Vào ngày 28/8/1984, cô gái 18 tuổi Elisabeth Fritzl, sống tại thành phố nhỏ Amstetten, nước Áo đột ngột mất tích. Ngay lập tức, mẹ của cô – bà Rosemarie Fritzl đã báo cảnh sát và nỗ lực tìm kiếm, khiến vụ án của Elisabeth Fritzl với tình tiết quá thương tâm từng khiến dư luận nước Áo và cả thế giới rúng động.
Vốn đang ở độ tuổi 18 tươi trẻ với cả tương lai rộng mở phía trước, Elisabeth Fritzl chắc chắn không ngờ cuộc đời mình sẽ còn thảm kịch hơn cả địa ngục khi bị chính cha đẻ hãm hại một cách tàn nhẫn.
Sự mất tích bí ẩn
Vào ngày 28/8/1984, cô gái 18 tuổi Elisabeth Fritzl, sống tại thành phố nhỏ Amstetten, nước Áo đột ngột mất tích. Ngay lập tức, mẹ của cô – bà Rosemarie Fritzl đã báo cảnh sát và nỗ lực tìm kiếm. Nhưng nhiều tuần trôi qua mà vẫn chưa có tin tức gì về Elisabeth, cho đến khi gia đình nhận được một bức thư được gửi đến từ Elisabeth, nói rằng cô đã chán ghét gia đình và sẽ chạy trốn một thời gian. Josef Fritzl – bố của Elisabeth cho biết trong thời gian gần đây, con gái mình đã đi theo một giáo phái nào đó và có dấu hiệu bị “tẩy não”, phản nghịch.
Suốt 24 năm sau đó, Elisabeth không về nhà. Nhưng cô vẫn xuất hiện trong cuộc sống nhà Fritzl bằng cách liên tiếp gửi những đứa con của mình về cho ông bà ngoại nuôi nấng. Mọi người ai cũng nghĩ Elisabeth là một người con bất hiếu, một người mẹ vô trách nhiệm, cho đến khi sự thật quá khủng khiếp được phơi bày vào năm 2008.
Sự thật là Elisabeth đã không hề đi đâu, không hề mất tích. Cô vẫn luôn sống ngay bên dưới căn hầm của ngôi nhà mà không một ai hay biết, trừ người cha ác quỷ Josef.
24 năm địa ngục kinh hoàng
Vào cái ngày định mệnh đó, Josef Fritzl đã lừa con gái mình xuống tầng hầm với lý do giúp đỡ việc sửa nhà. Đang giữ một cánh cửa cho bố, Elisabeth bàng hoàng khi bị ông đóng sập cửa lại, nhốt cô bên trong. Và kể từ đó, trong vòng 24 năm tiếp theo, khung cảnh bụi bặm, không ánh mặt trời của tầng hầm là thứ duy nhất mà cô có thể thấy.
Josef đã nói dối vợ và cảnh sát về việc Elisabeth chạy trốn và tham gia một giáo phái, mọi chuyện dần trôi đi và việc điều tra tung tích của Elisabeth cũng dừng lại.
Trong mắt gia đình và hàng xóm, Josef là một người kĩ sư thiết kế các loại máy móc, đồ gia dụng chăm chỉ làm việc mỗi ngày. Xưởng làm việc của hắn ta ở chính tầng hầm nên việc Josef xuống hầm mỗi ngày, thậm chí ở qua đêm cũng không phải điều gì bất thường. Trong nhiều năm trước đó, căn hầm của gia đình đã được Josef tự tay âm thầm cơi nới một khu vực ẩn riêng để hắn ta thực hiện kế hoạch man rợ của mình.
Josef đã biến con gái ruột của mình thành nô lệ tình dục của hắn. Sau 2 năm đầu tiên, Elisabeth mang thai và sảy thai chỉ 10 tuần. Rồi vào năm 1988, cô lại tiếp tục mang thai và sinh một bé gái tên Kerstin. 2 năm tiếp theo, một bé trai tên Stefan ra đời.
Kerstin và Stefan đều phải sống dưới hầm cùng với mẹ và được nuôi sống bởi lượng thức ăn ít ỏi mà Josef mang xuống mỗi tuần. Vì phải sống trong hoàn cảnh tồi tàn cũng như mang gen cận huyết, những đứa trẻ đều suy dinh dưỡng và có sức khỏe yếu. Nhưng điều này không làm Elisabeth nản lòng. Cô cố gắng chăm sóc con bằng mọi nỗ lực của mình, còn dạy chúng đọc chữ, làm toán. Khi những đứa bé lớn lên, căn hầm quá chật chội, Josef còn bắt họ phải dùng tay đào hầm để cơi nới thêm.
Trong suốt 24 năm cầm tù, ngoài Kerstin và Stefan, Elisabeth đã sinh thêm 5 đứa trẻ nữa, tất cả đều do Elisabeth tự vượt cạn một mình mà không có sự chăm sóc y tế nào. 1 trong số chúng đã chết ngay sau khi ra đời, 1 đứa ở lại cùng với Elisabeth. Có 3 đứa trẻ được Josef mang lên để sống chung ở nhà trên với gã và vợ – bà Rosemarie.
Để che giấu đi sự thật kinh hoàng, Josef đã dàn dựng một vở kịch vô cùng bài bản. Cứ mỗi lần đem chúng lên, gã sẽ để em bé vào một chiếc thùng đặt trước cửa nhà. Hắn bắt ép Elisabeth viết thư với nội dung than thở rằng đây là con của cô, nhưng cô không thể chăm sóc chúng nữa nên cầu xin bố mẹ hãy nuôi hộ.
Những ngày tháng địa ngục của cô gái xấu số có thể vẫn cứ tiếp diễn nếu như vào một đêm năm 2008, điều kỳ diệu không xảy ra. Lúc này, cô con gái cả Kerstin (19 tuổi) bị bệnh nặng rất nguy kịch. Elisabeth đã quỳ xuống cầu xin Josef đưa con đến bệnh viện cứu chữa. Josef đành miễn cưỡng đồng ý. Để lấp liếm, hắn cũng lại bắt cô viết bức thư cầu xin giúp đỡ và giả vờ như gặp được Kerstin nằm ngất trước cửa nhà.
Cô bé Kerstin 19 tuổi nhưng có thân hình quá gầy gò và tình trạng sức khỏe quá khác thường vì chưa một lần được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Các bác sĩ yêu cầu bắt buộc phải được gặp mẹ bệnh nhân là Elisabeth để hỏi về tiền sử bệnh tình của Kerstin mới có thể điều trị được. Bất đắc dĩ, Josef đành phải cho Elisabeth tới bệnh viện. Đây chính là lần đầu tiên sau 24 năm, cô được đặt chân ra thế giới bên ngoài.
Bộ dạng lúng túng kỳ lạ của Elisabeth và tình trạng thảm hại của Kerstin khiến các bác sĩ nảy sinh nghi ngờ và âm thầm báo cảnh sát. Vào một buổi tối, khi Elisabeth đang đến bệnh viện cùng Josef thì cảnh sát đã bất ngờ ập đến xin đưa đi thẩm vấn.
Ban đầu người mẹ 42 tuổi chỉ im lặng trước mọi câu hỏi do lo ngại cho tính mạng của 2 đứa con còn lại trong hầm và quá ám ảnh không thể nói ra. Cô chỉ nói một câu đầy chua chát: “Mọi người sẽ chẳng tin tôi đâu”.
Mãi đến vài ngày sau, khi Elisabeth đưa ra đề nghị là từ giờ cô vĩnh viễn sẽ không phải gặp lại Josef, người phụ nữ bất hạnh mới đau đớn kể hết về 24 năm sống không bằng chết của mình.
Cảnh sát ngay lập tức tiến hành bắt giữ Josef và vụ việc gây rúng động dư luận thế giới vì tội ác quá tàn bạo và vô nhân tính. Năm 2009 Josef Fritzl (khi đó 73 tuổi) bị tòa án Áo tuyên tù chung thân cho tổng cộng 6 tội danh, trong đó bao gồm hãm hiếp, loạn luân, giam giữ trái phép và bắt người khác làm nô lệ. Đứa trẻ từng chết yểu năm 1996 cũng được cho là đã bị gã giết hại rồi đem xác đốt trong bếp lò.
Nghị lực sống thần kỳ sau cơn ác mộng dài
Về phần bà Rosemarie Fritzl – mẹ của Elisabeth, sau khi biết được sự thật quá kinh khủng, bà đã lập tức bỏ trốn khỏi thành phố vì bị sốc. Về sau, cảnh sát xác định bà Rosemarie thực sự không biết đến tội ác dưới căn tầng hầm nhà mình. Elisabeth đã có thời gian dài oán trách mẹ vì đã không nỗ lực tìm kiếm cô nhiều hơn.
Elisabeth và cả 6 người con được chính quyền Áo hỗ trợ tối đa để có thể làm lại cuộc sống, “tập” làm người bình thường trở lại. Mọi thông tin cá nhân, hình ảnh của gia đình đều được bảo mật. Mặc dù đã hơn 50 tuổi nhưng Elisabeth vẫn chưa có bức ảnh mới nào kể từ năm 16 tuổi. Nơi ở của họ được giữ bí mật và gọi là “làng X”.
Cả 7 người đều được nhận điều trị tâm lý sau bi kịch. Việc làm sao để hai nhóm trẻ – 1 nhóm ở dưới hầm, 1 nhóm ở trên nhà có thể hòa nhập với nhau cũng là một vấn đề nan giải. Nhưng dưới sự hỗ trợ tích cực của các y bác sĩ, tổ chức nhân quyền và nỗ lực của Elisabeth, cuộc sống gia đình đã trở nên tốt đẹp hơn.
Cuộc đời của Elisabeth Fritzl còn thêm ý nghĩa khi cô bắt đầu hẹn hò với chính vệ sĩ của mình – một chàng trai kém cô 23 tuổi có tên Thomas W. Anh. Mối quan hệ này được cho là giúp Elisabeth có thêm sức mạnh.
Năm 2013, chính quyền địa phương đã cho đổ bê tông vào tầng hầm của ngôi nhà Fritzl. Năm 2016, căn nhà được bán lại và đập đi xây mới toàn bộ.
Elisabeth chưa bao giờ trực tiếp lên tiếng trên truyền thông, nhưng cho đến nay, cô vẫn thường xuyên gửi lời báo bình an, viết thư cảm ơn tới những người đã hỗ trợ mẹ con mình trong hành trình làm lại cuộc đời. 7 mẹ con nhà Fritzl đã sẵn sàng để quên đi quá khứ đen tối.