Hơn nữa, không phải loại tre nào cũng ra quả mà chỉ có tre lê mới có thể đậu quả. Tre nở hoa trong khoảng thời gian từ 10 – 15 năm, còn thời gian để tre tạo quả là từ 30 – 50 năm có khi còn lên tới 100 năm.
Dù hiếm có như vậy nhưng dân gian lại có câu rằng: “Tre ra hoa, kết trái là điềm báo của thảm họa “, vì sao người xưa nhận định như vậy?
Trên thực tế, theo các dữ liệu đã ghi lại, bang Mizoram ở phía Đông Bắc của Ấn Độ có 1 rừng tre, cứ sau 48 năm là những cây tre nơi đây lại cùng nhau nở hoa và ra quả. Nhưng cứ mỗi khi tre nở hoa, ra trái là địa phương này cũng phải gánh chịu thảm họa bệnh dịch và nạn đói. Lần sớm nhất xảy ra thảm họa được ghi nhận là vào năm 1815 và lần gần nhất là năm 2006 – 2008.
Tại Trung Quốc, vào mùa xuân năm 1976, tại huyện Văn thuộc tỉnh Cam Túc và huyện Vũ Bình thuộc tỉnh Phúc Kiến từng xảy ra tình trạng tương tự. Sau khi nhiều khu vực rộng lớn trồng tre đột nhiên nở hoa, kết trái và sau đó chết hàng loạt kéo rất nhiều gấu trúc bị chết đói vì thiếu thức ăn.
Tại sao mỗi khi tre trổ hoa, kết trái đều kéo theo những chuyện xấu? Hiện tượng này đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà khoa học. Họ cùng bắt tay vào để vén bức màn bí mật này.
Giải mã bí ẩn của cây tre
Sau 1 loạt nghiên cứu, cuối cùng, các nhà khoa học đã tìm ra lời giải đáp cho câu nói “Tre ra hoa, kết trái là điềm báo của thảm họa”. Nhận định này hóa ra bắt nguồn từ các đặc tính của cây tre.
Thứ nhất, tre thuộc bộ Hòa thảo, là loại thực vật có hoa nhưng chỉ ra hoa 1 lần duy nhất trong đời. Có thể thấy, tre cũng giống như cây lúa, sau khi đơm hoa kết trái sẽ chuyển sang giai đoạn cuối đời. Điểm thú vị của tre là chúng sẽ cùng nhau đơm hoa, kết trái trong cùng 1 thời điểm.
Đó là khi chúng đi tới giai đoạn cuối đời sẽ đồng loạt ra hoa và sản sinh hạt giống để tăng tỷ lệ sống sót cho quần thể tre. Việc ra hoa, kết trái khiến cho các cây tre mất rất nhiều năng lượng. Điều này cũng kéo theo tình trạng rừng tre chết hàng loạt sau mỗi lần nở hoa, đậu quả. Ngoài ra, các nhà khoa học đã đưa thêm một giả thuyết khác cho thấy cây tre mẹ chết để có chỗ cho cây con.
Thứ hai, thảm họa do tre gây ra mà người xưa đề cập tới thực chất lại có liên quan tới quả của nó. Quả của cây tre hay còn gọi là hạt của nó được coi như một loại báu vật vô cùng bổ dưỡng. Quả tre còn là món khoái khẩu của các loài chim chóc, gặm nhấm. Vì thế mỗi khi tre nở hoa, kết trái là trong rừng tre luôn thu hút vô số chuột, chim.
Đặc biệt là loài chuột, để có thể chén hết số quả tre hiếm có này, chúng bắt đầu sinh sản nhiều hơn. Với tốc độ sinh sản của chuột, chẳng mấy chốc, cả 1 rừng tre cũng không đủ để làm thức ăn cho chúng. Vì thế, chuột bắt đầu băng qua núi, lội qua suối và chui vào khu vực của người dân để tìm kiếm đồ ăn. Đây cũng là lý do vì sao Ấn Độ và Trung Quốc lại liên tiếp xảy ra thảm họa sau mỗi lần tre nở hoa, ra quả.
Cùng với sự phá hoại của loài chuột, loài người cũng bị tấn công bởi nạn đói và mắc bệnh từ những con vật gặm nhấm này gây ra. Từ những thảm họa xảy ra sau khi tre đơm hoa, kết trái, người xưa mới dần đúc kết thành câu nói trên với mong muốn nhắn nhủ cho con cháu hãy đề phòng trước hiện tượng này để không phải gánh chịu hậu quả đáng tiếc.