Tin tức Đa Chiều
Góc Nhìn

Lần đầu triển lãm ảnh khỏa thân tại Việt Nam: Đâu mới là nghệ thuật chân chính đích thực?

Sau buổi triển lãm ảnh khỏa thân (nude) của nhiếp ảnh gia Hạo Nhiên và Thái Phiên, chủ đề tự do sáng tác và biểu đạt lại một lần nữa được đưa ra tranh luận.

Người ta dựa trên lý lẽ phân biệt giữa nghệ thuật và dung tục, nhưng mấy ai dám chắc, cái gọi là nghệ thuật đích thực lại không gây ra sự cảm nhận dung tục từ người xem. Bởi không thể sàng lọc người xem, và ý nghĩ của con người là không thể kiểm soát. Vậy một khi nó không thể kiểm soát như ngọn lửa lúc nào cũng âm ỉ thì có nên cung cấp thêm củi lửa cho nó?

Cái gì đẹp cũng có thể trưng bày?

Triển lãm ảnh khỏa thân công khai cho công chúng được xem là một bước tiến lớn trong làng nghệ thuật nhiếp ảnh, đặc biệt là nhiếp ảnh nude. Báo chí cũng hết sức ủng hộ và đưa tin bài, nhưng trong khi buổi triển lãm được dán mác 18+ thì các bài báo đăng tin lại công khai các tác phẩm triển lãm mà không có cảnh báo hay kèm hiệu ứng làm mờ nào.

Một trong mười nhiếp ảnh gia đang có tác phẩm được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm xem xét lựa chọn trưng bày đã nói: “Tôi nghĩ đã triển lãm rồi nên công khai, để các cháu vào xem. Lần đầu bày ảnh nude giữa thanh thiên bạch nhật mà lại đề 18+ càng gây tò mò”. “Còn hơn để chúng xem ảnh sao cởi đồ trên mạng, chúng ta cứ hay né tránh giống như không chịu giáo dục giới tính vậy”.

Nhưng đó liệu có phải cách đặt và tiếp cận vấn đề đúng? Điều quyết định suy nghĩ đúng đắn hay lệch lạc của giới trẻ về tình dục là nhờ giáo dục giới tính hay là nhờ giáo dục đạo đức? Trước tiên cần phải tìm hiểu nguồn gốc của nghệ thuật khỏa thân từ những ngày đầu của nhân loại.

Khỏa thân trong nghệ thuật cổ đại và trung đại

Những bức tranh khỏa thân thời cổ đại cho tới trung đại ở phương Tây và phương Đông đều có. Ở phương Tây, những bức tranh thời kỳ Phục Hưng đã vươn tới sự chính xác gần như hoàn mỹ trong việc mô tả chân thực chứ không còn mang tính ước lệ như trước đó. Những tác phẩm nghệ thuật khỏa thân thời kỳ đó vẫn là đỉnh cao của nghệ thuật nhân loại cho đến bây giờ. Nhưng khỏa thân trong nghệ thuật như điêu khắc, tranh vẽ thì còn xuất hiện từ trước đó rất lâu.

Những tác phẩm điêu khắc từ thời Babylon, Ai cập cổ đại, hay Hy Lạp cổ đại với chủ thể là những vị Thần. Có thể nói, những tác phẩm nude đầu tiên của nhân loại (được ghi nhận cho tới thời điểm này) đều là để mô tả các vị Thần. Và đến thời kỳ đỉnh cao của văn nghệ Phục Hưng, hầu hết các tác phẩm nude nổi tiếng nhất cũng là để ca ngợi các vị Thần.

Ở phương Đông, nơi Nho giáo đã hình thành từ rất xa xưa và chi phối quan niệm đạo đức của cả một khu vực rộng lớn, việc đưa cơ thể người lên các tác phẩm nghệ thuật là điều gần như không thể. Vậy mà tại một vùng sa mạc rộng lớn phía Tây Bắc Trung Quốc, có một ốc đảo nhỏ hình chiếc lá cách thành phố Đôn Hoàng khoảng 25 km về phía Tây Nam có một kho tàng tranh tường nổi tiếng bao gồm cả những bức vẽ khỏa thân.

Trong hang đá Mạc Cao, hay còn gọi là Thiên Phật Động có tổng cộng 7.000 hang động, 492 ngôi đền, 45.000m² bích họa, 50.000 kinh sách và thư tịch, 2.415 pho tượng. Đây là công trình độc nhất được xây dựng qua 10 triều đại Trung Hoa. Chính vì thế, người ta gọi Thiên Phật Động là một kỳ quan có một không hai của thế giới.

Nếu phương Tây có các tác phẩm nghệ thuật choáng ngợp trên mái vòm nhà thờ thì phương Đông có Thiên Phật Động, chính là đỉnh cao của nghệ thuật trong tín ngưỡng phương Đông.

Được xây dựng trong thời kỳ đỉnh cao của Nho gia và chủ đề chính của các bức bích họa là về Phật gia, vậy vì sao các tác phẩm bích họa ở Thiên Phật Động lại có những hình ảnh thiên nữ bán khỏa thân bay lượn?

iáo có giảng về kết cấu của vũ trụ theo các tầng, như 9 tầng trời, hay 33 tầng trời, được gọi là tam giới. Điều này khá tương đồng với quan điểm về các chiều không gian trong khoa học hiện đại. Cũng lại có cách phân chia khác cho tam giới trong Phật gia là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Sắc giới thì không còn có dục, còn Vô sắc giới thì không có cả hình sắc và dục vọng.

Theo đó, ở những tầng trời cao hơn thì sắc và dục đều không tồn tại. Nên các Phi thiên của phương Đông mới có cách phục trang như vậy, họ không mặc gì ở phần thân trên.

Những bức tranh vẽ Phi thiên đó không thể đem ra ngoài công chúng mà chỉ có thể được đặt trong đền đài huyền mật nơi Thiên Sơn Động. Bởi con người là có sắc tâm và dục vọng, một khi được chiêm ngưỡng nhưng không thể tiết chế, giữ lễ nghĩa, thì rất dễ khởi tà niệm, ác tâm. Điều đó vừa là khiến con người đắc tội với các chư Thần, Phật, vừa là khiến con người tự gây tội qua những dục vọng tầm thường của mình.

Theo người xưa, chỉ khởi một niệm tà dâm là đã tạo tội nghiệp rồi. Mà tà dâm là bất kỳ ý nghĩ xác thịt nào ngoài vòng cưới hỏi như quan hệ trước hôn nhân, quan hệ với người không phải là vợ chồng mình.

Nghệ thuật chỉ có ở nơi chốn linh thiêng

Có thể thấy, ở cả văn hóa phương Tây và phương Đông, nghệ thuật khỏa thân lúc ban sơ đều có chủ thể là các vị Thần, Phật. Điêu khắc, hội họa phương Tây hướng tới sự hoàn mỹ với các tỷ lệ chuẩn xác để ca ngợi các vị Thần hay các anh hùng vốn cũng là các vị Á Thần. Còn sự khỏa thân trong nghệ thuật phương Đông lại giới hạn trong chốn linh thiêng do những người tu luyện đã thoát tục, đoạn dục mô tả lại.

Nghệ thuật khỏa thân, vì thế ngay từ đầu đã không có yếu tố dung tục của con người ở trong đó. Chủ thể được mô tả chỉ là các vị Thần, Phật, con người có yếu tố sắc, dục thì sẽ không được vẽ hay điêu khắc lại theo cách đó.

Cho đến khi nghệ thuật nhân thể (nude) ra đời với mục đích là tôn thờ, ca ngợi vẻ đẹp của con người, không chỉ là về trí tuệ, tâm hồn, mà cả vẻ đẹp hình thể, chủ thể của các tác phẩm nghệ thuật đã chuyển từ Thần xuống con người. Lúc đầu người ta lấy lý do con người chính là tuyệt tác của Thần, lấy chính từ hình mẫu của các vị Thần mà nhào nặn nên. Thế nên ca ngợi cơ thể người chính là ca ngợi tác phẩm tuyệt đẹp của Thần.

Nhưng khi sợi chỉ buộc chân voi, là những tiêu chuẩn đạo đức của con người, ngày càng được gỡ bỏ dần, những trào lưu và biến thể của nude đã khiến khoảng cách giữa nghệ thuật ca ngợi Thần và ca ngợi vẻ đẹp hình thể của con người vốn đầy nhục dục ngày càng xa.

Cùng với sự phát triển ngày càng phóng khoáng và thiếu tiết chế hơn, các nghệ sĩ sau này đã công kích trường phái cũ là không thể khắc họa chân thực tuyệt đối chủ thể. Dù tranh vẽ hay tượng điêu khắc chính xác đến mấy thì cũng không bằng ảnh chụp. Bộ môn nhiếp ảnh nude từ đó ra đời.

Và tất nhiên, với nhiếp ảnh, chủ thể sẽ không thể là những vị Thần. Khi nhìn những cơ thể người lồ lộ không chút che đậy của những phụ nữ hoàn toàn có thật hiện lên trên các bức ảnh, thật khó mà giữ được sự tôn trọng nhất định trong lúc thưởng thức như đối với các tác phẩm mô tả Thần thuở ban đầu.

Tác giả dù tâm huyết và trong sáng, nhưng người xem chưa chắc đã cảm được điều đó

Nhiều người làm nghệ thuật cho rằng, trong nhiếp ảnh khỏa thân, nếu người chụp bằng tâm thái rất chính thì có thể tạo ra tác phẩm rất đẹp. Chỉ khi người chụp có tâm bất chính hay làm không khéo thì mới biến nó thành sự dung tục đầy nhục dục.

Nhưng kẽ hở của nghệ thuật hiện đại nói chung và nhiếp ảnh khỏa thân chính là ở đó. Nội dung của tác phẩm nghệ thuật phụ thuộc hoàn toàn vào người sáng tác. Tác phẩm là để truyển tải cảm thụ, triết lý, cảm hứng của người sáng tác, chứ không còn là tả thực hay kể những câu chuyện về Thần vốn có nội hàm ở trong đó.

Nên tác giả có thể biểu đạt bất kỳ điều gì mà không cần quan tâm liệu người xem có hiểu và cùng góc nhìn như mình hay không. Nếu như tác giả có tâm thái rất chính và đề cao nghệ thuật, nhưng người xem chỉ cảm thụ được và suy diễn ra những điều tầm thường cho tới dung tục thì đó cũng không phải việc của tác giả.

Tác giả chỉ cần thỏa mãn được cái tôi nghệ thuật, cái sướng của người làm nghề, được chia sẻ cái thăng hoa của người nghệ sĩ mà không cần nghĩ tới trách nhiệm với xã hội, vốn đang ngày càng thiếu sự ước thúc về đạo đức.

Nghệ thuật khỏa thân khi xưa với chủ thể là những vị Thần, xã hội nhân loại khi đó chưa có cái gọi là học thuyết vô thần hay tiến hóa làm phân hóa niềm tin. Họ có chung một sự tôn kính nhất định và góc nhìn tôn giáo đối với các tác phẩm nghệ thuật khỏa thân.

Nhưng ngày nay, khi chủ thể của nghệ thuật khỏa thân là con người rất thật, khi nội dung có thể được sắp xếp theo ý đồ của tác giả chứ không còn là mô tả những cảnh tượng thù thắng được nhìn thấy hoặc nghe kể lại theo những câu chuyện tâm linh vốn có nội hàm giáo dưỡng thâm sâu, và khi người xem có thể tự do cảm thụ vì không cần có tín ngưỡng hay câu thúc đạo đức nào, thì nó tiềm ẩn sự nguy hiểm.

Dù có phân loại người xem dựa trên độ tuổi, không ai có thể phân loại tiêu chuẩn đạo đức của họ. Không ai có thể kiểm soát được những suy nghĩ vô hình, mênh mông, bất tận trong đầu người khác. Thế nên dù con người sinh ra vốn trần trụi, đã có thời kỳ dài ăn ở trần trụi, chúng ta cảm thấy là chính mình khi trần trụi, nhưng chúng ta vẫn luôn chưa bao giờ cởi mở hoàn toàn về vấn đề công khai cơ thể con người trong các tác phẩm nghệ thuật.

Từ bao đời, ở mọi nền văn hóa, vẫn luôn có một sự ước thúc nhất định đối với vấn đề này. Đây thật ra không phải là một sự ép buộc, cực đoan, cổ hủ, mà là để bảo hộ con người. Bởi xã hội con người vẫn luôn tồn tại dục vọng.

Hệ thống đạo đức ước thúc con người mạnh mẽ nhất đang bị đe dọa bởi những học thuyết ngoại lai

Từ xưa những bậc nhân sĩ có đạo đức đều lấy thanh tịnh làm gốc, luôn giữ tâm thành kính, dùng đức hạnh trong sạch để bồi dưỡng bản thân và dùng tâm chính khí hạo nhiên để kiềm chế ác dục.

Vì “háo sắc tham dục” được cho là việc làm trái với thiên lý nhân luân, họa loạn thường đạo, Trời đất không dung, Thần Phật phẫn nộ. Nên con người đều biết đó là việc xấu, tránh phạm phải, nuôi dưỡng tinh thần thuần tịnh, tránh xa những suy nghĩ, hành động có thể khởi cái dục vọng kia lên.

Văn Xương Đế có câu: “Thiên đạo họa dâm, kỳ báo thậm tốc. Nhân chi bất úy, mộng mộng vô tri. Cẩu hành kiểm chi bất tu, tức tai ương chi lập chí. Ta nhĩ hữu chúng, thính dữ huấn ngôn. Duy huệ địch cát, tự cổ vân nhiên. Bất thiện giáng ương, thác nhân minh giới”.

Ý nghĩa là: Thiên thượng thường giáng họa vào những kẻ háo sắc tham dâm, hơn nữa báo ứng đến rất nhanh. Có một số kẻ ngốc coi đó như giấc mộng mà điên đảo vô tri, không biết sợ hãi, nếu phóng túng hành vi bản thân, không biết kiểm điểm thì sẽ tự chuốc lấy tai ương. Các bậc sỹ tử hãy nghe lời khuyên của ta: Từ xưa đến nay thuận trời thì mới đạt được cát khánh; trái ý trời chính là tội ác, tất sẽ gặp tai họa, đây cũng là lời răn dạy của các bậc thánh hiền xưa nay.

Trong dân gian cũng lưu truyền câu nói “vạn ác dâm vi thủ” (tạm dịch: trong vạn điều ác thì dâm đứng đầu), vì suy nghĩ tà dâm vừa nảy ra thì cũng kéo theo các loại suy nghĩ xấu xa khác tới, đầu óc mụ mị, mơ hồ, còn có thể suy nghĩ được điều gì tốt đẹp đây?

Tiêu chuẩn đạo đức về phương diện này không chỉ tại phương Đông, mà ở phương Tây cũng rất nghiêm khắc. Trong Kinh Thánh có trích lời Chúa Jesus: “Các con nghe thấy có lời rằng ‘bất khả gian dâm’, chỉ là ta muốn nói cho các con biết, phàm mà thấy phụ nữ liền động niệm dâm dục, người này trong tâm đã phạm tội gian dâm với cô ta rồi”. Năm điều cấm kỵ lớn của Phật Thích Ca Mâu Ni trong đó cũng có một điều là “giới tà dâm” (cấm tà dâm).

Tất cả những tín ngưỡng và triết học chính thống cổ xưa đều có những cảnh tỉnh nhằm mục đích bảo hộ con người.

Các kiến thức y học Đông Tây kim cổ đều khẳng định rằng việc phóng túng, sinh hoạt không lành mạnh, vô độ có thể ảnh hưởng tới tinh khí hay thể lực của con người. Vì thế, tiết chế sắc dục là để con người dưỡng sinh khí. Hơn nữa là để tu đức, duy trì lối sống và tư duy lành mạnh, trong sáng. Từ đó giúp giữ gìn xã hội trật tự, có quy củ, trong đó con người đối với nhau có lễ tiết, trước sau, ít những chuyện tệ nạn ảnh hưởng tới đời sống gia đình và những câu chuyện thương tâm chỉ vì một chữ dục.

Nhưng ngày nay, học thuyết vô Thần và thuyết tiến hóa đã tách rời và triệt tiêu cái gốc sâu xa nhất của các giáo dưỡng đạo đức từ cổ xưa. Chính là khiến người ta không hiểu vì sao phải tu dưỡng, gìn giữ đạo đức. Các bài học đạo đức trở thành giáo điều vì thiếu phần lý giải để khiến con người phải sợ mà thực hành theo. Người ta không còn sợ vì không có nhân quả báo ứng, có thể làm điều gì mình cảm thấy thích là được, không có trách nhiệm với người khác và xã hội.

Luật pháp là không đủ bởi chỉ trừng phạt và ngăn cản phần nào hành vi. Nhưng luật pháp không thể ngăn cản suy nghĩ, nguy cơ xảy ra tội ác và những tội ác mới chưa được nhận diện.

Vậy một xã hội trong đó mọi người đều có trách nhiệm với từng lời ăn tiếng nói, hành vi của mình, tránh khởi tâm sắc dục cho cả bản thân và người khác thì không nên công khai những chủ đề về nhân thể (nude art) khi không cần thiết. Trong đó nghệ thuật là yếu tố rất quan trọng. Bởi đạo đức quyết định nghệ thuật, nhưng nghệ thuật sau đó lại quay trở lại ảnh hưởng tới đạo đức.

https://www.dkn.tv/

Related posts

Phá cửa cưỡng chế dân đi xét nghiệm: Vi phạm quyền con người!

Tin Tức Đa Chiều

“Pháo đài” hay “Ấp chiến lược”?

Tin Tức Đa Chiều

Sau lời đề nghị xin 10 triệu đô của nữ CEO Đại Nam để nuôi 23 người con NS Phi Nhung, tỷ phú Hoàng Kiều có động thái lạ

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment