Tin tức Đa Chiều
Thế Giới Tiêu Điểm

Ông Tập Cận Bình ‘bịt miệng’ cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo khi mùa chính trị sắp đến

Mới đây bải viết tưởng nhớ người mẹ quá cố của cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo được xuất bản trên một tờ báo Macao đã bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “phong sát” trên các trang mạng xã hội làm dấy lên nhiều đồn đoán của giới quan sát bên ngoài. Theo phân tích của Katsuji Nakazawa trên Nikkei, có 2 khía cạnh có thể giải thích tại sao chính quyền của Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình lại bịt miệng ông Ôn Gia Bảo.

Cách hiểu thông thường cho rằng, ông Ôn Gia Bảo, cựu thủ tướng dưới thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào từ năm 2003 đến 2013, được biết đến như một nhà lãnh đạo “cải cách”, những đề cập trong bài luận của ông về Cách mạng Văn hóa được xem như một lời chỉ trích gián tiếp đối với ông Tập. Ông Ôn cũng đã nổi tiếng vì nhắc đến chương đen tối trong lịch sử Trung Quốc tại một cuộc họp báo vào tháng 3/2012, khi đó ông cảnh báo rằng trừ khi hệ thống chính trị của Trung Quốc được cải tổ thì “một thảm kịch lịch sử như Cách mạng Văn hóa có thể xảy ra một lần nữa”.

Trong bài viết của mình, ông Ôn đã viết về việc cha ông, một giáo viên, người đã bị đánh đập dã man trong Cách mạng Văn hóa 1966-1976 đến nỗi ông cụ không nhìn được gì vì khuôn mặt bị sưng tấy. Ôn viết: “Trong suy nghĩ của tôi, Trung Quốc nên là một đất nước đầy công bằng và công lý, luôn tôn trọng ý chí của người dân, nhân loại và bản chất con người”. Lập trường này đã cho thấy nó khác với lập trường của ông Tập, người chẳng mấy khi tố cáo Cách mạng Văn hóa. Nhưng có vẻ ở đây có nhiều vấn đề hơn là việc một trưởng lão trong đảng chỉ trích nhà lãnh đạo đương nhiệm.

Một phân tích thực tế hơn là Trung Quốc hiện đang bước vào một giai đoạn nhạy cảm về mặt chính trị, và chính quyền Tập đã gửi lời cảnh báo tới ông Ôn và những người thân của ông nên giữ im lặng và không có bất kỳ động thái nào. Một vấn đề khác là trong bối cảnh ông Tập đang cố gắng tăng cường sự kìm kẹp của mình đối với ngành tài chính Trung Quốc và vấn đề này có liên quan đến cuộc đàn áp gần đây đối với Alibaba.

Vào đêm ngày 19/4, có tin tức cho biết rằng, Zhang Maolong, 68 tuổi – một phụ tá thân cận của Trần Nguyên (Chen Yuan), cựu Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) – đang bị điều tra vì “tình nghi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của đảng”. Cuộc điều tra Zhang diễn ra 8 năm sau khi ông nghỉ hưu được xem là điều bất thường.

Chen là một trong những “thế hệ đỏ thứ hai” hàng đầu, con cái của những nhà lãnh đạo ĐCSTQ thời kỳ cách mạng. Người cha quá cố của ông, Chen Yun, là một đảng viên bảo thủ nặng ký và là đối thủ lâu năm của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình và từng giữ các chức vụ quan trọng. Tại CDB, những người thân cận với Chen cũng đã bị điều tra từ hồi đầu năm nay. Chiến dịch gây áp lực được coi như một lời cảnh báo đối với những người thuộc “thế hệ đỏ thứ hai”.

5 năm trước, Tập và các phụ tá đã thể hiện sự không tin tưởng của họ đối với Chen bằng cách phá bỏ một cánh cổng kiểu Trung Quốc khổng lồ và hoành tráng được xây dựng trước tòa nhà CDB ở Bắc Kinh. Vào thời điểm đó, Chen đang nắm quyền lãnh đạo ngân hàng.

Tại công viên Xinghai ở thành phố cảng Đại Liên, một cột đá khổng lồ vào năm 2016 cũng bất ngờ bị kéo đổ. Cột đá mô tả một con rồng bay lên trời, cây cột màu trắng này đã được Bạc Hy Lai cho xây dựng khi ông ấy còn là vị thị trưởng hào hoa của thành phố, Bạc cũng là một “thế hệ đỏ thứ hai”. Và Bạc, người bị thủ tướng Ôn chỉ trích trong cuộc họp báo năm 2012 với cảnh báo về một “thảm kịch lịch sử” hiện đang thụ án chung thân vì tội tham nhũng.

Cây cột, còn có nghĩa là “huabiao” (hoa biểu), từng là một biểu tượng của hoàng đế Trung Hoa. “Hoa biểu” Đại Liên bị xem là một biểu tượng cho tham vọng trở thành hoàng đế của Bạc, một khát vọng đi ngược kỷ luật chính trị đảng.

Cánh cổng bị tháo dỡ trước tòa nhà CBD cũng liên quan mật thiết đến quyền lực của một vị hoàng đế. Chính quyền Tập đã không cho phép cánh cổng hào nhoáng do Chen Yuan xây dựng trên con đường chạy theo hướng đông tây ở Bắc Kinh được tiếp tục tồn tại. Việc dỡ bỏ “cổng thành” ở Bắc Kinh và cột đá ở Đại Liên vào năm 2016 đã cho thấy sự ra đời toàn diện của một thời đại Tập Cận Bình.

Những vụ việc kiểu như vậy cũng đã xảy ra trong các mùa chính trị tương tự. Do đó, các chuyên gia hiện đang cố gắng mổ xẻ manh mối vụ đàn áp phụ tá của ông Chen và vụ ồn ào về bài luận của ông Ôn.

Theo một số báo cáo, các công ty liên quan đến con trai của ông Ôn Gia Bảo là Ôn Vân Thông, cũng như Chen Yuan, đều nằm trong số các cổ đông của Alibaba khi tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ này niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York vào năm 2014.

Thêm một cổ đông đáng chú ý được cho là một công ty có liên quan đến ông Giang Chí Thành, cháu trai của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân.

Giang Chí Thành vào đầu năm 2015 đã cùng với người ông nổi tiếng của mình leo lên Đông Sơn lĩnh, một ngọn núi nằm trên trên Đảo Hải Nam. Giang đã mang theo ba thế hệ trong gia đình đi cùng, bao gồm vợ, con và cháu.

Vị cựu lãnh đạo kêu lên từ trên núi: “Giang Trạch Dân đang ở đây. Một chuyến đi đáng giá. Nếu tôi quảng bá địa điểm này sau khi tôi trở về Bắc Kinh, khách du lịch sẽ đổ xô đến đây”. Phát biểu của ông ta trên núi lần đầu tiên được đưa tin bởi một kênh truyền thông trực tuyến của địa phương, nhằm cho thấy cựu lãnh đạo vẫn có ảnh hưởng, không chỉ với chính giới mà còn với thế giới kinh tế và tài chính.

Nhận thấy động thái của Giang là đáng lo ngại, chính quyền Tập ngay lập tức ra lệnh xóa tất cả các bài báo và hình ảnh liên quan trên Internet. Nhìn chung, cháu trai của Giang, con trai của cựu Thủ tướng Ôn và Chen Yuan đã có một số mối liên hệ với Alibaba cũng như tầm ảnh hưởng trong giới tài chính.

Đồng thời, ông Tập dường như phần nào thiện cảm với ông Ôn về một vài khía cạnh.

Ông Ôn Gia Bả được biết đến như một vị thủ tướng luôn gần gũi với người dân, đã bị cuốn vào cuộc xung đột chính trị trong những ngày cuối cùng tại vị, bởi những cáo buộc rằng những người thân của ông đã tích lũy được một khối tài sản khổng lồ. Một số người nói rằng ông Ôn đã bị phe cánh tả nhắm tới là do ông đã truy lùng người cầm đuốc của họ – Bạc Hy Lai.

Đảng có những quy định đặc biệt. Có một thỏa thuận ngầm rằng những người lớn tuổi trong đảng phải nghỉ hưu một cách lặng lẽ và tránh xa các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, ông Ôn đã có một bức thư được công bố vào năm 2014. Và lần này, ông lại có bài xã luận được xuất bản dưới hình thức tưởng nhớ người mẹ quá cố của mình. Có lẽ ông hy vọng sẽ khôi phục lại một hình ảnh bị hoen ố bởi xung đột chính trị trong quá khứ và đi vào lịch sử một cách chính đáng.

Nếu tầm ảnh hưởng của bài xã luận đó chỉ giới hạn ở Ma Cao, ông Tập có thể nhắm mắt làm ngơ. Nhưng chính quyền Tập sẽ không chấp nhận những lời lẽ của ông Ôn được lưu truyền trên Đại lục, không chỉ một năm rưỡi còn lại cho đến đại hội toàn quốc tiếp theo của đảng.

Nếu những cao niên trong đảng, những người thế hệ đỏ thứ hai và các ông vua con, hoặc con cái của các quan chức cấp cao nổi tiếng của đảng mà được phép tự do phát biểu ngay bây giờ, thì họ có thể cản trở nỗ lực của chính quyền Tập trong việc kiểm soát hoàn toàn nền kinh tế và lĩnh vực tài chính của đất nước, cũng như chính trị của quốc gia.

Sự quyết đoán của chính quyền được thể hiện vào đầu tháng 11/2010 khi buộc Ant Group, một công ty tài chính có liên kết với Alibaba, hoãn niêm yết kép tại Thượng Hải và Hồng Kông. Việc dồn áp lực lên những người thuộc thế hệ đỏ thứ hai và các công ty tư nhân đứng sau Alibaba là một sự phô trương sức mạnh khác. Động thái của chính quyền Tập nhằm bịt miệng cựu Thủ tướng Ôn có thể được hiểu trong bối cảnh tương tự.

Related posts

Truyền thông Đức: Chính sách đối với Trung Quốc của Đức đã thất bại

Vụ xử phạt Trác Thuý Miêu nói gì về tự do ngôn luận ở VN?

Brands: Philippines là tâm điểm trong chiến tranh lạnh Mỹ – Trung

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment