Tin tức Đa Chiều
Thế Giới Tiêu Điểm

Cú “song kiếm hợp bích” khiến Trung Quốc điêu đứng, các nước ĐNÁ sắp được lợi lớn?

Nguồn cung than bị thiếu hụt, xuất khẩu bùng nổ và việc chính quyền địa phương nỗ lực cắt giảm mức tiêu thụ năng lượng công nghiệp nhằm đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải khí carbon như cú “song kiếm hợp bích” khiến nước này rơi vào tình cảnh khủng hoảng thiếu điện nghiêm trọng như hiện nay.

Nhu cầu năng lượng tăng cao trong bối cảnh cần một chiến dịch thúc đẩy sự phục hồi sau đại dịch Covid-19, cùng lúc nguồn cung than sụt giảm theo chiến dịch giảm phát thải của chính phủ Trung Quốc đã tạo ra “cơn bão hoàn hảo” đẩy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào cuộc khủng hoảng thiếu điện tồi tệ nhất từ trước đến nay

Kể từ cuối tháng 9, nhiều vùng của Trung Quốc đã bị thiếu điện trầm trọng. Các chính quyền địa phương đã áp dụng chính sách cắt điện luân phiên đối với những khách hàng sử dụng điện công nghiệp và thậm chí cả người dân. Và hệ quả là gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu khi các nhà máy dệt, thép và các nhà máy khác đóng cửa và sản xuất lao dốc.

GIÁ THAN TĂNG, LÀN SÓNG XUẤT KHẨU BÙNG NỔ

“Tôi chưa bao giờ chứng kiến tình trạng này trong 20 năm làm việc trong lĩnh vực này”, một nhân viên nhà máy điện ở tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc, một trong những khu vực bị mất điện tồi tệ nhất trong vài tuần qua, cho biết. “Giá than đã tăng gần gấp đôi trong năm nay”, nhân viên này nói thêm.

Caixin hôm 26/9 dẫn lời người này cho biết, nhà máy nơi ông làm việc đang thua lỗ trên mỗi kilowatt điện sản xuất và công ty chỉ đủ than để hoạt động trong hai ngày.

Tại tỉnh Hồ Nam, nhiều người đã phải cắt nguồn điện chiếu sáng nơi mặt tiền tòa nhà và biển quảng cáo trong giờ cao điểm. Vào ngày 22/9, chi nhánh của công ty State Grid Co., công ty điện lực lớn nhất nước tại tỉnh Hồ Nam đã cảnh báo rằng, lượng than tồn kho trong tỉnh chỉ đủ cho 9 ngày phát điện. Các nhà máy điện than chiếm gần 50% lượng điện của tỉnh Hồ Nam.

Tình trạng thiếu nguồn cung than đá đã leo thang trên khắp Trung Quốc. Dữ liệu từ cổng thông tin công nghiệp cctd.com.cn cho thấy, tính đến ngày 27/9, số than trong kho tại 8 tỉnh phát triển nhất của Trung Quốc chỉ ở mức 18,29 triệu tấn, giảm 30% so với 1 năm trước. Dung lượng lưu trữ ở nhiều nơi giảm xuống mức thấp nhất từ ​​trước đến nay.

Là quốc gia đầu tiên phục hồi sau đại dịch, Trung Quốc đã nhận đơn đặt hàng sản xuất từ ​​các quốc gia khác vẫn đang phải vật lộn để ngăn chặn làn sóng bùng phát mới. Từ tháng 1 đến tháng 8, tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc đạt mức kỷ lục 13.560 tỷ nhân dân tệ, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Làn sóng xuất khẩu bùng nổ này thật sự nằm ngoài dự đoán của các nhà phân tích. “Không ai dự đoán rằng xuất khẩu sẽ hoạt động tốt như vậy”, một nhà phân tích tài chính cho biết.

Xuất khẩu tăng vọt cũng khiến mức tiêu thụ năng lượng tăng cao, và các nhà máy điện đang phải vật lộn để đảm bảo đủ than cho các máy phát điện trong bối cảnh nguồn cung than giảm và giá tăng. Bởi thực tế là sản xuất điện từ than đá chiếm gần 70% sản lượng điện của Trung Quốc.

Nỗ lực kiềm chế tình trạng dư thừa công suất và các yêu cầu khắt khe hơn về an toàn và môi trường đã làm giảm sản lượng than của Trung Quốc kể từ năm 2016.

Cuộc khủng hoảng điện có thể còn tồi tệ hơn khi mùa đông đến. Sau tháng 9, Trung Quốc có thể thiếu hụt lên tới 222 triệu tấn than trong 5 tháng, tương đương 12% tổng nhu cầu, công ty Sinolink Securities Co. cho biết trong một báo cáo nghiên cứu.

Tình hình còn phức tạp hơn do chiến dịch kiểm soát tình trạng sử dụng năng lượng và khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính nhằm chống biến đổi khí hậu. Vì chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu giảm lượng khí thải carbon vào năm 2030, chính quyền địa phương phải đáp ứng các mục tiêu cụ thể để giảm mức tiêu thụ năng lượng – điều mà nhiều tỉnh thành vẫn chưa thực hiện được.

Một số chính quyền địa phương đã áp dụng các biện pháp quyết liệt như yêu cầu tạm dừng sản xuất để đạt mục tiêu trong quý 3 sau cảnh báo từ chính phủ trung ương.

LỘ RÕ NHỮNG “LỔ HỔNG” CỦA NỀN KINH TẾ SỐ 2 THẾ GIỚI

Nguồn cung than bị thiếu hụt, xuất khẩu bùng nổ và việc chính quyền địa phương nỗ lực cắt giảm mức tiêu thụ năng lượng công nghiệp nhằm đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải khí carbon như một cú “song kiếm hợp bích” khiến nước này rơi vào tình cảnh hiện nay.

Thực tế này làm bùng lên lo ngại làm tăng chi phí sản xuất công nghiệp và phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, các nhà phân tích cho biết.

Thực tế là ngành công nghiệp sản xuất khổng lồ của Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng lớn của việc thiếu điện. Từ các nhà máy nhôm, thép đến các nhà sản xuất hàng dệt may và chế biến đậu tương, tất cả đang được lệnh hạn chế hoạt động.

Chính điều này đã làm bật lên nhu cầu cấp thiết của Trung Quốc trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng.

Trung Quốc đã tăng tốc mở rộng các nguồn cung cấp năng lượng sạch. Theo Hội đồng Điện lực Trung Quốc, sản xuất điện không sử dụng nhiên liệu, bao gồm cả thủy điện và điện hạt nhân, sẽ chiếm 47,3% công suất điện lắp đặt của cả nước vào cuối năm nay, lần đầu tiên vượt mức phát điện bằng than đá.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo, Trung Quốc vẫn cần phải đạt được những tiến bộ trong công nghệ lưu trữ điện năng để thích ứng với tính chất biến động của sản xuất năng lượng mới, vốn dễ bị ảnh hưởng do thời tiết.

Theo ông Chen Guoping, Phó tổng giám đốc State Grid, hệ thống lưới điện phải đối mặt với những thách thức lớn hơn để đối phó với nguồn cung cấp điện không đồng đều từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Vào ngày 30/9, State Grid dự báo tỉnh Liêu Ninh sẽ phải đối mặt với mức thiếu điện tối đa là 5,39 triệu kilowatt, tương đương 15% nhu cầu của tỉnh trong cao điểm mùa đông năm 2020. Chính quyền tỉnh này cảnh báo ngay cả khi đã phân chia nguồn sử dụng điện cho các hộ mua điện công nghiệp, tỉnh này vẫn có nguy cơ phải cắt điện luân phiên.

Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên các nhà điều hành lưới điện ở Trung Quốc buộc phải tạm dừng hoặc phân bổ nguồn cung cấp điện cho khách hàng mua điện công nghiệp, nhưng việc cắt điện tại các khu dân cư là rất hiếm.

“Nó ảnh hưởng đến sinh kế của người dân và là biện pháp cuối cùng trong tình trạng khẩn cấp”, một nhân viên của State Grid cho biết.

Phía nam của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng lớn. Tại trung tâm sản xuất Quảng Đông, nguồn điện thiếu hụt lên tới 10% khi nhu cầu năng lượng của tỉnh này tăng lên mức kỷ lục 141 triệu kilowatt vào cuối tháng 9, tăng 11% so với mức đỉnh của năm ngoái. Một số tỉnh phía nam bao gồm Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam đã phải tổ chức cắt điện luân phiên trong năm nay.

Vào cuối tháng 9, các trung tâm công nghiệp phía đông Trung Quốc và các tỉnh Giang Tô và Chiết Giang đưa ra các biện pháp quyết liệt hơn.

Một số nhà máy thép, luyện nhôm, dệt may và nhiều công ty khác đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do yêu cầu ngừng sản xuất. Tại Chiết Giang, nơi sản xuất hàng dệt may lớn nhất Trung Quốc, 161 doanh nghiệp cũng bị buộc ngừng sản xuất từ ngày 21/9 cho đến cuối tháng. Một số nhà sản xuất nhỏ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng và buộc phải bán tài sản để cứu vãn tình hình.

Chuyên gia Wu Xinyang tại CSC Financial Co cho rằng, với mức tiêu thụ năng lượng cao và tỷ suất lợi nhuận thấp, lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc trong ngành dệt may sẽ tiếp tục bị thu hẹp và lợi thế sẽ dịch chuyển dần sang các nước Đông Nam Á.

Tham vọng kiểm soát năng lượng của Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đến ngành thép lớn nhất thế giới của nước này. Theo China International Capital Corp, 19 tỉnh bị NDRC đưa vào danh sách đen vì không hoàn thành các mục tiêu kiểm soát khí phát thải, chiếm đến 53% trong tổng sản xuất thép của cả nước.

“Tôi chưa bao giờ chứng kiến phải ngừng sản xuất kéo dài quá lâu như vậy”, một giám đốc điều hành nhà máy thép cho biết. Ông dự đoán rằng, trong tháng 10 này tình hình còn tồi tệ hơn nữa.

TRUNG QUỐC SẼ TỰ DO HÓA GIÁ ĐIỆN

Cuộc khủng hoảng thiếu điện năm nay cũng làm nổi bật sự méo mó của thị trường do chính sách định giá điện của chính phủ Trung Quốc.

Nói về tình trạng khủng hoảng hiện nay của Trung Quốc, ngoài “cơn bão hoàn hảo” trên, các nhà phân tích cho rằng, việc chính phủ nắm quyền định giá điện ở mức thấp đã bóp chết lợi nhuận của các công ty điện lực, khiến họ không có động lực sản xuất.

Trong khi giá than theo giá thị trường, giá điện lại nằm trong tầm kiểm soát của nhà nước. Feng Yongsheng, một nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết khi giá nhiên liệu bao gồm than và khí đốt tự nhiên tăng cao, giá điện vẫn không thay đổi trong khi thực tế các hộ gia đình đã tăng sử dụng điện.

Mặc dù Trung Quốc đã tiến hành một số đợt tái cơ cấu để tự do hóa thị trường điện từ năm 2015, chỉ 30% nguồn cung cấp điện được định giá theo thị trường trong khi phần còn lại vẫn nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ.

Nhưng đã có những dấu hiệu thay đổi dần dần khi một số tỉnh thành như Thượng Hải, Sơn Đông và Quảng Đông cho phép tự do hơn trong việc định giá điện tại địa phương.

Và trong động thái mới nhất và được hoan nghênh, NDRC cho biết Trung Quốc sẽ tự do hóa hoàn toàn giá điện sản xuất từ than nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng điện hiện nay và ngăn chặn thảm kịch tương tự trong tương lai. Theo đó, Bắc Kinh sẽ yêu cầu những khách hàng trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại phải mua loại điện này theo giá thị trường.

Theo NDRC – cơ quan hoạch định về kinh tế hàng đầu Trung Quốc, 100% điện sản xuất từ các nhà máy nhiệt điện than sẽ được định giá theo thị trường, tăng khoảng 70% so với mức giá hiện nay. Nhưng NDRC chưa thông báo thời gian áp dụng giá điện mới.

Related posts

Chuyên gia: Mỹ mắc liên tiếp 4 ‘cái bẫy’ của Trung Quốc trong hội nghị Mỹ-Trung

Tin Tức Đa Chiều

Mạnh Vãn Châu yêu cầu tòa án Canada nới lỏng điều kiện tại ngoại

Tin Tức Đa Chiều

Prager: Nạn kỳ thị người châu Á, lời nói dối mới nhất của phe cánh tả chống Mỹ

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment