Tin tức Đa Chiều
Thế Giới Tiêu Điểm

Tại sao cùng là Hồi giáo cực đoan mà al-Qaeda cay đắng coi IS là kẻ thù?

Cùng là Hồi giáo cực đoan, vì sao al-Qaeda cay đắng coi IS là kẻ thù? Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khởi đầu chỉ là một nhánh của al-Qaeda ở Iraq. Nhưng tổ chức này đã lớn mạnh dần và mở rộng hoạt động sang Syria và một số nước khác, lợi dụng xung đột liên miên để gây dựng lực lượng. Tuy cùng là Hồi giáo cực đoan nhưng al-Qaeda và IS lại cạnh tranh gay gắt với nhau.

Theo Viện Brookings (Mỹ), ảnh hưởng và mô hình của IS bắt đầu lan rộng trong các năm 2014-2015. Thời điểm đó, ngay cả ở nhiều nước Hồi giáo mà IS không có sự hiện diện mạnh mẽ, sự trỗi dậy của tổ chức Hồi giáo cực đoan này vẫn có ảnh hưởng nhất định: thúc đẩy chủ nghĩa bè phái, biến khu vực đang gặp khó khăn trở nên tồi tệ hơn.

Sự trỗi dậy của IS ở Syria và Iraq thời điểm đó không phải chỉ là nỗi lo với Mỹ và phương Tây, mà còn là nỗi sợ với Ayman al-Zawahiri – kẻ kế vị của trùm khủng bố Osama bin Laden.

Trên lý thuyết, thủ lĩnh của al-Qaeda có thể vui mừng trước sự xuất hiện của một nhóm thánh chiến cực đoan, thích hành quyết người Mỹ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự trỗi dậy của IS khiến al-Qaeda có nguy cơ bị tiêu diệt.

Cả hai tổ chức Hồi giáo cực đoan đã cạnh tranh khốc liệt với nhau để giành lấy vị trí lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo.

Trong bài viết đăng trên website của Viện Brookings, Daniel L. Byman, nhà phân tích chính trị người Mỹ chuyên nghiên cứu về chống khủng bố và an ninh Trung Đông, thuộc Trung tâm chính sách Trung Đông, đã phân tích về vấn đề này.

IS tách khỏi al-Qaeda như thế nào?

Tổ chức khủng bố al-Qaeda nổi lên từ một phong trào thánh chiến chống Liên Xô ở Afghanistan những năm 1980. Khi Liên Xô chuẩn bị rút quân khỏi quốc gia Nam Á, Osama bin Laden và các “tay chân” thân tín quyết định tận dụng mạng lưới mà những kẻ này xây dựng để đưa phong trào thánh chiến ra toàn thế giới.

Theo nhà phân tích chính trị Byman, tầm nhìn của Osama bin Laden là tạo ra một đội tiên phong gồm các tay súng ưu tú, có thể lãnh đạo các phong trào thánh chiến toàn cầu và tập hợp hàng trăm nhóm thánh chiến nhỏ thành một nhóm lớn.

Giữa những năm 1990, Osama bin Laden muốn định hướng lại toàn bộ phong trào thánh chiến, tập trung vào Mỹ.

Các vụ tấn công năm 1998 vào 2 đại sứ quán Mỹ tại châu Phi và vụ tấn công khủng bố 11/9 đã khiến al-Qaeda trở thành cái tên khét tiếng toàn cầu.

Dù vụ khủng bố 11/9/2001 đã làm dậy sóng và kích động các phong trào thánh chiến trên thế giới, nhưng phản ứng chống khủng bố của Mỹ sau đó đã tàn phá al-Qaeda.Trong thập kỷ tiếp theo, Mỹ không ngừng truy lùng các thủ lĩnh cấp cao của al-Qaeda, gây rối loạn tài chính, phá hủy các trại huấn luyện, xâm nhập vào hệ thống liên lạc và làm tê liệt các hoạt động của tổ chức khủng bố khét tiếng này.

al-Qaeda vẫn là biểu tượng của phong trào thánh chiến toàn cầu, nhưng việc tổ chức này không thể thực hiện thành công một cuộc tấn công khủng bố lớn vào Mỹ sau vụ 11/9 là minh chứng cho sự suy yếu dần của biểu tượng đó.

Cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden và sự thay thế của Ayman al-Zawahiri – nhân vật chưa đủ tầm ảnh hưởng như Osama bin Laden – càng khiến tên tuổi của al-Qaeda bị giảm sút trầm trọng.

IS khởi đầu là một chi nhánh của al-Qaeda ở Iraq. Sau khi Mỹ đưa quân vào Iraq năm 2003, các nhóm thánh chiến đã phát triển mạnh ở quốc gia này. Phần lớn trong số đó quy tụ dưới trướng Abu Musab al-Zarqawi – một chiến binh thánh chiến Jordan từng sống ở Afghanistan trong những năm 1990 và 2001.

Dù Osama bin Laden đã cung cấp tiền cho Zarqawi để thành lập tổ chức riêng, nhưng ban đầu, Zarqawi vẫn từ chối cam kết trung thành với al-Qaeda. Thủ lĩnh này gia nhập al-Qaeda vì có chung một số mục tiêu với trùm khủng bố bin Laden nhưng vẫn muốn duy trì hoạt động độc lập.

Sau nhiều tháng đàm phán, Zarqawi bất ngờ cam kết trung thành với Osama bin Laden. Năm 2004, nhóm của Zarqawi lấy tên là “al-Qaeda ở Iraq” để xác nhận điều này.

Osama bin Laden từ đó có một chi nhánh tại chiến trường quan trọng nhất của cuộc thánh chiến, vào thời điểm lực lượng chủ chốt của al-Qaeda ở trong tình trạng nguy hiểm. Đổi lại, Zarqawi có được uy tín và các mối quan hệ của al-Qaeda để củng cố vị trí trong khu vực.

Dẫu vậy, ngay trong những ngày đầu thành lập, nhóm của Zarqawi đã xảy ra mâu thuẫn với các thủ lĩnh al-Qaeda. Trong khi bin Laden và kẻ kế vị Zawahiri tập trung vào các mục tiêu Mỹ, Zarqawi và những thủ lĩnh IS nhấn mạnh chiến tranh tôn giáo cùng các cuộc tấn công vào người Hồi giáo dòng Sunni – nhóm bị coi là “bội đạo”.

Các hành động bạo lực bừa bãi của nhánh al-Qaeda ở Iraq, bao gồm cả chống lại người Hồi giáo dòng Sunni, cuối cùng dẫn đến phản ứng từ các bộ lạc dòng Sunni, kết hợp với “sự tăng cường” quân Mỹ ở Iraq năm 2006, khiến nhóm của Zarqawi gặp khó khăn. Cũng trong năm 2006, Zarqawi bị tiêu diệt trong một cuộc không kích của Mỹ ở Iraq. Năm 2010, Abu Bakr al-Baghdadi lên thay thế.

Với al-Qaeda, việc chi nhánh ở Iraq thất bại và mục tiêu chung của tổ chức bị ảnh hưởng là một thảm họa. Thực tế, Adam Gadahn, phát ngôn viên của al-Qaeda khi đó đã khuyên Osama bin Laden công khai “cắt đứt quan hệ” với chi nhánh al-Qaeda ở Iraq vì nhóm này quá bạo lực. Tuy nhiên, điều này không xảy ra.

Khi xung đột nổ ra ở Syria năm 2011 làm dậy sóng cộng đồng Hồi giáo, thủ lĩnh al-Qaeda Zawahiri kêu gọi các chiến binh thánh chiến Iraq tham gia cuộc xung đột. Baghdadi, người nắm quyền lãnh đạo al-Qaeda ở Iraq từ năm 2010, đã cử một lượng nhỏ các tay súng tới Syria để gây dựng lực lượng và căn cứ.

Syria thời điểm đó rất hỗn loạn. Các chiến binh thánh chiến của Baghdadi nhanh chóng thiết lập được căn cứ hoạt động an toàn, kiếm tiền và chiêu mộ tân binh ở đây. Tham vọng của nhánh này là xây dựng tổ chức lớn mạnh, mở rộng địa bàn hoạt động sang cả Syria và Iraq.

Năm 2013, các chiến binh thánh chiến của Baghdadi tự xưng là Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (IS hoặc ISIL), để thể hiện rõ định hướng mới của họ. IS ở Iraq khi đó đối mặt với ít áp lực hơn sau khi Mỹ rút quân khỏi quốc gia này vào cuối năm 2011.

Tại Syria, IS chiếm lĩnh nhiều vùng lãnh thổ và được hưởng lợi khi chính quyền Syria tập trung vào các nhóm ôn hòa hơn, trong khi phe đối lập vẫn còn non trẻ. Cùng lúc đó, Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki đưa ra một loạt chính sách để tăng cường sự ủng hộ ở các khu vực của người Hồi giáo Shiite, loại bỏ người Hồi giáo Sunni khỏi bộ máy quyền lực. Dần dần, IS của Baghdadi có được sự ủng hộ của người dân, giành lại tính hợp pháp ở Iraq, xây dựng căn cứ ở Syria và bổ sung thêm lực lượng.

Dù cuộc xung đột ở Syria đã làm hồi sinh IS (khi đó vẫn là chi nhánh al-Qaeda ở Iraq), nhưng cuối cùng lại khiến nhóm này mâu thuẫn với giới thủ lĩnh al-Qaeda.

Zawahiri, kẻ kế vị bin Laden, khuyến khích chi nhánh ở Iraq tiến vào Syria, nhưng lại muốn lập nhánh riêng ở đây, với chỉ huy là người Syria để dễ có được sự tin tưởng của người dân địa phương. Theo nhà phân tích chính trị Byman, một lý do khác khiến Zawahiri muốn có chỉ huy riêng ở Syria là do không tin tưởng vào lòng trung thành của chi nhánh ở Iraq. Sau lời kêu gọi của thủ lĩnh al-Qaeda, chi nhánh al-Qaeda ở Syria (hay còn gọi là Jabhat al-Nusra) được thành lập. Thành phần chủ yếu của nhóm này là các phần tử IS ở Iraq.

Dù Zawahiri hài lòng với sự thành lập của chi nhánh Syria, Baghdadi và các thủ lĩnh ở Iraq lo ngại rằng chi nhánh này sẽ chỉ tập trung vào Syria mà quên đi Iraq và không tuân theo lệnh của các thủ lĩnh ở Iraq.

Trong một nỗ lực nhằm kiềm chế và thiết lập lại quyền lực của các thủ lĩnh ở Iraq với chi nhánh ở Syria, Baghdadi tuyên bố Jabhat al-Nusra là một phần của chi nhánh ở Iraq. Tuy nhiên, các thủ lĩnh của Jabhat al-Nusra đã cam kết trực tiếp với Zawahiri sẽ duy trì sự độc lập của chi nhánh Syria.

Zawahiri nhận thấy sự bất đồng giữa 2 chi nhánh ở Syria và Iraq sẽ không có lợi cho al-Qaeda, nên cuối năm 2013 đã yêu cầu Baghdadi chấp nhận sự độc lập của Jabhat al-Nusra. Baghdadi chống đối và tuyên bố Jabhat al-Nusra thuộc quyền quản lý của chi nhánh al-Qaeda ở Iraq. Động thái này châm ngòi cho một sự chia rẽ lớn.

Tháng 2/2014, Zawahiri công khai chấm dứt quan hệ với chi nhánh Iraq của Baghdadi.

Hai tháng sau, các tay súng của Baghdadi gây bất ngờ khi chiếm không chỉ phần lớn các khu vực hẻo lánh ở Iraq mà còn cả các thành phố lớn như Mosul và Tikrit. Ngoài ra, nhóm này còn chiếm được các nhà máy lọc dầu, đập thủy điện và một số cửa khẩu biên giới với Syria.

Trong vòng 1 tháng, nhóm của Baghdadi chính thức tuyên bố thành lập nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trên các phần lãnh thổ do nhóm kiểm soát. Baghdadi được bầu làm thủ lĩnh tối cao.

Từ cái gai trong mắt Zawahiri, Baghdadi nay trở thành “đối trọng” thách thức quyền lực của al-Qaeda, đe dọa vị trí lãnh đạo phong trào thánh chiến toàn cầu. Hàng nghìn chiến binh nước ngoài, được thúc đẩy bởi thành công bất ngờ của IS, đã đổ xô tới Syria và Iraq để đầu quân.

Khác biệt không thể khỏa lấp

Tranh chấp giữa al-Qaeda và IS còn hơn cả tranh giành quyền lực trong cộng đồng thánh chiến. Cùng là Hồi giáo cực đoan nhưng al-Qaeda và IS lại có sự khác biệt về kẻ thù chính, chiến lược, chiến thuật và các mối quan tâm cơ bản khác. Sự khác biệt này dẫn đến mâu thuẫn và xung đột không thể khỏa lấp giữa 2 nhóm. Cả hai đều muốn là lãnh đạo của phong trào thánh chiến toàn cầu.

Kẻ thù chính

Mục tiêu cuối cùng của al-Qaeda là lật đổ các chế độ “bội đạo”, tham nhũng ở Trung Đông và thay thế bằng các chính phủ Hồi giáo mà nhóm này coi là “chân chính”. Tuy vậy, kẻ thù chính của tổ chức khủng bố này lại là Mỹ vì al-Qaeda coi Washington là gốc rễ của mọi vấn đề ở Trung Đông.

Bằng cách nhắm mục tiêu vào Mỹ, al-Qaeda tin rằng, Washington cuối cùng sẽ dừng ủng hộ các chế độ Hồi giáo được cho là “bội đạo” và rút quân hoàn toàn khỏi khu vực. Khi Mỹ rút đi, các chế độ Hồi giáo “bội đạo” sẽ dễ bị đánh bại hơn.

al-Qaeda coi những người Hồi giáo dòng Shiite là những kẻ “bội đạo” nhưng coi việc giết hại họ là quá cực đoan, lãng phí tài nguyên và gây bất lợi cho dự án thánh chiến quy mô lớn.

IS không áp dụng chiến lược “kẻ thù từ xa” như al-Qaeda, thay vào đó, sử dụng chiến lược “kẻ thù gần kề”. Kẻ thù chính của tổ chức này là các chế độ “bội đạo” trong cộng đồng Ả rập – cụ thể là chế độ Assad ở Syria và chế độ Abadi ở Iraq.

Giống như những người tiền nhiệm, Baghdadi ủng hộ việc “thanh lọc” cộng đồng Hồi giáo, ưu tiên tấn công những người theo dòng Hồi giáo Shiite và các nhóm tôn giáo thiểu số như phong trào Hezbollah (Lebanon), tộc Yazidi (nhóm thiểu số người Kurd ở Iraq)…

al-Qaeda từ lâu sử dụng nhiều chiến lược để đạt được các mục tiêu của tổ chức khủng bố này. Để chống lại Mỹ, al-Qaeda lập các kế hoạch khủng bố để vừa răn đe cộng đồng Hồi giáo, vừa cảnh báo Mỹ nên rút lui khỏi cộng đồng này.

Chiến lược này dựa trên kết quả của 2 sự kiện trước đó mà Washington đều phải rút quân. Thứ nhất là sự kiện Mỹ rút quân khỏi Lebanon năm 1984 sau khi phong trào Hezbollah nã bom vào doanh trại Thủy quân lục chiến và đại sứ quán Mỹ ở nước này. Thứ hai là sự kiện “Diều hâu gãy cánh” ở Somalia năm 1993, khiến nhiều trực thăng Black Hawk bị bắn hạ và lính Mỹ thiệt mạng.

Ngoài ra, al-Qaeda còn hỗ trợ quân nổi dậy ở các nước Hồi giáo chống lại các chế độ mà Mỹ hậu thuẫn.

Cuối cùng, tổ chức khủng bố này thuyết phục người Hồi giáo rằng thánh chiến là nghĩa vụ của họ, đồng thời thuyết phục các chiến binh thánh chiến chấp nhận các mục tiêu của al-Qaeda thay vì các mục tiêu địa phương.

IS có chung một số mục tiêu với al-Qaeda nhưng có cách tiếp cận hoàn toàn khác. Chiến lược của IS là kiểm soát lãnh thổ, củng cố vững chắc và mở rộng vị thế của tổ chức.

Chiến lược này được hình thành, một phần là do ý thức hệ: IS muốn thành lập một nhà nước mà người Hồi giáo có thể sống theo luật Hồi giáo. Một phần khác là do cảm hứng: Bằng cách tạo ra một nhà nước Hồi giáo, IS truyền cảm hứng cho nhiều phong trào khác trong cộng đồng Hồi giáo. Và phần cuối cùng là do chiến lược cơ bản: Bằng cách kiểm soát lãnh thổ, IS có thể xây dựng một đội quân và sử dụng đội quân đó để kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ hơn.

Chiến thuật

Khác biệt về chiến lược thể hiện rõ trong chiến thuật ưa thích của al-Qaeda và IS. al-Qaeda từ lâu ủng hộ và thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn, thảm khốc nhằm vào các mục tiêu chiến lược hoặc mang tính biểu tượng: Vụ tấn công khủng bố 11/9 nhằm vào tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới, Lầu Năm Góc của Mỹ là minh chứng rõ nhất.

Ngoài ra, các vụ đánh bom vào đại sứ quán Mỹ ở Kenya, Tanzania năm 1998, các âm mưu nhằm đánh bom hạ 10 máy bay xuyên Đại Tây Dương đều cho thấy quy mô lớn của các hoạt động khủng bố của al-Qaeda.

Tổ chức khủng bố khét tiếng còn hỗ trợ hàng loạt các cuộc tấn công khủng bố nhỏ hơn nhằm vào phương Tây, người Do Thái, và các mục tiêu khác.

Dù liên tục kêu gọi tấn công chống lại Mỹ và phương Tây, al-Qaeda không ra tay sát hại những người phương Tây phục vụ lợi ích của tổ chức này.

al-Qaeda nhiều lần cho phép các nhà báo phương Tây đi vào nơi trú ẩn của tổ chức và được phép phỏng vấn trực tiếp Osama bin Laden. Theo nhà phân tích chính trị Byman, chủ nghĩa khủng bố sẽ không là gì nếu không ai chú ý và biết tới sự tồn tại của nó. al-Qaeda cũng có cách đối xử tương tự với các nhân viên cứu trợ phương Tây hoạt động ở Trung Đông.

Nhà nước Hồi giáo IS phát triển từ các cuộc nội chiến ở Iraq và Syria nên chiến thuật của tổ chức này thể hiện rõ điều đó. IS thường tìm cách chinh phục nên thường tập trung hỏa lực và lực lượng khi tấn công các vùng lãnh thổ mới hoặc bảo vệ lãnh thổ hiện có.

Trong bối cảnh khu vực, IS sử dụng hoạt động khủng bố làm suy yếu tinh thần của quân đội và cảnh sát địa phương, kích động xung đột giáo phái.

Trong các vùng lãnh thổ mà IS kiểm soát, tổ chức này thường áp dụng các biện pháp man rợ như hành quyết hàng loạt, chặt đầu công khai, đóng đinh… để khủng bố người dân, “thanh lọc” cộng đồng.

Cuộc chiến giành ảnh hưởng

al-Qaeda và IS đều tuyên bố là lãnh đạo của phong trào thánh chiến trong cộng đồng Hồi giáo. Sau vụ khủng bố 11/9, al-Qaeda bắt đầu thành lập các chi nhánh hoặc liên minh với các nhóm nổi dậy để mở rộng phạm vi hoạt động, đồng thời gây dựng tiếng tăm ở các nước Trung Đông thông qua các chi nhánh.

Để cạnh tranh với IS, al-Qaeda đã tăng cường liên kết, thiết lập mối quan hệ với các nhóm ở Caucasus, Tunisia và Ấn Độ. IS cũng có các hoạt động tương tự al-Qaeda. Bất cứ nơi nào có thánh chiến, ở đó có sự cạnh tranh của 2 tổ chức Hồi giáo cực đoan này. Afghanistan, Algeria, Libya, Pakistan, Sinai, Yemen, và một số vùng đất Hồi giáo khác là những nơi xảy ra cạnh tranh quyết liệt.

IS nhận được sự hỗ trợ từ một số nhóm thánh chiến lớn. Boko Haram ở Nigeria và Ansar Bayt al-Maqdis ở Ai Cập là 2 trong số đó. Hai nhóm này được xác nhận là các chi nhánh chính thức của IS.

Tháng 9/2015, Zawahiri của al-Qaeda công khai chỉ trích thủ lĩnh tối cao Baghdadi của IS và chính thức tuyên chiến với tổ chức này, theo ABC News.

Zawahiri tuyên bố “không còn lựa chọn nào khác” ngoài việc tiêu diệt IS, cùng với đó là giọng điệu giận dữ nhằm vào Baghdadi. Kẻ đứng đầu al-Qaeda cáo buộc thủ lĩnh tối cao IS đã “dụ dỗ”, kêu gọi người Hồi giáo trên thế giới phải “phục tùng”.

“Chúng tôi đã phải chịu đựng rất nhiều tổn hại do Baghdadi và IS gây ra. Chúng tôi muốn giải quyết vấn đề theo cách nhẹ nhàng nhất có thể. Tuy nhiên, Baghdadi và IS đã khiến chúng tôi buộc phải tuyên chiến vì đã dụ dỗ các tay súng phản bội lời thề trung thành với al-Qaeda”, Zawahiri nói trong đoạn ghi âm năm 2015.

Related posts

TQ ‘đuổi chiến hạm Mỹ’ gần Hoàng Sa dịp 5 năm phán quyết PCA

Dân biểu Mỹ đề xuất tuyên bố bản luận tội đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden

Tin Tức Đa Chiều

Tranh cãi khi Trung Quốc tiếp tục ý tưởng siêu thuỷ điện khổng lồ là tại sao?

Leave a Comment