Tin tức Đa Chiều
Góc Nhìn

Bạo hành trong gia đình: Trách chi con tạo xoay vần, yêu thương kia giảm mấy phần vì ai?

Nhắc tới nạn bạo hành, chắc hẳn không ít người thắc mắc: Con người bây giờ sao vậy nhỉ? Gia đình lẽ ra phải là bến đỗ bình yên để được yêu thương và chăm sóc, được vỗ về và nghỉ ngơi sau những giây phút mệt nhoài bươn trải ngoài xã hội cơ mà? Tổ ấm ấy sao lại có thể trở thành “tổ nóng” khiến những người thân yêu nhất “làm khổ” nhau?

Bạo lực gia đình có phải là do bất bình đẳng giới?

Chắc hẳn trong đầu nhiều người ngay lập tức sẽ kết luận rằng: Đó là do bất bình đẳng giới, do quan niệm trọng nam khinh nữ mà sinh ra. Chỉ cần phụ nữ được đối xử “bình đẳng” như đàn ông, cũng đi làm, cũng kiếm tiền thì phụ nữ cũng sẽ có tiếng nói và mọi chuyện sẽ êm đẹp. Liệu người xưa có thực sự quan niệm như chúng ta suy nghĩ?

Trong “Dịch Kinh” có viết: “Phu phụ hữu biệt; Gia nhân, nữ chính vị hồ nội, nam chính vị hồ ngoại. Nam nữ chính, thiên địa chi đại nghĩa dã”. Hai câu trên có nghĩa là: Đàn ông và phụ nữ sinh ra đã có sự khác biệt. Người vợ giữ vai trò là người lo việc nội trợ, phải lo săn sóc, dạy dỗ con cái. Trong khi đó người chồng có bổn phận ra ngoài bươn trải, lo kế sinh nhai.

Sự phân chia vai trò của người chồng và người vợ như trên được cho là phù hợp với đại Đạo và quy luật âm dương của trời đất. Đàn ông mạnh mẽ, cương cường như bầu trời cao rộng che chở cho mặt đất. Phụ nữ nhu mỳ, dịu dàng, nhẫn nhịn, bao dung như mặt đất lành. Trời cao đất thấp là lẽ tự nhiên để vạn vật được sinh trưởng trong vòng tuần hoàn bền vững ấy. Nên mới có câu “nam tôn nữ ti” là vậy. Đâu phải như ai kia cố tình bẻ cong quan niệm ấy khiến vợ chồng trở nên đối đầu với nhau nhằm phá vỡ mối quan hệ gia đình hài hòa đó bằng quan niệm trọng nam khinh nữ.

Đàn ông sinh ra đã được trời phú cho sức vóc hơn người để lo cày cuốc nuôi sống gia đình. Vậy nên trong tiếng Hán chính thể chữ “Nam 男” mới được cấu tạo từ bộ “Điền 田 – đồng ruộng” và bộ “Lực 力” – sức lực.

Người xưa cho rằng, phụ nữ và trẻ em sinh ra đã yếu ớt, nên cần được yêu thương, che chở và bảo vệ. Người phụ nữ có sứ mệnh “mang nặng đẻ đau” và thiên chức “làm mẹ”. Vậy nên đàn ông chủ ngoại, phụ nữ chủ nội. Đó là một sự phân công rất mực hợp lý với sức vóc và đặc tính riêng của từng giới nhằm đảm bảo sự phát triển hài hòa và bền vững của gia đình và xã hội trong dòng chảy lớn của cuộc sống.

Nói về điều này, học giả Nguyễn Hiến Lê cũng từng bàn rằng: “Nguyên tắc phân công là nguyên tắc căn bản cho mọi xã hội, không có phân công thì không có xã hội. Nó dựa trên luật tự nhiên này: Vạn vật không giống nhau, không đồng đều nhau về tính chất.” – Sách Mạnh Tử, Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn hóa thông tin.

Ẩn sau cụm từ “Bất bình đẳng giới” thực sự là điều gì?

Ngày nay đa số phụ nữ hiện đại hầu như chẳng mấy người “bám trụ” được ở nhà vì sợ mang tiếng xấu là: “ăn bám chồng”. Vậy nên phụ nữ cũng phải bươn trải và tìm cho mình một chỗ đứng trong xã hội. Cả một xã hội nghiễm nhiên mặc định với nhau rằng: Phụ nữ đương nhiên cũng phải ra ngoài kiếm tiền nuôi gia đình.

