7 quốc gia giúp Đài Loan tự đóng tàu ngầm khiến Trung Quốc tức giận. Hôm 29/11, hãng tin Anh Reuters dẫn các nguồn tin cho biết Đài Loan đang chế tạo tàu ngầm với sự giúp đỡ bí mật của Mỹ, Anh và 5 nước khác; phía Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ trước thông tin này.
Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 30/11, qua điều tra của Hãng tin Anh Reuters, Mỹ đã cung cấp cho Đài Loan những công nghệ then chốt, bao gồm các bộ phận của hệ thống chiến đấu và sonar; nhiều công ty quốc phòng Anh đã xin được giấy phép xuất khẩu của chính phủ Anh trong ba năm qua, cho phép họ hỗ trợ quan trọng cho Đài Loan, bao gồm cả linh kiện, công nghệ và phần mềm dùng cho tàu ngầm.
Chuẩn tướng Ian McGhie, cựu chỉ huy hạm đội tàu ngầm của Hải quân Hoàng gia Anh đã nghỉ hưu, hỗ trợ một công ty có trụ sở đặt tại Gibraltar, lãnh thổ của Anh, tuyển mộ nhiều kỹ sư, bao gồm cả những nhân viên của Hải quân Hoàng gia Anh đã nghỉ hưu để giúp Đài Loan.
Ngoài Mỹ và Anh, bản tin của Reuters cũng đề cập đến việc Đài Loan đã thuê được nhiều kỹ sư, kỹ thuật viên và cựu quan chức hải quân của Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Tây Ban Nha và Canada để tư vấn chuyên môn cho một xưởng đóng tàu ở Cao Hùng, Đài Loan.
Đáp lại các thông tin nói trên, cơ quan Quốc phòng Đài Loan tuyên bố rằng các thách thức khác nhau đối với việc chế tạo tàu ngầm của Đài Loan đã được loại bỏ và “công việc đang được tiến hành theo kế hoạch”.
Ông Rupert Hammond Chambers, Chủ tịch “US-Taiwan Business Council” (Phòng Thương mại Mỹ – Đài Loan), xác nhận với Reuters rằng Đài Loan thực sự đã tuyển dụng được các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới để chế tạo tàu ngầm.
Ông nói: “Đây là một trò chơi ghép hình”. Đài Loan cần phải tìm kiếm trên thị trường thế giới những công nghệ và linh kiện không thể mua được ở Đài Loan. Vì vậy, Đài Loan cắt miếng bánh ga-tô ra thành từng phần nhỏ; những công nghệ đó phải nhờ vào sự hỗ trợ của bên ngoài.
Bản tin của Reuters tiết lộ, kể từ khi chính quyền của Đảng Dân chủ Tiến bộ Đài Loan khởi động Dự án “tự chế tàu ngầm” vào năm 2017, khu vực Đài Loan đã bí mật có được công nghệ, linh kiện và nhân viên kỹ thuật tàu ngầm từ ít nhất 7 quốc gia, với ý đồ chế tạo một đơn vị tàu ngầm có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho lực lượng tàu ngầm và tàu mặt nước của PLA trong điều được gọi là “hành động tấn công” của họ.
Đài Loan nuôi mộng có hạm đội tàu ngầm đủ mạnh để đối phó với các tàu ngầm và tàu nổi của Trung Quốc (Ảnh: Dwnews),
Trang tin Guancha (Nhà quan sát) của Trung Quốc ngày 30/11 phân tích, “sự hỗ trợ” mà chính quyền Đài Loan nhận được chủ yếu đến từ Mỹ và Anh. Các nhà cung cấp vũ khí của Mỹ đã cung cấp cho Đài Loan nhiều công nghệ then chốt như các thành phần hệ thống chiến đấu và sonar
Nước Anh còn mừng hơn nữa, các công ty và chuyên gia quốc phòng trong nước Anh không chỉ tích cực cung cấp công nghệ cho Đài Loan mà còn chủ động “chắp nối bắc cầu” để “chiêu mộ nhân tài” cho chính quyền Đài Loan.
Theo các thông tin giao dịch mà cơ quan Thương mại Quốc tế Anh có được theo quy định của pháp luật liên quan, trong ba năm qua, Vương quốc Anh đã phê chuẩn một số lượng tăng gấp bội hàng năm các giấy phép cho các công ty Anh xuất khẩu các linh kiện, công nghệ hoặc phần mềm tàu ngầm sang Đài Loan.
Theo báo cáo, phân tích dữ liệu của chính phủ Anh cho thấy giá trị công nghệ tàu ngầm được chấp thuận xuất khẩu từ Anh sang Đài Loan đã tăng theo cấp số nhân trong những năm gần đây.
Các cựu sĩ quan hải quân Anh đang tuyển dụng các “chuyên gia tàu ngầm” để tham gia vào dự án. Một nguồn tin tiết lộ rằng Ian McGhie, một Chuẩn tướng đã nghỉ hưu của lực lượng tàu ngầm của Hải quân Hoàng gia Anh, đóng vai trò chủ chốt trong việc này, ông này đã giúp một công ty liên quan Đài Loan có trụ sở tại Gibraltar thuê một nhóm cựu thủy thủ Anh có chuyên môn về tàu ngầm.
Việc đóng tàu ngầm đang được khẩn trương thi công (Ảnh: Sohu).
Ngoài Mỹ và Anh, phía Đài Loan cũng đã thuê các kỹ sư, kỹ thuật viên và các sĩ quan hải quân đã nghỉ hưu của Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Tây Ban Nha và Canada. Theo Reuters, những “chuyên gia” này đã tập trung tại một nhà máy đóng tàu ở Cao Hùng, Đài Loan để cung cấp “dịch vụ tư vấn” cho quân đội Đài Loan và Tập đoàn đóng tàu quốc tế Đài Loan (CSBC) là đơn vị chịu trách nhiệm đóng tàu.
Đồng thời, các nhà chức trách Đài Loan đã liên hệ riêng với các công ty nước ngoài để mua các bộ phận và linh kiện cần thiết cho tàu ngầm. Hai “nguồn thạo tin” ở Đài Bắc cho biết Đài Loan thường liên hệ riêng với các công ty nước ngoài để đặt hàng các bộ phận và linh kiện, sau đó các công ty nước ngoài đã xin được “giấy phép xuất khẩu” từ chính phủ của nước họ.
Hai nguồn quen thuộc với vấn đề này khẳng định rằng việc xuất khẩu các bộ phận và thành phần quan trọng cần thiết cho dự án “tự chế tạo tàu ngầm” của Đài Loan đều đã được chính phủ các nước phê duyệt và nhiều trong số đó có liên quan đến các hệ thống chiến đấu.
Chính quyền Đài Loan đã khởi động “dự án tự chế tàu ngầm” từ năm 2017. Các cơ quan truyền thông ủng hộ chính quyền Đảng Dân Tiến trên hòn đảo này trước đó đã trích dẫn các nguồn tin liên quan cho biết rằng tất cả các hạng mục trong “Dự án tự đóng tàu ngầm” của Đài Loan đang “tiến triển thuận lợi”, và chiếc tàu ngầm đầu tiên dự kiến sẽ được hạ thủy vào năm 2023 và bàn giao cho quân đội Đài Loan vào năm 2024.
Quân đội Đài Loan có kế hoạch chế tạo hàng loạt từ 8 đến 12 chiếc tàu ngầm. Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế London cho thấy ngân sách xây dựng và R&D cho tổng cộng 8 tàu ngầm là 16 tỷ USD. Theo thông báo từ chính quyền Đài Loan, họ đã bắt đầu đóng tàu ngầm từ năm ngoái và mục tiêu ban đầu là sẽ bàn giao chiếc đầu tiên trong số 8 chiếc tàu ngầm vào năm 2025, có vẻ mọi việc đang tiến triển nhanh hơn dự kiến.
Công ty CSBC của Đài Loan đã từ chối bình luận về thông tin bị rò rỉ. Cơ quan quốc phòng Đài Loan tuyên bố rằng những thách thức về “Dự án tự đóng tàu ngầm” đều đã được loại bỏ và công việc đang được “thực hiện theo kế hoạch”.