Tin tức Đa Chiều
Góc Nhìn

Hà Nội kêu gọi không ăn thịt chó: Hãy xem cổ nhân đối đãi với cầm thú ra sao

Sau rất nhiều những lần tranh luận không hồi kết, mới đây lời kêu gọi không ăn thịt chó, mèo của thành phố Hà Nội lại tiếp tục nhận được những phản ứng trái chiều từ người dân.

Những người ủng hộ hay phản đối đều có lý do rất thuyết phục của mình và tranh luận thì sẽ mãi khó đi đến kết luận chung. Chúng tôi chỉ muốn điểm lại những tư tưởng chủ đạo của cổ nhân đối với cầm thú để mỗi người trong chúng ta có thể chiêm nghiệm thêm về cái cần và cái muốn trong ẩm thực. Bởi nó không chỉ là việc có công bằng giữa loài này với loài kia hay không, có tạo điều kiện cho tệ nạn săn bắt trộm hay không, có chà đạp lên tình yêu của một số người với loài vật nuôi thân thiết hay không.

Con người không thể sống mà không ăn uống, từ thời xa xưa khi nền nông nghiệp chưa phát triển, hái lượm trở nên không còn đủ để sinh tồn, và cùng với việc phát hiện ra lửa, con người đã biết ăn thịt thú rừng. Thịt đã trở thành một trong những nguồn lương thực phổ biến và có thể là không thể thiếu đối với nhiều người. Nhưng từ việc ăn để tồn tại, loài người đã tìm thấy niềm vui và thậm chí là cả những khoái cảm thật sự trong ăn uống và nâng nó lên thành nghệ thuật ẩm thực. Từ việc ăn cốt để sinh tồn, chúng ta đã và đang tìm tòi và mở rộng danh sách thực phẩm có thể ăn được của mình, bất chấp giá cả, thậm chí là bất chấp khả năng tái tạo của nguồn lương thực đó.

Nhưng đối với thiên nhiên, đối với những thứ được cấp cho loài người để giúp loài người có thể tồn tại được, người xưa đối đãi như thế nào?

Tư tưởng chủ đạo của cổ nhân đối với cầm thú

Trong dòng chảy chính của văn hóa loài người, tư tưởng phương Đông vốn đã được cả thế giới công nhận, là di sản văn hóa truyền thống vẫn mãi luôn còn đúng của nhân loại, chứ không chỉ của riêng người phương Đông. Mạnh Tử đã từng nêu quan điểm rằng:

“Không làm trái thời canh tác của dân thì thóc dư ăn; Không dùng lưới dày ở ao đầm thì cá và ba ba dư ăn; Tùy theo mùa mới khai thác gỗ rừng thì gỗ dư dùng”… “Không giết hại gà, lợn, chó vào mùa chúng sinh sản thì dân bảy mươi tuổi có thịt để ăn”.

Kinh Thánh của người phương Tây cũng có đoạn viết:

“Trong sáu ngày ngươi hãy làm công việc của mình, nhưng qua ngày thứ bảy hãy nghỉ, hầu cho bò và lừa ngươi được nghỉ” – (Xuất Ai Cập, 23:12).

Thế nên, đối với thiên nhiên, con người không phải là ở cái thế làm chủ và bóc lột, tham lam vô độ, thích sao làm vậy, mà phải có thái độ trân trọng và biết ơn. Ở một số nền văn hóa, khi phải giết thịt động vật hoặc ăn chúng, người dân luôn nói lời cảm ơn và xin lỗi. Cảm ơn chúng đã cho ta thịt để ăn và xin lỗi vì phải ra tay giết hại chúng. Đó không hẳn chỉ là một tín ngưỡng hay niềm tin tâm linh nào mà là một thái độ trân trọng và khiêm nhường. Khiêm nhường bởi không tự cho rằng con người có quyền sinh quyền sát với mọi thứ trên Trái Đất này.

Thiên nhiên đã cho chúng ta những điều kiện cơ bản nhất để trường tồn, mỗi loài, mỗi vật đều có chỗ hữu ích cho đời sống của con người. Con gà để gáy sáng, con trâu để kéo cày, con chó để giữ nhà, con lợn để lấy thịt… Mỗi loài có một thiên chức riêng, có điểm để con người có thể sử dụng với mục đích khác nhau. Và khi chúng ta tận dụng những đặc tính riêng của chúng để hỗ trợ cuộc sống của mình thì đều phải biết ơn và sử dụng hợp lý.

Vậy nên người có giáo dưỡng thời xưa rất trân trọng các con vật, dù phải ăn chúng, bắt chúng làm việc thì cũng không phải là vô độ, mà cũng phải cho chúng thời gian hồi phục, sinh trưởng. Nếu phải giết chúng, người xưa cho rằng phải giết cho thật nhanh gọn, dao phải mài thật bén, điểm đặt dao cũng phải là nơi chí mạng, không gây đau đớn kéo dài cho con vật.

Trong cuốn Luân Lý Giáo khoa Thư của Trần Trọng Kim cùng nhiều tác giả được dùng để dạy trẻ nhỏ ở Việt Nam những năm 40, 50 của thế kỷ trước, có đoạn về bổn phận của con người đối với cầm thú như sau:

“Những loài vật đã giúp việc cho ta mà ta phải thương xót, là cái nghĩa vụ của ta. Nhưng đối với các loài cầm thú khác, ta cũng nên có lòng nhân ái mới phải đạo làm người. Cầm thú tuy là giống không biết thiện ác và phải trái như người, nhưng nó cũng biết đau, biết khổ như mình. Vì ta cần dùng làm đồ ăn, cho nên mới phải làm thịt con gà, con chim, hoặc con dê, con lợn.

Nhưng khi làm thịt, phải giết cho nó chết ngay, đừng làm nó đau đớn, khổ sở. Ta thấy có người làm thịt con chim, để sống mà vặt lông, hay làm thịt lợn thì trói buộc cả ngày, thật là dã man lắm. Vậy người có lòng nhân ái thì không những là chỉ thương xót đồng loại thôi, lại còn thương xót đến cả loài vật nữa”.

Con người đối với cầm thú hay vạn vật thì đều phải có lòng nhân:

“Khi thấy chim và thú run rẩy kêu la thảm thiết, người ta ắt có lòng bất nhẫn. Cái lòng nhân ấy hợp nhất một thể với chim và thú. Chim và thú cùng một loại với loài có tri giác. Khi thấy cây cỏ bị đốn gãy, người ta ắt có lòng thương xót. Cái lòng nhân ấy hợp một thể với cây cỏ.

Khi thấy ngói và đá bị hủy hoại, người ta ắt có lòng thương tiếc. Cái lòng nhân ấy hợp nhất một thể với ngói và đá. Cái lòng nhân hợp nhất một thể với vạn vật ấy, ngay cả bụng dạ tiểu nhân cũng có nữa. Lòng nhân ấy là tính do trời cho, sáng láng tự nhiên, không bị tối tăm” – (Tư tưởng Vương Dương Minh, Lịch sử triết học Trung Quốc – Tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2007).

Lòng nhân đối với cầm thú không hẳn phải là không ăn, không giết…

Đạo của con người đối với cầm thú nên là như thế nào? Chẳng phải là vẫn cần có lòng nhân ái và biết ơn sao? Không phải là không ăn thịt chúng, không giết chúng. Không phải vì cỏ cây hóa lá, chim muông, thú vật đều có cảm giác mà chúng ta không ăn không uống gì nữa (đã có những bằng chứng khoa học rằng cây cũng có cảm nhận và cảm xúc như con người). Chúng được sinh ra là để phục vụ con người, cần giết, cần ăn thì vẫn phải làm, thế nhưng con người phải đối xử với thiên chức của chúng bằng lòng nhân ái.

Có người chê cười Khổng Tử rằng, bản thân ông nói “Nhân cập cầm thú” (lòng nhân ái đạt đến cả loài chim thú) mà vẫn bắt cá, ăn thịt. Thế nhưng cái nhân của người xưa khi đối với chim thú là ở chỗ: “Tử điếu nhi bất võng, dặc bất xạ túc”, nghĩa là câu cá thì không dùng lưới, bắn chim thì không bắn những con chim đang nằm ngủ trong tổ. Trong Hiếu Kinh, Khổng Tử cũng từng nói: “Chặt một cây, giết một con thú, nếu không phải lúc, chẳng phải là hiếu”.

Nghĩa là không phải cứ dùng cái lý rằng nhân từ với loài vật thì không ăn thịt chúng nữa cho rồi. Chúng sinh ra cũng là để cho con người lúc cần thì dùng tới, nhờ sức, nhờ thịt, hay nhờ tiếng gáy, tiếng sủa của chúng, nhưng không có nghĩa là con người có quyền lạm dụng, tàn ác với chúng.

…Nhưng không phải là cái gì cũng ăn

Nói dông dài như vậy cũng là để có thể trích dẫn lời cổ nhân cho được đầy đủ vuông tròn, cũng là vì muốn bạn đọc có được cái nhìn tổng quát hơn. Rằng đối với những thứ tưởng chừng vô tri như đồ ăn thức uống, con gà con chó, con người cũng cần đối xử với lòng nhân. “Chặt một cái cây, giết một con thú” nếu chẳng phải vì quá cần thiết, nếu chẳng phải vì sinh tồn của mình, thì đều là điều không nên, thậm chí như Khổng Tử nói, thì còn là “chẳng phải hiếu”. Hiếu ở đây là cái đức hiếu với Thiên Địa, tạo hóa, bởi chúng ta sinh ra cũng đâu phải tự mình mong muốn mà được, chẳng phải cũng là từ tạo hóa mà ra, vậy chẳng phải cũng cần trân trọng những thứ tạo hóa đã tạo ra cho sự sinh tồn của chúng ta.

Mở rộng danh sách những loài có thể ăn được của mình là một việc làm có thể nói là đầy tự tôn của con người. Chúng ta cho rằng mình có thể ăn gì cũng được bất chấp có cần thiết hay không. Nào là thịt cá voi, óc khỉ, gan ngỗng… đều là những món ăn đắt đỏ và có những công đoạn để tạo ra món ăn rất dã man. Điều đó đã hoàn toàn bỏ qua cái lòng nhân và đức hiếu của cổ nhân, cốt để thỏa mãn dục vọng không cần thiết của loài người hiện đại.

Quay trở lại với việc ăn thịt chó, đó là loài vật có thiên chức gần gũi với con người nhất trong các loài. Chó thông minh và trung thành, điều này ai nuôi chó rồi cũng biết. Chúng canh giữ nhà cho chúng ta, phủ phục bên cạnh chúng ta mọi lúc mọi nơi, thậm chí cho đến khi ta đã mồ yên mả đẹp. Ngay từ thời rất xa xưa còn ghi chép lại được, người ta cũng dùng chó với duy nhất một thiên chức là loài canh giữ và săn bắt, nếu phải giết thịt thì là trong trường hợp rất cấp thiết ảnh hưởng tới sinh tồn mà thôi. Vậy thì dùng nó làm món ăn khi không thật sự cần thiết, chỉ để thỏa dục vọng ăn uống của mình, thì đó là thái độ vô ơn và giảo hoạt của con người.

Hơn nữa, để giết thịt chó và để món thịt chó dậy mùi hơn, người ta thường không giết chó chết ngay với một đòn chí mạng duy nhất như giết lợn. Những con chó còn bị nhốt trong điều kiện tồi tàn nhiều ngày, chứng kiến đồng loại của mình bị giết thịt, và với trí thông minh của nó, không thể nói rằng chúng không có cảm nhận gì. Đã có nhiều câu chuyện về ánh mắt của con chó khi bị nhốt chuẩn bị làm thịt, những ánh mắt ám ảnh và thậm chí đã làm thay đổi quyết định của người đang định làm thịt chúng. Với một loài vật có thể thể hiện sự đau đớn và sợ hãi rõ ràng như vậy, mà chúng ta vẫn ra tay và ăn thịt chúng, thì đó có còn là cái lòng nhân hợp nhất với Thiên Địa của con người không?

Ngay cả với những loài vật vẫn hay được dùng để lấy thịt như lợn, gà, chúng ta cũng nên ra tay thật nhanh gọn. Nhưng với món thịt chó, cái chết của con vật là một hành trình đầy kinh hãi mà một người nhân ái nào cũng không thể chứng kiến trọn vẹn mà không cảm thấy gì được. Khuất mắt trông coi, cốt ăn được miếng dồi chó vào miệng mà không quan tâm đến cách giết mổ thì cũng chẳng còn là cái lòng nhân nữa.

Đối với những người thích ăn thịt chó, những lý lẽ rằng món ngon này có thể đã từng là người bạn thân thiết của một đứa trẻ nào đó, là thú cưng trong nhà ai đó, rằng giết thịt chó thì cũng nhẫn tâm như giết thịt lợn gà, và rằng thịt chó là nguyên nhân gây ra nạn bắt chó nhà… có vẻ chẳng đủ thuyết phục. Nhưng chỉ cần so sánh với tư tưởng lâu đời đã từng tồn tại trong những nền văn hóa vững mạnh và giàu nội hàm nhất, chúng ta cũng đủ thấy: cái dục vọng không cần thiết, vượt qua nhu cầu tối thiểu để sinh tồn, khiến ta chà đạp lên các giống loài với thái độ thiếu khiêm nhường của những kẻ làm chủ thiên nhiên, thật ra không đáng tự hào gì và có vẻ như là một sự tụt lùi về cái lòng nhân của con người.

Related posts

Người Việt không xấu xí: Chẳng học từ ‘ăn, nói, gói, mở’ sao thành người?

Tin Tức Đa Chiều

Vũ Đức Đam tuyên bố “đầu hàng”, mở cửa kinh tế không thì chết đói cả nút

Tin Tức Đa Chiều

Tiến sĩ Đoàn Hương gây sốc với phát ngôn: “Hoa hậu là mấy con điên, chỉ xắn quần đòi túi Hermes”

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment