Tin tức Đa Chiều
Góc Nhìn Tiêu Điểm Việt Nam

Mạng xã hội VN nói gì về Quân đội sau vụ quân nhân Trần Đức Đô tử vong?

Theo như một số người có ý kiến nói về trách nhiệm của các sỹ quan cao cấp trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, và đề nghị có ‘đường dây nóng’ để ngăn các vụ bạo hành, đánh nhau, hoặc đả thương bộ đội, sau cái chết của quân nhân Trần Đức Đô, cộng đồng mạng xã hội Việt Nam tiếp tục tranh luận về ba vấn đề sau đây.

Một là liệu nhà nước Việt Nam sẽ phải đối mặt với khó khăn khi tuyển quân hay không, và hai là hiện tượng được cho là vô kỷ luật trong quân ngũ dẫn tới các vụ bạo hành.

Thứ ba, một số ý kiến nói về trách nhiệm của các sỹ quan cao cấp trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, và đề nghị có ‘đường dây nóng’ để ngăn các vụ bạo hành, đánh nhau, hoặc đả thương bộ đội.

Quân nhân Trần Đức Đô (sinh năm 2002), quê tại khu Đa Hội, phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh tử vong vào ngày 28/6, khi đang trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Tiểu đoàn 4, Đại đội 14, Trường Đại học quân sự Quân khu I.

Tiếp tục gây xúc động trong cộng đồng mạng

Các chết của quân nhân Trần Đức Đô đã gây chấn động mạng xã hội Việt Nam và câu nói của mẹ anh Trần Đức Đô nói trong một video, “Không tìm ra hung thủ của con em thì người dân Việt Nam không còn tin đảng và nhà nước nữa”, được chia sẻ nhiều.

Một số người đã dùng mạng xã hội nói về các vụ việc xảy ra với người thân của mình trong quân ngũ, gồm các vụ “đánh nhau giữa bộ đội”, “bị chỉ huy hành hạ”, “bị bắt đi câu cá hầu hạ sĩ quan nhậu” (trong hải quân), “bắt làm việc không công cho gia đình chỉ huy”…

Trong khi đó vụ việc xảy ra với Trần Đức Đô vẫn đang được một số người có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội trực tiếp lên tiếng trên Facebook.

Điều này có thể là một thách thức với hệ thống chính trị Việt Nam khi quân đội có cơ chế điều tra, xử lý vụ việc riêng của họ, không chịu sự kiểm soát của tòa án, viện kiểm sát bên dân sự.

Tuyển quân ra sao khi các vụ tử vong xảy ra ‘không dẫn tới điều tra’?

Blogger Bùi Thanh Hiếu, người thường nêu quan điểm bất đồng chính kiến chia sẻ trên Facebook cá nhân từ Berlin, Đức về cái chết được cho là của một quân nhân, Phạm Đình Hưng, sinh năm 1995, nhập ngũ tại Lữ đoàn pháo binh 572 thuộc Quân Khu 5 xã Phù Mỹ tỉnh Bình Định.

Ông Hiếu viết: “Hơn 2 năm rồi, chả có công lý hay công bằng nào xuất hiện, chỉ có công quyền luôn hiện hữu mà thôi.”

Võ sư Đoàn Bảo Châu từ Hà Nội viết trên Facebook:

“Tình trạng bạo lực, tình trạng bị bắt nạt trong trường học đã là một vấn nạn nhưng có lẽ bị bắt nạt, đánh đập, hành hung đối với tân binh lại là vấn đề lớn hơn nhiều.”

Ông Châu chạy livestream trên Facebook cá nhân nói về “Vai trò của truyền thông, người nhà, quân đội cần làm gì để ngăn ngừa tình trạng này, sự chuẩn bị cần thiết về tâm lý và thể chất cho người trẻ bước vào quân ngũ nói riêng, vào đời nói chung”.

Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng từ Hà Nội viết trên Facebook:

“Chôn được người lính ấy xuống đất thì các vị lãnh đạo quân đội có vẻ yên chuyện, nhưng không chôn được lòng oán thán ngút trời của người dân ngày càng dâng cao.”

“Một chế độ có 800 phương tiện tuyên truyền, nhưng phải dập tắt càng sớm càng tốt vụ giết người này chỉ cho thấy uy tín và và sự chính thống của chế độ cộng sản Việt Nam đã bị xói mòn theo thời gian!” là phát biểu của Đặng Tiến Dũng.

“Lại sắp có màn tuyên truyền rầm rộ cho đợt tuyển quân sắp tới” là bình luận của Facebooker Toàn Nguyen Van.

“Thế này thì ai dám cho con em đi nghĩa vụ quân sự nữa,” Tieu Vuhoang viết.

Tuy thế, cũng có ý kiến nói hiện tượng tân binh ‘vô kỷ luật’ gây khó khăn cho cấp chỉ huy.

Nhà văn Trần Quốc Quân, cựu quân nhân viết:

“Tôi nhập ngũ đánh TQ tháng 12/1980, nghĩa là tham gia Bộ đội cụ Duẩn. Bộ đội thời tôi đói khổ nhất, rèn luyện cẩu thả nhất dẫn đến vô kỷ luật nhất, kể từ thời Quân đội Nhân dân Việt Nam ra đời ngày 22/12/1944 đến nay. Chắc vậy!”

Ông viết tiếp trên Facebook:” Cũng như ngoài xã hội, đám lính trẻ, mới lớn thì đánh nhau, sử dụng nhục hình với nhau như cơm bữa. Điều luật quân đội cấm nhưng khó có thể kiểm soát được.”

Tuy thế, ông nhận định như sau:” Mặc dù thực tế từng trải qua và từng được chứng kiến là vậy, nhưng tôi tin không có điều luật bất cứ quân đội nào trên thế giới này cho phép chỉ huy đánh đập và sử dụng nhục hình với lính.”

“Tôi tin, trong quân đội ta nếu có chỉ huy đánh lính, nhục hình lính thì chỉ từ cấp đại đội trở xuống trung đội, đến tiểu đội. Tôi tin, cấp chỉ huy từ tiểu đoàn trở lên đến trung đoàn, sư đoàn, quân đoàn thì không ai ngu gì vi phạm điều luật cấm đánh lính, nhục hình lính để phải đổi giá quá đắt.”

Sỹ quan các cấp đều phải chịu trách nhiệm

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên từ Hà Nội, cũng với tư cách cựu quân nhân đề nghị các vị lãnh đạo cao nhất Bộ Quốc phòng rằng họ cần “chỉ đạo làm sáng tỏ minh bạch cái chết của binh nhì mười chín tuổi Trần Đức Đô”.

“Một người lính chết vì bất cứ lý do gì thì sỹ quan các cấp đều phải có trách nhiệm. Đó là kỷ cương của quân đội, danh dự của quân đội”.

Luật sư Trần Đình Triển viết:

“Nhìn vết thương trên thi thể cũng đủ để suy đoán chính xác nguyên nhân chết của quân nhân Trần Đức Đô. Tôi mong và tin tưởng Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng sẽ có kết luận chính xác. Hãy nhìn vào sự thật!”

Cây bút Huy Đức từ TP HCM viết: “… Làm sáng tỏ và xử lý nghiêm chính là cách tốt nhất để khẳng định, ‘trong Quân đội không có tình trạng đánh nhau, bạo lực mà chỉ có đi làm nhiệm vụ’.”

“Uy tín của Quân đội quan trọng hơn những kẻ bạo hành (nếu có) trong Quân đội,” cây bút này viết trên Facebook.

Cấp chỉ huy Quân khu I nói gì?

Về cái chết của quân nhân Trần Đức Đô, Đại tá Nguyễn Xuân Thìn, Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 1 khẳng định, “Không có việc đánh nhau dẫn đến chết người”, báo Pháp luật tường thuật.

Ông này nói, “Quân đội luôn kỷ luật sắt, nghiêm minh”, qua đó quả quyết,”Căn cứ vào cơ sở đó chúng tôi có thể khẳng định không có việc đánh nhau dẫn đến chết người.”

Tờ Dân Trí viết: “Trung tướng Dương Đình Thông, Chính ủy Quân khu 1, khẳng định: ‘Cơ quan điều tra sẽ làm rõ “‘ất cả mọi thứ’ liên quan đến việc quân nhân Trần Đức Đô tử vong ngoài thao trường’.”

Lâu nay, theo truyền thông Việt Nam, quân đội nước này “từ nhân dân mà ra”.

Hệ thống tuyên truyền hay nêu lại những hình ảnh đã từ lâu, cho rằng “anh bộ đội cụ Hồ” gắn bó với dân “như cá với nước”.

Tuy thế, xã hội Việt Nam nay đã khác, với các tầng lớp dân cư có suy nghĩ, cách sinh hoạt khác xưa, và thị trường đã xâm nhập mọi mối quan hệ, đưa tới cả việc làm kinh tế trong quân đội.

Nhận thức về quyền con người, quyền của quân nhân cũng lên cao hơn trước.

Cùng lúc, chiến tranh trên bộ không còn là trọng tâm khi các thách thức quốc phòng của Việt Nam nay là trên biển, trên không và an ninh mạng.

Luật sư Ngô Ngọc Trai viết trên Facebook:

“… đã đến lúc Việt Nam cần hiện đại hóa quân đội theo hướng tinh nhuệ hiện đại chuyên nghiệp, do đó cần rà soát điều chỉnh lại các chính sách về huấn luyện đào đạo chiến sĩ.”

“Quân đội cần các chiến sĩ chuyên nghiệp tham gia lâu năm, được đào tạo nắm bắt sử dụng các vũ khí hiện đại, được trả lương và được học về chiến lược chiến thuật, theo đó cần giảm đi việc đi lính nghĩa vụ với những hoạt động huấn luyện không còn phù hợp với nhu cầu của bối cảnh mới.”

Có ý kiến nói nên chăng Bộ Quốc phòng Việt Nam và các cơ quan liên quan lập “đường dây nóng” để tiếp nhận thông tin tố cáo những vụ bắt nạt, đánh đập, hành hung khi đi nghĩa vụ quân sự.

Sau cái chết của quân nhân Trần Đức Đô, nay có đến năm đơn vị tham gia điều tra.

Theo truyền thông nhà nước, những đơn vị này gồm Phòng Điều tra hình sự Quân khu I; Cục Điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng); Cục Bảo vệ An ninh quân đội Bộ Quốc phòng; Viện Pháp y quân đội và Công an tỉnh Thái Nguyên.

Hôm 04/07, trang ******** có bài tổng hợp gọi đây là tin nóng trong tuần:

“Nóng trong tuần: Quân nhân Trần Đức Đô tử vong khi tại ngũ, Cục Điều tra hình sự và 4 cơ quan vào cuộc.”

Điều này cho thấy không chỉ mạng xã hội mà báo chí do nhà nước VN kiểm soát cũng vào cuộc đông đảo.

Báo Pháp luật (02/07) có bài: Gia đình quân nhân Trần Đức Đô: ‘Đã có hướng giải quyết’ dẫn lời cha của Đô cho biết “vụ việc liên quan đến cái chết của con mình đã được gia đình và đơn vị [quân đội] thống nhất” mà không nêu cụ thể nội dung thống nhất là gì.

“Trong lúc tang gia bối rối tôi xin không cung cấp thông tin thêm cho báo chí. Hôm nay gia đình sẽ có buổi họp, nếu có thông tin thêm, tôi sẽ trao đổi lại” – ông Trần Đức Hội nói vào ngày 2/7.

Báo Thanh Niên cùng ngày cho hay, “Vụ quân nhân Trần Đức Đô tử vong: Sẽ khởi tố nếu có dấu hiệu tội phạm”.

Related posts

Từ một chiếc xe bị mất cắp, chặt phá đường dây trộm cắp gần 100 xe ô tô

Cán bộ VN ăn uống linh đình như không có dịch!

Tin Tức Đa Chiều

Điểm tin thế giới 30/3: Ông Trump nói về ‘biên giới’ và Trung Quốc tại đám cưới

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment