽ không giành được sự ủng hộ và nhất định sẽ thất bại”.

Thế mạnh của Anh và Australia trong liên minh mới

AUKUS nổi bật vì bao gồm nước Anh. Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (quá trình Brexit) lại giúp Anh có điều kiện hợp tác sát sao hơn với Mỹ trên đấu trường quốc tế.

Xin lưu ý rằng đảo Diego Garcia – căn cứ quân sự chính của Mỹ ở Ấn Độ Dương, nằm trên chính Lãnh thổ thuộc Anh ở Ấn Độ Dương. Tại lãnh thổ này có gần 1.000 người bản địa đã buộc phải di dời sang Mauritius và Seychelles khi Mỹ lần đầu thuê hòn đảo này rồi xây dựng căn cứ quân sự của họ tại đó vào cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970.

Các cơ sở vật chất trên đảo Diego Garcia được sử dụng để theo dõi hải quân Liên Xô trong suốt Chiến trạnh Lạnh trước đây. Còn những năm gần đây, đảo này lại đóng vai trò quan trọng về mặt hậu cần cho các cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan và Iraq.

Ngoài việc phục vụ hải-lục-không quân Mỹ, căn cứ bí mật trên còn có một địa điểm khẩn cấp cho Tàu con thoi NASA và thiết bị cho các hoạt động tình báo tín hiệu tinh vi ở Ấn Độ Dương.

Về phần Australia, AUKUS sẽ giúp nước này gia nhập hàng ngũ ít ỏi các quốc gia sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tàu ngầm hạt nhân sẽ giúp Australia tăng tính cơ động, phạm vi hoạt động và mức độ tàng hình ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Bản thân Australia có 2 lãnh thổ nhỏ ở Ấn Độ Dương, gồm đảo Christmas (Giáng sinh) rộng 135km2 với khoảng 2.000 cư dân và cụm đảo Cocos rộng 14km2 cùng gần 600 dân. Cả hai đảo này đều có sân bay.

Sách Trắng Quốc phòng của Australia năm 2016 tuyên bố sẽ nâng cấp sân bay trên cụm đảo Cocos để hỗ trợ hoạt động của máy bay trinh sát biển P8-A Poseidon của không quân Australia.

Năm 2020, Bộ trưởng công nghiệp quốc phòng Australia thông báo hoạt động nâng cấp sẽ bắt đầu bằng một dự án trị giá 133,5 triệu USD.

Hiện phía Australia và Ấn Độ đang đàm phán về hợp tác sử dụng quần đảo Cocos của Australia và các đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ. Động thái này có thể bao gồm hoạt động tìm kiếm tàu mặt nước và tàu ngầm của hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.

Triển khai song song biện pháp mềm

Liệu các nước AUKUS và Quad đã thực sự sẵn lòng đối mặt với Trung Quốc về mặt quân sự?

Cho tới nay, ngoài việc thành lập các liên minh và đưa ra các tuyên bố, các nước này có vẻ như thiên về tập trung vào phóng chiếu sức mạnh mềm.

Trong khi sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) nhằm thúc đẩy xây dựng cảng biển, đường sắt và đường bộ lớn trên toàn cầu thì vào tháng 8/2016, Thủ tướng Nhật Bản khi ấy là Abe Shinzo đề xướng một chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Mở (FOIP) với sự nhấn mạnh vào chất lượng dự án thay vì số lượng như BRI.

Nhật Bản còn là lực đẩy chính đằng sau việc thiết lập Sáng kiến Cơ sở hạ tầng Ba bên với Australia và Mỹ vào năm 2018.

Các dự án FOIP bao gồm dự án xây cầu ở Campuchia, cải thiện sân bay ở thủ đô Lào, dự án đường sá ở miền bắc Ấn Độ và một số dự án ở Myanmar (tính đến thời điểm trước cuộc đảo chính quân sự)…/.

Related posts

Bơi 12 tiếng vào bờ sau khi trực thăng rơi xuống biển

Tin Tức Đa Chiều

Bay qua lưới lửa Ukraine, phi công Nga ‘chỉ có thể bắn pháo sáng và cầu nguyện’: Vì sao?

Science

Nguyên cán bộ thuế bị bắt sau 21 năm trốn truy nã

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment