Tin tức Đa Chiều
Tiêu Điểm Việt Nam

Nữ tổ trưởng đấu tranh vì gần 300 công nhân rác bị nợ lương: Áp lực đến mức “muốn tự tử”

Là người lên tiếng mạnh mẽ nhất, ra mặt đại diện cho những công nhân cùng khổ, chị Phương chịu áp lực lớn khủng khiếp từ nhiều phía.

Một tuần sụt 2kg thịt vì căng thẳng

Chị Nguyễn Thị Phương, từng là tổ trưởng tổ gom rác tại Cầu Diễn, Tây Mỗ của công ty Minh Quân bỗng chốc trở thành “người của công chúng”. Mà công chúng ở đây là gần 300 công nhân cùng khổ bị nợ 6 tháng lương, quỵt bảo hiểm cũng như những người theo dõi hành trình của họ. Chị Phương là người dấy lên “cuộc chiến” ấy, dù không ai “mượn”, không ai nhờ chị cả.

Chị tâm sự, mới đầu, chị lên tiếng chỉ nghĩ là để công ty Minh Quân phải ra mặt, trả lương còn nợ cho công nhân. Nhưng rồi câu chuyện được lan tỏa, cuộc sống riêng tư cùng khổ của các công nhân môi trường được chú ý, tình cảm ấm áp và những món quà của các nhà hảo tâm gửi đến… dồn dập khiến chị vừa hạnh phúc vì thấy tình cảm ấm áp của cộng đồng, vừa thấy choáng vì quá nhiều áp lực “thập diện mai phục”.

“Có khi bên công ty Minh Quân họ cũng ghét em, vì em là tổ trưởng đầu tiên ra mặt. Mỗi mình em lên tiếng thì cũng một mình em ăn chửi. Áp lực quá, trong hơn 1 tuần mà em sút 2kg thịt, không ăn không ngủ nổi. Hôm qua vừa ăn được cái bánh mì, mọi người gọi lại đi.

Khi còn làm thì công ty bắt em động viên công nhân, khất lên khất xuống. Giờ họ bị ép phải trả trước 3 tháng lương thì bắt công nhân đi chục cây số, chầu chực xin lại lương, mà tốp nào cũng phải có em đi cùng”, chị kể.

Rồi khi các nhà hảo tâm gửi tiền hỗ trợ, chị Phương lại đau đầu vụ tập hợp danh sách. Chị cũng bị nợ lương, nhưng không ghi tên mình trong danh sách 64 người nhận hỗ trợ của nhóm thiện nguyện Hạt vừng và Soha, mà ưu tiên nhường công nhân trước.

Dầu vậy, chọn ai được nhận quà trước trong hơn 80 công nhân chị phụ trách cũng căng não, vì sợ “làm không đúng thì mang tiếng cả đời. Có lúc em cũng sợ phức tạp, sợ nhỡ ai đó hiểu lầm, bẻ cong sự thật. Mọi người nhận tiền sướng nhưng em thì áp lực. Mấy chục người ở tổ mình, có người vẫn làm ở Urenco, có người đã bỏ nghề nhưng lương chưa được thanh toán, rồi công nhân các tổ khác cũng hỏi, điện thoại liên hồi, có khi còn trách móc… Em căng quá, có khi nói với mọi người là đừng làm áp lực với em, em đi tự tử đấy. Nhưng chỉ dọa thế thôi…”.

Chị Phương quả quyết, một đồng công ty Minh Quân trả nợ, một đồng nhà hảo tâm cho, chị cũng không gian lận, không tơ hào của công nhân. Thậm chí có người xem tivi nhớ mặt, đi ngang qua rút ví cho 500 nghìn, Phương cũng đem chia luôn cho đồng nghiệp đang ngặt hơn chứ cũng không cầm.

Bố mẹ, cậu ruột và anh chồng của chị Phương đều là công nhân vệ sinh của công ty Minh Quân, nhưng chị còn chưa ghi tên họ vào danh sách nhận hỗ trợ. Chị ngậm ngùi: “Em sợ mang tiếng với các công nhân, với làng xóm, sợ người ta bảo cái Phương lợi dụng cơ hội mà đưa cả nhà vào nhận tiền. Em phải giải quyết cho công nhân hết đã, người ta còn khổ hơn mình nhiều”.

