Tin tức Đa Chiều
Việt Nam

VN lặng lẽ đóng tàu vỏ sắt cho lực lượng ‘dân quân biển’

CSVN lặng lẽ đóng tàu vỏ sắt cho lực lượng “dân quân biển” mà họ gọi là “Hải Đội Dân Quân Thường Trực” góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Hôm Thứ Năm, 2 Tháng Mười Hai, báo chí tại Việt Nam đưa tin “Việt Nam-Trung Quốc đàm phán về vấn đề trên biển.” Trong cuộc họp diễn ra một ngày trước đó được báo Người Lao Động kể lại: “Hai bên đã trình bày thực chất quan điểm của mỗi bên và đi sâu trao đổi ý kiến về vấn đề phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.”

Cuộc họp này còn “bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển trên biển trên tinh thần tuần tự, tiệm tiến, dễ trước khó sau, tôn trọng lẫn nhau, trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).”

Các cuôc họp hằng năm này đã có suốt một chục năm nay nhưng không thấy kết quả thế nào cụ thể.

Cuộc họp đàm phán về “các vấn đề trên biển” diễn ra cùng với cuộc viếng thăm Trung Quốc của ông Bùi Thanh Sơn, bộ trưởng Ngoại Giao Việt Nam, từ ngày 2 đến 4 Tháng Mười Hai. Khi ông Sơn họp với ông Vương Nghị, bộ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc, Thông Tấn Xã Việt Nam tuyên truyền rằng: “Hai bên trao đổi ý kiến thẳng thắn về vấn đề biên giới lãnh thổ; nhất trí tuân thủ nghiêm túc ba văn kiện pháp lý, phối hợp quản lý tốt biên giới trên đất liền, kịp thời trao đổi, xử lý vấn đề nảy sinh, cùng nhau xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển. Hai bên nhất trí tiếp tục tuân thủ nghiêm túc nhận thức chung cấp cao, thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, cùng duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.”

Đó là những lời tuyên truyền luôn luôn được lặp đi lặp lại mỗi khi lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc gặp nhau, trái ngược với những gì xảy ra trong thực tế.

Chỉ vài ngày trước đó, một bản tin nhỏ trên tờ Quân Đội Nhân Dân viết: “Sáng 28 Tháng Mười Một, Bộ Chỉ Huy Quân Sự tỉnh Kiên Giang đã tổ chức tiếp nhận các tàu cho Hải Đội Dân Quân Thường Trực đợt 1 (2019-2022) do Cục Dân Quân Tự Vệ, Bộ Tổng Tham Mưu làm chủ đầu tư.”

Không thấy bản tin này cho biết Bộ Chỉ Huy Quân Sự tỉnh Kiên Giang tiếp nhận mấy chiếc tàu cho “Hải Đội Dân Quân Thường Trực” của tỉnh mà tấm hình thấy có bốn chiếc, và sẽ còn bao nhiêu tàu nữa sẽ được cung cấp, tàu to nhỏ, dài ngắn và trọng tải bao nhiêu. Mấy tháng trước, ngày 9 Tháng Sáu, tờ Tuổi Trẻ tường thuật buổi lễ thành lập “Hải Đội Dân Quân Thường Trực” tại tỉnh Kiên Giang.

Nhiệm vụ của lực lượng này được mô tả “có nhiệm vụ tuần tra, phối hợp với các lực lượng khác làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ ngư trường, ngư dân. Phối hợp bảo vệ an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm, tham gia cứu hộ, cứu nạn, vận tải, tiếp tế trên biển, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo…”

Theo báo Tuổi Trẻ, trước khi lực lượng này được chính thức thành lập, các binh sĩ “đã được đưa đi đào tạo bài bản” tại Học Viện Hải Quân và Trường Cao Đẳng Kỹ Thuật Hải Quân. Tờ báo còn cho biết thêm rằng “Hải Hải Đội Dân Quân Thường Trực” được trang bị chín tàu làm nhiệm vụ, trong đó có tàu công suất lớn, “bảo đảm đáp ứng hoạt động làm nhiệm vụ kinh tế quốc phòng ở các vùng biển xa bờ, trong điều kiện thời tiết biển động mạnh.”

Tuy báo Tuổi Trẻ gọi đây là “Hải Đội Dân Quân Thường Trực đầu tiên của cả nước” nhưng theo báo Bà Rịa-Vũng Tàu hồi Tháng Tư, một lực lượng tương tự đã được thành lập tại tỉnh này.

Tờ South China Moring Post hồi trung tuần Tháng Tư thuật lại bài viết trên tạp chí Naval and Merchant Ships của Trung Quốc cáo buộc hàng trăm tàu “dân quân biển” Việt Nam hoạt động gần đảo Hải Nam và khu vực các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa “đe dọa lực lượng thực thi pháp luật hàng hải và an ninh quốc phòng của Trung Quốc.”

Một số trong số hơn 200 chiếc tàu “dân quân biển” Trung Quốc bỏ neo đậu lỳ tại đá Ba Đầu, thuộc cụm đảo và bãi đá ngầm Sinh Tồn quần đảo Trường Sa, hồi Tháng Ba, 2021. (Hình: NTFWPS/AP)
Ông Đoàn Khắc Việt, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao, gọi tin đó là “thông tin xuyên tạc” nhưng ông ta không giấu là Việt Nam cũng có “dân quân tự vệ biển” mà ông ta nói rằng lực lượng này “là một thành phần của lực lượng dân quân tự vệ Việt Nam, có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển và tổ quốc, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển đảo.”

Việt Nam mới bắt đầu có những chiếc tàu đầu tiên được đóng cho “Hải Đội Dân Quân Thường Trực” trong khi Trung Quốc đã có từ cả chục năm nay một lực lượng bán quân sự đông hàng ngàn chiếc với trọng tải trung bình 200 tấn.

Theo Người Việt

Related posts

Nơi đầu tiên được VN cho mở cửa du khách trở lại dù mới có 35% người được tiêm

Tin Tức Đa Chiều

Công an lên tiếng về việc không báo với gia đình nạn nhân đã tự chôn cất người bị nạn ngay trong đêm

Tin Tức Đa Chiều

Nhiều điểm du lịch ở Bà Rịa – Vũng Tàu được hoạt động lại sau 15/9

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment