Sáng 12/4, TAND thành phố Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 19 bị cáo trong đại án tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) gây thiệt hại hơn 830 tỷ đồng tài sản nhà nước. Các luật sư cho rằng, ông Hoàng Trung Hải khi còn là Phó thủ tướng đã ký nhiều văn bản liên quan đến dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO, nên cần phải được tòa triệu tập để làm rõ.
Phiên tòa do thẩm phán Phan Huy Cương làm chủ tọa. Hơn 30 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo. Phiên xét xử dự kiến diễn ra công khai trong 10 ngày (từ 12/4 đến 22/4), kể cả thứ bảy, chủ nhật.
14 bị cáo, trong đó có 5 người gồm: Mai Văn Tinh (cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam – VNS), Đậu Văn Hùng (cựu tổng giám đốc VNS), Trần Trọng Mừng (cựu tổng giám đốc TISCO), Trần Văn Khâm (cựu chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc TISCO), Ngô Sỹ Hán (cựu phó tổng giám đốc, trưởng ban quản lý dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – TISCO) bị đưa ra xét xử về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
5 bị cáo bị truy tố tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” gồm: Lê Phú Hưng, Nguyễn Minh Xuân, Nguyễn Chí Dũng, Hoàng Ngọc Diệp, Đoàn Thu Trang đều là nguyên thành viên HĐQT VNS.
Trong phần thủ tục, thư ký tòa thông báo ông Đậu Văn Hùng, cựu tổng giám đốc Tổng công ty thép Việt Nam và 2 luật sư bào chữa cho bị cáo này đều vắng mặt. Bị cáo Hùng có đơn xin xét xử vắng mặt do không đủ sức khỏe.
Theo báo Thanh Niên, ngoài đại diện của hơn 5 bộ, ngành đã được tòa gửi giấy triệu tập như Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, một số luật sư còn đề nghị triệu tập thêm các cá nhân có liên quan.
Trong đó, luật sư Nguyễn Đình Khỏe xin triệu tập thêm nhân chứng là nguyên Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, bởi ông Hải là người ký những văn bản rất quan trọng trong vụ án. Luật sư Trần Văn Tạo, người bào chữa cho bị cáo Trần Văn Khâm, cựu Chủ tịch HĐQT, cựu Tổng giám đốc TISCO, cũng đề nghị triệu tập ông Hoàng Trung Hải và ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương, để làm rõ nhiều nội dung trong vụ án – chi tiết cáo trạng.
Vì sao đề nghị triệu tập nguyên Phó thủ tướng?
Theo hồ sơ vụ án, thời điểm tháng 9/2012, sau khi TISCO, VNS và Bộ Công thương xin điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án lên 8/104 tỷ đồng, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan. Đa số các bộ, ngành lấy ý kiến đều phản đối, cho rằng việc tăng mức đầu tư cho dự án hơn 4/200 tỷ đồng là thiếu cơ sở.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Văn bản số 6618 nêu “tổng mức đầu tư của dự án tăng lớn nên hiệu quả dự án đã thay đổi, phải được thẩm định lại về hiệu quả kinh tế – xã hội và tính khả thi”, đồng thời đề nghị Bộ Công thương phải làm rõ trách nhiệm các bên khi tăng mức đầu tư.
Tương tự, Bộ KH-ĐT nêu rõ “nhà thầu MCC chậm tiến độ so với hợp đồng đã ký, chưa có giải pháp khắc phục, vì vậy, không có lý do gì để được điều chỉnh giá”. Bộ Tài chính khi đó cũng cho rằng, việc dự án điều chỉnh tăng 110,8% với đầu tư ban đầu là rất lớn, nhiều nội dung điều chỉnh tăng không rõ và không hợp lý…
Tuy nhiên, ngày 21/4/2013, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 3136 thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải gửi Bộ Công thương và VNS nêu rõ: “HĐQT VNS quyết định chịu trách nhiệm thực hiện việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án theo quy định hiện hành, đảm bảo hiệu quả… Đồng ý về nguyên tắc Ngân hàng phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP công thương xem xét cho vay tiếp…”, đã dẫn đến TISCO cho rằng việc điều chỉnh tổng mức đầu tư đã được Thủ tướng chấp thuận.
Mặt khác, cũng trên cơ sở đề nghị của Bộ Công thương và TISCO, ngày 20/11/2014, ông Hoàng Trung Hải ký Văn bản số 2339 thể hiện nội dung “tiếp tục thực hiện dự án với tổng mức đầu tư điều chỉnh 8.104 tỷ đồng”.
Đáng chú ý, ngày 11/6/2015, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 196 thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải “đồng ý để TISCO thanh toán các khoản chi phí trả cho MCC (vật tư thiết bị hư hỏng bởi gỉ sét, lão hóa do lưu kho lâu ngày)”.