Tin tức Đa Chiều
Thế Giới Tiêu Điểm

Điểm tin thế giới 16/3: Triều Tiên ‘nhắn nhủ’ chính quyền Biden; Người di cư đang ‘mạnh dạn’ tràn qua biên giới Mỹ

Mục Điểm tin thế giới, thứ Ba (16/3), của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Bắc Kinh phản ứng sau khi bị tấn công ở Myanmar. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm thứ Hai (15/3) đã lên án việc người biểu tình Myanmar tấn công 32 nhà máy Trung Quốc. “Trung Quốc sẽ tiếp tục hối thúc Myanmar thực hiện những bước đi cụ thể nhằm chấm dứt mọi bạo lực và đưa thủ phạm ra trước công lý, đồng thời bảo đảm an toàn cho mạng sống và tài sản của người Trung Quốc”, ông Triệu nói. Sau vụ tấn công có hai người Trung Quốc bị thương, không có trường hợp tử vong, thiệt hại tài sản lên tới 240 triệu nhân dân tệ (khoảnh 36,9 triệu USD) [Reuters].

Công ty Đài Loan ở Myanmar phải treo cờ Đài Loan. Đây là chỉ đạo của văn phòng đại diện Đài Loan tại Myanmar đối với các doanh nghiệp quốc đảo để tránh bị người biểu tình nhầm là doanh nghiệp Trung Quốc. Yêu cầu được đưa ra trong bối cảnh các các nhà máy do người Trung Quốc làm chủ ở Myanmar bị người biểu tình đốt và đập phá vì cho rằng Bắc Kinh đứng sau cuộc đảo chính. Ít nhất một công ty Đài Loan, được xác định là công ty Tsang Yih, đã bị người biểu tình Myanmar tấn công vì tưởng rằng họ là doanh nghiệp Trung Quốc. Chòi canh và bốn phương tiện của Tsang Yih đã bị phá hủy. Theo Bộ Ngoại giao Đài Loan, có tổng cộng 10 công dân Đài Loan bị mắc kẹt bên trong [Taiwan News].

Đức, Pháp, Ý dừng tiêm vaccine AstraZeneca. Trước đó, nhiều nước châu Âu như Hà Lan, Ireland, Na Uy cũng đã đồng loạt thực hiện hành động tương tự sau khi xuất hiện các trường hợp đông máu sau tiêm vaccine của AstraZeneca. Đức cho biết quyết định trên được đưa ra như một “biện pháp phòng ngừa”. Còn Pháp và Ý nói rằng họ làm vậy trong thời gian chờ đánh giá của Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA). Theo thông báo trước đó của EMA, không có dấu hiệu cho thấy xuất hiện đông máu do tiêm chủng vaccine AstraZeneca. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng lặp lại quan điểm này [Reuters].

NATO và Mỹ cần nhanh chóng thắt chặt quan hệ. Chủ tịch NATO Jens Stoltenberg đã đề đạt ý kiến này khi cho rằng cần phải làm thế để chống lại chính quyền Trung Quốc đang “ngày một hung hăng hơn” và đang tạo ra các “mối đe dọa”. Phát biểu tại ủy ban của Nghị viện Châu Âu về vấn đề an ninh và đối ngoại, ông Stoltenberg cũng nói rằng NATO nên làm việc với các đối tác ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nếu muốn ngăn Trung Quốc “bắt nạt các nước trên thế giới” [SCMP].

Chính quyền Biden lên kế hoạch tăng thuế lớn. Kế hoạch tăng thuế được thiết lập sau gói cứu trợ đại dịch trị giá 1,9 nghìn tỷ đô la. Theo kế hoạch này, thuế đánh vào doanh nghiệp sẽ tăng từ 21% lên 28%, tăng thuế với cá nhân có thu nhập trên 400.000 đô la, nới rộng thuế bất động sản, và cắt giảm các ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp chuyển tiếp. Toà Bạch Ốc chưa đưa ra phản hồi với yêu cầu bình luận của giới truyền thông về thông tin này [Foxbusiness].

Người di cư đang ‘mạnh dạn’ tràn qua biên giới Mỹ. Họ tự tin vì cho rằng Tổng thống Joe Biden khuyến khích họ đến. “Biden đã hứa với chúng tôi rằng mọi thứ sẽ thay đổi”, Gladys Oneida Perez Cruz, một phụ nữ di cư nói hôm Chủ nhật (14/3). “Ông ấy chưa làm được điều đó, nhưng ông ấy sẽ trở thành một tổng thống tốt cho người di cư”. Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy đã dẫn đầu một phái đoàn gồm khoảng 12 đại diện của Đảng Cộng hoà đến biên giới hôm 15/3. Họ nói rằng các lệnh điều hành của tổng thống Biden là nguyên nhân gây ra sự gia tăng người nhập cư bất hợp pháp [Epoch Times].

Navalny đang ở một trại tù ‘khét tiếng’. Sau nhiều đồn đoán về nới giam giữ, một thông báo đăng trên tài khoản Instagram của ông Navalny hôm thứ Hai (15/3) cho biết, nhà phê bình Điện Kremlin đang bị giam giữ trong một nhà tù ở vùng Vladimir, phía đông bắc Moscow, ‘khét tiếng’ với việc kiểm soát chặt chẽ các tù nhân. Vào tháng Hai, tòa án nhân quyền châu Âu đã yêu cầu Moscow phóng thích ông Navalny, tuy nhiên chính phủ Nga đã nhanh chóng từ chối [The Guardian].

TNS Mỹ kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh 2022. Thượng nghị sĩ Cộng hoà Mitt Romney (bang Utah) hôm 15/3 thực hiện việc này vì cho rằng ĐCSTQ đã có các hành vi đàn áp nhân quyền một cách tàn bạo. “Trung Quốc đáng bị chúng ta lên án. ĐCSTQ đã từ bỏ thỏa thuận cho phép Hồng Kông tự trị; nó đã đàn áp dã man những người biểu tình ôn hòa và tống giam các nhà báo được kính trọng. Đó là tội ác diệt chủng nghiêm trọng đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác”, ông Romney viết trong một bài báo trên New York Times [NYTimes].

Triều Tiên ‘nhắn nhủ’ chính quyền Biden. Bà Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, đã chỉ trích các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn đang diễn ra ở Hàn Quốc và cảnh báo chính quyền Biden rằng không nên “gây ra mùi hôi thối” nếu họ muốn hòa bình, hãng truyền thông KCNA của Triều Tiên đưa tin hôm thứ Ba (16/3). Tuyên bố này được đưa ra một ngày trước khi quan chức ngoại giao và quốc phòng hàng đầu của chính phủ Mỹ tới Seoul để tham gia cuộc hội đàm 2+ 2 với các đối tác Hàn Quốc [Reuters].

Related posts

Đi công tác về thấy vợ nhợt nhạt, người đàn ông phát hiện ra sự thật kinh hoàng khiến gia đình tan nát

Tin Tức Đa Chiều

Động thái của nhà hàng liên tục để mất xe SH của khách: Càng khiến dân mạng phẫn nộ hơn

Tin Tức Đa Chiều

CDC Mỹ: Hơn 1.200 người trẻ tuổi bị viêm cơ tim sau khi tiêm vắc-xin COVID-19

Leave a Comment