Sắc tâm như rượu độc, càng uống càng say, đánh mất cả bản tính, không còn câu thúc, điều gì cũng dám làm. Nhưng bản thân làm gì thì đều phải chịu trách nhiệm, chỉ sợ chưa tỉnh cơn mê thì quả báo đã đến rồi.
Trong “Phong thần diễn nghĩa”, Trụ Vương nhà Thương đến trước tượng Nữ Oa để dâng hương, bỗng nhiên nổi lên một trận cuồng phong, xoáy lên tấm màn che, hiện ra tượng thánh của Nữ Oa.
Trụ Vương thấy dung mạo tượng thánh đoan chính thanh nhã, trông rất sống động, lập tức thần hồn điên đảo, chợt nổi tà dâm, đề bút làm thơ khinh nhờn Thần, cuối cùng giang sơn rộng lớn đã bị hủy mất chỉ bởi một niệm bất chính.
Trong các sách cổ cũng có ghi lại rất nhiều trường hợp vì không giữ bổn phận, động sắc tâm mà bị nhận báo ứng, cũng có nhiều người vì cự tuyệt sắc dục lại nhận được phúc báo. Văn hóa trải qua lịch sử lâu dài, đã để lại cả hai bài học giáo huấn chính diện và phản diện.
Đề dâm thơ khinh nhờn Thần mà nhận phải kết cục bi thảm
Tác phẩm “Túy trà chí quái” của văn nhân Lý Khánh Thần sống vào đời nhà Thanh, trong đó có ghi lại một câu chuyện về việc làm thơ khinh nhờn Thần linh.
Ở Khánh Đô (nay là Bảo Định) có tòa miếu cổ, bởi vì lâu rồi không được tu sửa, tường vách bóc ra từng miếng, lại thêm không có ai trông coi quản lý, miếu cổ lộ ra vẻ đổ nát, hoang tàn.
Duy chỉ có miếu thờ ở sau điện có một tượng tỳ nữ đứng ở đó, màu sắc quần áo sáng bóng, mỹ lệ, dáng vẻ làm động lòng người.
Ở Khánh Đô có một người tên là Diêu Sinh, hành vi phóng túng, thái độ cợt nhả. Một ngày, anh ta tới miếu cổ nhìn thấy tượng tỳ nữ đứng ở đó, lập tức động sắc tâm, đề bút trước ngực của tượng tỳ nữ viết ra một bài thơ dâm dục, khinh nhờn tượng nữ Thần.
Diêu Sinh sau khi về đến nhà, vẫn nhớ đến bức tượng tỳ nữ kia, bởi vì sắc tâm hừng hực, trằn trọc, cả đêm khó có thể ngủ được.
Lúc này, bỗng nhiên anh ta nghe thấy trong sân vang lên âm thanh của ngọc bội va vào nhau. Thế là anh ta nhìn qua cửa sổ, chỉ thấy một cô gái dung mạo xinh đẹp, gõ cửa phòng xin đi vào.
Diêu Sinh nhận ra đó là tỳ nữ trong cổ miếu kia. Anh ta mừng rỡ như phát điên, nhanh chóng mở cửa phòng để cho nàng đi vào, không dằn được nên muốn lập tức được vui vẻ.
Cô gái nói: “Nếu ngươi lại thô bạo điên cuồng như thế, ta lập tức đi ngay”. Diêu Sinh lúc này mới buông tay. Cô gái ngồi trên đùi của anh ta, dịu dàng âu yếm mà nhìn anh ta. Diêu Sinh dâm tâm nhộn nhạo, không biết phải làm sao.
Chỉ chốc lát sau, anh ta cảm thấy hai chân bị cái gì đó ép lên càng ngày càng nặng, đau nhức đến không thể chịu được. Diêu Sinh nhìn kỹ lại, thì thấy không phải là tỳ nữ, mà đó lại là con rùa đá ở trong miếu.
Rùa đá nằm chết cứng ở trên đùi của anh ta, làm chân anh ta đau dữ dội, giống như là gãy xương rồi. Diêu Sinh rất sợ, vội kêu người đến cứu. Phải nhờ đến mấy người lực lưỡng trong làng hợp lực, mới bê được con rùa đá đi chỗ khác. Nhưng chân của Diêu Sinh đã bị tàn phế rồi.
Thường có câu cửa miệng: “Chỉ cần sắc tâm khởi lên là đã mắc tội lớn rồi”. Diêu Sinh nổi tà dâm, làm thơ có nội dung dâm dật, khinh nhờn Thần, hành vi phóng túng của bản thân đã nhận phải quả báo.
Diêu Sinh tư tưởng bất chính, nhìn thấy tượng cũng dám suy nghĩ xằng bậy. Những bậc quân tử chính trực thời cổ đại, đối diện với nữ sắc trước mặt, lại có thể dùng chính niệm để ngăn cản, cũng được lưu lại trong dân gian để cho mọi người ca tụng.
Cự tuyệt mỹ sắc tạo phúc cho con cháu
Năm Hi Ninh thứ nhất thời vua Tống Thần Tông, ở Nghi Châu, Hòa Đình, có một vị thầy thuốc, y thuật tinh xảo, tên là Nhiếp Tòng Chí. Khi đó, vợ của một vị quan thừa là đồng hương với ông, tên là Lý Thị, từng mắc phải trọng bệnh. Một lần bệnh tình đã vào lúc nguy kịch, may sao lại được Nhiếp Tòng Chi chữa trị, sau đó có thể hồi phục.
Lý Thị dung mạo xinh đẹp, nhưng háo dâm, đã ngưỡng mộ vẻ ngoài của Nhiếp Tòng Chí. Một hôm, chồng của cô ta đi đến quận bên cạnh để làm công vụ, Lý Thị nói dối là bệnh cũ của mình bị tái phát, phái người đi gọi Nhiếp Tòng Chí đến.
Sau khi thầy thuốc Nhiếp đã đến, Lý Thị mới nói với ông: “Lần trước bị mắc bệnh suýt nữa tử vong, may mắn được tiên sinh trị khỏi, có thể phục sinh. Thật không biết lấy gì để đền ơn cứu mạng của tiên sinh, hôm nay tôi nguyện dùng tấm thân này để báo đền”.
Nhiếp Tòng Chí nghe xong sợ hãi, nhẹ nhàng từ chối. Lý Thị cầu khẩn, khăng khăng lấy thân để báo đền. Thầy thuốc Nhiếp là một người chính trực, sao có thể làm mấy việc sỉ nhục y đức như vậy được. Ông vội vàng quay người bỏ đi, nhanh chóng trở về nhà. Lý Thị lại phái người đến mời, thầy thuốc Nhiếp nhất định không đi.
Đợi đến nửa đêm, Lý Thị trang phục lộng lẫy, tự mình đẩy cửa đi vào phòng của Nhiếp Tòng Chí. Không còn biết liêm sỉ gì nữa, cô ta cầm lấy tay của ông, van nài ông thuận theo sở nguyện của mình. Nhiếp Tòng Chí ra sức giãy giụa, vùng dậy mà bỏ đi. Chuyện này dừng lại ở đó, Nhiếp Tòng Chí chưa từng nói với người khác.
Đã qua hơn một năm, quan phủ của Nghi Châu tên là Hoàng Tịnh Quốc bị bệnh, trong lúc hôn mê bị âm sai dẫn vào âm giới làm chứng. Hoàng Tịnh Quốc trước khi tỉnh lại, có người ở âm phủ gọi ông lưu lại một lát, dẫn ông đi đến ven sông. Chỉ thấy lính canh ngục đang giữ lấy một người phụ nữ, cầm đao mổ bụng của cô ta, và tẩy rửa ruột cho cô ta.
Bên cạnh có một vị tăng nhân nói: “Người phụ nữ này là vợ của quan ấp thừa cùng với ông. Bởi vì muốn thông dâm với thầy thuốc Nhiếp Tòng Chí, nhưng Nhiếp Tòng Chí không đồng ý. Ông ta gặp sắc đẹp mà không động tâm, có thể nói là một người đoan chính.
Vốn dĩ thầy thuốc Nhiếp Tòng Chính chỉ thọ đến 60 tuổi, bởi vì cự tuyệt sắc dục mà tích được đức, thần linh đã kéo dài tuổi thọ cho ông ta thêm 12 năm nữa, đồng thời ở mỗi một đời đều ban cho con cháu của ông một người làm quan. Còn người phụ nữ này sẽ bị giảm thọ 12 năm. Vì để xóa đi dâm tâm của cô ta, cho nên lúc nãy mới tẩy rửa ruột cho cô ta”.
Hoàng Tịnh Quốc và thầy thuốc Nhiếp xưa nay cũng hay qua lại với nhau, hai người giao hảo rất tốt. Sau khi Hoàng Tịnh Quốc tỉnh lại, liền đi đến nhà của Nhiếp Tòng Chí và hỏi thăm ông về việc này.
Nhiếp Tòng Chí sau khi nghe xong liền giật mình nói: “Lúc đó chúng tôi nói chuyện rất nhỏ, không ai nghe được. Hơn nữa cô ta ban đêm đến nhà của tôi, cũng đúng lúc chỉ có một mình tôi ở trong phòng. Việc này chỉ có tôi và cô ta biết rõ. Ngài làm sao lại có thể nghe được việc này?”
Hoàng Tịnh Quốc liền kể lại hết những gì đã nhìn thấy ở âm phủ cho Nhiếp Tòng Chí nghe. Việc này từ đó được truyền ra. Sau khi thầy thuốc Nhiếp qua đời, một người con trai của ông thi đỗ khoa cử, cháu trai của ông tên là Nhiếp Đồ Nam, vào năm Thiệu Hưng, làm huyện thừa huyện Hán Châu Lạc. Quả nhiên ứng với lời vị tăng nhân đã nói.
https://tinhhoa.net/