Tin tức Đa Chiều
Việt Nam

Quan chức Tổng cục Lâm nghiệp: ‘Rừng cao su không có con gì sống được vì bị người bắt hết’

Trước ý kiến gây xôn xao dư luận khi cho rằng cây cao su có độc tố khiến các loài sinh vật khác không thể sinh sống được dưới tán rừng cao su; việc trồng và mở rộng diện tích cây cao su chính là một phần nguyên nhân khiến lũ quét ở các vùng núi ngày càng thảm khốc. Quan chức Tổng cục Lâm nghiệp đã lên tiếng.

Trả lời vấn đề trên với báo VTC News, ông Bùi Chính Nghĩa – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát trển Nông thôn) lại có những quan điểm ngược lại.

Không có con gì sống được vì bị người bắt hết

– Tại Quốc hội ngày 5/11, nữ đại biểu tỉnh Gia Lai Ksor H’Bơ Khăp cho rằng “cây cao su là loại cây hút O2 và thải ra CO2, không có một con gì sống được trong rừng đó”. Phát biểu này đang gây ra không ít tranh luận, thưa ông?

Theo quan điểm của tôi thì cây cao su không có độc tố nào cả. Đây là cây xanh thì cũng có 2 quá trình, ban ngày quang hợp (hút khí CO2 thải ra O2), đêm thì hô hấp (hút khí O2 và nhả ra CO2). Nếu vào rừng ở buổi đêm bao giờ cũng khó chịu hơn ban ngày.

Tuy nhiên độc tố thì cũng cần có những đánh giá, phân tích cụ thể hơn.

Thực tiễn ở dưới tán rừng cao su còn rất nhiều cây khác. Tại rừng che tán, cây nào chịu bóng mới sống được, còn cây nào ưa sáng thì không sống được.

Hiện tại, có rất nhiều mô hình chăn nuôi dưới tán cao su như nuôi ong có bị ảnh hưởng gì đâu. Mật ong lấy từ phấn hoa cao su vẫn bán cho mọi người sử dụng tốt nên không thể nói đến việc có độc.

Việc phát triển các loài cây trồng, con vật dưới tán cao su, tôi thấy nuôi ong là tương đối điển hình và hiệu quả. Khu vực miền Trung và Tây Bắc (có Sơn La) thực hiện mô hình này rất nhiều.

Tôi khẳng định rằng không có việc dưới tán cao su không có con gì sống được. Bởi rừng cao su là rừng trồng thì làm gì có con nào sống được, nếu có thì người dân bắt hết rồi còn đâu nữa.

Ví dụ, dưới tán rừng trồng làm gì có hổ, báo, lợn rừng… những con vật đó chỉ sống ở nơi xa xôi hẻo lánh và không có con người đến.

Còn rừng cao su tập trung ở những tỉnh địa phương ven quốc lộ thì không thể có con nào đến được, bởi dân bắt hết rồi còn đâu.

Không làm bào mòn đất

– Nhiều ý kiến cho rằng, việc trồng cây cao su sẽ làm đất bào mòn nhanh, không giữ được nước ngăn lũ lụt?

Theo tôi là không, cây cao su giữ nước bởi tán nó rộng thế mà, trong rừng cao su có hở chút ánh sáng nào đâu. Chính vì vậy, chỉ có những loài sinh vật nào chịu được bóng tối mới sống ở trong rừng cao su.

Tôi khẳng định việc trồng cây cao su không làm cho đất bào mòn nhanh, bởi tán nó rất rộng và che phủ hết bề mặt của đất đồi.

Tuy nhiên, quy trình canh tác cây cao su này, phải xử lý thượng bì cày xới nó lên nên trong giai đoạn đầu gặp mưa thì bị xói mòn đất. Sau đó, khi rừng che kín hết rồi thì không có vấn đề gì hết cả.

– Từ thời Pháp thuộc, các kỹ sư người Pháp từng có cảnh báo việc trồng cao su ở vùng miền Trung, Tây Bắc là không phù hợp?

Cây cao su được du nhập vào nước ta từ cuối thế kỷ 19, đã có quá trình lịch sử phát triển rất lâu.