Người phụ nữ nhỏ nhắn ấy cười tít mắt khi thấy các công nhân được trao tận tay 5,9 triệu tiền mặt chiều 30/6. Nhưng chị vẫn trăn trở về lời hứa 10/7 sẽ chốt nợ, thanh toán với công nhân. Đến khi tất cả đòi đủ tiền, chị mới thấy mãn nguyện.

Phương tiết lộ, thực ra người lên tiếng vụ này đầu tiên là mẹ chị.

Bà cũng là công nhân vệ sinh trong khu vực chị Phương phụ trách. Bà vào nghề không phải vì không có việc gì làm, mà vì thương con thiếu công nhân, bà xung phong thế chỗ. Bà vào làm được ít lâu thì công ty nợ lương, đòi kẽo kẹt chẳng được, tháng 5/2021, bà cùng 27 công nhân của tổ Đại Mỗ và Tây Mỗ làm đơn kiện. Chị Phương thấy vậy mới nối gót, kêu gọi công nhân tổ Cầu Diễn lên tiếng cùng mình.

Chị “thú nhận”: “Thực ra nhà em không khổ, không thiếu ăn đâu. Lương của em có tháng 5,5 triệu, có khi 15, 20 triệu, cao hơn các tổ trưởng khác, vì nhiều em phải quản lý mấy tổ gộp vào.

Mà nhà chồng em cũng không nghèo. Bố chồng em cho hẳn cái nhà nghỉ để trông nom, có tí tiền em lại bỏ ra ứng cho công nhân những tháng nợ lương, Đợt Tết, em bỏ tiền nhà ra gần 1 tỷ để ứng cho mọi người. May mà vừa rồi thu lại được già nửa.

Công nhân trong tổ, ai cũng mắng em là Phương ngu thế (cười lớn), tổ người ta thì bảo nhau đình công, em thì vác tiền nhà đi ứng. Thực ra em chỉ ứng trước cho đội Tây Mỗ là chính thôi, vì công nhân dọa nghỉ. Họ mà nghỉ thật thì không lấy đâu ra người bù vào. Còn tổ Cầu Diễn thì không có mấy. Kể ra 1 tỷ mà gửi ngân hàng thì lãi cũng bằng tiền lương tháng, nhưng thôi người ta khổ hơn mình, em đem ra cho vay trước. Bao giờ công ty Minh Quân trả lương công nhân, em thu về sau”.

Phương cho vay không lấy lãi tiền, mà lãi ở tình cảm, ở cái sự yêu mến, thương quý của đồng nghiệp, của công nhân. Chị cởi lòng cởi dạ, cởi cả của nả gia đình đem ra đối đãi với công nhân, họ cũng đáp lại chị bằng lòng thương mến.

Chính vì có những đêm, đồng nghiệp gọi điện xin ứng tiền, Phương trốn vào nhà vệ sinh mà nghe, sợ chồng biết; thì mới có những tháng chị bận làm ở khu vực mới, công nhân trong tổ vẫn răm rắp bảo nhau làm việc cẩn thận. Chính vì Phương kêu rát họng để đòi lương cho mình và cho họ, nên mới có chuyện họ hứa sẽ không im lặng đợi chờ nữa, sẽ ở bên bảo vệ chị, sẽ sát cánh đến cùng.

Cái phần “lãi” ấy, chẳng nhiều hơn 1 tháng lương sao?

Related posts

Bị quỵt lương, nhân viên tung loạt ảnh chụp bếp quán cơm niêu Hà Nội bẩn đến choáng váng

Tin Tức Đa Chiều

Cảnh hàng trăm người lao động Việt Nam ở Serbia ‘sống và làm việc như nô lệ’

Tin Tức Đa Chiều

2 thanh niên đâm cụ bà ngã đập mặt xuống đường, hành động sau đó gây phẫn nộ cực độ

Leave a Comment