Không ai có thể ngờ, những lời tiên tri cách đây hàng trăm năm của Nostradamus lại ứng nghiệm hiện tại – Báo động tương lai, đúng với những nghiên cứu có bằng chứng khoa học ngày nay.
TỪ TIÊN TRI 500 NĂM CỦA NOSTRADAMUS
Tờ Independent (Anh) trích dẫn một nghiên cứu mới cho thấy, sự nóng lên toàn cầu có thể buộc dòng tia (Jet stream) Bắc Đại Tây Dương phá vỡ tuyến đường bình thường của nó trong vòng 4 thập kỷ tới, hệ quả là gây ra thời tiết khắc nghiệt khắp châu Âu và Mỹ với “những tác động xã hội nghiêm trọng”. Hay nói cách khác, thời tiết cực đoan có thể trở nên phổ biến hơn trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ vào năm 2060 khi biến đổi khí hậu làm biến đổi dòng tia Bắc Đại Tây Dương.
Bởi dòng tia Bắc Đại Tây Dương có ảnh hưởng sâu sắc đến thời tiết Bắc bán cầu.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences là kết quả của các nhà khoa học Mỹ – Tác giả chính là Matthew Osman thuộc Đại học Arizona.
Điều đáng chú ý là, những cảnh báo với cơ sở khoa học này lại trùng với những lời dự đoán ‘sấm truyền’ cách đây 500 năm của nhà tiên tri người Pháp Nostradamus (tên đầy đủ là Michel de Notredame; sinh năm 1503 – mất năm 1566).
Theo đó, nhà tiên tri Nostradamus dự báo rằng, nước Pháp (thuộc châu Âu) sẽ phải hứng chịu một loạt thảm họa liên quan đến môi trường như hạn hán, lũ lụt và cháy rừng. Không những thế, nhiều nơi trên thế giới sẽ phải hứng chịu nạn đói lớn, gây mất an ninh lương thực và xung đột.
Thực tế, không phải chờ đến tương lai để thấy tiên tri của Nostradamus có đúng hay không. Bởi, chỉ riêng trong năm 2021 này, nhiều châu lục khắp thế giới đã phải hứng chịu những thảm họa tự nhiên – mà khởi nguồn của nó là do biến đổi khí hậu nhân tạo – như cháy rừng, nước biển dâng, hạn hán, bão mạnh, lũ lụt…
Đây là minh chứng: Nửa cuối tháng 7/2021, Tây Âu hứng chịu trận lũ lụt thảm khốc hơn bất kỳ trận lụt nào xảy ra trong nhiều thập kỷ tại đây, khiến ít nhất 200 người thương vong. Trong khi đó, Tây Bắc châu Âu hứng chịu đợt nắng nóng kéo dài và khắc nghiệt, nhiệt độ liên tục đạt đỉnh. Cũng trong tháng 7, Bắc Mỹ hứng chịu các trận cháy rừng cực kỳ nghiêm trọng, khiến hàng chục nghìn km vuông đất rừng bị thiêu rụi, hàng nghìn người phải sơ tán. Riêng Siberia, Nga, cháy rừng đã thiêu rụi 1,5 triệu ha đất, phát thải rất nhiều CO2 vào khí quyển…
ĐẾN HIỆN THỰC/TƯƠNG LAI BÁO ĐỘNG
Iflscience cho biết, dòng tia Bắc Đại Tây Dương là một dải băng gồm các dòng khí chảy nhanh băng qua Đại Tây Dương giữa Bắc Mỹ và Tây Âu. Đó là sự tạo ra các dải áp suất từ luồng không khí ấm ở phía nam đến từ vùng nhiệt đới và một luồng không khí lạnh khác từ vùng cực. Dải gió này không chỉ ảnh hưởng đến thời gian máy bay bay qua mà còn ảnh hưởng đến thời tiết ở Tây Âu.
Các nhà khoa học từ lâu đã lo ngại về câu hỏi làm thế nào nhiệt độ không khí tăng lên có thể tác động đến dòng tia – một dải gió mạnh gây ra bởi sự chênh lệch nhiệt độ giữa không khí từ Bắc Cực và các vùng nhiệt đới, ảnh hưởng nặng nề đến các kiểu thời tiết ở Bắc bán cầu.
Nhưng với dòng tia có xu hướng thường xuyên hướng về phía Bắc và Nam, rất khó để phỏng đoán liệu những biến động gần đây có nằm trong ranh giới bình thường của nó hay phản ánh điều gì đó nguy hiểm hơn.
1. Nghiên cứu quá khứ
Để hiểu được tương lai của dòng tia, các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Hệ thống Khí hậu Đại học Arizona đã nhìn về quá khứ. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các lõi băng cổ đại từ Greenland để lập bản đồ quỹ đạo của dòng tia trong 1.250 năm qua và sử dụng các mô hình khí hậu để mô phỏng mức độ ảnh hưởng liên tục của sự nóng lên toàn cầu đến lộ trình trong tương lai.
Kết quả, các nhà nghiên cứu Mỹ dự báo: Trong trường hợp lượng phát thải khí nhà kính tiếp tục không suy giảm – dòng tia có thể đi chệch hướng vào đầu năm 2060, dịch chuyển về phía Bắc Cực và gây ra hệ quả khôn lường tới khí hậu Trái Đất.
Phân tích cho thấy, dòng tia Bắc Đại Tây Dương là một dải gió Tây thịnh hành bao quanh Bắc Cực và được biết đến là nguyên nhân thúc đẩy các máy bay bay từ Mỹ đến châu Âu. Trong khi dòng tia xảy ra mạnh nhất ở độ cao bay của máy bay (khoảng hơn 10.000 mét), nó cũng chạm xuống mặt đất và đóng một vai trò quan trọng trong điều kiện thời tiết địa phương.
Trên thực tế, từ 10–50% sự thay đổi về lượng mưa và nhiệt độ hàng năm ở Đông Bắc Mỹ và Tây Âu đến từ dòng tia.
2. Nhìn vào hiện tại
Đợt nắng nóng vào mùa hè này ở Tây Bắc Thái Bình Dương và những trận lũ lụt xảy ra ở châu Âu chỉ là một vài ví dụ cho thấy các ‘biến thể’ của dòng tia có thể tác động đến thời tiết như thế nào.
Tác giả chính Matthew Osman – Nhà khoa học khí hậu của Đại học Arizona (Mỹ) cho biết: “Đối với hầu hết các nơi trên Trái đất, các quan sát khí hậu trực tiếp thường không kéo dài hơn một vài thập kỷ. Vì vậy, chúng tôi chưa hiểu rõ về cách thức hoặc lý do tại sao dòng tia thay đổi trong thời gian dài hơn. Những gì chúng tôi biết là những ‘biến thể’ bất thường trong dòng tia có thể có những tác động nghiêm trọng đến xã hội (trong đó có sức khỏe/sinh mệnh con người) chẳng hạn như lũ lụt và hạn hán”.
Nghiên cứu cho thấy rằng, trong khi trước đây dòng tia vẫn nằm trong phạm vi bình thường của nó, thì sự nóng lên toàn cầu có thể đã khiến nó bắt đầu đi chệch lên phía bắc. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng dòng tia trước đây đã dao động tới 10 độ trong không gian trong vài năm.
Trong công trình của mình, Tiến sĩ Osman và các đồng nghiệp đã phân tích các lõi băng được thu thập từ gần 50 địa điểm trên dải băng Greenland. Từ những ghi chép tự nhiên này, nhóm nghiên cứu đã có thể tái tạo lại những thay đổi về gió trên khắp Bắc Đại Tây Dương theo từng năm, kể từ thế kỷ thứ 8. Họ đã làm điều này bằng cách xem xét lượng tuyết rơi mỗi năm cũng như cấu tạo hóa học của các phân tử nước tạo nên mỗi lớp tuyết.
Tiến sĩ Osman cho biết: “Những biến thể như vậy có tác động rất lớn đến các kiểu thời tiết mà mọi người có thể trải qua tại một địa điểm nhất định. Ví dụ, khi dòng tia nằm ở về phía nam, bán đảo Iberia nếu khô hạn sẽ có xu hướng trải qua các điều kiện ôn hòa, ẩm ướt hơn. Tuy nhiên, khi dòng tia di chuyển lên phía bắc, phần lớn độ ẩm đó cũng di chuyển khỏi bán đảo Iberia tới các vùng vốn đã ẩm ướt của Scandinavia”.
Hai sự kiện đói kém ở Anh và Ireland vào năm 1728 và 1740, khiến gần 500.000 người thiệt mạng, trùng với những năm gió thổi với cường độ gần một nửa cường độ bình thường, làm hạ nhiệt độ và giảm lượng mưa một cách đáng kể.
3. Cảnh báo tương lai
Đó là lý do vì sao Tiến sĩ Osman kết luận: “Kết quả của chúng tôi đóng vai trò như một lời cảnh báo”.
Hãy hình dung bức tranh: Nếu con người không dừng phát thải khí nhà kính – Bầu khí quyển cứ thế nóng lên – chỉ riêng dòng tia đã bị tác động (khiến nó đi chệch lên phía Bắc) – Khi ấy: Ít nhất các khu vực ở châu Âu và Bắc Mỹ phải hứng chịu nhiều thiên tai.
Để quy trình này thay đổi, cần thay đổi chính hành động của con người: Giảm thải khí nhà kính (CO2, CH4…). Đây có lẽ là điều mà hàng trăm nhà khoa học khắp thế giới mong mỏi các chính phủ quyết liệt thực hiện.