Bão lũ miền Trung trong những ngày vừa qua đã cuốn trôi biết bao nhà cửa, tài sản của người dân. Một số nơi nước đang bắt đầu rút dần, để lộ ra đống hoang tàn sau cơn lũ quét.
Đợt mưa lũ ở 12 tỉnh thành miền Trung và Tây Nguyên kéo dài từ đêm 5/10 đến nay đã khiến khoảng 371 ha lúa bị ngập; khoảng 7.000 ha hoa màu hư hại; hơn 5.800 gia súc và 680.000 gia cầm bị chết, cuốn trôi; cùng với 133 người chết và mất tích.
Tính đến nay, nước đã rút dần ở một số tỉnh, nhưng vẫn còn một số tuyến đường vùng thấp trũng, như các khu đô thị tại các tỉnh ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, đặc biệt tại các huyện: Hà Tĩnh: Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ, Vũ Quang, Thạch Hà, Cẩm Khê, Cẩm Xuyên, Can Lộc, thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh; Quảng Bình: Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Lệ Thủy… là vẫn còn chìm trong biển nước.
Tài sản mất sạch chỉ sau vài phút
Một số nơi mặc dù nước lũ đang rút dần, nhưng người dân vẫn tiếp tục phải đối mặt với cảnh tay trắng sau trận lũ lịch sử. Toàn bộ tài sản đã bị cuốn trôi đi hết, chỉ còn lại một đống hoang tàn.
Anh Nguyễn Hữu Hưng (46 tuổi, đội 1, thôn Phú Liêu, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, Quảng Trị), có mỗi đàn vịt để nuôi sống cả gia đình 6 miệng ăn. Thế nhưng, trong đợt lũ này toàn bộ số vịt đã mất sạch.
Nhớ lại hôm kinh hoàng ấy, anh cho biết, thời điểm đó là 5 giờ sáng 17/10, mưa gió rất mạnh, anh vội chèo ghe ra sông để lùa đàn vịt mấy ngàn con về, để không bị trôi hết.
Nào ngờ nước lũ dâng lên quá nhanh, khiến ghe bị lật úp, anh phải dùng hết sức để bơi vào bờ cứu được tính mạng, còn đàn vịt thì bị cuốn trôi gần một nửa, rồi đến tối thì một nửa ấy cũng mất sạch.
“Lũ lên nhanh chưa từng thấy, mất sạch tài sản rồi! Đứng trên bờ nhìn mấy ngàn con vịt trôi theo dòng nước lũ mà chảy nước mắt. Mình nghèo, chừ mất gần hết làm sao sống.
Tui tính bơi qua lùa nốt chỗ vịt còn lại ở đây vào bờ nhưng gió dữ quá, đến tối thì số này cũng bị lũ cuốn trôi mất…”
Được biết, nhà anh Hưng hiện tại còn phải nuôi 3 người con ăn học, cùng với cha mẹ già, vợ anh thì đã bỏ nhà đi từ lâu, mọi thứ trong gia đình là một tay anh vun vén. Nay cần câu cơm duy nhất trong nhà là bầy vịt đã mất hết, anh Hưng trắng tay, phải làm lại từ đầu.
“Chừ nói ngân hàng, chủ bán thức ăn cho khất nợ rồi kiếm chi chăn nuôi lại, trả dần dần chứ biết răng”, anh nén tiếng thở dài.
Một gia đình khác cũng tại thôn thôn Phú Liêu, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Ông Nguyễn Hữu Phương buồn bã kể lại:
“9 giờ sáng nước bất ngờ dâng cao, chảy xiết, cả nhà bốn người chạy ra lùa vịt nhưng nước ngập quá sâu. Cả nhà chỉ còn biết bất lực đứng nhìn 4.000 con vịt, tài sản cả đời của cả gia đình trôi đi trong vô vọng. Chỉ trong 10 phút, chúng tôi mất sạch tài sản. Tổng thiệt hại cũng gần 1 tỉ đồng”.
Tại xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, hình ảnh người đàn ông 55 tuổi, bất lực nhìn căn nhà của mình đồ đạc, tài sản bị trôi theo dòng lũ, ông chỉ kịp kéo mỗi con heo nái đi tránh bão, hiện nó cũng là tài sản có giá trị duy nhất mà ông giữ được.
“Nhà được 1 con trâu đực để sản xuất nhưng lũ cuốn mất rồi, 2 tấn lúa, rồi gà vịt cũng bị chìm trong nước, bị cuốn trôi. Nước lũ cuốn trôi hết cả rồi”, người đàn ông bật khóc.
Cũng gần đó, một người phụ nữ vừa nhận thức ăn từ đoàn cứu trợ, chị vừa khóc nức nở cho biết tổng cộng 7 con heo và đàn gà của chị đã chết hết. Bây giờ chị trắng tay rồi.
Ở xã Hương Sơn (huyện Cẩm Xuyên), nhiều gia đình cũng khóc cạn nước mắt, khi chứng kiến đàn bò của mình bị lũ cuốn chết hết. Đối với bà con xã Hương Sơn, bò không chỉ là người bạn, còn là tài sản để duy trì thu nhập hằng ngày cho họ.
Hình ảnh một người phụ nữ nhìn đàn bò đã chết của mình, cô vuốt ve nó, vừa khóc thương tâm vừa than trách: “Rứa là mất hết rồi, còn chi mô“.
Nhiều nơi ngập nước, người dân phải trú trên nóc nhà, không còn thức ăn, cầu cứu trong vô vọng
Mặc dù tại một số tỉnh nước đã rút, nhưng vẫn còn nhiều nơi đang chìm trong biển nước mênh mông cao đến 3-4m, nhiều ngôi nhà nước ngập dâng qua đầu, một số nhà phải phá ngói, tháo tôn để lên nóc nhà chờ đội cứu hộ đến cứu trợ.
Đặc biệt tại huyện Lệ Thủy hiện nay, người dân vẫn đang bị cô lập, các đoàn tiếp tế không thể tiếp cận bằng ghe, thuyền mà chỉ có thể sử dụng canô lớn của lực lượng chức năng mới có thể chở qua được.
Nhiều nhà lương thực, nước uống tích trữ dần sắp cạn kiệt, một số nhà còn có con nhỏ và người già, hàng xóm,… nên phải lên mạng cầu cứu rất bi thương, nhưng vẫn chưa có đội cứu hộ nào có thể đến kịp thời.
Một người may mắn được cứu trợ, là ông Nguyễn Văn Hạt (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) cho hay, cả nhà ông đã 3 ngày đêm trú trên nóc nhà, chỉ nhai mì gói cầm cự qua ngày.