Tin tức Đa Chiều
Góc Nhìn

‘Ai đã đặt tên cho dòng sông’: Từ chuyện ‘trật tủ’ tới nghịch lý của môn văn và cả nền giáo dục

Có người dùng từ “tuyệt vọng” để mô tả cảm giác của thí sinh thi môn văn bị “lệch tủ” trong kỳ thi Trung học phổ thông năm nay. Nhiều học sinh hài hước nói rằng, dù đã thi xong rồi vẫn không biết “ai đã đặt tên cho dòng sông”. Câu chuyện hài hóa ra lại khắc họa sự thật không thể xem nhẹ.

Đề văn kỳ thi Trung học phổ thông mới đây khiến học sinh ngỡ ngàng, tới mức tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” trở thành chủ đề chế hình hài hước trên các trang mạng. Từ một sự việc nhỏ, có thể thấy kiểu học tủ, ôn theo đề cương đã phản ánh nghịch lý trong việc dạy môn văn ở nhà trường và thậm chí là nghịch lý của giáo dục hiện nay. Hệ lụy có thể đang ẩn tàng chưa hiện hữu, nhưng nó đủ tàn khốc để chúng ta phải quan tâm ngay.

Từ nghịch lý dạy và học môn văn…

Sau ngày thi môn văn trong kỳ thi Trung học phổ thông, khắp các trang mạng xã hội lan tràn cảm giác bất ngờ và chán nản vì bị “tủ đè” của các thí sinh. Hầu hết thí sinh của năm nay đều đoán rằng đề sẽ ra “Vợ chồng A Phủ”, “Tây tiến”, “Việt Bắc”, “Người lái đò sông Đà”… Trước đó, trên mạng xã hội người ta còn tổ chức khảo sát xem các bạn thí sinh nghĩ khả năng ra đề vào bài văn nào là cao nhất. Kết quả được lựa chọn nhiều nhất là tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”. Nhưng ít ai ngờ, dòng sông Hương đã nhấn chìm biết bao những chiếc tủ kiên cố.

Nếu hỏi học sinh đi học bây giờ, tôi mạnh dạn đoán rằng đa số các em sẽ chọn loại bỏ văn học khỏi chương trình học nếu được phép. Thầy cô cũng biết học sinh sợ môn văn như thế nào, phải chăng vì thế nên đây là môn được thi đầu tiên trong mọi kỳ thi tốt nghiệp, để học sinh bớt gánh nặng tâm lý?

Nhưng ngay cả một kẻ đã từng chán ghét và học rất kém môn văn như tôi, sau này nhìn lại, cũng phải công nhận rằng văn học hay cách tiếp cận, phân tích, cảm thụ tác phẩm chính là một kỹ năng rất quan trọng cho sự phát triển nhân cách, trí tuệ của một con người.

Thời xưa đi thi làm gì có toán, lý, hóa, càng chẳng có ngoại ngữ, sinh học… người tài được đánh giá chỉ thông qua việc viết luận với chủ đề không có giới hạn. Nhưng nhiêu đó cũng có thể khiến giám khảo đánh giá được nhân cách, quan điểm, chí hướng, tài năng của sĩ tử. Sau này họ ra làm quan, cũng lại một lần nữa khẳng định được cách đánh giá trên là có cơ sở.

Bởi giống như Yuro Teshima lúc bàn về người Do Thái đã viết: “Vấn đề mà người Do Thái quan tâm không phải là nắm bắt được bao nhiêu tri thức, mà là có được trình độ và khả năng quan sát đến mức nào” (Trích “Tại sao người Do Thái xuất sắc”). Tri thức chỉ trở nên hữu dụng khi ta biết cách tiếp cận, phân tích và tự rút ra được những giá trị từ đó.

Và học văn, hay nuôi dưỡng văn hóa đọc, chính là bước đầu tiên để hình thành tư duy phân tích tổng hợp lẫn phản biện. Cách bạn viết về những sự vật, hiện tượng trong đời sống thể hiện khả năng tự học, phẩm chất đạo đức, xu hướng triết học và khả năng lý luận của mình. Người có những khả năng đó tốt thì khi học cái gì mới cũng sẽ cơ bản và thực chất hơn người không có những kỹ năng này.

Có triết gia đã từng nói:

Văn hóa là điều không thể truyền được mà cũng không thể tóm tắt được.

Thật vậy, người đi trước có kinh nghiệm hơn chỉ có thể truyền lại cảm hứng và cách tiếp nhận, phát triển những điều tốt đẹp tích lũy từ các thế hệ trước cho thế hệ sau. Dạy văn cũng thế, cách dạy theo đề cương, dàn bài, bài văn mẫu là quá hạn hẹp và chèn ép tư tưởng của học sinh.

Chúng ta đang có một vài thế hệ học sinh học văn như những con vẹt và máy phô-tô-cóp-py. Các em được dạy tán dương, phê bình theo mẫu, cảm thụ cũng lại theo mẫu. Cảm thụ là cảm giác và lĩnh hội mà cũng lại theo chỉ đạo thì sao có thể có tiếng nói riêng, chí hướng riêng? Sau này ra đời, các em cũng sẽ sống như vậy, thiếu chính kiến, dễ dàng bị dẫn dắt và chẳng quan tâm tới cái gì là đúng nếu chẳng may nó đi ngược với xu thế chung.

…Tới nghịch lý của nền giáo dục

Một nền giáo dục coi sự vặn vẹo, lý sự và độc đáo của con trẻ là vùng cấm, thì sẽ không thể đào tạo ra những con người biết lý luận, sáng tạo và ưa khám phá. Và có thể là không hề ngoa khi nói rằng cách dạy và học văn hiện nay đang cho phép học trò dối mình dối người ở một mức độ nào đó.

Các em không cảm thấy sống sượng khi tâng bốc những điều mà thật sự mình không cảm nhận được. Thầy cô cũng không cần biết những lời hay ý đẹp kia có thật lòng hay không, miễn là nó đúng theo dàn ý mẫu. Nó trở thành một thói quen dối trá đi theo các em từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Từ dối trá và thủ tiêu sự khác biệt, các em sẽ mang vào xã hội sự hẹp hòi, khắt khe và phán xét thiếu khách quan.

Và hóa ra, việc dạy văn đã đi ngược lại với mục đích học văn, để cuối cùng lại ngăn cản học sinh được tự do cảm nhận, nêu lên ý kiến và thu về chút cảm hứng sống tốt. Giáo dục chắc chắn là nền tảng của mọi xã hội. Từ một đề thi khiến bao sĩ tử bị lệch tủ, có thể thấy cách dạy tù túng của môn văn và nền giáo dục không thúc đẩy được khả năng quan sát, sử dụng tri thức hữu hiệu. Ngược lại, nó chỉ đang khiến học sinh cố học cho thật nhiều kiến thức mà chẳng hiểu gì về kiến thức đó, chẳng có năng lực phân biệt được tốt xấu đúng sai.

Như nhà văn Nguyễn Duy Cần có viết:

“Học là để cho tâm hồn càng ngày càng cao hơn, rộng hơn. Có cao, có rộng thì mới tránh được cái nạn ‘thiên kiến’, ‘chấp nhất’ của những đầu óc hẹp hòi.

‘Óc hẹp hòi’ theo Charles Baudoin, là những đầu óc không thưởng thức nổi những gì mình không ưa thích. Ông lại nói ‘Từ sự không văn hóa đến lòng thiên chấp, chỉ có một bước mà thôi’. Thật có như vậy” – (Trích “Tôi tự học”).

Thế mà học văn hay học văn hóa ngày nay không những không làm cho tâm hồn con trẻ cao hơn, rộng hơn mà còn khiến chúng có tầm nhìn hạn hẹp, chỉ thấy việc học là để sau này tiến thân cho nhanh cho cao.

Cụ Phan Bội Châu xưa đã từng than thay cho cái tầm nhìn hạn hẹp của người trẻ khi chỉ biết tới tiền tài danh vọng: “…miệng chưa ráo sữa đã lóc lẻm những thẻ bạc bài ngà, ức chưa rời nôi mà ao ước những mề đay kim khánh. Ôi! Thế là vinh danh hay sao? Quý hóa hay sao?”.

Nguyễn Trọng Thuật lại nói:

“Vô luận Tây học hay Nho học, hễ theo học nó mà không thâm đắc được chỗ tinh thần, không suy diễn làm ra của riêng mình, không truyền thụ được cho đất nước, thì đều là hủ bại cả. Mà cái hủ bại ấy mới là hủ bại tày đình, hủ bại cho cả nòi giống” – (Trích “Người xưa cảnh tỉnh”).

Đến bao giờ sĩ tử đi thi tự tin không sợ “tủ đè”, thậm chí còn được mở sách mà làm bài, thì đó chính là lúc cái kết quả học tập của họ được thể hiện ra ở tầm cao hơn là chỉ học vẹt. Và trình độ của các thầy cô giáo chấm thi cũng đã cao hơn là chỉ kiểm tra bài cũ.

https://www.dkn.tv/

Related posts

Nữ CEO Đại Nam gửi lời cảnh báo tới con gái ruột cố ca sĩ Phi Nhung và tương lai của 23 người con nuôi

Tin Tức Đa Chiều

Thủ tướng nói: Cần tránh mở cửa rồi lại đóng cửa ngay

Tin Tức Đa Chiều

Nữ phiên dịch viên đẹp thế này mà Trump cũng không màng?

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment