Một du khách đã phát hiện bức tượng vào tuần trước và gửi lời phàn nàn tới công viên. Các bức ảnh và video về bức tượng đã lan truyền trên mạng xã hội, làm bùng nổ những chỉ trích rằng nó không phù hợp. Dư luận Trung Quốc bùng nổ ý kiến chỉ trích sau khi một công viên đặt bức tượng được cho là dựa theo sự tích nói về lòng hiếu thảo.
Theo SCMP, bức tượng dường như mô phỏng cảnh bú sữa đã bị dỡ bỏ tại một công viên ở đông Trung Quốc sau khi nó bị dư luận phản đối dữ dội.
Công viên Yingpanshan ở Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang cho biết với báo Xi’an Business Times rằng, sau hàng loạt tranh cãi, chính quyền đã vào cuộc và yêu cầu họ bỏ bức tượng đi.
Một du khách đã phát hiện bức tượng vào tuần trước và gửi lời phàn nàn tới công viên. Các bức ảnh và video về bức tượng đã lan truyền trên mạng xã hội, làm bùng nổ những chỉ trích rằng nó không phù hợp.
Trước khi tượng bị dỡ bỏ, công viên Yingpanshan cho rằng “những người phàn nàn về bức tượng còn trẻ và không hiểu gì về lòng hiếu thảo”.
Các nhân viên của công viên nói rằng bức tượng dựa trên cuốn “Nhị thập tứ hiếu” – một tác phẩm kể lại sự tích của 24 tấm gương hiếu thảo dùng để răn dạy các giá trị về đạo đức của Nho giáo. Cuốn sách do Quách Cư Nghiệp vào thời nhà Nguyên biên soạn.
“Nếu chúng ta không cho phép thể hiện 24 tấm gương hiếu thảo, vậy thì những giá trị hiếu thảo của Trung Quốc sẽ ở đâu?”, người đại diện phía công viên lý giải về bức tượng trước khi nó bị dỡ bỏ.
Trong cuốn sách, câu chuyện con dâu cho mẹ chồng bú sữa dựa trên chuyện có thật về một nhân vật thời nhà Đường đã nuôi mẹ chồng bằng sữa của mình vì bà cụ đã mất hết răng.
Tuy nhiên, dư luận Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ bức tượng, cho rằng nó không phù hợp với những giá trị ở xã hội hiện đại.
“Trong thời đại này, các bạn có thể tưởng tượng cảnh tượng như vậy không? Nó khiến mọi người không thoải mái và khiến những đứa trẻ có thể hiểu sai”, một cư dân mạng viết.
“Chúng ta không nhất thiết phải làm theo mọi thứ theo truyền thống, chúng ta có thể giữ những cái tốt và phù hợp”, một người khác cho hay.
Quan niệm về lòng hiếu thảo có vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Quốc thời cổ đại. Bên cạnh có hiếu với cha mẹ, giai cấp thống trị thời đó cũng có những quy tắc về việc trung thành với bề trên. Tuy nhiên, một số câu chuyện trong “Nhị thập tứ hiếu” giờ đây được xem đã không phù hợp và thậm chí đôi khi tiêu cực ở thời điểm hiện tại