Tin tức Đa Chiều
Thế Giới Tiêu Điểm

Bà Harris lên án Trung Quốc về hành vi cưỡng bức và đe dọa ở Biển Đông

Hôm 24/8, Phó Tổng thống Kamala Harris đã lên án Bắc Kinh phá hoại trật tự dựa trên luật lệ quốc tế ở Biển Đông trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tại Singapore.

Singapore là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm Đông Nam Á của bà Harris, sau đó bà sẽ tới Việt Nam vào chiều tối 24/8. Chuyến thăm của bà Harris diễn ra vào thời điểm Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đẩy mạnh tuyên truyền rằng Hoa Kỳ là đồng minh không đáng tin cậy trước cuộc khủng hoảng tại Afghanistan.

“Chúng tôi biết rằng Bắc Kinh tiếp tục ép buộc, đe dọa và đưa ra các yêu sách đối với phần lớn Biển Đông,” bà Harris nói và cho biết thêm rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp là “bất hợp pháp” theo phán quyết quốc tế năm 2016.

Bà nói: “Các hành động của Bắc Kinh tiếp tục phá hoại trật tự dựa trên luật lệ và đe dọa chủ quyền của các quốc gia.”

Trong chuyến thăm Đông Nam Á của mình, bà Harris đã tìm cách trấn an các quốc gia cùng chí hướng trong khu vực, nói rằng Hoa Kỳ “sát cánh với các đồng minh và đối tác của chúng tôi” khi đối mặt với các mối đe dọa từ Trung Quốc.

Trung Quốc đã thường xuyên chèn ép các nước khác trong khu vực tiếp cận các ngư trường ở vùng biển Đông tranh chấp. 

Vào tháng 7 năm ngoái, hơn một chục ngư dân Việt Nam đã bị buộc phải nhảy khỏi tàu cá của họ sau khi bị tàu Trung Quốc đâm. Vào tháng Giêng, một ngư dân Philippines cho biết anh ta đã bị Cảnh sát biển Trung Quốc chặn khi đang trên đường đến khu vực đánh cá gần một hòn đảo do Manila quản lý.

Vào tháng 3, hơn 200 tàu Trung Quốc – được cho là của lực lượng dân quân hàng hải của Bắc Kinh – đã neo đậu tại Bãi đá ngầm Whitsun.

Bà Harris cho biết Hoa Kỳ cam kết duy trì tầm nhìn và trở lại một “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, bao gồm tự do trên biển, thương mại không bị cản trở và thúc đẩy nhân quyền.

“Bây giờ, khi chúng ta đang phải đối mặt với các mối đe dọa đó, tôi ở đây để tái khẳng định cam kết của chúng tôi,” bà Harris nói.

Bà cũng đề cập đến cách Washington hợp tác với các quốc gia trong khu vực: “Sự tham gia của chúng tôi ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không nhằm chống lại bất kỳ quốc gia nào. Nó cũng không được thiết kế để khiến bất kỳ ai phải lựa chọn [về phe nào] giữa các quốc gia.”

“Thay vào đó, sự tham gia của chúng tôi là nhằm thúc đẩy một tầm nhìn lạc quan về sự tham gia và quan hệ đối tác của chúng tôi trong khu vực này,” bà nói thêm.

Chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc, bắt đầu sau khi Taliban nhanh chóng tiếp quản thủ đô Kabul của Afghanistan, đã tiếp tục không suy giảm trong chuyến đi của bà Harris. 

Vào ngày 23/8, kênh CGTN của nhà nước Trung Quốc đã xuất bản một bài báo cho ý kiến ​​rằng: “Có vẻ như việc bị bỏ rơi là điều không thể tránh khỏi nếu bạn đặt quá nhiều niềm tin vào Hoa Kỳ”.

Bài báo ​​cũng chỉ trích bà Harris, nói rằng bà sẽ không thể “giải cứu uy tín của Hoa Kỳ” bằng chuyến đi của mình.

Thời báo Hoàn cầu, phương tiện truyền thông nhà nước diều hâu của Trung Quốc, trong một bài báo đăng vào ngày 24/8 đã chế nhạo ý tưởng rằng bà Harris muốn tăng cường quan hệ song phương với Việt Nam, nói rằng mục tiêu như vậy sẽ là “mơ tưởng”.

Bà Harris sẽ đến Việt Nam vào ngày 24/8 trong chuyến thăm ba ngày. Trước khi sang Việt Nam, bà dự kiến ​​tổ chức một cuộc thảo luận bàn tròn với các lãnh đạo doanh nghiệp.

Related posts

Nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Nguyễn Duy Linh bị khởi tố

Ông Biden có ‘phao’ trong buổi họp báo đầu tiên?

Tin Tức Đa Chiều

Người dân Trung Quốc ‘đụng độ’ với hàng trăm cảnh sát chống bạo động

Leave a Comment