Tin tức Đa Chiều
Việt Nam

Chuyên gia: Luật bảo vệ môi trường lại để bảo vệ nhà đầu tư

Liên quan đến việc ngày 17/11/2020, luật Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 được Quốc Hội Việt Nam thông qua với hơn 91% phiếu thuận. Các chuyên gia, nhà khoa học trong nước khẳng định luật này là một bước lùi nghiêm trọng, mang tên là bảo vệ môi trường, nhưng thực chất để phục vụ lợi ích của các chủ đầu tư.

Bộ luật Bảo vệ Môi trường, được thảo luận từ gần một năm nay có 16 chương với 171 điều quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; trong đó có việc các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tự đánh giá tác động môi trường (ĐMT).

Theo một nhà báo trong nước, thì luật trên nghiêng về phía nhà đầu tư, ví dụ họ trúng thầu làm một cái dự án hồ thủy điện, thì nếu công bằng, phải có một cơ quan khác đứng ra kiểm tra xem cách làm của họ có đảm bảo môi trường không, nhưng mà luật này cho phép tự họ làm báo cáo kiểm tra xem mức độ đảm bảo môi trường, tức là vừa đá bóng, vừa thổi còi

Mang tên là bảo vệ môi trường, thực chất để phục vụ lợi ích của các chủ đầu tư?

Trao đổi với RFI, thạc sĩ Phạm Thị Hương Giang, người sáng lập Quỹ Hỗ trợ và Phát triển Cộng đồng, Sống bền vững, khẳng định luật này là một bước lùi nghiêm trọng, mang tên là bảo vệ môi trường, nhưng thực chất để phục vụ lợi ích của các chủ đầu tư :

Cái cốt lõi của cái luật này chính là báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường (ĐMT). Các dự án bất động sản, thủy điện, tất cả các dự án liên quan đến tác động môi trường thì đều phải có đánh giá ĐMT. Đó là chìa khóa quan trọng để việc ‘‘mở cửa’’ (cho việc sản xuất, kinh doanh, khai thác) có đúng cách hay không, hay lại là ‘‘phá cửa’’ để vào nhà. Đánh giá đó thứ nhất phải là đánh giá trung thực, khách quan. Để chứng minh cho sự trung thực, khách quan này, thì ĐMT phải được công khai, đầy đủ, rõ ràng. Đây là điều quan trọng nhất. Mà hiện tại Nhà nước lại đẩy cho phía doanh nghiệp. Thực ra đây là một bước thụt lùi so với luật cũ. Luật cũ đã rất dở là đã không mạch lạc về vấn đề phải công khai Đánh giá Tác động Môi trường rồi. Thụt lùi là do Nhà nước đã đẩy việc này cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không chịu trách nhiệm thì sao ? Nếu doanh nghiệp từ chối cho tiếp cận thì công chúng làm gì doanh nghiệp ? Mà môi trường không phải là tài sản của doanh nghiệp. Đó là tài sản của Nhà nước. Đó là bước thụt lùi rất lớn, khi thông qua dự luật này. Với tôi, có hai chuyện quan trọng nhất ở đây. Thứ nhất là báo cáo không được công khai, minh bạch bởi chính cơ quan quản lý Nhà nước, và thứ hai là báo cáo đó không được đánh giá một cách toàn diện, và lấy ý kiến của những người ảnh hưởng trực tiếp của nó. Và đó là điều không chấp nhận được. Tôi kết luận là luật này không phải để bảo vệ môi trường mà đó là luật bảo vệ quyền lợi và lợi ích của chủ đầu tư. Đây là một sự đi xuống rất thê thảm trong việc bảo vệ môi trường, trong khi Việt Nam đang phải đối mặt với những thảm họa rất lớn về thiên tai và nhân tai, có liên quan đến yếu tố môi trường. Đặc biệt là nhân tai thì cần phải có các quy định pháp luật chặt chẽ”.

Tiến sĩ – bác sĩ Trần Tuấn cũng nhấn mạnh đến thực tế là do bộ luật nghiêng hẳn về phía các chủ đầu tư.

“Nhìn vào phiên bản dự luật được Quốc Hội thông qua, tôi thấy nổi lên hai điểm chính. Thứ nhất, tôi đánh giá là dự luật mất ‘‘cơ bản’’, tức không có được cái nền tảng khoa học xây dựng luật bảo vệ môi trường của thập niên thứ ba của thế kỷ XXI. Điểm thứ hai là, mục đích bảo vệ môi trường của dự luật bị biến thái, nghiêng hẳn về bảo vệ chủ dự án đầu tư, can thiệp hay khai thác môi trường. Mục tiêu bảo vệ môi trường là phải bảo vệ cho môi trường khỏi bị ảnh hưởng khỏi những can thiệp, chủ yếu là của con người, làm thay đổi những tính chất, thành phần của môi trường, theo hướng phá vỡ cân bằng sinh thái, tăng nguy cơ độc hại cho các sinh thể sống trong môi trường đó, bao gồm cả con người, động thực vật, vi sinh vật… các hệ sinh vật trong môi trường sinh thái. Nhìn vào chương Đánh giá Tác động Môi trường, có thể nói đánh giá tác động môi trường rất là bất cập. ĐMT bản chất là một nghiên cứu khoa học, phải khách quan, trung thực, phải độc lập, thì trong dự luật này lại giao cho chủ đầu tư thực hiện. Rõ ràng các chủ đầu tư sẽ đi theo hướng bảo vệ cho việc các dự án của họ bảo đảm hết các tiêu chuẩn. Muốn đánh giá được độc lập, khách quan thì phải có những người không dính dáng lợi ích với bên chủ đầu tư, cũng như với bên Nhà nước. Hay nói một cách khác là phải có các cơ quan độc lập tham gia, phải tổ chức các nghiên cứu khoa học theo hướng độc lập, khách quan.… Trong quá trình phát triển một năm vừa rồi, đi qua phiên bản này là phiên bản cuối cùng là phiên bản thứ 8, thì vẫn không khắc phục được các tồn tại trên, vẫn để chủ đầu tư chịu trách nhiệm thực hiện ĐMT”, tiến sĩ – bác sĩ Trần Tuấn cho biết.

Bà Ngụy Thị Khanh, Chủ tịch Liên minh Năng lượng Bền vững Việt nam (VSEA), người được Quỹ Môi trường Goldman đã trao giải Anh hùng môi trường năm 2018 – Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh viết bình luận “kết quả [này] cho thấy Đại biểu Quốc hội không quan tâm, không lo cho môi trường sống của họ. Tiếc là những người hiểu và lo cho môi trường ít quá.”

Còn tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy – Cố vấn cấp cao về biến đổi khí hậu và giảm thiểu thiên tai của tổ chức Oxfam, nêu ý kiến đây là “Một bước lùi vào đầm lầy đen đúa của tàn dư hóa chất, của sặc sụa khói bụi và một tương lai mịt mờ“.

“Biến tấu” đánh giá tác động môi trường thành thông tin “mật”

Trong các đại biểu quốc hội, có bác sĩ PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu đã nói với Tuổi Trẻ: “Việc công khai đánh giá tác động môi trường cho phép và đảm bảo sự giám sát của cộng đồng, của các tổ chức độc lập, hạn chế các xâm phạm tới tài nguyên thiên nhiên, và bảo vệ môi trường”.

“Nếu sự giám sát này bị triệt tiêu, trong tương lai chúng ta sẽ lại phải tiếp tục chứng kiến những hậu quả tàn khốc sau khi thiên nhiên, môi trường đã bị hủy hoại vì sự yếu kém, tham lam, cuồng vọng của con người”.

Dẫn thông tin từ Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, năm 2013, báo mạng Việt Nam gần đây cho biết khoảng 20.000 héc-ta rừng đã bị phá hủy để làm 160 nhà máy thủy điện nhỏ trong những năm gần đây, hay là mỗi dự án này hủy diệt 125 héc-ta rừng.

Ảnh minh họa (chụp màn hình báo Thanh Niên).

Kết quả bỏ phiếu năm nay tỏ ra là sản phẩm mà Báo Người Đô thị đã ghi nhận từ năm 2019 khi thấy ‘Bộ Tài nguyên & Môi trường đang nhất định tiếp tục “biến tấu” đánh giá tác động môi trường và toàn bộ quy trình xung quanh nó trở thành thông tin “mật”, quy chuẩn thành quy phạm pháp luật’.

Báo đã dự báo “chất lượng đánh giá tác động môi trường dễ bị những bàn tay lợi ích nhóm “thọc” vào lũng đoạn.

Và như vậy, rất có thể đất nước không chỉ có một Formosa, … mà sẽ còn có hàng trăm dự án tương tự.’

Quảng Bình: Đã chuẩn bị lo hậu sự, chàng trai bất ngờ khỏi bệnh ung thư máu

Related posts

Hà Nội dừng bắn pháo hoa tại 30 quận, huyện trong đêm giao thừa

Tin Tức Đa Chiều

Bà thím ‘giật đùng đùng’ khi test Covid-19

Tin Tức Đa Chiều

Siêu bão ‘mạnh nhất 2020’ giật trên cấp 17 đang vào Biển Đông

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment