Tin tức Đa Chiều
Thế Giới

“Chuyện lạ chiến sự Ukraine”: Nga mà lại nhờ vả Trung Quốc hỗ trợ vũ khí – Sự thật là sao?

Thông tin cho rằng Nga đề nghị Trung Quốc gửi vũ khí hỗ trợ cho chiến dịch ở Ukraine gây ra tranh cãi. Thông thường Nga bán vũ khí cho nước khác nhiều hơn là nhận về.
Nga phải nhờ vũ khí Trung Quốc?

Theo tuyên bố từ phía quan chức Mỹ và chưa được các bên đồng loạt xác nhận, Nga được cho là đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp thiết bị quân sự hỗ trợ cho chiến dịch ở Ukraine.

Theo một quan chức, Nga cũng đã yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ kinh tế bổ sung để giúp chống lại tác động về kinh tế đến từ các lệnh trừng phạt mà Mỹ và nhiều quốc gia khác đang áp đặt.

Các quan chức Mỹ không tiết lộ nguồn tin cũng như từ chối mô tả thêm về loại vũ khí quân sự hoặc viện trợ mà Moscow đang tìm kiếm. Các quan chức cũng từ chối thảo luận về bất kỳ phản ứng nào của Trung Quốc đối với các yêu cầu này.

Thông tin cáo buộc nói trên đã gây tranh cãi lớn.

Liu Pengyu, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, cho biết ông chưa bao giờ nghe về các yêu cầu như vậy từ Nga.

“Tình hình hiện tại ở Ukraine thực sự đáng lo ngại”, nhà ngoại giao nhấn mạnh, nói thêm rằng Bắc Kinh muốn có một giải pháp hòa bình. “Ưu tiên hàng đầu hiện nay là ngăn chặn tình hình căng thẳng leo thang hoặc thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát”.

Phía Moscow chưa lên tiếng về tuyên bố đề nghị Trung Quốc hỗ trợ vũ khí. Động lực để khiến Nga làm điều này cũng không rõ ràng, đặt ra câu hỏi liệu thông tin nói trên có chính xác.

Theo New York Times, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tăng cường quan hệ đối tác với Tổng thống Nga Vladimir Putin và cho đến nay Bắc Kinh vẫn giữ quan điểm trung lập trước những lời kêu gọi phản ứng và áp đặt trừng phạt đối với Moscow liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Ông Tập đã gặp ông Putin 38 lần trong tư cách là các nhà lãnh đạo quốc gia, nhiều hơn bất kỳ nguyên thủ quốc gia nào khác và cả hai đều có chung động lực cạnh tranh với Mỹ.

Các quan chức Mỹ đang theo dõi chặt chẽ Trung Quốc có hành động theo bất kỳ yêu cầu viện trợ nào từ Nga hay không. Giới chức Mỹ cũng dự định gửi lời cảnh báo về các nỗ lực của Trung Quốc nhằm hỗ trợ Nga.

Chính quyền Joe Biden đang tìm cách thể hiện cho Trung Quốc thấy những hậu quả của việc liên kết với Nga và các hình phạt mà nước này sẽ phải chịu nếu tiếp tục hoặc tăng cường hỗ trợ.

Vì sao Nga cần vũ khí Trung Quốc?

Theo truyền thống, Trung Quốc thường mua thiết bị quân sự từ Nga chứ không phải ngược lại. Nga đã tăng cường bán vũ khí cho Trung Quốc trong những năm gần đây. Chính vì vậy, tuyên bố về việc Moscow đề nghị Bắc Kinh hỗ trợ vũ khí cho chiến dịch ở Ukraine khiến nhiều người cảm thấy kỳ lạ.

Tuy nhiên, quan điểm trên New York Times cho rằng, Trung Quốc có lợi thế về tên lửa và máy bay không người lái tiên tiến mà Nga có thể sử dụng trong chiến dịch ở Ukraine.

Theo các nhà phân tích độc lập, mặc dù Nga hồi cuối tuần đã phóng một loạt tên lửa vào một bãi tập quân sự ở miền tây Ukraine, gây ra những thiệt hại đáng kể, nhưng đã có một số bằng chứng cho thấy nguồn cung tên lửa của Nga đã cạn kiệt.

Trước đó, các quan chức Trung Quốc đã thể hiện sự đồng tình với quan điểm của Nga khi nhắc lại những lời chỉ trích của ông Putin đối với NATO và đổ lỗi cho Mỹ đã khơi mào cuộc xung đột.

Theo các quan chức Mỹ, Nga có tương đối ít đồng minh và các đối tác thật sự thân thiết. Có ý kiến cho rằng, việc Nga tiếp cận các đối tác (nếu đề xuất gửi đến Trung Quốc là sự thật) là một dấu hiệu cho thấy những khó khăn mà nước này đang gặp phải trong chiến dịch ở Ukraine.

Khi Mỹ và châu Âu gia tăng áp lực và các biện pháp trừng phạt, Moscow cũng phải tìm kiếm nhiều nguồn ủng hộ hơn.

Trong quá trình tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga đã nhận được sự hỗ trợ từ Belarus, bao gồm các ủng hộ về quân sự, kinh tế và chính trị. Những hành động đó đã khiến Liên minh châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Belarus.

Tổng thống Bashar al-Assad của Syria cũng tuyên bố ủng hộ chiến dịch của Moscow. Theo Lầu Năm Góc, Nga đã cố gắng chiêu mộ các chiến binh của Syria tham gia hành động quân sự tại Ukraine.

Mặc dù không có thông tin chi tiết về số lượng tân binh mà Moscow tuyển mộ hoặc liệu họ đã đến Ukraine hay chưa, nhưng các quan chức Mỹ cho biết những nỗ lực của Nga là một dấu hiệu cho thấy nước này đang có những vấn đề chiến lược và chiến thuật.

Mặc dù vậy, không có bằng chứng nào ở hiện tại củng cố các suy đoán nói trên, bao gồm cả số liệu thể hiện tên lửa Nga đã cạn kiệt. Nga hiện không tuyên bố gì về các cáo buộc này.

Related posts

Công ty Canada yêu cầu chính quyền Biden bồi thường 15 tỷ đô-la

Một Người Mỹ Gốc Việt Tình Nguyện Tới Ukraine Giúp Chiến Đấu Chống Nga Xâm Lược

Science

Dân Mỹ đổ xô mua thuốc của ngựa, nhiều người Việt Nam truyền nhau ‘bí quyết’ dùng giun đất

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment