Tin tức Đa Chiều
Việt Nam

Luật sư, thẩm phán: Đinh La Thăng sẽ bồi thường 830 tỷ đồng ra sao?

Từ khi bị bắt vào tháng 7/2017, ông Đinh La Thăng đã 4 lần hầu tòa. Sau 4 bản án đã tuyên, bị cáo Thăng phải lãnh tổng cộng 30 năm tù giam, và bồi thường tổng cộng 830 tỷ đồng. Nhiều ý kiến chuyên gia, luật sư, thẩm phán cho rằng, việc thực hiện thi hành án số tiền 830 tỷ với ông Đinh La Thăng là khó khả thi.

Theo báo Tuổi Trẻ, ở vụ án thứ nhất, sai phạm của ông Đinh La Thăng khi còn giữ chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN.

Theo bản án phúc thẩm ngày 14/5/2018, ông Thăng bị tuyên phạt 13 năm tù, và buộc phải bồi thường 30 tỷ đồng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tại vụ án thứ hai, tháng 6/2018, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên ông Đinh La Thăng y án 18 năm tù, buộc phải bồi thường 600 tỷ đồng. Sai phạm của ông Thăng được xác định trong vụ án PVN mất 800 tỉ đồng khi góp vốn vào Oceanbank.

Vụ án thứ ba, ngày 22/12/2020, TAND TP.HCM đã tuyên phạt ông Đinh La Thăng 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Trong vụ án thứ tư, xảy ra tại Dự án Ethanol Phú Thọ, ngày 15/3, TAND Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 11 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Tòa cũng tuyên buộc bị cáo Đinh La Thăng phải bồi thường hơn 200 tỷ đồng.

Như vậy tổng tiền phải bồi thường trong 4 vụ án khoảng 830 tỷ đồng, và lãnh tổng cộng 30 năm tù giam (mức án cao nhất với tù có thời hạn).

Trên báo Lao động, trước sự việc trên, nhiều ý kiến chuyên gia gồm luật sư, thẩm phán cho rằng, việc thực hiện thi hành án với ông Đinh La Thăng là khó khả thi. Qua đó, có chuyên gia cho rằng, cần có những “cải tiến” đối với các loại tội phạm liên quan đến chức vụ, tham nhũng.

Một thẩm phán TAND TP. Hà Nội cho biết, trong trường hợp toàn bộ tài sản của ông Đinh La Thăng đã bị kê biên nhưng không đủ khả năng bồi thường dân sự thì cơ quan thi hành án sẽ treo khoản nợ đó và vẫn bắt buộc bị cáo phải chấp hành án.

Theo thẩm phán này, nếu bị cáo chưa có điều kiện về kinh tế để chấp hành án thì cơ quan thi hành án sẽ tạm đình chỉ khoản nợ đó chứ không bao giờ xoá đi. Nếu bị cáo bồi thường đủ thì cơ quan chức năng sẽ xem xét trong việc giảm án, ra tù trước thời hạn.

PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao nêu quan điểm giải quyết với trường hợp của ông Đinh La Thăng. Theo đó, với tài sản của người thân ông Thăng, nếu chứng minh được những người đó có dấu hiệu tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì phải khởi tố vụ án để tịch thu, sung công quỹ Nhà nước.

Một cách thứ 2 là khởi kiện vụ án dân sự để đòi lại tài sản. Khi đó, cơ quan tố tụng sẽ thay mặt để đòi lại. Khi đó, những người hưởng thừa kế đều phải trả lại tài sản sau đó mới được hưởng quyền thừa kế.

Có những vụ án tham nhũng lớn, trong quá trình điều tra nếu bị can chết thì giải quyết bồi thường cũng không được giải quyết. Nhưng nếu khởi kiện dân sự thì giải quyết thoải mái để đòi lại tài sản Nhà nước.

Ông Độ nói: Hiện nay chỉ có Cơ quan điều tra kê biên được tài sản nào đó thì lấy tài sản đó để đảm bảo thi hành án thôi. Ngoài ra, chẳng còn cách gì cả.

Related posts

Chuyên gia kiến nghị sớm có sân bay thứ 2 ở vùng thủ đô

Quản lý tố Hồ Văn Cường hỗn láo với mẹ ruột, nói rõ việc đòi lại kênh Youtube và sổ tiết kiệm ngân hàng

Tin Tức Đa Chiều

Lai Châu: Phát hiện 31 lao động chui vượt biên trái phép từ Trung Quốc

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment