Tin tức Đa Chiều
Thế Giới

ĐCSTQ lợi dụng trí tuệ nhân tạo phát động chiến tranh với Mỹ như thế nào (Phần 1)

Trung Quốc đang sử dụng AI như một công cụ hữu hiệu để đạt được tham vọng thống trị thế giới của mình. Sự tinh vi trong các thủ đoạn nhằm đạt được mục đích của ĐCSTQ đang dần được thế giới vạch trần, theo Vision Times.

“Mỹ chưa chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ hoặc cạnh tranh trong kỷ nguyên của AI [trí tuệ nhân tạo]”, theo một báo cáo dài 750 trang do Ủy ban An ninh Quốc gia về Trí tuệ Nhân tạo (NSCAI) công bố vào ngày 1/3. NSCAI là một nhóm lưỡng đảng bao gồm 15 nhà công nghệ, chuyên gia an ninh quốc gia, giám đốc điều hành kinh doanh và các nhà lãnh đạo học thuật. Báo cáo nhấn mạnh việc Trung Quốc đang khai thác trí thông minh nhân tạo, “chúng tôi rất coi trọng tham vọng của Trung Quốc là vượt qua Mỹ để trở thành nhà lãnh đạo AI thế giới trong vòng một thập kỷ”.

Kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo thế hệ mới của Trung Quốc vào tháng 7/2017 đã chỉ định AI là ưu tiên chính của tất cả các cấp chính phủ và các bên liên quan. Năm nền tảng đổi mới mở đã được đưa ra để thúc đẩy sự phát triển của AI, được xúc tác bởi các thực thể như Baidu, Alibaba, Tencent, iFlytek và Sensetime.

Nhiều ứng dụng AI mang đến lợi ích thực tại, chẳng hạn như xe tự động, thành phố thông minh, y học, giọng nói thông minh và nhận thức thông minh. Tuy nhiên, AI của Trung Quốc đã làm dấy lên nhiều nghi vấn về mặt đạo đức, bao gồm các hệ thống chiến tranh do AI dẫn đầu, công nghệ giám sát hiện đại và các chiến dịch phát tán thông tin sai lệch có mục tiêu.

Chiến tranh ‘thông minh hóa’

Bằng cách học hỏi và nhắm mục tiêu vào quân đội Mỹ, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hy vọng sẽ đưa Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trở thành một đội quân đẳng cấp thế giới vào giữa thế kỷ này. NSCAI bày tỏ lo ngại rằng các quốc gia độc tài sẽ tạo ra các hệ thống quân sự mới với sự hỗ trợ của AI mà không áp dụng các giao thức thử nghiệm nghiêm ngặt và hướng dẫn đạo đức mà quân đội Mỹ phải tuân theo.

“Nhà chiến lược quân sự Trung Quốc dự đoán một sự biến đổi trong hình thức và tính chất của xung đột, mà được coi là phát triển từ chiến tranh “được thông tin hóa” của ngày nay chuyển sang chiến tranh “thông minh hóa” trong tương lai”, Elsa Kania, trợ giảng cao cấp tại Đại học Georgetown, đã nói trong phiên điều trần năm 2019 trước Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ-Trung Quốc.

ĐCSTQ đang tìm kiếm các cơ chế mới để giành chiến thắng, bao gồm khám phá sự phối hợp và đối đầu giữa người và máy. Thay vì nhấn mạnh đến sự an toàn và sự giám sát của con người, “‘hệ thống các hệ thống’ mới này không chỉ bao gồm các vũ khí thông minh mà còn bao gồm cả một hệ thống các hệ thống quân sự mới liên quan đến sự hợp nhất giữa người và máy và với trí thông minh (nhân tạo) ở vị thế “dẫn đầu” hoặc thống trị”.

Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia (NUDT) là nền tảng nghiên cứu và tiến bộ khoa học của PLA. Cơ sở giáo dục này đã hợp tác với Học viện Khoa học Thông minh để nghiên cứu “robot thông minh, bao gồm robot sinh học và điều khiển tự động, ví như trí thông minh bầy đàn”. Ngoài ra, trò chơi chiến tranh được thiết kế xung quanh các kịch bản trong thế giới thực đã được Đại học Quốc phòng của PLA xem xét như một công cụ nghiên cứu và giảng dạy.

Khai thác trí tuệ nhân tạo là thống trị quân sự

Internet of Things (IoT – Internet Vạn Vật) và 5G có thể sẽ được tích hợp trong lĩnh vực vũ khí thông minh do khả năng kết nối cho phép “sự cải tiến trong việc chia sẻ dữ liệu, cơ chế mới để chỉ huy và kiểm soát cũng như các hệ thống tăng cường để đáp ứng các yêu cầu hoạt động trong tương lai”. Ngoài ra, công nghệ 5G có thể sẽ “thúc đẩy sự giao tiếp giữa máy với máy (machine-to-machine communication) ở các cảm biến, máy bay không người lái hoặc thậm chí hệ thống liên lạc liên binh sĩ trên chiến trường, cũng như cải tiến trong tương tác giữa người và máy”.

Một yếu tố quan trọng khác là dữ liệu, thứ mà học giả Zuo Dengyun của PLA mô tả là “huyết mạch” của các hoạt động hải quân. PLA cố gắng “thu thập một lượng lớn thông tin thông qua các kho dữ liệu, nắm bắt điểm yếu của hệ thống đối phương thông qua khai thác dữ liệu, chia sẻ tình hình hoạt động thông qua trình bày dữ liệu và mở các kênh liên kết đa miền, kích hoạt tính năng thông minh cho các mạng lưới”. Trong tương lai, chiến tranh có thể trở thành một “trò chơi của các thuật toán”.

Vi phạm nhân quyền

Các chế độ độc tài như ĐCSTQ từ lâu đã sử dụng giám sát như một phương thức gây ảnh hưởng và kiểm soát, với các công nghệ vận hành bởi AI như nhận dạng khuôn mặt, sinh trắc học, phân tích dự đoán và tổng hợp dữ liệu.

Theo một bộ phim tài liệu của PBS FRONTLINE có tên “Trong thời đại của AI (In the Age of AI)”, ĐCS Trung Quốc đã giam giữ lên đến một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và biến Tân Cương trở thành một “dự án thử nghiệm các hình thức giám sát kỹ thuật số cực đoan”. Hệ thống AI được cho là có thể dự đoán những cá nhân nào có nhiều khả năng thực hiện hành vi “khủng bố” nhất và cần được “cải tạo” tại các trại lao động.

Sophie Richardson, giám đốc Trung Quốc tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), nói với FRONTLINE rằng: “Các loại hành vi hiện đang được giám sát – bạn biết đấy, bạn nói ngôn ngữ nào ở nhà, cho dù bạn đang nói chuyện với người thân ở các quốc gia khác, tần suất bạn cầu nguyện – thông tin đó hiện đang được thu thập và sử dụng để xác định xem một người nào đó có nên bị đưa vào các trại này để cải tạo chính trị hay không”.

Công nghệ này đã được cài đặt trên khắp Trung Quốc, đi kèm các chương trình giám sát nông thôn của chinh quyền như dự án Sharp Eyes, vốn sẽ có chức năng giám sát nhà của người dân và làm xấu mặt những người bất đồng chính kiến một cách công khai ​​bằng cách loan báo tên và địa chỉ nhà của họ qua loa phường.

Để tăng cường đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, nhà hoạt động kiêm luật sư Nury Turkel chia sẻ với FRONTLINE rằng, họ thậm chí “có các mã vạch ở cửa nhà của ai đó để xác định phân loại công dân của người đó”. Turkel cảnh báo rằng các công nghệ mới liên tục được phát triển để chặn đứng các “hoạt động nổi loạn”.

Các công ty Trung Quốc như Huawei, Hikvision, Dahua và ZTE đã bán công nghệ giám sát AI cho 63 quốc gia, 36 trong số đó có liên hệ đến Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Huawei là nhà cung cấp thiết bị lớn nhất, có doanh số tại ít nhất 50 quốc gia. Để khuyến khích các quốc gia nhỏ hơn bao gồm Kenya, Lào, Mông Cổ, Uganda và Uzbekistan mua công nghệ của họ, Trung Quốc cung cấp các khoản vay ưu đãi để trợ cấp việc này.

Chiến dịch phát tán thông tin độc hại

Mặc dù một cá nhân có thể chịu ảnh hưởng bởi khoảng vài ba tin nhắn mang tính thù hận trên mạng xã hội, nhưng một cuộc tấn công dữ dội bằng các tin nhắn đe dọa từ hàng nghìn tài khoản giả do AI điều khiển mà không thể phân biệt với tài khoản thực sẽ có thể làm khuấy động những người trầm tĩnh nhất. Tương tự, AI bản thân nó là một hệ thống học tập tinh vi có khả năng phát tán một thông điệp tuyên truyền mạnh mẽ dưới dạng một triệu tin nhắn được cá nhân hoá đến nhiều người dùng, nội dung tin nhắn tùy chỉnh dựa trên dấu chân điện tử, cảm xúc và các kết nối xã hội của nạn nhân bị nhắm mục tiêu.

Dấu chân điện tử (tiếng Anh: digital footprint) là một thuật ngữ marketing chỉ dấu vết dữ liệu mà người tiêu dùng đã tạo ra trong quá trình sử dụng internet hay nói cách khác là tất cả những gì họ làm khi trực tuyến.

Trung Quốc bị cáo buộc đã sử dụng thông tin ác ý do được vận hành bởi AI nhằm can thiệp đến cuộc bầu cử Đài Loan năm 2020. Địa chỉ IP của nhiều bài đăng lan truyền thông tin sai lệch nhằm làm mất uy tín của chính phủ Đài Loan đã được truy ngược về Trung Quốc đại lục. Mục tiêu của các chiến dịch thông tin sai lệch của Trung Quốc là “chuyển hướng dư luận Đài Loan sang chấp nhận lập trường ủng hộ thống nhất hai bờ eo biển”.

Hoa Kỳ cũng chịu ảnh hưởng vào năm 2019, khi giám đốc điều hành Giải bóng rổ Nhà nghề Mỹ NBA Daryl Morey đã tweet ủng hộ những người biểu tình Hồng Kông. Morey đã nhận phải phản ứng dữ dội từ cầu thủ nổi tiếng LeBron James và một đội quân ủng hộ Trung Quốc bao gồm các cư dân mạng giận dữ và các tài khoản bot tự động, vốn đã đề cập đến tên ông này hơn 16.000 lần trong vòng 12 giờ đầu tiên sau bài đăng của ông.

Sự trỗi dậy của các nhân vật Deep Fakes do AI tạo ra cũng rất đáng lo ngại, khi công nghệ đánh bóng này tinh vi đến mức video giả lập nhưng “giống thật” về những người nổi tiếng và các nhà lãnh đạo chính trị thường xuyên đánh lừa người xem. Các video được xuất bản bởi tài khoản “DeepTomCruise” của Tiktok và một video trên YouTube năm 2018 cho thấy cựu tổng thống Barack Obama là những ví dụ giả lập như thật. Trong chuyến hành trình trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ AI, Trung Quốc chắc chắn đang bứt phá các giới hạn phát tán sự lừa dối nhờ vào công nghệ AI.

Related posts

Tỷ phú Donald Trump mất gần 1/2 tài sản ròng trong nhiệm kỳ tổng thống

Tin Tức Đa Chiều

Phụ nữ Trung Quốc phải… thử thai khi xin việc

Science

Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm Covid hàng ngày tăng vọt trong 5 tháng

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment