Epoch Times hôm 12/4 đăng bài viết phân tích kế hoạch triển khai quân của Hoa Kỳ trên khắp thế giới, trong đó lấy trọng tâm là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nơi Bắc Kinh đang “hoành hành” ở Biển Đông. Nhiều quyết định hiện tại của quân đội Mỹ bắt nguồn từ chiến lược quân sự nhằm đẩy lùi tham vọng của chính quyền Trung Quốc tại khu vực.
Kể từ khi chính quyền Biden lên nắm quyền, máy bay quân sự của ĐCSTQ đã quấy rối Đài Loan với quy mô chưa từng có. Tàu sân bay Trung Quốc cũng đã tiến vào chuỗi đảo đầu tiên do quân đội Hoa Kỳ kiểm soát và thực hiện các cuộc tập trận chống lại sự viện trợ của Hoa Kỳ dành cho Đài Loan, từ đó nghe ngóng phản ứng của chính quyền Biden, tìm kiếm cơ hội và xâm lược Đài Loan.
Tuy nhiên, trước tình hình đó, quân đội Mỹ đang tiếp nối các chính sách từ thời Trump, đẩy nhanh việc điều chỉnh triển khai quân sự toàn cầu, rút binh lính khỏi Trung Đông và điều quân tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Các hành động này bao gồm triển khai tên lửa tấn công ở châu Á – Thái Bình Dương, tái thiết Hạm đội 1 ở Tây Thái Bình Dương, khởi động “Kế hoạch răn đe Thái Bình Dương” và phát triển một kế hoạch hành động quân sự cụ thể ở Biển Đông.
Mỹ tăng tốc rút quân khỏi Trung Đông
Tờ WSJ mới đây đưa tin, Tổng thống Biden đã ra lệnh cho Ngũ Giác Đài rút bớt khí tài và binh lính khỏi khu vực Vùng Vịnh, đây là động thái ban đầu nhằm điều chỉnh việc triển khai quân sự toàn cầu của Mỹ và tránh xa Trung Đông.
Mỹ đã rút ít nhất 3 tháp tên lửa Patriot khỏi vùng Vịnh, trong đó có 1 tháp tên lửa đặt tại Căn cứ Không quân Prince Sultan ở Ả Rập Xê Út. Một số khí tài quân sự như tàu sân bay và các hệ thống giám sát, cũng đang được chuyển giao từ Trung Đông để đáp ứng nhu cầu quân sự ở các khu vực khác trên thế giới. Ngoài ra, các hoạt động bãi bỏ khác cũng đang được xem xét.
Báo cáo của WSJ cũng cho biết, “một số thiết bị, bao gồm máy bay không người lái trinh sát và tháp pháo chống tên lửa, có thể được triển khai lại để tập trung vào các đối thủ cạnh tranh hàng đầu trên toàn cầu, trong đó gồm cả Trung Quốc và Nga”.
Triển khai tên lửa ngăn chặn Trung Quốc
Trong nhiều thập kỷ qua, Trung Đông là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược đối với nước ngoài của Mỹ, tuy nhiên, sau hai cuộc chiến tranh vùng Vịnh, Mỹ nhìn lại và thấy rằng Hoa Kỳ không những mất đi binh lính, không nhận được gì mà ngược lại, còn khiến Iran phát triển lớn mạnh hơn. 20 năm Hoa Kỳ rơi vào cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông là 20 năm “vàng son” phát triển của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khiến nó trở thành mối đe dọa của Hoa Kỳ.
Sau khi Tổng thống Trump nhậm chức, ông nhận ra rằng ĐCSTQ là mối đe dọa lớn nhất, ông bắt đầu đảo ngược định hướng chiến lược của Mỹ, chuyển trọng tâm từ Trung Đông sang Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đẩy mạnh “chiến lược ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, tăng cường quan hệ với đồng minh và bao vây ĐCSTQ. Đồng thời, chính quyền Trump đã rút khỏi “Hiệp ước tên lửa tầm trung” giúp quân đội Hoa Kỳ có thể triển khai tên lửa ở Tây Thái Bình Dương.
Vào tháng 6 năm ngoái, tờ Los Angeles Times (LAT) đưa tin rằng, để đối phó với việc ĐCSTQ tiếp tục mở rộng kho vũ khí tên lửa và năng lực quân sự, đe dọa an ninh các căn cứ quân sự của Mỹ và các đồng minh ở châu Á, Hoa Kỳ đang chuẩn bị triển khai hàng trăm tên lửa tại châu Á. Động thái này có thể nhanh chóng và dễ dàng cân bằng sức mạnh ở Tây Thái Bình Dương và giành lại lợi ích cho Hoa Kỳ.
Bài báo của LAT cho biết, “Chương trình tên lửa là cốt lõi trong kế hoạch xây dựng sức mạnh quân sự của Mỹ ở châu Á”. Hoa Kỳ dự kiến sẽ chi tiêu hàng chục tỷ USD cho ngân sách quốc phòng trong 10 năm tới. Đây là trọng tâm ngân sách của Ngũ Giác Đài và là một động thái lớn nhằm di chuyển quân sự từ Trung Đông sang Châu Á – Thái Bình Dương.
LAT cũng đề cập rằng, khi chính quyền Trump lần đầu tiên đề xuất ý tưởng này vào năm 2019, Úc và Philippines đã công khai loại trừ khả năng triển khai tên lửa ở nước họ, và Hàn Quốc cũng được coi là một địa điểm khó xảy ra.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết, nhiều đồng minh ủng hộ kế hoạch triển khai tên lửa và sẽ sớm cho phép triển khai tên lửa trên lãnh thổ của mình, nhưng họ không muốn khơi dậy sự phản đối của Bắc Kinh và người dân nước này trước khi quyết định được đưa ra.
Năm 2019, Ngũ Giác Đài đã thử nghiệm một số loại mới tên lửa mới tầm ngắn, một tên lửa tầm trung với tầm bắn lên tới 3400 dặm, một tên lửa đạn đạo được đặt trên đảo Guam thuộc lãnh thổ của Hoa Kỳ và một tên lửa di động có thể vận chuyển bằng xe tải.
Lô vũ khí mới đầu tiên có thể được đưa vào sử dụng trong vòng hai năm, nhưng vẫn chưa công bố nơi chúng sẽ được triển khai. Hiện tàu chiến và máy bay của Mỹ ở châu Á cũng mang tên lửa tương tự, nhưng không có hệ thống tên lửa đất đối đất.
Ngày 9/3, Philip Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ , đã làm chứng trước Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện rằng, mối đe dọa lớn nhất trong thế kỷ 21 là đến từ ĐCSTQ và nhu cầu quốc phòng cấp thiết nhất của Hoa Kỳ chính là việc khai triển các tên lửa tầm xa ở châu Á để có thể đe dọa ĐCSTQ. Hoa Kỳ cần phải bổ sung tên lửa tấn công với tầm bắn lớn hơn 310 dặm để cải thiện hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có.
Trong phần phát biểu của mình, ông Davidson đã sử dụng thuật ngữ bóng chày để giải thích vai trò của tên lửa tấn công: “Nếu chúng ta không thể ghi bàn, thì chúng ta không thể thắng trận đấu. Chúng ta phải có khả năng tấn công, điều này sẽ khiến đối thủ phải suy nghĩ kỹ về bất kỳ hành động xấu xa nào mà họ thực hiện trong khu vực. Đây là vai trò của tên lửa tấn công”.
Xây dựng lại Hạm đội 1 ở Tây Thái Bình Dương
Hiện tại, Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ, có trụ sở chính tại Yokosuka, Nhật Bản, là hạm đội duy nhất đóng quân ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và quản lý vùng biển Ấn Độ – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, khi ĐCSTQ không ngừng mở rộng khả năng quân sự ở Biển Đông, khả năng “răn đe” của Hạm đội 7 có dấu hiệu yếu đi.
Để đối phó với mối đe dọa quân sự của ĐCSTQ, Hải quân Hoa Kỳ cũng đang thảo luận về khả năng phân bổ lại sức mạnh quân sự và điều chỉnh việc triển khai quân sự trên quy mô toàn cầu.
Ông nói rằng, ông sẽ xây dựng một hạm đội mới đặt tại ngã tư giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nó có thể ở Singapore, hoặc nó có thể là một cuộc tuần tra đại dương di động. Nhưng quan trọng nhất, nó có thể cung cấp một sự răn đe mạnh mẽ hơn.
Tháng 11 năm ngoái, ông Braithwaite đã chính thức tuyên bố trong phiên điều trần tại Thượng viện rằng, họ sẽ xây dựng lại Hạm đội 1 của Hải quân Hoa Kỳ và triển khai nó đến khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Được biết, Hạm đội 1 ban đầu chịu trách nhiệm về khu vực Tây Thái Bình Dương, được thành lập vào năm 1943, nhưng đến năm 1973 thì ngừng hoạt động.
Ý tưởng của ông Brethwaite đã được nhiều tướng lĩnh quân đội Mỹ ủng hộ. Trên trang web quân sự của Mỹ – military.com ngày 15/3 đưa tin, Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ cho biết trong một cuộc điều trần tại Hạ viện rằng, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ – John Aquilino đang nghiên cứu “ưu và nhược điểm” của của việc tái triển khai Hạm đội 1 của Hoa Kỳ. Ban lãnh đạo hải quân đã yêu cầu Aquilino “xem xét một số lựa chọn cho các hành động mà Hạm đội 1 có thể thực hiện”. “Khái niệm và ảnh hưởng có thể có của [Hạm đội 1]… mối quan hệ với Hạm đội 7 và các lực lượng quân sự của chúng tôi ở đó vẫn đang được lên kế hoạch”, ông nói.
Chủ nhiệm tác chiến Hải quân Hoa Kỳ – Michael Gilday cũng tuyên bố vào ngày 5/4 rằng: Chúng tôi đang kiểm tra chặt chẽ việc triển khai quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Để giảm bớt gánh nặng cho Hạm đội 7, chúng tôi đang xem xét thành lập một hạm đội số 1 mới”.
Chuyển trọng tâm sang ‘Răn đe Thái Bình Dương’
Ngày 11/12 năm ngoái, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng cho năm tài chính 2021 với tỷ lệ phiếu bầu 84 – 13. Trong đó, “Kế hoạch răn đe Thái Bình Dương” được đặc biệt gây chú ý. Kế hoạch này nhằm mục đích duy trì ưu thế quân sự của quân đội Hoa Kỳ so với ĐCSTQ.
Về vấn đề này, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đưa tin, Zack Cooper thuộc Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ cho rằng, kế hoạch răn đe này có thể là phần quan trọng nhất của pháp luật liên quan đến châu Á trong những năm gần đây, cho thấy sự khởi đầu trong sự thay đổi trọng tâm chiến lược của Hoa Kỳ.
Timothy Heath thuộc tập đoàn RAND Corporation cho rằng, tầm quan trọng của Kế hoạch răn đe Thái Bình Dương là đánh dấu sự thay đổi của Hoa Kỳ trong việc triển khai và chuẩn bị cho cuộc chiến chống lại ĐCSTQ.
Khi đó, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện, Thượng nghị sĩ Jim Inhofe của Đảng Cộng hòa, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ – Jack Reed đã viết một bài báo nêu rõ mục đích của Kế hoạch răn đe Thái Bình Dương là để Bắc Kinh hiểu một điều: Bạn không thể thắng trong quân sự, vì vậy đừng cố gắng gì cả.
Báo mạng của Học viện Hải quân Hoa Kỳ (USNI) ngày 2/3 đưa tin, Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đang tìm kiếm 4,68 tỷ USD trong năm tài chính sắp tới để hỗ trợ cho “Kế hoạch răn đe Thái Bình Dương”. Đồng thời, để đạt được mục tiêu của mình, họ cũng hy vọng sẽ thu được 22,69 tỷ USD trong khoảng từ năm tài chính 2023 đến năm tài chính 2027.
Về nội dung của “Kế hoạch răn đe Thái Bình Dương”, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương giải thích trước Quốc hội rằng, Hoa Kỳ cần thiết lập một cách hợp lý mạng lưới tác chiến tấn công chính xác có thể chống lại các cuộc tấn công của kẻ thù vào chuỗi đảo đầu tiên ở Tây Thái Bình Dương, triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên mặt đất ở đảo Guam, cũng như các radar đa chức năng chiến thuật ở Palau, một đảo quốc ở Tây Thái Bình Dương.
Kế hoạch cho Biển Đông của Hải quân Mỹ
Quân đội Hoa Kỳ rõ ràng đang tăng cường sự hiện diện và khả năng tác chiến ở Tây Thái Bình Dương, đồng thời chuẩn bị cho các cuộc xung đột với quân đội Trung Quốc trong những thập kỷ tới.
Ngày 7/3, cựu Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ – James Stavridis đã viết một bài báo trên tờ Nikkei Asia, tiết lộ kế hoạch hành động trên Biển Đông của Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương và nói rằng, những kế hoạch này đã được gửi cho Ngũ Giác Đài, đang chờ đánh giá của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Theo bài báo, một trong những lựa chọn là nâng cao vai trò của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ để chống lại chiến tranh du kích của ĐCSTQ ở Biển Đông. Các đảo và đá ngầm quân sự hóa của ĐCSTQ ở Biển Đông sẽ trở thành một mục tiêu rất hấp dẫn. Thủy quân lục chiến sẽ tiến sâu vào Biển Đông và sử dụng máy bay không người lái có vũ trang, tên lửa và thậm chí cả vũ khí chống hạm để tấn công lực lượng hàng hải của ĐCSTQ, bao gồm cả các căn cứ trên bộ.
Ngoài ra, Hải quân Hoa Kỳ sẽ tích cực hơn trong việc tuần tra các vùng biển ven bờ của Trung Quốc và dần dần sẽ đưa các đồng minh vào đội tuần tra tự do để chống lại chủ quyền tự xưng của ĐCSTQ ở Biển Đông.
Ngũ Giác Đài đặc biệt hy vọng Anh, Pháp và các đồng minh NATO khác sẽ tham gia nỗ lực tuần tra ở Biển Đông.
Trên thực tế, tại cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng NATO ở thủ đô Brussels của Bỉ gần đây, các đồng minh đã thảo luận về vai trò của NATO khi đối mặt với những khả năng quân sự ngày càng gia tăng của ĐCSTQ.
Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng kỳ vọng thuyết phục được Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam tham gia vào việc tuần tra Biển Đông. Mục tiêu của Hoa Kỳ là thành lập một liên minh hàng hải toàn cầu để cùng đối phó với hạm đội của ĐCSTQ.
Ngoài Hải quân Hoa Kỳ, Không quân Hoa Kỳ có khả năng sẽ triển khai thêm nhiều máy bay ném bom và máy bay chiến đấu tầm xa tấn công trên bộ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cả trên một số hòn đảo rất xa.
Bên cạnh đó, quân đội Mỹ cũng sẽ triển khai quân đội ở gần Trung Quốc đại lục, bao gồm tăng cường khả năng quân sự của quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Lục quân và Không quân cũng sẽ tiến hành các cuộc huấn luyện và tập trận bổ sung với Đài Loan. Lực lượng không gian mới được thành lập của Mỹ cũng được cho là sẽ tập trung thông tin tình báo và trinh sát tại các khu vực tác chiến.