Tin tức Đa Chiều
Việt Nam

Cháy bãi giữ xe vi phạm CSGT TP. Thủ Đức: Chủ xe được bồi thường thế nào?

Sáng 31/3, Công an TP. Thủ Đức (TP.HCM) đang thống kê thiệt hại, điều tra nguyên nhân vụ cháy xảy ra tại bãi tạm giữ xe vi phạm thuộc Đội CSGT khu vực 3, số 39 đường Thống Nhất, P. Bình Thọ vào khuya 30/3, theo Thanh Niên.

Thông tin ban đầu trên báo Tuổi Trẻ, khoảng 22h10 ngày 30/3, người dân phát hiện một đám cháy lớn xảy ra tại bãi xe trên đường Thống Nhất, phường Bình Thọ do Cảnh sát giao thông TP Thủ Đức (TP.HCM) quản lý nên hô hoán. Mọi người tìm cách dập lửa tại chỗ nhưng bất thành.

Đám cháy sau đó được cảnh sát phòng cháy dập tắt hoàn toàn. Nhiều người dân sinh sống tại hẻm 29 đường Thống Nhất, phường Bình Thọ vẫn đang chờ ngoài đầu hẻm để Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường và đợi điện mở lại, trở về nhà.

Một số người dân khu vực cho biết thêm khoảng 22h15, họ nghe những tiếng nổ kèm theo lửa phát ra từ bãi giữ xe trên. Ngọn lửa sau đó lan nhanh sang nhà dân lân cận. Một vài người phải trùm chăn thoát ra ngoài vì ngọn lửa cháy lan sang đường dây điện phía trước nhà.

Khoảng 25 phút sau khi ngọn lửa bùng lên, đám cháy được lực lượng chức năng khống chế. Tuy nhiên Nhiều tài sản, xe máy bị thiêu rụi, may mắn không có thiệt hại về người. Nguyên nhân vụ cháy và thiệt hại đang được cơ quan chức năng điều tra.

Chủ xe bị tạm giữ được bồi thường thế nào?

Hình ảnh từ hiện trường cho thấy hàng loạt xe máy bị thiêu rụi, chỉ còn trơ khung. Vậy nếu xe vi phạm giao thông bị CSGT tạm giữ mà xảy ra hư hỏng, mất mát hay cháy nổ thì chủ xe được bồi thường thế nào?

Liên quan đến sự việc trên, Luật sư (LS) Đỗ Ngọc Thanh (Đoàn LS TP.HCM) cho Thanh Niên biết, khi người dân vi phạm giao thông giao xe cho CSGT tạm giữ thì trách nhiệm trông coi thuộc về cơ quan Nhà nước. Trường hợp xe bị CSGT tạm giữ hư hỏng, mất mát hay cháy thì cơ quan Nhà nước có trách nhiệm bồi thường trên nguyên tắc tự do thương lượng với nhau, nếu không thương lượng được thì bên bị hại, tức chủ xe có thể làm các thủ tục ra tòa để kiện yêu cầu bồi thường, giám định thiệt hại về tài sản. Tòa lấy đó làm căn cứ để yêu cầu bồi thường.

Theo LS Thanh, việc CSGT hay bất cứ cơ quan công quyền nào tạm giữ hành chính xe máy hoặc tài sản khác của công dân không làm mất đi quyền sở hữu tài sản của người đó. Do vậy, mọi hư hỏng mất mát tài sản của công dân trong trường hợp bị tạm giữ đều phải được bồi thường thỏa đáng.

LS Thanh phân tích, thông thường thời gian để giải quyết một sự việc khi đưa ra tòa là 4 tháng nhưng thực tế có thể kéo dài hơn vì ra tòa sẽ phát sinh nhiều vấn đề cần làm rõ như: bên khởi kiện phải có các tài liệu xác minh tài sản của mình đang bị giữ ở đây, quá trình cháy, mất mát, hư hỏng thế nào,…Bên cạnh đó, LS Thanh cũng cho rằng, chủ xe trong thời gian bị CSGT tạm giữ mà mất mát, cháy nổ thì có thể yêu cầu bồi thường thêm những thiệt hại do không có xe gây nên, nhưng phải có bằng chứng, giấy tờ chứng minh đầy đủ.

Thời gian thiệt hại tính từ ngày hết thời hạn tạm giữ đến ngày được bồi thường.”Trường hợp các xe mà CSGT đang tạm giữ là xe đã có quyết định tịch thu, chuẩn bị đem bán đấu giá thì đây là tài sản công. Người gây ra thiệt hại tài sản công phải bồi thường theo quyết định của người đứng đầu cơ quan tổ chức đó, trường hợp người gây ra thiệt hại tài sản công không có tiền đền bù thì có thể bị trừ 20% lương hàng tháng cho tới khi đủ số tiền bồi thường.

Nhưng nếu tìm ra nguyên nhân cháy, hư hỏng là bất khả kháng thì có thể người này không phải bồi thường”, LS Thanh nêu ý kiến.Lãnh đạo một Đội CSGT từng xảy ra vụ mất xe tạm giữ vi phạm cho biết, khi xảy ra sự việc CSGT đã chủ động thương lượng với chủ xe để bồi thường.

Related posts

Clip: Sạt lở hơn 5.000m3 đất sát chân thủy điện Hương Điền

Tin Tức Đa Chiều

3 người chết và mất tích do mưa lũ; Hồ chứa, Thuỷ Điện đồng loạt tăng mức xả lũ gây ngập nặng

Tin Tức Đa Chiều

Vụ xử phạt Trác Thuý Miêu nói gì về tự do ngôn luận ở VN?

Leave a Comment