Hiện nay, có nhiều giống cây cao su thích hợp để có thể thích ứng với nhiều loại khí hậu, địa hình khác nhau. Từ đây, giúp rộng diện tích trồng ra được nhiều vùng khác được như miền Trung, Tây Bắc.

Tôi nhớ vào khoảng năm 2010, Chính phủ có chương trình phát triển cây cao su và từ đây được mở rộng ra Tây Bắc, Trung Bộ.

– Có ý kiến cho rằng, trồng 1 hecta cao su ở khu vực miền Trung, Tây Bắc không bằng trồng cỏ nuôi 10 con bò. Ông nhận xét thế nào về quan điểm này?

Tôi nghĩ rằng trồng cây nào cũng thế, không thể so sánh đánh giá thiển cận như thế được.

Ví dụ như trồng cây ăn quả, cây không có giá trị về kinh tế thì nó sẽ ảnh hưởng, không chỉ riêng cây cao su. Trồng cây phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố về thị trường, nhu cầu tiêu dùng.

– Liệu có thực trạng doanh nghiệp trồng cây cao su ở các tỉnh miền Trung và Tây Bắc như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La tận dụng việc này để phá rừng, tận thu gỗ và trồng thay thế cây cao su thế vào đó?

Không có chuyện phá rừng để trồng cao su. Đó là chương trình phát triển tùy theo mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương, chứ không phải của Bộ Nông nghiệp hoặc của ai đó.

Theo đó, chủ trương trên được đưa vào nghị quyết của Hội đồng Nhân dân, Đảng ủy, chính quyền và địa phương làm.

Những diện tích rừng trồng chuyển đổi sang trồng cây cao su và cây này được gọi là cây đa mục đích, đa mục tiêu. Cây này trồng trên đất lâm nghiệp thì gọi là đất cây trồng lâm nghiệp.

Trước đó, trong phần tranh luận với Bộ trưởng Nông nghiệp vào chiều 5/11, bà Ksor H’Bơ Khăp dẫn con số ông Nguyễn Xuân Cường báo cáo về thành tích gây rừng và cho biết nó “vô lý và sai sai”.

Bà Ksor H’Bơ Khăp chất vấn: “Bộ trưởng nói từ lúc 9 triệu lên 14 triệu (ha rừng), nhưng con số đó rất là vô lý và có cái gì đó thực sự là sai sai. Mỗi kỳ họp chúng ta liên tục được nghe những dự án, công trình để chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; tức là chuyển đổi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ – đó là rừng tự nhiên, thì làm gì có con số 14 triệu đấy?”.

Nữ đại biểu này cho biết cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỷ lệ che phủ rừng. “Rừng là nơi hấp thụ CO2 để thải ra O2, nhưng cây cao su là loại cây hút O2 và thải ra CO2. Không có một con gì sống được ở trong rừng đó được hết. Cây cao su không chỉ trồng ở Tây Nguyên mà còn trồng cả ở Tây Bắc. Tôi nghĩ, Bộ trưởng cần nghiên cứu lại dự án này cần điều chỉnh như thế nào với các cây gỗ rừng tự nhiên”.

Trước đó, Bộ trưởng Nông nghiệp báo cáo, rừng của Việt Nam đã tăng lên trong 30 năm qua. Từ chỗ 9 triệu ha năm 1990, đến nay diện tích rừng ở Việt Nam là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu. Ông Cường  cho rằng “đây là sự cố gắng vượt bậc của nhân dân và cả hệ thống chính trị”.

Trong phiên chất vấn ngày 3/11, ông Cường cũng gây tranh cãi khi phát ngôn “rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa bởi vì trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 77 triệu lít thuốc hoá học đã huỷ hoại 2 triệu ha rừng ở miền Trung”.

https://www.dkn.tv/

Related posts

Mưa lũ miền Trung: Hai ngày, liên tiếp tìm thấy 5 thi thể người dân bị lũ cuốn trôi

Tin Tức Đa Chiều

Bắc Giang sẽ khám nghiệm tử thi nam tài xế tử vong sau tiêm vắc-xin COVID-19

Khánh thành Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ & nỗi lo giảm phát

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment