Tin tức Đa Chiều
Thế Giới

Đằng sau đợt thay máu quan chức ở Triều Tiên

Việc Kim Jong-un giáng chức cố vấn hàng đầu về chương trình vũ khí cho thấy chính sách quân sự không phải là ưu tiên hàng đầu của họ lúc này.

Tuần trước, Triều Tiên đã công bố một số thay đổi nhân sự có thể là đợt cải tổ giới lãnh đạo hàng đầu quan trọng nhất trong nhiều năm. Truyền thông nhà nước không nêu thông tin chi tiết nhưng các nhà phân tích tin rằng động thái này bao gồm việc cách chức những người ông Kim cho là gây ra “khủng hoảng lớn” vì lơ là chống Covid-19 trong bối cảnh Triều Tiên đang gặp khó khăn kinh tế và thiếu lương thực do đóng biên để chống dịch.

Các bức ảnh trên truyền thông nhà nước hôm 8/7 về chuyến thăm lăng mộ gia đình của Kim Jong-un dường như xác nhận rằng Ri Pyong-chol, cố vấn đóng vai trò hàng đầu trong chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân Triều Tiên, ít nhất đã mất vị trí trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên.

Trong ảnh, Ri, người thỉnh thoảng mặc quân phục, lần này mặc quần áo dân sự và đứng sau Kim vài hàng, cho thấy vai trò mới của ông là không rõ ràng.

Trong ảnh không ai có vẻ là người thay thế vị trí của ông Ri trong Ban Thường vụ Bộ chính trị, tất cả những người đứng cạnh Kim Jong-un là quan chức dân sự. “Dường như thứ bậc của quân đội đã bị đẩy xuống”, Ken Gause, chuyên gia về lãnh đạo Triều Tiên tại CNA, tổ chức nghiên cứu và phân tích phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ, cho biết.

Quân đội thống trị các vấn đề ở Triều Tiên và không có dấu hiệu nào cho thấy điều đó sẽ thay đổi trong dài hạn, nhưng những thay đổi có thể báo hiệu rằng hiện ông Kim không có khả năng tiếp tục sử dụng vũ khí hạt nhân trong khi ông tập trung vào các vấn đề trong nước, Gause nói.

“Trọng tâm trong nước bây giờ là nền kinh tế, không phải chương trình hạt nhân”, ông nói thêm.

Rachel Minyoung Lee, nhà phân tích tại chương trình chuyên nghiên cứu về Triều Tiên 38 North có trụ sở tại Mỹ, cho biết rất khó để xác định số phận của Ri, chứ chưa nói đến có thể kết luận tín hiệu này có ý nghĩa gì đối với chương trình vũ khí chiến lược của Triều Tiên. Lee nhấn mạnh rằng ông Ri sau này vẫn có thể được phục chức.

Kim Jong-un đã thất vọng vì các quan chức không thực hiện chỉ thị hoặc truyền đạt thông tin chính xác cho ông. Những thay đổi nhân sự có thể là một phần trong nỗ lực “lên dây cót lại chính quyền” bằng cách phân chia thẩm quyền chứ không phải quyền lực xuống hệ thống điều hành, Gause nói.

“Ông Kim đã giảm nhóm quan chức thân cận xuống còn một nhóm các nhà kỹ trị và nhân viên an ninh nội bộ, hai lĩnh vực đảm bảo duy trì Juche vào lúc này”, ông nói, đề cập đến tư tưởng tự cường của Triều Tiên. “Đây không phải là kế hoạch dài hạn mà là biện pháp tạm thời trong hoàn cảnh bất thường mà chính quyền đang phải đối mặt”.

Michael Madden, chuyên gia về giới lãnh đạo Triều Tiên tại 38 North, nói rằng điều trông giống như giáng chức có thể là một phần của thay đổi nhân sự thông thường nhằm ngăn cản bất kỳ quan chức nào xây dựng quá nhiều cơ sở quyền lực, hoặc chỉ định một người có năng lực và đáng tin cậy để xử lý một vấn đề cụ thể trong vai trò trực tiếp hơn.

“Giáng chức là điều rất phổ biến trong chính trị Triều Tiên”, ông nói. “Nên nhớ rằng những thứ trông giống như giáng chức đối với chúng ta thực tế có thể là một điều khác”, Madden bình luận.

Related posts

Sau 76 năm, bí ẩn lớn nhất tại Tam Giác Quỷ Bermuda dần hé lộ

Tin Tức Đa Chiều

Israel vừa không kích Dải Gaza

Tin Tức Đa Chiều

McConnell: Người của Đảng Dân chủ cũng không ủng hộ gói kích thích kinh tế của ông Biden

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment