Tin tức Đa Chiều
Việt Nam

Lạ lùng kênh dẫn nước 90 tỷ ‘độn thổ’ ở xã nghèo nhất tỉnh Đắk Nông

Kênh được thiết kế nằm sâu dưới đất, cách mặt ruộng gần 3m, không thể dẫn nước trực tiếp về đồng. Xã nghèo nhất Đắk Nông có nguy cơ thiếu lương thực vì không đủ nước sản xuất.

Báo Dân Trí đưa tin, tháng 12/2017, Thường trực HĐND tỉnh Đắk Nông phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Công trình thủy lợi suối đá xã Quảng Hòa (Đắk G’Long) với tổng kinh phí 90 tỷ đồng.

Dự án được xếp vào nhóm dự án cấp bách và thực hiện không quá 5 năm, từ năm 2016 đến 2020. Mục tiêu của dự án là tạo nguồn nước ổn định phục vụ sinh hoạt và sản xuất, nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân trong vùng; đặc biệt là thúc đẩy phát triển kinh tế cho xã Quảng Hòa – 1 trong số các địa phương có tỷ lệ nghèo, cận nghèo cao nhất tỉnh Đắk Nông.

Tính toán ban đầu, dự án sẽ bảo đảm cung cấp nước tưới cho 1.000 ha cây nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, tăng số lượng canh tác lúa nước từ 1 vụ lên thành 2 vụ trong năm. Ngoài ra, công trình còn cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho 1.750 hộ dân trong khu vực.

Thế nhưng, cuối tháng 3/2021, Công trình thủy lợi Suối Đá vẫn chưa thể hoàn thành. Hàng chục hecta lúa, cây công nghiệp của người dân địa phương hai bên kênh đang lâm vào tình cảnh héo rũ và “chỉ có trời mới cứu được”.

Từ kỳ vọng 2 vụ/năm, người dân xã nghèo Quảng Hòa đối diện nguy cơ cả năm không làm được vụ nào.

Anh Tráng A Tống (thôn 12, xã Quảng Hòa) cùng hàng loạt hộ dân trong vùng đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc kênh thủy lợi 90 tỷ không thể cung cấp nước đến tận ruộng. Những năm trước, khi còn con kênh cũ, miệng kênh luôn cao hơn mặt ruộng, nước từ hồ chứa dẫn về là đổ trực tiếp vào ruộng.

Tuy nhiên, gần 3 năm nay, khi thi công Công trình thủy lợi Suối Đá, kênh lại được đặt dưới lòng đất, thấp hơn 3m so với mặt ruộng. Cả cánh đồng rộng gần chục hecta gần như bị bỏ hoang vì nước không thể dẫn về. Lúa còi cọc, chết khát, nhiều hộ dân để trâu bò vào ăn lúa để “vớt vát” ít tài sản.

Tương tự, anh Giàng A Tú (thôn 9, xã Quảng Hòa) cho biết, gia đình trồng hơn 1,2 sào lúa. Khác với những năm trước, lúa năm nay chậm phát triển, nhiều chỗ cỏ mọc như ruộng hoang dù không đủ nước sản xuất.

“Năm nay có khi phải xin gạo cứu đói của nhà nước chứ ruộng không có nước thì lúa không có hạt”, anh Tú chua chát nói.

Lãnh đạo UBND huyện Đắk G’Long cho biết, tình trạng thiếu nước sản xuất đang là vấn đề “nóng” tại xã Quảng Hòa trong tất cả các buổi tiếp xúc cử tri trong thời gian qua. Theo người dân địa phương, do thiết kế của công trình có bất cập, kênh dẫn nước nằm sâu dưới đất nên người dân không thể lấy nước trực tiếp để sản xuất.

“Chúng tôi cũng đã làm việc với chủ đầu tư, họ cho rằng đây là hệ thống dẫn nước chứ không phải kênh dẫn nước. Nước sẽ được dẫn về nơi tập trung, sau đó người dân sẽ tự lấy nước về ruộng của mình. Tức là không còn hệ thống mương dẫn xương cá như trước đây nữa”, vị lãnh đạo này nói.

Dự án thủy lợi Suối Đá do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Nông nghiệp) làm chủ đầu tư; Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Đường Việt (TP. Đà Nẵng) tổ chức khảo sát, thiết kế.

Đây cũng là chủ đầu tư, đơn vị thiết kế dự án nâng cấp các công trình thủy lợi phòng, chống hạn hán tỉnh Đắk Nông, trị giá gần 200 tỷ đồng. Dự án hiện đang trong quá trình vận hành thử để bàn giao nhưng cũng bộc lộ nhiều bất cập, ảnh hưởng tới hàng trăm hecta lúa tại vùng trọng điểm lương thực của tỉnh Đắk Nông – xã Buôn Chóah.

Ngoài chung “chủ”, chung đơn vị thiết kế thì cả 2 dự án tiền tỷ trên đang khiến hàng trăm hecta đất sản xuất của người dân vào tình trạng thiếu nước sản xuất, cây trồng không phát triển. Cá biệt, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại hai xã trên có nguy cơ thiếu đói vì ruộng lúa không thể canh tác.

Mới đây, theo Infonet, một công trình thủy lợi khác ở phía Đắk Lắk cũng được phản ánh với tình trạng tương tự. Kênh thủy lợi chục tỷ lồi lõm không dẫn nước vào ruộng, kênh sâu hơn mặt ruộng nên không tưới được nước cho cánh đồng.

Kênh D3 thuộc tổ hợp Công trình hồ chứa nước Krông Búk hạ, được xây dựng từ năm 2012, đi qua địa bàn buôn Kla và Krai A, xã Krông Búk, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk). Công trình có chiều dài khoảng 1,2km, tổng vốn đầu tư hơn 14 tỷ đồng.

Theo phản ánh của người dân bản địa, từ khi xây dựng xong tuyến kênh D3 đến nay, người dân làm ruộng chưa được lợi gì, ruộng đồng nứt nẻ, khô hạn dù không phải mùa khô.

Related posts

Chủ cây lan đột biến Ngọc Sơn Cước tiết lộ nhiều thông tin về phi vụ 250 tỷ đồng

Tin Tức Đa Chiều

Cách ly 13 người là F1 của bệnh nhân 1514

Tin Tức Đa Chiều

68 bệnh nhân Covid-19 ở Hải Dương tổn thương phổi

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment