Tàu sân bay Mỹ được ví như “thành phố nổi” có gì đặc biệt? Một trong những chiến hạm lớn nhất của hải quân Mỹ là USS Theodore Roosevelt, được ví như thành phố nổi trên biển với thủy thủ đoàn 5.000 người.
Theodore Roosevelt là kỳ hạm của Nhóm tác chiến tàu sân bay số 9 (CSG-9), được hộ tống bởi tàu tuần dương USS Bunker Hill và 6 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke.
USS Theodore Roosevelt là siêu tàu sân bay thứ tư thuộc lớp Nimitz, khởi đóng ngày 31/10/1981 và hạ thủy sau đó ba năm. Tàu được đưa vào biên chế hải quân Mỹ ngày 25/10/1986 và được đặt theo tên Theodore Roosevelt, tổng thống thứ 26 của Mỹ.
Logo của tàu có hình bán thân của tổng thống Roosevelt, bên dưới là chữ “TR” (viết tắt của Theodore Roosevelt) và dòng khẩu hiệu tiếng Latin “Qui Plantavit Curabit” (Người ươm mầm ta sẽ chăm sóc ta).
USS Theodore Roosevelt có chiều dài 333 m, rộng 77 m và lượng giãn nước đầy tải 106.000 tấn, là một trong những chiến hạm lớn nhất trong lịch sử hải quân Mỹ. Với thủy thủ đoàn 5.000 người, USS Theodore Roosevelt được ví như một “thành phố nổi” trên đại dương.
Con tàu có một bưu điện với mã định danh riêng, cho phép thủy thủ gửi và nhận thư từ gia đình. Các lá thư thường được vận chuyển bởi máy bay vận tải C-2A Greyhound khi USS Theodore Roosevelt hoạt động gần những nước có căn cứ Mỹ.
Trên tàu không có wifi hay sóng điện thoại di động, mỗi thủy thủ chỉ được truy cập Internet trên các máy tính chung, thời gian sử dụng phụ thuộc vào cấp bậc và chức vụ.
Các tàu sân bay lớp Nimitz như Theodore Roosevelt được thiết kế để thay thế các tàu sân bay lớp Kitty Hawk và Enterprise bị loại biên. Chúng được ứng dụng nhiều cải tiến so với các thế hệ tiền nhiệm, nổi bật như hệ thống lò phản ứng hạt nhân nhỏ gọn hơn nhiều so với lớp Enterprise. Mỗi chiếc Nimitz có thể mang nhiều hơn 90% nhiên liệu cho máy bay so với lớp Forrestal.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (phải) cùng tuần dương hạm USS Bunker Hill tới Đà Nẵng sáng 5/3. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam.
Để thực hiện nhiệm vụ trên khắp các đại dương của thế giới, USS Theodore Roosevelt được trang bị hai lò phản ứng hạt nhân A4W đặt trong khoang riêng biệt để cung cấp năng lượng cho hệ thống động cơ và điện.
Nhiệt lượng từ phản ứng phân hạch trong lò phản ứng đun nóng nước và tạo ra hơi nước áp suất cao. Hơi nước được đẩy qua 4 turbine để tạo lực quay cho 4 chân vịt bằng hợp kim đồng, mỗi chiếc có đường kính 7,6 m và nặng 30 tấn, giúp tàu có thể đạt tốc độ tối đa 56 km/h khi đầy tải.
Điều này giúp tàu không phải mang theo nhiên liệu dự trữ, cho phép tăng thời gian và tầm hoạt động trên biển, bởi tàu sân bay lớp Nimitz chỉ phải tiếp nhiên liệu sau 20-25 năm hoạt động.
Một phần hơi nước được dẫn tới hệ thống piston thuộc máy phóng hơi nước bên dưới boong tàu, tạo lực đẩy giúp các máy bay xuất phát trên đường băng ngắn.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt được biên chế không đoàn trên hạm (CVW), có thể mang tối đa 130 tiêm kích F/A-18 hoặc 85-90 máy bay các loại, nhưng thường chỉ triển khai 64 phi cơ. Lực lượng đang phục vụ trên tàu Theodore Roosevelt là Không đoàn tàu sân bay số 11 (CVW-11) gồm 9 phi đoàn.
Khí tài chủ lực của USS Theodore Roosevelt là 48 tiêm kích đa năng F/A-18E/F Super Hornet. Đội hình hỗ trợ gồm 6 máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler, 4 máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không E-2C/D Hawkeye. Hoạt động vận tải, tiếp tế hậu cần cho tàu được giao cho phi đoàn vận tải cơ C-2A Greyhound.
Tàu còn được biên chế hai phi đoàn trực thăng MH-60S/R làm nhiệm vụ vận tải hạng nhẹ, săn ngầm, trinh sát và tìm kiếm cứu hộ.
Trang bị trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. Bấm vào ảnh để xem đầy đủ.
Ngoài không đoàn tàu sân bay, USS Theodore Roosevelt được trang bị các tổ hợp vũ khí phòng không, gồm hai bệ phóng tên lửa Mk 57 Sea Sparrow, hai bệ tên lửa tầm ngắn RIM-116 và ba tổ hợp pháo phòng thủ tầm cực gần Phalanx. Tàu cũng được trang bị một số bệ phóng mồi bẫy để đánh lừa tên lửa diệt hạm đối phương.
Chuyến thăm Việt Nam lần này của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt là sự tiếp nối chuyến thăm lịch sử năm 2018 của tàu sân bay USS Carl Vinson, diễn ra vào thời điểm hai nước đang chuẩn bị kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, theo đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink.
“Chuyến thăm không chỉ giúp tăng cường quan hệ quốc phòng song phương mà còn giúp thúc đẩy hơn nữa quan hệ giao lưu văn hóa và chuyên môn. Chúng tôi rất vinh dự khi được tham gia vào chuyến thăm quan trọng này và nhận được sự chào đón nồng nhiệt đến vậy”, thông cáo của đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội dẫn lời đại tá Brett Crozier, Chỉ huy trưởng tàu sân bay Theodore Roosevelt.