Quốc gia này đã quyết định bắt tay với nền kinh tế lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á sau khi phát đi tín hiệu rõ ràng rằng, Trung Quốc không nên tìm cách “thử vận may” với họ.
Theo trang tin TFI, Kenya đang dần nhận ra những nguy cơ khi có sự đóng góp mạnh mẽ của Trung Quốc trong nền kinh tế nước này.
Kenya vùng thoát khỏi bẫy của Bắc Kinh
Nợ công tích lũy của Kenya đã tăng lên 65.3 tỷ USD và nước này đang cảm thấy gánh nặng nghĩa vụ tài chính, đặc biệt là đối với các khoản vay của chương trình Đường sắt tiêu chuẩn (SGR).
Kenya hiện đang chi 40% nguồn thu từ thuế để trả nợ công. Dự án SGR được xây dựng trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai & Con đường (BRI), và rõ ràng, nước này đang rơi vào tình cảnh mắc kẹt trong một khoản nợ khủng khiếp, đồng thời đối mặt với viễn cảnh chủ quyền của mình bị Trung Quốc lấn lướt.
Dữ liệu cho thấy Kenya đã nhập khẩu gần 4 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc vào năm 2021 nhưng chỉ xuất khẩu 1.5 tỷ USD hàng hóa sang châu Á. Giờ đây, Kenya cảm thấy họ cần phải đa dạng nền kinh tế, thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Đó là lý do giải thích cho mối quan hệ giao hữu giữa quốc gia châu Phi này với Indonesia – nền kinh tế lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Vì sao Kenya lựa chọn Indonesia?
Tháng 3 năm nay, Kenya đã mở đại sứ quán tại Jakarta, thủ đô của Indonesia. Ngoại trưởng Indonesia Retno coi đây là thời điểm quan trọng và nói rằng nó sẽ đưa hai nhà nước xích lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, tại sao Kenya lại lựa chọn Indonesia?
Theo TFI, Indonesia sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 trong năm nay, và Kenya đang hy vọng sẽ nêu bật được các vấn đề của mình trên nền tảng toàn cầu bằng cách thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với Jakarta.
Ví dụ, Kenya đang cố gắng thúc ép Trung Quốc mở cửa nền kinh tế cho các doanh nghiệp Kenya. Quốc gia châu Phi này đang tìm cách đàm phán một thỏa thuận kinh doanh với Bắc Kinh để cho phép họ xuất khẩu nhiều hơn sang Trung Quốc.
Năm 2020, Trung Quốc đứng thứ 11 trong danh sách các điểm đến xuất khẩu của Kenya. Với các thỏa thuận mới, Kenya hy vọng sẽ chứng kiến Trung Quốc đứng ở thứ hạng cao hơn trong danh sách đó. Vì thế, họ đang tìm cách thúc ép Bắc Kinh tự do hóa nền kinh tế, mở cửa hơn nữa cho các quốc gia châu Phi, cũng như ASEAN, thông qua Hội nghị thượng đỉnh G20.
Với hơn 270 triệu dân, Indonesia rất ủng hộ Kenya củng cố mối quan hệ với nước này. Trong một cuộc phỏng vấn, Đại sứ Indonesia tại Kenya – Tiến sĩ Hery Saripudin khẳng định: “Tôi tin rằng mọi sản phẩm từ Kenya đều có thể được người dân Indonesia chấp nhận: từ ca phê, trà, bơ, hoa hồng, cho tới nhiều sản phẩm khác mà các bạn có lợi thế”.
Đại sứ Indonesia cũng cảnh báo Kenya về việc “đặt cược toàn bộ” vào Trung Quốc. Ông Saripudin nói: “Chúng tôi không coi Trung Quốc là nước thứ ba duy nhất, hoặc thuộc hàng đặc biệt khi nói về sự hợp tác giữa hai phía. Chúng ta phải cân bằng. Ví dụ, ở Indonesia, khi bạn đề cập đến tuyến đường sắt nhanh từ Jakarta đến Bandung, tức là đang nói về mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng có các dự án khác với Nhật Bản, các quốc gia phương Tây và Saudi Arabia vì đó là cách để cân bằng. Chúng tôi không muốn chỉ phụ thuộc vào một bên”.
TFI nhận định, đó là một tuyên bố khá táo bạo của Đại sứ Indonesia. Thông điệp của ông đối với Kenya rất đơn giản và rõ ràng: Indonesia sẽ giúp Kenya loại bỏ sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc.
Kenya cũng tự hiểu rằng mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc sẽ đi kèm cái giá rất đắt. Ví dụ họ nhận thấy Trung Quốc đang liều lĩnh giành quyền kiểm soát cảng Mombasa bằng các khoản nợ kinh tế.
Giờ đây, bằng cách tạo dựng mối quan hệ vững chắc với Indonesia, Kenya có cơ hội để loại bỏ ảnh hưởng quá mức của Trung Quốc đối với nền kinh tế của họ, và ngăn cản các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm chiếm đoạt tài nguyên, cũng như tài sản chiến lược của nước này.
Kenya “quá thông minh”, Trung Quốc không lường được
Trong một bài viết hồi tháng 5 năm ngoái, nhà báo – nhà phân tích chính trị Sanbeer Singh Ranhotra nhận định, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát toàn bộ lục địa châu Phi thông qua một bẫy nợ lớn đã thất bại theo một cách khá “tàn khốc”. “Con nợ” gần đây nhất của Bắc Kinh là Kenya, nhưng điều đáng nói là “con nợ” này lại quá thông minh.
Trung Quốc khi đó được cho là đang để mắt tới cảng chiến lược Mombasa của Kenya để trao đổi với những khoản nợ mà Kenya chưa trả được.
Tuy nhiên, chính phủ Kenya đã công khai tuyên bố rằng cảng Mombasa sẽ không phải đối mặt với mối đe dọa từ bất cứ đối tác song phương nào của Kenya [ám chỉ tới Trung Quốc], bởi không có tài sản công nào, đặc biệt là những công trình quan trọng như cảng Mombasa, được cung cấp cho Bắc Kinh như tài sản thế chấp để đổi lấy các khoản vay xa xỉ cho dự án SGR từ ngân hàng Eximbank của Trung Quốc.
Cảng Mombasa là một trong những tài sản mang tính chiến lược cao nhất ở Kenya, mang lại 480 triệu USD doanh thu và 125 triệu USD lợi nhuận cho Kenya chỉ tính riêng trong năm 2019.
“Cảng Mombasa sẽ không chịu tác động xấu từ bất cứ chủ nợ nào đang có các thỏa thuận cho vay với chính phủ Kenya” – Thư ký Nội các Kenya Ukur Yatani cho hay, đồng thời cho biết các tài sản của Cơ quan quản lý cảng Kenya (KPA) và Tổng công ty đường sắt Kenya (KRC) mới được sử dụng làm tài sản thế chấp cho khoản vay phục vụ dự án SGR.
Theo tờ Maritime Executive, để chứng minh cảng Mombasa an toàn trước các yêu sách của Trung Quốc, ông Yatani cho biết thêm rằng, tất cả các thỏa thuận vay bên ngoài của Kenya với các chủ nợ song phương [Chính phủ hoặc cơ quan đại diện cho Chính phủ] đều có những điều khoản cân bằng đi kèm, trong đó các bên cho vay đều có quyền yêu sách như nhau đối với các tài sản được sử dụng để đảm bảo khoản vay.
“Do đó, chính phủ Kenya không thể và đã không dùng tài sản công làm tài sản đảm bảo cho khoản nợ, bởi hành động đó không chỉ vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận cho vay hiện có của Kenya với các chủ nợ song phương, mà quan trọng hơn cả là bởi Kenya đối xử bình đẳng với tất cả các chủ nợ” – Ông Yatani nói.
Nhà phân tích Ranhotra nhận định, có thể thấy, trên cả mức độ tinh vi trong kế hoạch của Kenya nhằm giữ vững cảng chiến lược Mombasa từ tay Trung Quốc là “lằn ranh đỏ” mà quốc gia châu Phi này đã vạch ra cho “con rồng giấy”.
Kenya đã cho thấy sự thông minh của mình và phát đi tín hiệu rõ ràng rằng, Trung Quốc phải tự biết điều, không nên tìm cách “thử vận may” với quốc gia Đông Phi này.