Tin tức Đa Chiều
Thế Giới Tiêu Điểm

“Trèo cao té đau”: Chê cười Mỹ tháo chạy trước Taliban, Trung Quốc đang ảo tưởng sức mạnh?

Vẻ ngoài, Trung Quốc chê bai thất bại của Mỹ ở Afghanistan, nhưng ẩn trong tuyên bố đó là những cảm giác bồn chồn nghiêm trọng.

Trung Quốc không có nhiều lựa chọn

Lâu nay, đã có rất nhiều người tự hỏi một Trung Quốc siêu cường là như thế nào? Và giờ đây, câu hỏi này sẽ sớm có được một số lời giải khi Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan.

Thoạt đầu, nhiều người có vẻ hoang mang khi thấy Trung Quốc muốn can dự vào một Afghanistan hỗn loạn và đổ nát.

Nhưng ở một mức độ nào đó, Bắc Kinh thật sự có rất ít sự lựa chọn khi tình hình ở vùng biên giới phía Tây rất đáng lo khi Mỹ không hiện diện ở đó để đảm bảo duy trì an ninh. Mối lo ngại khủng bố ở vùng biên giới đè nặng khiến Bắc Kinh phải tìm cách giải bài toán Afghanistan.

Nhưng việc Mỹ rút lui cũng mang đến cho Bắc Kinh một cơ hội: củng cố sự thống trị trong một khu vực mà nước này vốn xem là vùng ảnh hưởng, cũng như đóng vai trò như một người hùng nếu có thể thành công ở nơi mà Washington đã thất bại.

Tuy nhiên, đó vẫn là một ẩn số lớn. Liệu Trung Quốc có thể hoặc sẽ tích cực tìm cách lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại hay không? Theo tờ The Atlantic, điều này rất khó trả lời.

Bởi nếu làm như vậy, Bắc Kinh sẽ buộc phải “nhúng chàm” trong khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn tuyên bố không can thiệp vào vấn đề nội bộ của nước khác, các vấn đề an ninh toàn cầu và tranh chấp khu vực.

Thay vào đó, Bắc Kinh có xu hướng không đứng về phía nào và cố gắng bắt tay với tất cả các bên. Tại Afghanistan, Bắc Kinh đã yên tâm “giao việc” giải quyết các vấn đề chính trị và an ninh cho Washington và các đồng minh, trong khi chỉ chú trọng vào vấn đề kinh tế.

“Afghanistan vì vậy được xem là ‘phép thử sớm’ về cách Trung Quốc sẽ xử lý một nhóm quốc gia cụ thể mà Mỹ đã rất quan tâm đến trong vài thập kỷ qua như thế nào”, Andrew Small, thành viên cấp cao tại Quỹ Marshall của Đức nhận định.

Câu hỏi lớn đặt ra trong bối cảnh của Afghanistan hiện nay là liệu các phương pháp của Trung Quốc có hiệu quả không?

Bắc Kinh có thể có một số lợi thế trong việc quản lý một vũng lầy như Afghanistan. Tuy nhiên, cách tiếp cận đó cũng có những hạn chế và có thể bị trói chặt nếu bất ổn ở Afghanistan lan xuống vùng biên giới.

Cho đến nay, Trung Quốc được cho là cảm thấy hả hê trước sự thất bại của Mỹ. Ngoại trưởng Vương Nghị đã gọi tình hình ở Afghanistan là “một ví dụ tiêu cực” về sự can thiệp điên cuồng của quân đội Mỹ vào các điểm nóng ở nước ngoài.

Tuy nhiên, ẩn trong tuyên bố đó là những cảm giác bồn chồn nghiêm trọng của Bắc Kinh. Mặc dù không thoải mái với sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Afghanistan nhưng Trung Quốc cũng hiểu rằng Washington đang giúp họ đảm bảo an ninh, ổn định ở một nơi rất quan trọng.

Vì vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể không vui mừng khi thấy Mỹ cuối cùng thật sự rút quân như những gì họ tuyên bố.

Một số lợi ích của cách tiếp cận của Trung Quốc đã trở nên rõ ràng. Ông Vương Nghị đã gặp các đại diện của Taliban vào tháng 7 và nhấn mạnh quan điểm của Bắc Kinh rằng “Afghanistan thuộc về người dân Afghanistan và tương lai của đất nước này phải nằm trong tay người dân của chính họ”.

Những nỗ lực như vậy đang được đền đáp. Taliban đã phản ứng tích cực trước các hành động của Bắc Kinh và dường như sẵn sàng cho phép Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng ở Afghanistan.

Bắc Kinh không nên ảo tưởng

Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm ngoại giao ở Afghanistan, bao gồm nỗ lực phối hợp vào giữa những năm 2010 để làm trung gian giữa chính phủ nước này và Taliban. Tuy nhiên, tờ The Atlantic cho rằng Bắc Kinh không nên quá ảo tưởng về khả năng giải quyết vấn đề Afghanistan.

Bắc Kinh có thể sẽ cố gắng giữ cam kết với Taliban bằng các dự án cơ sở hạ tầng và viện trợ kinh tế phong phú trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai – Con đường. Nhưng điều đó có thể là không đủ.

“Trung Quốc có lợi thế mà không nước nào khác trong khu vực có được khi đối phó với Taliban”, Vinay Kaura, trợ lý giáo sư tại Đại học Cảnh sát, An ninh và Tư pháp Hình sự Sardar Patel của Ấn Độ, cho biết.

Tuy nhiên theo ông, sẽ rất rủi ro nếu tin rằng Trung Quốc có thể có đủ ảnh hưởng đối với Taliban để nhóm này thực hiện đúng những cam kết đã đưa ra.

Ông Kaura tin rằng, Bắc Kinh có thể phải dựa vào các đồng minh ở Pakistan, những người có quan hệ lâu đời với Taliban, để gây ảnh hưởng, mặc dù các nhà phân tích chỉ ra rằng Islamabad cũng không đặc biệt đáng tin cậy.

Trớ trêu thay, có khả năng Bắc Kinh phải đối mặt với câu hỏi hóc búa tương tự như Mỹ đã làm: vật lộn để che đậy sự thất bại an ninh thông qua các đối tác không đáng tin cậy.

Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Rand Corporation, nói rằng: “Mỹ, Trung có thể đều mong muốn một Afghanistan ổn định. Nhưng khi bóc củ hành đó ra, họ sẽ thấy mọi thứ không như ý muốn”.

Related posts

Tiền Giang: Khởi tố vụ 70 người lên xã đòi tiền hỗ trợ COVID-19

Tin Tức Đa Chiều

Mỹ đóng cửa các cơ quan ngoại giao tại Thổ Nhĩ Kỳ sau tuyên bố của ông Biden

Tin Tức Đa Chiều

Trung Quốc – Đài Loan ngày càng lộ rõ, căng thẳng

Leave a Comment