Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn điện lực Việt Nam và các đơn vị trong năm 2021 đều có lợi nhuận; Giá trị nộp ngân sách năm 2021 toàn Tập đoàn đạt 22.440 tỷ đồng. Đáng chú ý, lần đầu tiên, quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vượt qua Indonesia, đứng đầu ASEAN.
Một năm biến động với vận hành hệ thống điện
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm 2022, ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) – cho biết, đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW, tăng gần 7.500 MW so với năm 2020.
Trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) là 20.670MW, chiếm tỷ trọng 27%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vượt Indonesia, lần đầu tiên vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN và các đơn vị trong năm 2021 đều có lợi nhuận; Giá trị nộp ngân sách năm 2021 toàn Tập đoàn đạt 22.440 tỷ đồng.
Tuy nhiên, năm 2021 là một năm vận hành đầy biến động của Hệ thống điện Quốc gia. Nhiều khu vực nhu cầu điện giảm thấp do chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19; Thủy văn diễn biến bất thường và rất khó dự báo;
Đáng chú ý, tỷ trọng các nguồn điện NLTT (đặc biệt điện mặt trời, điện gió) tăng cao gây khó khăn trong điều hành hệ thống và dẫn đến tình trạng “thừa nguồn”, đặc biệt xảy ra vào các ngày lễ và cuối tuần ở khu vực miền Nam nhưng lại thiếu điện cục bộ một số khu vực tại miền Bắc vào một số thời gian cao điểm nắng nóng mùa hè.
“Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đã thực hiện nghiêm túc các quy định về lập lịch, huy động, vận hành và điều độ các nhà máy điện, vận hành tối ưu trong thời gian thực các nguồn điện tái tạo, đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch”, ông Nhân nói.
Mặc dù phụ tải thực tế thấp hơn nhiều so với dự báo, Tập đoàn vẫn đảm bảo vận hành thị trường điện bán buôn cạnh tranh liên tục, ổn định. Hiện tại, có 104 nhà máy điện tham gia trực tiếp trong thị trường điện với tổng công suất 27.957MW, chiếm 36,5% tổng công suất đặt toàn hệ thống.
Cũng trong năm qua, EVN đã đẩy mạnh thu tiền điện không dùng tiền mặt (đạt gần 95%), triển khai các phương thức thanh toán tiền điện mới mang lại thuận lợi cho khách hàng như QRCode, Mobile Money…
Nhiều thách thức trong năm 2022
Năm nay, EVN dự báo sẽ tiếp tục gặp phải nhiều khó khăn, thách thức, như tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp; Nhu cầu điện tăng trưởng không cao trong khi nguồn NLTT chiếm tỷ trọng lớn;
Việc đảm bảo cân đối tài chính của EVN chịu ảnh hưởng lớn của các yếu tố đầu vào biến động khó dự báo như giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát, chính sách tín dụng, tiền tệ.
Công tác đầu tư xây dựng các dự án điện dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn thách thức về huy động vốn, bố trí quỹ đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ngày càng khó khăn, phức tạp đã và sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án lưới điện truyền tải.
“Nhiệm vụ đặt ra trong năm 2022 của EVN là hết sức nặng nề trong cả 2 khía cạnh đảm bảo cung ứng điện và cân đối tài chính. Tuy nhiên, EVN vẫn hướng đến mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt với các diễn biến của dịch Covid-19 và các điều kiện khí tượng thủy văn, các diễn biến kinh tế, xã hội; Đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Không để xảy ra tình trạng thiếu điện”, ông Trần Đình Nhân khẳng định.
Đánh giá về hoạt động của EVN, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh – cho rằng, EVN đã thực hiện tốt nhiệm vụ điều phối, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của nhân dân.
Đặc biệt trong năm 2021, Tập đoàn đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đóng góp vào sự thành công chung của các sự kiện chính trị, văn hóa lớn của đất nước. Ngoài ra, EVN đã tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ, an sinh xã hội và chung sức với Chính phủ, các Bộ ban ngành trung ương và các địa phương trong công tác phòng, chống Covid-19
“Tôi đánh giá cao định hướng, quyết tâm của Tập đoàn trong công tác chuyển đổi số – đây là xu hướng tất yếu để nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp trong thời gian tới. Điều này được thể hiện thông qua Đề án tổng thể Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đến năm 2022, tính đến năm 2025 và kết quả năm thứ 3 liên tiếp, Tập đoàn đã nhận được giải thưởng Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất xắc Việt Nam”, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh nói.
Do đó, trong năm 2022, EVN cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp kinh tế, kỹ thuật kết hợp phòng, chống dịch hiệu quả để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị là đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.
“Ngoài ra, cần lưu ý việc phụ tải có thể tăng cao khi dịch bệnh được kiểm soát, chương trình phục hồi kinh tế được đẩy mạnh trong thời gian sắp tới”, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhấn mạnh.