Tin tức Đa Chiều
Việt Nam

Mỹ giám sát 11 đập Trung Quốc trên sông Mê Kông

Trung tâm Stimson của Mỹ hôm qua (16/12) công bố trực tuyến rằng, đã chính thức khởi động công cụ theo dõi đập trên sông Mê Kông (MDM). Cụ thể là 11 đập thủy điện Trung Quốc, và vấn đề môi trường đang tác động đến lưu lượng nước cũng như hệ sinh thái trên sông Mê Kông.

Sự kiện công bố trực tuyến có Giám đốc Brian Eyler thuộc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, trụ sở tại Washington D.C, và Chủ tịch Alan Basist thuộc công ty nghiên cứu và tư vấn Eyes on Earth (Mỹ).

Các diễn giả tham gia thảo luận bao gồm Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell; Tiến sĩ Somkiat Prajamwong, Tổng thư ký Văn phòng các nguồn tài nguyên nước quốc gia Thái Lan; Đại sứ Phạm Quang Vinh, cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ; Đại sứ Pou Sothirak, giám đốc điều hành Viện Hợp tác và hòa bình Campuchia; ông Niwat Roykaew của Hội đồng người dân Mê Kông; Tiến sĩ Pon Souvannaseng, trợ lý giáo sư của Đại học Bentley (Mỹ).

Ông Eyler nói Giám sát Đập Mekong được xây dựng trên những kết luận của bản báo cáo do Eyes on Earth, một cơ sở nghiên cứu về nguồn nước, công bố vào tháng Tư năm nay. Báo cáo nhận định rằng các đập (11 đập) thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong ảnh hưởng và thậm chí là nguyên nhân gây ra hạn hán ở lưu vực sông.

Dự án này một phần do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Phụ trách Vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell mở đầu buổi webinar phát biểu được RFA đăng tải:

“Mô hình này được xây dựng dựa trên nghiên cứu của Eyes on Earth nhằm chứng minh một lần nữa rằng 11 đập trên dòng chính của Trung Quốc được phối hợp với nhau để tối đa hóa sản lượng thủy điện cho Trung Quốc mà không cần tham vấn và cân nhắc hậu quả đến những người phải gánh chịu ảnh hưởng của nó nơi hạ nguồn. Thông tin công khai sẽ cung cấp cho những người cần biết nhất về nguồn nước, giúp đưa ra các quyết định ảnh hưởng đến sinh kế và an ninh khu vực”.

Để trình bày nền tảng cho tham dự viên từ các quốc gia hạ nguồn sông Mekong, ông Brian Eyler giải thích:

“Chúng tôi đã thiết kế một nền tảng từ các thông tin công khai và miễn phí đã có sẵn. Ai cũng có thể tiếp cận các dữ liệu này nên nó sẽ dễ sao chép và xác minh được. Tất cả các kết quả chúng tôi tạo ra đều miễn phí cho bạn tải xuống bao gồm dữ liệu, đồ hoạ, hình ảnh đều có sẵn cho mục đích riêng của bạn. Bạn có thể tiến hành nghiên cứu, điều tra và tìm hiểu những gì đang xảy ra trong lưu vực của mình”.

Ông nhấn mạnh Trung tâm Stimson và Eyes on Earth dự kiến trao lại nền tảng này cho các bên liên quan trong khu vực một khi dữ liệu được hoàn chỉnh.

Liên quan đến sự việc trên, phát biểu tại hội thảo trực tuyến do Viện Hòa bình Mỹ và Trường Chính sách công Lý Quang Diệu của Singapore đồng tổ chức hôm 3/9, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell nói vấn đề dòng nước là một trong những “xu hướng đáng lo ngại” ở khu vực sông Mekong.

“Một thách thức đặc biệt cấp bách là việc Trung Quốc thao túng dòng chảy của sông Mekong vì lợi nhuận của chính họ với cái giá phải trả rất lớn”, Stilwell nói, đồng thời dẫn báo cáo gần đây “ghi lại rằng Trung Quốc đã thao túng dòng nước dọc sông Mekong trong 25 năm, với sự gián đoạn lớn nhất về dòng chảy tự nhiên trùng với quá trình xây dựng và vận hành đập lớn”, theo Vnexpress.

Các nhà nghiên cứu của Mỹ nói rằng các con đập của Trung Quốc đã giữ lại nước, gây bất lợi cho các quốc gia ở hạ nguồn, nơi có khoảng 60 triệu người dân mưu sinh nhờ vào sông Mekong (trong đó có Việt Nam).

Theo báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2020, do VCCI và Trường Chính sách công và quản lý Fulbright công bố hôm 14/12, trong 10 năm qua có hơn 1,3 triệu người rời Đồng bằng Sông cửu Long (ĐBSCL) và tỷ lệ tăng dân số toàn vùng là 0%. Nguyên nhân phần lớn là do nguồn nước sông Mekong cạn kiệt, dẫn đến việc nước biển xâm nhập khiến phát triển kinh tế người dân ảnh hưởng nghiêm trọng.

https://www.dkn.tv/

Related posts

Nghệ An: Thiệt hại do mưa lũ 83 triệu, cán bộ khai khống lên 805 triệu đồng

Tin Tức Đa Chiều

Hà Nội sẽ tiêm vắc-xin Covid-19 cho cả người vãng lai

Lan can cao 1,5 m, không hiểu sao bé gái hơn 2 tuổi leo qua được

Leave a Comment