Ngày xưa, phụ nữ có thể dành trọn vẹn thời gian để chăm sóc chồng con và vun vén cho tổ ấm của mình. Họ được chồng yêu thương và chở che, và cũng có tiếng nói trong gia đình như những nữ chủ nhân trong danh tác “Hồng Lâu Mộng’ nổi tiếng một thời.

Kỳ thực xã hội hiện đại có vẻ như “khắt khe” với phụ nữ hơn. Ngày xưa phụ nữ chỉ cần làm trọn bổn phận và thiên chức của mình là sẽ được người người nể vì. Ngày nay sự nể trọng ấy dường như bị giảm bớt và phải kèm thêm điều kiện mới là cũng phải bôn ba kiếm sống như đàn ông. Ngược lại, đàn ông thời hiện đại lại có vẻ như được giảm nhẹ trách nhiệm đối với gia đình và lại có nhiều quyền đòi hỏi ở người phụ nữ hơn xưa.

Khi xưa nếu chẳng thể nuôi nổi gia đình, người đàn ông sẽ cảm thấy “chẳng đáng mặt là nam tử hán”, có lỗi với vợ con. Ngày nay một số đức ông chồng không quan tâm đến điều đó, họ còn có thể quay sang đòi hỏi ngược lại từ phía người phụ nữ mà lẽ ra mình cần nâng niu che chở. Thậm chí có người còn so bì kiểu như: “Vợ người ta kiếm tiền cho chồng ăn chơi hưởng thụ, vợ mình suốt ngày chỉ ru rú xó nhà cơm cơm nước nước”. Có lẽ vì thế mà một số “đức ông chồng” thời hiện đại cũng dễ cho mình cái quyền “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ con hay anh em nhà vợ khi không vừa ý.

Ngày nay, ngay cả khi lựa chọn đối tượng kết hôn một số bạn trẻ cũng phải tìm kiếm những cô gái “có công ăn việc làm ổn định” để cùng nhau chia sẻ gánh nặng gia đình sau này.

“Bình đẳng giới” trên bề mặt là để chị em phụ nữ có thêm quyền tự chủ. Nhưng kỳ thực, ẩn sau phía sau đó là sự đòi hỏi khắt khe hơn của xã hội hiện đại đối với người phụ nữ. Họ cũng phải gồng mình mang thêm “gánh nặng” quá sức trái với thiên tính của mình. Nếu không đáp ứng được đòi hỏi đó họ sẽ bị xem thường, ghẻ lạnh và thậm chí là đối mặt với hiện tượng bị ngược đãi, bạo hành.

Văn hóa xưa coi trọng tu dưỡng đạo đức nên gia đình trên dưới thuận hòa, trong ngoài êm ấm

Chúng ta hẳn đã rất quen thuộc với câu: “Giấy rách phải giữ lấy lề”, “Chết vinh còn hơn sống nhục”. Khổng Tử cũng viết rằng: “Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi”. Có nghĩa là: người quân tử hiểu rõ về nghĩa, làm việc gì cũng đặt cái nghĩa lên trước, còn kẻ tiểu nhân hiểu rõ về lợi, làm việc gì cũng chỉ nghĩ đến cái lợi của bản thân.

Vậy nên người xưa luôn đặt ra những tiêu chuẩn đạo đức để ước thúc bản thân mình. Dẫu giàu có mà không có đạo đức vẫn bị người đời chê cười, dẫu nghèo khó nhưng giữ vẹn đạo làm người thì ai nấy đều hết lời khen tụng.

Ví như trong gia đình thì con cái, anh em phải có tuân thủ đạo lý hiếu đễ. “Hiếu” là báo đáp tình yêu thương, lòng tôn kính đối với ông bà, cha mẹ, các bậc trưởng bối… “Đễ” là anh em trong nhà cũng phải có bổn phận sống hòa thuận, bao dung, biết kính nhường, bảo ban nhau để cha mẹ vui lòng. Theo cấu tạo Hán tự thì chữ “Đễ” (“悌”, kính nhường) được tạo thành bởi chữ “Tâm” (“心”, trái tim, tấm lòng) và chữ “Đệ” (“弟”, em trai).

Chữ “tâm” đứng bên cạnh chữ “đệ” biểu thị rằng: Anh, chị cần quan tâm, chăm nom cho em trai, em gái. Trong tim người anh, người chị luôn có người em, chính là sự yêu thương chân thành giữa các anh chị em trong gia đình. Cũng bởi vậy mà trong dân gian mới truyền tụng câu thành ngữ: “Quyền huynh thế phụ”.

Sách xưa cũng lại viết: “Huynh đệ hòa mục gia bất tán, Trục lí hòa khí thuận khí hoàn. Thê hiền hà sầu gia bất phú, Tử hiếu hà tu phụ hướng tiền”. Ý nói rằng: Anh em hòa thuận thì gia đình không bị tiêu tan, chị em dâu hòa thuận thì không khí gia đình dễ chịu. Gia đình có vợ hiền thì lo gì không giàu có, con cái hiếu thảo thì cha mẹ đâu phải ngẫm lại mình.

“Hiếu đễ” còn được xã hội xưa coi là cội nguồn của “nhân nghĩa”. Bởi vậy nên gia đình truyền thống ngày xưa có thể sống trong cảnh “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường” (3, 4 đời sống chung dưới một mái nhà) nhưng vẫn rất mực hòa thuận, trong ấm ngoài êm.

Nhìn xưa mà ngẫm nay

Người xưa thường lấy mình làm gương, dùng lòng nhân ái, sự nhẫn nhịn và khoan dung để đối đãi với người, bởi vậy mà dễ thuận vợ thuận chồng, “Phu phụ tương kính” gia phong vẹn đạo, cuộc sống tuy thuần phác giản đơn mà vô ưu, hạnh phúc.

Những người không coi trọng đạo đức thời nay thường ích kỷ, nóng giận và thích dùng vũ lực. Họ chẳng thể bao dung với lỗi lầm của người khác hay tuân thủ đức nhẫn nhịn khi gặp chuyện không vừa ý. Họ còn tự cho mình cái quyền mắng mỏ, thậm chí là mạnh tay với người khác khi chiếm thế thượng phong, khi đang ở “ngôi cao” hoặc làm kẻ mạnh, bởi vậy mà bao phen khiến cho tổ ấm gia đình: “Cơm không lành, canh chẳng ngọt”.

Người xưa chú trọng chữ “duyên: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ; Vô duyên đối diện bất tương phùng”, ý tứ là:

“Có duyên xa mấy cũng nên;
Vô duyên dẫu có kề bên chẳng thành”…

Con người do duyên mà hợp, cũng lại do duyên mà tan. Theo Phật gia giảng, “duyên” ấy cũng có thể là thiện duyên, cũng có thể là ác duyên. Nếu là thiện duyên họ sẽ yêu thương, đùm bọc, chung sống hạnh phúc bên nhau. Nếu là ác duyên họ sẽ làm khổ, đày đọa nhau, khiến cho cuộc sống càng thêm nặng nề buồn tủi…

Kiếp này bạn có thể ở “ngôi cao”, nhưng lỡ: “ân lấy nhiều, oán đòi quá”, sau này lại chẳng phải chịu cảnh tủi hờn mà trả nợ cho người hay sao. Chi bằng giải pháp tốt nhất là mỗi người trong cuộc đều nguyện ý mà thiện giải với nhau: nhẫn nhịn, bao dung, thủ đức hành thiện để có thể tiêu giảm tội nghiệp, hóa hung thành cát và làm hài hòa mọi mối quan hệ nhân duyên, hướng tới trong ấm ngoài êm, viên dung mọi lẽ. Chỉ khi con người sống thuận theo Đạo, giữ tròn bổn phận của mình trong các mối quan hệ thì những chuyện bất hạnh mới không xảy ra, hạnh phúc mới mỉm cười với chúng ta.

https://www.dkn.tv/

Related posts

‘Ai đã đặt tên cho dòng sông’?: Từ sông Hương mơ mộng đến sông Tô Lịch hồi sinh từ cõi chết

Tin Tức Đa Chiều

Hàng loạt các nghề như cắt tóc, may đồ chuẩn bị phải đóng thuế cho nhà cầm quyền

Phó tổ kiểm dịch Covid-19 ‘vòi’ 2 triệu đồng của shipper, có truy cứu hình sự?

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment